Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
 TỈNH NINH THUẬN
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 40/2007/CT-UBND

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 24 tháng 12 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ CHẤN CHỈNH VIỆC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thời gian qua, công tác thông tin, báo cáo nhìn chung đã cơ bản góp phần bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, của các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác thông tin, báo cáo vẫn còn nhiều hạn chế: thông tin chậm, chưa đầy đủ; việc phối hợp trao đổi thông tin giữa các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp còn nặng hình thức; nội dung báo cáo chưa đầy đủ, chất lượng thấp, thiếu tính tổng hợp; cá biệt một số cơ quan, cán bộ lãnh đạo nhận thức chưa đúng tầm quan trọng của chế độ thông tin, báo cáo; phương thức gửi và nhận báo cáo còn chậm, phụ thuộc nhiều vào giấy tờ hành chính.

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trên là do thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, báo cáo trong ngành, lĩnh vực, địa phương; kỷ luật chấp hành thông tin, báo cáo chưa nghiêm; công tác thông tin, báo cáo chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý trong tình hình mới; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thông tin, báo cáo chưa được chú trọng và còn thiếu đồng bộ; đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác thông tin, báo cáo ít được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, kỹ năng thu thập, xử lý thông tin và trình độ biên tập báo cáo còn nhiều hạn chế.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 27/2007/CT-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Giám đốc các sở, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Chỉ đạo việc rà soát các quy định về chế độ thông tin, báo cáo, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc các cơ quan có thẩm quyền các biện pháp cải tiến, đổi mới công tác thông tin, báo cáo phù hợp với yêu cầu của tình hình mới; sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế những quy định về chế độ báo cáo, thông tin do cấp, ngành mình quy định.

Báo cáo gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) trước ngày 10 tháng 02 năm 2008 để tổng hợp, báo cáo về Văn phòng Chính phủ;

b) Chấn chỉnh và đổi mới việc thực hiện công tác thông tin, báo cáo trong phạm vi quản lý của sở, ngành, địa phương; tăng cường công tác phối hợp, cung cấp, trao đổi thông tin với các sở, ngành và địa phương khác; bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời phục vụ có hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của sở, ngành, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp;

c) Củng cố, tăng cường bộ phận cán bộ chuyên trách làm công tác thông tin, báo cáo, bố trí học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ thu thập, xử lý thông tin, biên tập báo cáo; trang bị các phương tiện kỹ thuật cần thiết cho bộ phận thông tin, báo cáo;

d) Chấp hành nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo quy định hiện hành; xem kết quả chấp hành chế độ thông tin, báo cáo là một tiêu chí đánh giá chất lượng công tác của cá nhân, tổ chức; kiểm điểm xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức không chấp hành hoặc thực hiện không nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo quy định;

e) Thực hiện cung cấp thông tin về hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức, bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời theo quy định.

f) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thông tin, báo cáo; sử dụng văn bản điện tử để từng bước thay thế văn bản giấy trong quản lý, điều hành và trao đổi thông tin; cải tiến và chuẩn hoá quy trình công việc liên quan đến các hoạt động nội bộ, giao dịch với các cơ quan hành chính Nhà nước và giao dịch với các cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng. Thực hiện kết nối mạng máy tính của các sở, ngành và địa phương với Ủy ban nhân dân tỉnh để gửi, trao đổi, xử lý văn bản theo yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước;

g) Cung cấp đầy đủ thông tin trên trang tin điện tử, mạng tin học của Ủy ban nhân dân tỉnh về các văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cần xin ý kiến của cá nhân, tổ chức và nhân dân; thông tin chỉ đạo điều hành và chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương;

h) Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc lập và gửi các báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất, báo cáo chuyên đề theo đúng nội dung và thời hạn yêu cầu. Nội dung các báo cáo gửi Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phải bảo đảm yêu cầu nghiêm túc, trung thực; báo cáo phải được duyệt, ký đúng thẩm quyền.

2. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm:

a) Mở chuyên mục tiếp nhận, xem xét ý kiến đóng góp của cá nhân, tổ chức về cơ chế, chính sách trên trang tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh; tham mưu quy định việc số hoá, lưu trữ, cập nhật và chia sẻ dữ liệu thông tin, báo cáo qua mạng điện tử của sở, ngành và địa phương (trừ các thông tin, báo cáo mật) để các tổ chức, cá nhân có thể khai thác, sử dụng;

b) Rà soát các quy định về chế độ thông tin, báo cáo nêu tại Quyết định số 162/TTg ngày 12 tháng 12 năm 1992 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ thông tin, báo cáo và Chỉ thị số 218/TTg ngày 07 tháng 4 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cải tiến lề lối làm việc của Chính phủ và chế độ thông tin, báo cáo; Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 286/2006/QĐ-UBND ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh và các văn bản khác có liên quan, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi hoặc trình Thủ tướng Chính phủ các biện pháp cải tiến, đổi mới công tác thông tin, báo cáo phù hợp với yêu cầu của tình hình mới trước ngày 20 tháng 02 năm 2008;

c) Theo dõi, tham mưu cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý đúng quy định đối với cơ quan, cá nhân vi phạm chế độ thông tin, báo cáo.

3. Thường trực Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi quá trình chấp hành Chỉ thị này; đối với các trường hợp vi phạm chế độ thông tin báo cáo từ năm 2008, kiên quyết không xem xét, đề nghị khen thưởng đối với tổ chức và người đứng đầu tổ chức vi phạm.

4. Sở Nội vụ chịu trách nhiệm:

a) Phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện công bố thủ tục hành chính, danh mục, lộ trình cải cách hành chính, các dịch vụ hành chính công trên trang tin điện tử Ủy ban nhân dân tỉnh và có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện các dịch vụ hành chính công do cơ quan hành chính Nhà nước cung cấp;

b) Tổng hợp kết quả thực hiện nêu tại điểm a mục 1 và dự thảo báo cáo trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành gửi về Văn phòng Chính phủ trước ngày 20 tháng 02 năm 2008.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký.

Giám đốc các sở, ngành, các cơ quan thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này.

Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hoàng Thị Út Lan

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 40/2007/CT-UBND về chấn chỉnh việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành

  • Số hiệu: 40/2007/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 24/12/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Hoàng Thị Út Lan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/01/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản