Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ QUỐC PHÒNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 46/2006/CT-BQP

Hà Nội, ngày 14 tháng 03 năm 2006 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC PHÁT TRIỂN Y DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN TRONG QUÂN ĐỘI

Sau gần 20 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-QP ngày 20 tháng 01 năm 1988 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác thừa kế, phát huy y học cổ truyền dân tộc kết hợp chặt chẽ với y học hiện đại trong Quân đội”; ngành Quân y đã xây dựng được hệ thống tổ chức y dược học cổ truyền (YDHCT) từ Bộ Quốc phòng đến các cơ sở; trên 90% các đơn vị duy trì vườn thuốc nam, đáp ứng một phần yêu cầu “thuộc tại chỗ”. Việc kết hợp y học cổ truyền (YHCT) với y học hiện đại (YHHĐ) đã đạt được những tiến bộ quan trọng. Viện Y học cổ truyền quân đội và các khoa, phân khoa YHCT bệnh viện đã thừa kế nâng cao giá trị khoa học nhiều bài thuốc và kỹ thuật điều trị, khẳng định được vị thế của YDHCT phục vụ khám chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân, bước đầu thực hiện phổ cập ở tuyến trước chuyên sâu ở tuyến sau.

Tuy nhiên quá trình thực hiện cũng còn bộc lộ một số hạn chế như:

Tuyến đơn vị: cán bộ chỉ huy nhiều đơn vị cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về phát triển YDHCT nên việc chỉ đạo, thực hiện công tác này chưa được quan tâm đúng mức. Đội ngũ chuyên khoa YDHCT chưa đủ số lượng cần thiết, yêu cầu năng lực thực hành kỹ thuật. Việc luân phiên cán bộ YDHCT chưa trở thành nền nếp trên các tuyến;

Tuyến bệnh viện: tổ chức khoa YHCT chưa thống nhất, nhiều khoa chưa đủ khả năng để thừa kế và chỉ đạo tuyến theo nhiệm vụ quy định. Bộ phận đông dược chậm đổi mới trang bị, chưa kiểm soát được nguồn gốc và chất dược liệu.

Để khắc phục kịp thời những hạn chế nêu trên, thực hiện Quyết định 222/2003/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt Chính sách quốc gia về Y dược học cổ truyền đến năm 2010”; đáp ứng yêu cầu phát triển YDHCT kết hợp với YHHĐ phục vụ khám chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ thị:

1. Hoàn thiện hệ thống tổ chức và phân cấp điều trị YHDCT.

a) Tiếp tục xây dựng Viện Y học cổ truyền quân đội theo mô hình Viện - Trường đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học và điều trị. Phát triển các kỹ thuật YDHCT, kết hợp chặt chẽ với YHHĐ, nâng cao năng lực thừa kế, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến và đào tạo nguồn lực chuyên ngành cho toàn quân:

b) Củng cố khoa YHCT các bệnh viện theo hướng thống nhất, chính quy, đồng bộ, thực hiện tốt nhiệm vụ điều trị, thừa kế nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến và quản lý dược liệu theo quy định;

c) Quân y và các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, binh đoàn tăng cường chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu về YDHCT, xây dựng hệ thống YDHCT đảm bảo đủ điều kiện và năng lực kỹ thuật phục vụ khám chữa bệnh trên các tuyến.

2. Đào tạo đội ngũ chuyên koha YDHCT theo hướng phổ cập ở tuyến trước chuyên sâu ở tuyến sau, kết hợp quân dân y và hợp tác quốc tế.

a) Hoàn thiện chương trình đào tạo các cấp học chuyên ngành theo hướng thống nhất, khoa học, thiết thực, hiện đại, đảm bảo đủ khối lượng kiến thức YDHCT trong chương trình đào tạo của các trường quân y, dược;

b) Đào tạo và bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hành kỹ thuật cho y sĩ, bác sĩ chuyên khoa YHCT, dược sĩ đông dược các tuyến quân y;

c) Mở rộng các hình thức giao lưu học thuật, hợp tác nghiên cứu trong nước và quốc tế về YDHCT. Tuyên truyền cho bộ đội và nhân dân hiểu biết và ứng dụng kiến thức YDHCT để chăm sóc sức khỏe.

3. Kết hợp chặt chẽ với YHHĐ nâng cao hiệu quả khai thác, ứng dụng các đề tài thừa kế nghiên cứu YDHCT.

a) Chọn lọc nghiên cứu ứng dụng những kỹ thuật và kinh nghiệp có giá trị thực tiễn của YDHCT phục vụ y học quân sự;

b) Đảm bảo chính sách, chế độ về quyền tác giả trong thẩm định, kiểm chứng bài thuốc, kinh nghiệm chữa bệnh có giá trị của YDHCT.

4. Phát triển nguồn dược liệu tại chỗ, từng bước nâng cao chất lượng thuốc đông dược.

a) Phối hợp với địa phương nơi đóng quân tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình nguồn dược liệu tại chỗ; xây dựng kế hoạch bảo tồn, nuôi trồng, sử dụng thuốc đông dược an toàn hợp lý;

b) Từng bước đầu tư nâng cấp trang bị sản xuất thuốc đông dược cho các đơn vị trọng điểm;

c) Nâng cao hiệu quả vườn thuốc, trồng đủ các nhóm cây mẫu, kết hộp sưu tầm bảo tồn nguồn dược liệu quý hiếm của địa phương với xây dựng môi trường trong khu vực doanh trại.

5. Đảm bảo ngân sách mua thuốc và trang bị YHCT.

Hàng năm bố trí một khoản kinh phí trong ngân sách thường xuyên của ngành quân y để đảm bảo thuốc và từng bước bổ sung đổi mới trang bị phục vụ điều trị, sản xuất thuốc và thừa kế nghiên cứu khoa học YHDCT.

6. Trách nhiệm của chỉ huy các cơ quan, đơn vị với công tác YDHCT.

a) Bộ Tổng tham mưu:

Chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu chức danh quản lý YDHCT trên các tuyến quân y; xây dựng mô hình khoa YHCT phù hợp cho các bệnh viện; bố trí thời gian thích hợp để huấn luyện phổ cập kiến thức YDHCT cho cán bộ chiến sĩ. Phối hợp với Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Chính trị xây dựng kế hoạch điều chỉnh tỷ lệ đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ và Bác sĩ chuyên khoa các cấp cho các bệnh viện và trung tâm nghiên cứu; Y sĩ chuyên khoa cho các đơn vị. Chỉ đạo biên soạn chương trình, nội dung đào tạo thích hợp cho các đối tượng.

b) Tổng cục Chính trị:

Xây dựng kế hoạch bổ sung nguồn cán bộ YDHCT trên các tuyến quân y. Phối hợp với Tổng cục Hậu cần. Cục Tài chính Bộ Quốc phòng nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung chế độ, chính sách khuyến khích việc thừa kế YDHCT. Chỉ đạo công tác tuyên truyền phát triển YDHCT.

c) Tổng cục Hậu cần:

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Bộ Quốc phòng, Viện Y học cổ truyền quân đội và các cơ quan đơn vị liên quan triển khai thực hiện nội dung của Chỉ thị này.

d) Cục Tài chính Bộ Quốc Phòng:

Hàng năn căn cứ đề nghị của Tổng cục Hậu cần và khả năng ngân sách, báo cáo Bộ đảm bảo cho mua thuốc YHCT, nâng cấp trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh, sản xuất thuốc đông dược và thừa kế, nghiên cứu ứng dụng YDHCT để từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

đ) Cục Khoa học - Công nghệ và Môi trường Bộ Quốc phòng:

Phối hợp với Tổng cục Hậu cần, Viện Y học cổ truyền quân đội và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực YDHCT trong quân đội.

e) Cục Kế hoạch và Đầu tư Bộ Quốc phòng:

Phối hợp với Cục Tài chính Bộ Quốc phòng và Tổng cục Hậu cần xây dựng kế hoạch nâng cấp trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh và sản xuất thuốc đông dược.

g) Viện Y học cổ truyền quân đội:

Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện mô hình Viện - Trường để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng Y sĩ, Bác sĩ chuyên khoa và nghiên cứu ứng dụng YDHCT.

h) Tư lệnh các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, binh đoàn, Giám đốc các bệnh viện, học viện, nhà trường theo phân cấp nhiệm vụ có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phát triển YDHCT phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị.

7. Tổ chức thực hiện

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Chỉ thị số 12/CT-QP ngày 20 tháng 01 năm 1988 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác thừa kế, phát huy y học cổ truyền dân tộc kết hợp chặt chẽ với y hiọc hiện đại trong quân đội”.

Chỉ huy các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này. Tổng cục Hậu cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng đôn đốc, kiểm tra thực hiện và định kỳ báo cáo Bộ theo chế độ quy định./.

 

 

BỘ TRƯỞNG
ĐẠI TƯỚNG  

 



Phạm Văn Trà