Hệ thống pháp luật

UỶ BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1311-KHKT/QĐ

Hà Nội, ngày 17 tháng 8 năm 1988

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM

CHỦ NHIỆM UỶ BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT NHÀ NƯỚC

Căn cứ Quyết định số 217-HĐBT ngày 14-11-1987 của Hội đồng Bộ trưởng về các chính sách đổi mới kế hoạch hoá và hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa đối với xí nghiệp quốc doanh; Nghị định số 50-HĐBT ngày 22-3-1988 của Hội đồng Bộ trưởng về Điều lệ xí nghiệp công nghiệp quốc doanh; Nghị định số 27-HĐBT và Nghị định số 28-HĐBT ngày 9-3-1988 của Hội đồng Bộ trưởng về chính sách đối với các đơn vị kinh tế cá thể, kinh tế tư doanh, kinh tế tập thể sản xuất nông nghiệp, dịch vụ công nghiệp, xây dựng, vận tải;
Căn cứ Chỉ thị số 2-CT ngày 6-8-1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về các biện pháp cấp bách nhằm củng cố và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hoá;
Xét yêu cầu quản lý chất lượng đối với sản phẩm của các cơ sở sản xuất thuộc các thành phần kinh tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. - Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc đăng ký chất lượng sản phẩm.

Điều 2. - Tất cả các cơ sở sản xuất sản phẩm thuộc các thành phần kinh tế có trách nhiệm đăng ký chất lượng sản phẩm theo Quy định này.

Điều 3. - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy định này trong cả nước.

Điều 4. - Các Giám đốc Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng khu vực, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức, hướng dẫn việc thực hiện bản Quy định này trong phạn vi quản lý của mình.

Điều 5. - Bản Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký, các quy định trước đây trái với Quy định này đều bị bãi bỏ.

 

 

Đoàn Phương

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1311. KHKT/QĐ ngày 17-8-1988 của Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước).

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Tất cả các sản phẩm của các cơ sở sản xuất thuộc các thành phần kinh tế đều phải đăng ký chất lượng sản phẩm theo đúng nội dung và thủ tục Quy định này.

Sản phẩm thuộc bí mật quốc gia, sản phẩm chỉ phục vụ cho các mục tiêu quốc phòng và an ninh, sản phẩm là thuốc chữa bệnh , sản phẩm không qua gia công chế biến, công trình xây dựng không thuộc đối tượng đăng ký chất lượng sản phẩm theo Quy định này.

2. Chỉ tiêu và mức chất lượng sản phẩm được đăng ký là cơ sở pháp lý về chất lượng trong việc ký kết hợp đồng kinh tế, xử lý tranh chấp trọng tài và trong công tác thanh tra, kiểm tra về chất lượng hàng hoá.

3. Căn cứ để đăng ký chất lượng sản phẩm là tiêu chuẩn hoặc các quy định về chất lượng do cơ sở sản xuất xây dựng theo năng lực, điều kiện sản xuất của mình với sự thoả thuận của khách hàng, nhưng phải phù hợp với những quy định về an toàn, vệ sinh và các giới hạn tối thiểu (hoặc tối đa) về chất lượng sản phẩm mà Nhà nước cho phép trong các tiêu chuẩn hoặc quy định tạm thời về chất lượng sản phẩm có liên quan.

Đối với các sản phẩm Danh mục trọng điểm mà Nhà nước giao pháp lệnh, thì chỉ tiêu và mức chất lượng sản phẩm đăng ký phải theo đúng các tiêu chuẩn hiện hành.

4. Trung tâm tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng khu vực chịu trách nhiệm cấp số đăng ký chất lượng sản phẩm cho các cơ sở sản xuất quốc doanh Trung ương, và các cơ sở sản xuất khác thuộc Trung ương quản lý trong khu vực.

Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm cấp số đăng ký chất lượng sản phẩm cho các cơ sở sản xuất quốc doanh địa phương, các cơ sở kinh tế tập thể, hộ tư nhân và các cơ sở sản xuất khác thuộc địa phương quản lý.

5. Bản đăng ký chất lượng sản phẩm chỉ có giá trị cho sản phẩm xin đăng ký. Hết thời hạn đăng ký hoặc thay đổi tên sản phẩm, thay đổi các chỉ tiêu và mức chất lượng khác với bản đăng ký đã được cấp số đăng ký, thì phải tiến hành đăng ký lại chất lượng sản phẩm.

Bản đăng ký chất lượng sản phẩm này không thay thế cho phiếu kiểm nghiệm hoặc giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của lô hàng trong giao nhận, tiêu thụ sản phẩm.

II . NỘI DUNG VÀ THỦ TỤC ĐĂNG KÝ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM

1. Hồ sơ đăng ký chất lượng sản phẩm bao gồm:

- Bản đăng ký chất lượng sản phẩm (2 bản).

- Các tài liệu kèm theo (mỗi thứ 1 bản) gồm:

a) Bản tiêu chuẩn cơ sở hoặc quy định về chất lượng sản phẩm (nếu chưa có tiêu chuẩn);

b) Nhãn sản phẩm;

c) Bản hướng dẫn sử dụng và bảo hành sản phẩm (nếu có).

2. Nội dung chủ yếu của bản đăng ký chất lượng sản phẩm là:

- Tên các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm và mức các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm mà cơ sở sản xuất đăng ký. (Các chỉ tiêu và mức chất lượng đăng ký này do cơ sở sản xuất tự tổ chức đánh giá, xác định và ghi trong tiêu chuẩn cơ sở hoặc các quy định về chất lượng sản phẩm của cơ sở, nếu chưa có tiêu chuẩn).

- Thời hạn sản xuất;

- Cam đoan thực hiện sản xuất sản phẩm theo đúng chất lượng đã đăng ký.

3. Nhãn sản phẩm cần thể hiện được các đặc trưng và nguồn gốc của sản phẩm như:

- Tên sản phẩm; Tên cơ sở sản xuất và địa chỉ;

- Chỉ tiêu và mức chất lượng chính: khối lượng và số lượng sản phẩm trong đơn vị bao gói;

- Số hiệu tiêu chuẩn của sản phẩm (nếu có);

- Nhãn hiệu hàng hoá đã đăng ký (nếu có);

- Thời gian sản xuất, thời gian bảo hành;

- Số đăng ký chất lượng sản phẩm;

- Số đăng ký sản xuất kinh doanh.

4. Khi đăng ký chất lượng sản phẩm, các cơ sở sản xuất phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thuật các quy định về chất lượng có liên quan, tự tổ chức đánh giá chất lượng sản phẩm do mình sản xuất ra, chuẩn bị đầy đủ tài liệu và nộp hồ sơ xin đăng ký chất lượng sản phẩm cho cơ quan Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng theo sự phân cấp đã quy định ở điều 4, phần I.

5. Thủ tục xem xét và cấp số đăng ký chất lượng sản phẩm của các cơ quan Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng theo trình tự sau:

a) Đối chiếu các chỉ tiêu và mức chất lượng sản phẩm ghi trong bản đăng ký của cơ sở sản xuất, với các quy định tại điều 3, phần I.

b) Nếu chỉ tiêu và mức chất lượng sản phẩm đăng ký phù hợp, đồng thời các thủ tục , hồ sơ đăng ký đầy đủ, hợp lệ thì:

- Cấp số đăng ký chất lượng sản phẩm;

- Vào sổ đăng ký và lưu trữ hồ sơ đăng ký;

- Trả lại cho cơ sở sản xuất một bản đăng ký chất lượng sản phẩm đã được cấp số đăng ký.

c) Nếu hồ sơ đăng ký chất lượng sản phẩm đầy đủ nhưng các chỉ tiêu và mức chất lượng sản phẩm đăng ký không phù hợp thì thông báo không cấp số đăng ký chất lượng sản phẩm và trả lại hồ sơ cho cơ sở xin đăng ký chất lượng sản phẩm, đồng thời ghi sổ theo dõi của cơ quan đăng ký.

Trường hợp hồ sơ không đầy đủ nhưng chỉ tiêu và mức chất lượng sản phẩm đăng ký phù hợp thì cơ quan đăng ký thông báo cho cơ sở đăng ký bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ để tiến hành cấp số đăng ký.

d) Thời gian hoàn thành việc cấp số đăng ký cũng như việc thông báo không cấp số đăng ký hoặc yêu cầu cơ sở xin đăng ký bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ của các cơ quan cấp số đăng ký không quá 7 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ.

6. Số đăng ký chất lượng sản phẩm được ghi ngay vào bản xin đăng ký chất lượng sản phẩm của cơ sở sản xuất và quy ước như sau:

Số đăng ký gồm hai phần cách nhau bằng gạch chéo, phần trước là số mã hoá của cơ quan cấp số đăng ký. Các số I, II, III tương ứng với các Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng khu vực, còn các Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương thì lấy số quy định của tiêu chuẩn vùng (TCV); phần sau là số thứ tự của sản phẩm được cấp số đăng ký và năm đăng ký chất lượng sản phẩm.

Thí dụ: 1/001-88 (là sản phẩm thứ nhất được cấp số đăng ký chất lượng sản phẩm tại Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng khu vực I năm 1988).

- 01/008-89 (là sản phẩm thứ mười tám được cấp số đăng ký của tỉnh Lai Châu năm 1989).

- 15/017-88 (là sản phẩm thứ mười bảy được cấp số đăng ký chất lượng sản phẩm của thành phố Hà Nội năm 1988).

III. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN ĐĂNG KÝ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM

1. Các cơ sở sản xuất chỉ được phép sản xuất và xuất xưởng giao cho khách hàng những sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng đã đăng ký. Trường hợp vì những lý do khách quan mà cơ sở sản xuất không thể sản xuất được các sản phẩm theo các chỉ tiêu và mức chất lượng đã đăng ký thì phải báo cáo với cơ quan cấp số đăng ký và xin đăng ký lại.

2. Nếu các cơ sở sản xuất không chấp hành nghiêm chỉnh quy định về đăng ký chất lượng sản phẩm hoặc có các hành vi gian dối trong đăng ký chất lượng sản phẩm, sản xuất sản phẩm có mức chất lượng thấp hơn mức chất lượng đăng ký thì sẽ bị xử phạt hành chính theo các quy định hiện hành.

3. Các Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng khu vực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng có trách nhiệm phối hợp với các Vụ quản lý khoa học và kỹ thuật của các Bộ, Tổng cục để hướng dẫn các cơ sở sản xuất thuộc Bộ, Tổng cục thực hiện việc đăng ký chất lượng sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của khu vực.

Các Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh, thành phố , đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác đăng ký chất lượng sản phẩm trong phạm vi quản lý của địa phương.

4. Các cơ quan Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng các cấp trong phạm vi trách nhiệm của mình phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan khác thường xuyên tiến hành thanh tra, giám sát việc đăng ký chất lượng sản phẩm, cũng như theo dõi quá trình sản xuất theo chỉ tiêu và mức chất lượng đã đăng ký của các cơ sở sản xuất để kịp thời xử lý các vi phạm về đăng ký và thực hiện đăng ký chất lượng sản phẩm.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1311-KHKT/QĐ năm 1988 về việc đăng ký chất lượng sản phẩm do Chủ nhiệm Ủy ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 1311-KHKT/QĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/08/1988
  • Nơi ban hành: Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước
  • Người ký: Đoàn Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 19
  • Ngày hiệu lực: 17/08/1988
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản