Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 46/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 10 năm 1983

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CÔNG TÁC XUẤT BẢN, IN VÀ PHÁT HÀNH SÁCH THÀNH PHỐ

I. Từ sau ngày giải phóng thành phố, sự nghiệp xuất bản, in và phát hành sách của thành phố không ngừng phát triển. Đến nay ba nhà xuất bản thành phố đã in trên 350 đầu sách các loại với trên 6 triệu bản. Số lượng sách xuất bản nhất thời của các ngành, đoàn thể cũng khá hơn. Ngành in đã và đang được cải tạo, sắp xếp lại, mặc dù gặp nhiều khó khăn về vật tư kỹ thuật cũng phấn đấu in gần 70 tỷ trang in ; hệ thống phát hành được xây dựng từ thành phố đến các quận huyện và có đại lý đến phường xã. Nguồn sách được tăng cường từ Trung ương và thành phố, mấy năm qua đã phát hành gần 20 triệu bản sách và gần 20 triệu bản văn hóa phẩm. Nhìn chung, với sự cố gắng của ngành văn hóa thông tin, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể và sự chi viện của Trung ương, sự nghiệp xuất bản, in và phát hành đã góp phần tích cực phục vụ công tác tư tưởng văn hóa, phục vụ ba cuộc các mạng và nhiệm vụ chính trị của thành phố, nhất là trong cuộc đấu tranh gay gắt đang còn tiếp diễn nhằm đưa đến nhân dân thành phố những sách báo cách mạng, đẩy lùi sách báo phản động, đồi trụy.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tích đạt được, công tác xuất bản, in và phát hành đã bộc lộ nhiều khuyết điểm và một số vấn đề tồn tại cần đựơc giải quyết sớm. Lượng sách xuất bản tuy khá lớn, nhưng chất lượng xuất bản phẩm, trừ một số tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, còn nói chung còn thấp, tính tư tưởng, tính chiến đấu chưa cao, chưa tập trung phục vụ đắc lực ba cuộc cách mang và nhiệm vụ chính trị của thành phố. Ngành in chưa hoàn thành cải tạo, tổ chức và cơ chế quản lý còn lỏng lẻo. Hệ thống phát hành sách từ thành phố xuống quận, huyện chưa thống nhất với quy định của Bộ Văn hóa để phân phối điều hòa hợp lý, đưa sách đúng đối tuợng, bán đúng giá chính thức, còn xu hướng chạy theo doanh thu. Thị trường sách báo, văn hóa phẩm chưa ổn định trật tự, còn tình trạng các quán sách tư nhân đầu cơ, tùy tiện nâng giá sách và lén lút bán sách xấu.

II. Để thực hiện Sắc luật 03/SLt ngày 18.6.1957 của Chủ tịch Nước, Nghị định số 275/TTg ngày 24.6.1957 của Thủ tướng Chánh phủ quy định về chế độ xuất bản, Chỉ thị số 08/CT-TW ngày 14.9.1982 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường lãnh đạo và quản lý công tác xuất bản, in và phát hành tại Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau :

1. Phướng hướng hoạt động xuất bản :

a) Về xuất bản chuyên nghiệp :

- Phải chú trọng hơn nữa tính tư tưởng, tính khoa học, tính chiến đấu, tính quần chúng và giá trị nghệ thuật của các xuất bản phẩm. Cần chú trọng hơn nữa về mặt kỹ thuật và mỹ thuật trong việc trình bày, minh họa, in, đóng sách.

- Hàng năm mỗi nhà xuất bản phải trình kế hoạch xuất bản do Hội đồng xuất bản thành phố thông qua vào tháng 7 năm trước. Đề tài của các nhà xuất bản phải phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược, ba cuộc cách mạng và nhiệm vụ chính trị của thành phố, tránh trùng lấp. Gấp rút chuẩn bị một số tựa sách về chính trị và văn nghệ có chất lượng nội dung cao xuất bản nhân dịp kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam và Thành phố (30-4-3985).

- Phải có biện pháp thiết thực và kiên trì quét sạch xuất bản phẩm phản động, Loại trừ xuất bản phẩm cũ lạc hậu, vi phạm 5 kỷ luật tuyên truyền có hại đến tư tưởng và tinh thần của nhân dân nhất là đối với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, thanh niên. Giải thích cho quần chúng hiểu và đồng tình ủng hộ những biện pháp cần thiết.

- Các nhà xuất bản thành phố có trách nhiệm giới thiệu nội dung sách và ký hợp đồng với Công ty Phát hành sách thành phố, có nghĩa vụ giao nộp đầy đủ, không giữ lại xuất bản phẩm để bán ra thị trường tự do hoặc bán thẳng cho các Công ty phát hành sách quận huyện. Với tinh thần hợp tác với các tỉnh bạn, các nhà xuất bản có thể qua chi nhánh Tổng công ty phát hành sách, phân phối một số lượng nhất định cho các tỉnh.

- Các nhà xuất bản thực hiện chế độ hoạch toán kinh tế có lãi, quyết toán vật tư hàng năm.

- Nếu mua vật tư, nguyên liệu (giấy, mực) giá cao thì được phép bán giá cao phù hợp với giá địa phương do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quyết định thông qua Uỷ ban Vật giá thành phố.

- Việc in lịch hàng năm phải đúng số lượng và quy cách ghi trong giấy phép, cần giới thiệu mẫu lịch và giá bán để Công ty phát hành sách thành phố ký hợp đồng.

- Các chi nhánh nhà xuất bản trung ương đóng tại thành phố cần in đúng kế hoạch, số lượng, đề tài, tên sách, khuông khổ như đã được Hội đồng xuất bản duyệt, giao nộp sản phẩm đầy đủ cho chi nhánh Tổng Công ty phát hành sách. Nếu có ký hợp đồng với Công ty phát hành sách thành phố thì phải thực hiện đúng hợp đồng, không được giữ lại sách để bán ra thị trường tự do hoặc bán trực tiếp cho Công ty phát hành sách quận, huyện.

b) Về xuất bản nhất thời:

Công tác xuất bản cần tập trung vào ba nhà xuất bản thành phố. Các cơ quan, ban ngành của thành phố nếu có yêu cầu phải xây dựng kế hoạch xuất bản nhất thời hàng năm. Các xuất bản phẩm nhất thời chỉ để lưu hành nội bộ. Trường hợp đặc biệt xét có thể phát hành ngoài nội bộ, phải xin phép cơ quan văn hoá thông tin, phải ký hợp đồng với Công ty phát hành sách thành phố và giao nộp sản phẩm đầy đủ. Về giá bán, phải được sự thoả thuận của Uỷ ban Vật giá thành phố. Thực hiện đúng chế độ nộp lưu chiểu.

Sở Văn hoá thông tin phải quản lý chặt chẽ đề tài, nội dung, số lượng, giá cả, việc in và phát hành, bảo đảm chấp hành đúng chính sách và luật lệ về xuất bản của Nhà nước, chỉ thị của Trung ương, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các vụ vi phạm luật lệ về xuất bản, in và phát hành.

Những trường hợp xét thấy cần thiết ra đặc san, phụ bản, phụ trang, phải xin phép, nộp lưu chiểu trước khi phát hành, định giá bán hợp lý có sự thoả thuận của Uỷ ban Vật giá thành phố.

2. Về quản lý sản xuất và cải tạo ngành in :

Chấp hành Chỉ thị của Hội đồng Bộ trưởng số 120/HĐBT ngày 17-7-1982, Nghị quyết của Thành uỷ số 19/NQ-TU ngày 4-3-1983 và Kế hoạch cải tạo, sắp xếp ngành in đã được Ủy ban Nhân dân thành phố thông qua, Sở Văn hoá thông tin phải tích cực tiến hành cải tạo ngành in, hoàn thành vào năm 1985. Sau khi cải tạo xong, cần điều chỉnh, qui hoạch lại các nhà in theo hướng tập trung và chuyên môn hoá; trường hợp thật cần thiết, có thể phân cấp cho quận huyện quản lý một số cơ sở in nhỏ nhằm phục vụ kịp thời một số nhu cầu in ấn ở địa phương; tận dụng và bảo quản những máy móc cũ hiện có, bảo đảm giá công in chính thức và thống nhất, chăm lo đời sống của công nhân trên cơ sở bảo đảm đúng chính sách. Yêu cầu chung là phải thật sự quán triệt tinh thần đấu tranh giai cấp trong quá trình cải tạo và xây dựng ngành in, và phải chấp hành triệt để các nguyên tắc về quản lý sản xuất.

- Các nhà in của thành phố chỉ được nhận in khi có giấy phép của Sở Văn hoá và thông tin và giấy phân phối in của Công ty in thành phố. Các nhà in trung ương chỉ nhận in khi có giấy phép của Cục xuất bản báo chí và giấy phân phối in của Liên hiệp xí nghiệp in trung ương. Các nhà in ở thành phố phải thực hiện đúng hợp đồng, bảo đảm chất lượng, quy cách. Nghiêm cấm các nhà in tuỳ tiện nhận in ấn phẩm không có giấy phép hoặc không đúng quy định của giấy phép; không được in thêm ngoài số lượng được phép để bán ra thị trường tự do.

3. Công tác phát hành sách trên địa bàn thành phố :

- Căn cứ theo Thông tư của Bộ Văn hoá số 469/VH ngày 28-1-1980, Công ty phát hành sách thành phố là cơ quan duy nhất có chức năng phát hành sách và tổ chức hệ thống phát hành sách đến khắp các quận huyện của thành phố. Công ty phải được hoàn chỉnh và củng cố về tổ chức.

- Các Công ty phát hành sách của thành phố và của quận huyện có nhiệm vụ phục vụ sử dụng nhiều biện pháp thích hợp để tuyên truyền vận động nhiều người mua sách, đọc sách và làm theo sách để nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ.

- Sở Văn hoá thông tin có nhiệm vụ hướng dẫn việc sắp xếp, chấn chỉnh toàn bộ hệ thống phát hành sách từ cấp thành phố đến quận huyện và các đơn vị cơ sở.

- Ủy ban Nhân dân quận huyện, thông qua Ban Văn hoá thông tin, cần chỉ đạo chặt chẽ Công ty phát hành sách địa phương hoạt động đúng hướng, đạt hiệu quả tốt nhất và chỉ đạo việc tổ chức, sắp xếp lại, cấp giấy phép cho các đại lý sách trên địa bàn quận huyện.

- Nghiêm cấm việc bán, lưu hành, tiêu thụ các sách báo, ấn phẩm mang tính chất phản động, đồi trụy hoặc xuất bản không đúng pháp luật, việc tuỳ tiện nâng giá sách. Sắp xếp lại việc bán sách cũ của tư nhân, sớm tiến tới Nhà nước nắm toàn bộ việc mua bán sách báo cũ. Tư nhân không được cho thuê sách.

- Ngành Văn hoá và Công an phối hợp kiểm tra, kiểm soát các quán sách báo, xử lý nghiêm khắc bọn đầu cơ sách, nâng giá sách; đặc biệt nghiêm trị bọn in lậu sách, văn hoá phẩm.

- Ngành Văn hoá có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công nhân viên phát hành sách có phẩm chất tốt, tinh thông nghiệp vụ, thực hiện đúng chính sách, không móc ngoặc hoặc tuồn sách ra ngoài. Cần có kế hoạch đưa sách, văn hoá phẩm đến tận cơ sở phường xã, xí nghiệp, công nông lâm trường, trường học, bệnh viện, khu xóm lao động, đơn vị bộ đội, công an thanh niên xung phong, nhất là ở những địa bàn xa thành phố như Duyên Hải, Đắc Nông. Thuỷ điện Trị An, vùng căn cứ cũ.

III. Tất cả các cơ quan, đoàn thể thành phố. Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, các cơ quan, đơn vị trung ương đóng trên địa bàn thành phố có nhiệm vụ thi hành nghiêm chỉnh chỉ thị này.

Mọi sự vi phạm các quy định về xuất bản, in và phát hành, tuỳ mức độ, sẽ áp dụng các hình thức xử lý từ phê bình, cảnh cáo, tịch thu xuất bản phẩm, thu hồi tạm thời hay vĩnh viễn giấy phép hoặc truy tố trước Toà án.

Công tác xuất bản, in và phát hành là 1 bộ phận rất quan trọng trong nhiệm vụ cách mạng văn hóa và tư tưởng. Trong hoàn cảnh cụ thể của thành phố ta đang diễn ra cuộc đấu tranh gay go phức tạp giữa 2 con đường gắn chặt với cuộc đấu tranh chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt của bọn phản động bành trướng bá quyền Trung Quốc câu kết với đế quốc Mỹ, lĩnh vực công tác xuất bản, in và phát hành càng có tầm quan trọng đặc biệt, Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các cấp, các ngành, các đoàn thể thành phố hết sức quan tâm phối hợp quản lý chặt chẽ công tác này.

Ủy ban Nhân dân thành phố cũng yêu cầu các chi nhánh Nhà xuất bản trung ương, các nhà in trung ương, các cơ quan báo chí trung ương và chi nhánh Tổng Công ty phát hành sách trung ương hoạt động trên địa bàn thành phố góp phần tích cực thực hiện chỉ thị này.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Lê Đình Nhơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 46/CT-UB năm 1983 về tăng cường quản lý công tác xuất bản, in và phát hành sách thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 46/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 17/10/1983
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Đình Nhơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản