Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 162-TTg

Hà Nội , ngày 12 tháng 12 năm 1992

 

 QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO .

Căn cứ Điều 32 và Điều 33 bản Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 13-CP ngày 1-12-1992, Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ thông tin báo cáo như sau:

I- CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO VỚI THỦ TƯỚNG .

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ), các Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi tắt là tỉnh) phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ những báo cáo sau đây:

1- Báo cáo tháng áp dụng đối với các tháng trong năm, trừ tháng 6 và tháng 12, với nội dung:

- Đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước, nhiệm vụ công tác chuyên môn thuộc ngành, địa phương.

- Tình hình và kết quả thực hiện các quyết định quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong ngành, lĩnh vực, địa phương.

- Tình hình chuẩn bị các đề án để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (đối với Bộ được giao nhiệm vụ chuẩn bị). Những hoạt động chính của Bộ trưởng, Thủ tướng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tổ chức, chỉ đạo, điều hành các vấn đề kinh tế - xã hội, trật tự, an ninh, quốc phòng và đối ngoại; các vụ án đã xét xử, các vụ bắt giữ tàu thuyền nước ngoài và trong nước.

Trong tháng, nếu có kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh thì báo cáo tháng của Uỷ ban nhân dân còn phải nêu rõ nội dung các Nghị quyết của kỳ họp, chú ý sự phù hợp giữa Nghị quyết Hội đồng nhân dân với các chủ trương, chính sách, quyết định hiện hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Các báo cáo phải cụ thể, nêu rõ những điểm đã làm được và chưa làm được, nguyên nhân và những kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo tháng phải gửi đến Văn phòng Chính phủ trước ngày 25 hàng tháng, số lượng: 2 bản.

2- Báo cáo 6 tháng đầu năm nội dung phải phản ảnh được:

- Đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch, ngân sách Nhà nước của ngành, lĩnh vực và những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu, những dự án chương trình của địa phương; việc thực hiện các chương trình công tác của Chính phủ, đề án trọng điểm của Nhà nước về kinh tế - xã hội, về khoa học - công nghệ mà Bộ được giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức thực hiện.

- Đánh giá việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của Bộ và của Uỷ ban nhân dân tỉnh, những kết quả đạt được, thiếu sót tồn tại và biện pháp cần cải tiến để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước, những kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Dự kiến nhiệm vụ chủ yếu của ngành, lĩnh vực, địa phương trong 6 tháng cuối năm và những biện pháp chỉ đạo thực hiện của Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Báo cáo 6 tháng phải được gửi đến Văn phòng Chính phủ trước ngày 15 tháng 6, số lượng: 2 bản.

3- Báo cáo năm có nội dung như báo cáo 6 tháng đầu năm nhưng phải kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ trong cả năm và nêu lên phương hướng, nhiệm vụ của năm sau:

Báo cáo cả năm phải gửi đến Văn phòng Chính phủ trước ngày 10 tháng 12, số lượng: 2 bản.

4- Báo cáo đột xuất: Trong trường hợp có sự việc quan trọng về đối nội, đối ngoại xảy ra thuộc trách nhiệm của ngành, địa phương mà Thủ tướng Chính phủ cần thiết phải biết để chỉ đạo xử lý. Báo cáo phải nêu rõ:

- Tóm tắt tình hình diễn biến của sự việc và nguyên nhân phát sinh.

- Những biện pháp đã áp dụng để xử lý, kết quả việc xử lý và những kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo đột xuất phải gửi đến Văn phòng Chính phủ bằng biện pháp nhanh nhất.

5- Báo cáo chuyên đề áp dụng đối với những chương trình, đề án, nhiệm vụ công tác đặc biệt quan trọng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ sẽ thông báo đến các cơ quan có trách nhiệm về yêu cầu nội dung báo cáo chuyên đề nói trên.

6- Báo cáo hàng tuần do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và phải được gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng trong buổi sáng thứ 2 tuần sau, với nội dung:

- Tình hình đối nội, đối ngoại nổi lên trong tuần mà Thủ tướng và các Phó Thủ tướng cần phải biết để chỉ đạo điều hành chung.

- Tổng hợp hoạt động chỉ đạo điều hành trong tuần của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng.

7- Ngoài các báo cáo nói trên, các cơ quan sau đây phải gửi cho Thủ tướng Chính phủ các báo cáo tổng hợp về các lĩnh vực:

- Tổng cục Thống kê báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước và các cân đối lớn của nền kinh tế quốc dân (3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và 1 năm), và báo cáo tháng trong trường hợp đặc biệt.

- Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước báo cáo tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước (3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và 1 năm) và các cân đối lớn của nền kinh tế quốc dân, đề xuất các giải pháp để thực hiện kế hoạch Nhà nước.

- Bộ Tài chính báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 1 năm), đề xuất biện pháp để thực hiện kế hoạch, ngân sách Nhà nước.

- Bộ Nội vụ báo cáo tình hình bảo vệ trật tự trị an, bảo vệ tài sản Nhà nước (6 tháng, 1 năm).

- Thanh tra Nhà nước báo cáo tình hình chống tham nhũng (3 tháng, 6 tháng, 1 năm), tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân (6 tháng,1 năm).

- Bộ Ngoại giao báo cáo tình hình hoạt động đối ngoại, tình hình quốc tế, khu vực có liên quan công tác đối ngoại của Nhà nước ta (6 tháng, 1 năm), khi cần thiết có báo cáo đột xuất.

- Bộ Khoa học, Công nghệ và môi trường báo cáo tình hình thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, các sáng kiến phát minh đã được kết luận đưa vào áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội (6 tháng, 1 năm).

8- Các Bộ trưởng Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải ký các báo cáo gửi lên Thủ tướng. Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể uỷ nhiệm cho một người phó của mình ký gửi Thủ tướng các báo cáo tháng và báo cáo đột xuất, và phải chịu trách nhiệm về báo cáo do người phó được uỷ quyền ký.

9- Các văn bản pháp quy (kể cả thông tư Liên Bộ) do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành phải gửi nguyên bản về Văn phòng Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

II- CHẾ ĐỘ THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG CUẢ CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

1- Mỗi tháng 1 lần, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ gửi cho các thành viên Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh thông tin về:

- Tổng hợp hoạt động quản lý Nhà nước của Chính phủ và hoạt động chỉ đạo điều hành công tác của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng.

- Tình hình tổ chức thực hiện các quyết định quan trọng của Chính phủ,

Thủ tướng Chính phủ ở các ngành, các cấp.

- Tình hình thực hiện chương trình công tác của Chính phủ trong tháng và những hoạt động quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng sau.

2- Thông tin hoạt động của Chính phủ cho báo chí.

Hàng tháng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông tin cho báo chí về những hoạt động chủ yếu và những quyết định quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thông báo trên báo chí nội dung các phiên họp của Chính phủ, trừ những vấn đề thuộc phạm vi bí mất quốc gia.

Theo uỷ nhiệm của Thủ tưởng Chính phủ, Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ giải thích với báo chí về những chủ trương, chính sách đối nội, đối ngoại quan trọng của Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm chủ trì tổ chức thực hiện hoạt động thông tin này; thường xuyên cùng cơ quan thông tin báo chí tập hợp và phân tích dự luận xã hội để phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Chế độ thông tin báo cáo này thay thế các quy định trước đây và bắt đầu áp dụng từ ngày 1 tháng 3 năm 1993.

2- Các Bộ trưởng, các Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Quyết định này để quy định cụ thể chế độ thông tin báo cáo trong ngành, lĩnh vực và địa phương, gấp rút chấn chỉnh hoạt động thông tin quản lý Nhà nước và hiện đại hoá thông tin.

3- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thi hành Quyết định này. Từng thời gian, Văn phòng Chính phủ có định hướng thông tin, nêu rõ yêu cầu báo cáo cho các cơ quan biết để đáp ứng đúng nhu cầu thông tin, phục vụ đắc lực sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã Ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 162-TTg năm 1992 về chế độ thông tin báo cáo do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 162-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/12/1992
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: 31/01/1993
  • Số công báo: Số 2
  • Ngày hiệu lực: 01/03/1993
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản