Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số 36-CT/TW | Hà Nội, ngày 14 tháng 6 năm 2024 |
CHỈ THỊ
CỦA BAN BÍ THƯ VỀ ĐẠI HỘI CÁC HỘI VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT VÀ LIÊN HIỆP CÁC HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT NAM NHIỆM KỲ 2025 - 2030
Trong 5 năm qua, tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục đạt được những kết quả to lớn, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế.
Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều chương trình, dự án lớn về văn học, nghệ thuật được các hội văn học, nghệ thuật, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đề xuất triển khai với nhiều hình thức sinh động, sáng tạo; một số đề án theo phê duyệt của Chính phủ được thực hiện; nhiều chính sách mới cho văn hóa, văn học nghệ thuật, chăm lo đời sống cho văn nghệ sĩ được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo xây dựng, triển khai.
Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các hội thành viên chú trọng đổi mới phương thức sinh hoạt, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức. Đại bộ phận văn nghệ sĩ tin tưởng vào đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, kiên trì, tâm huyết lao động sáng tạo, gắn bó và tiếp nối các giá trị truyền thống yêu nước, cách mạng, giá trị đạo đức, nhân văn của dân tộc. Tinh thần chủ động, đồng hành, nhập cuộc của giới văn nghệ sĩ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ngày càng được đề cao. Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các hội thành viên tiếp tục khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt sáng tạo các giá trị văn hóa, đoàn kết tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ - chiến sĩ tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, được Đảng và Nhà nước quan tâm, chăm lo, đầu tư phát triển.
Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế hiện nay, bên cạnh thời cơ, thuận lợi; hoạt động của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: Những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của cơ chế thị trường; những đòi hỏi, áp lực của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; những biến động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; sự chống phá của các thế lực thù địch, tình trạng xâm lấn, đan xen của các luồng tư tưởng, hệ giá trị khác nhau trên các phương tiện truyền thông xã hội toàn cầu; yêu cầu ngày càng cao và chặt chẽ của quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện; môi trường chính sách đang hoàn thiện còn nhiều hạn chế, chưa thực sự thuận lợi, đáp ứng tốt yêu cầu hoạt động sáng tạo và phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ...; Đại hội nhiệm kỳ các hội văn học nghệ thuật và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (sau đây gọi tắt là các hội, liên hiệp hội) lần này là sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng, có ý nghĩa và tác động sâu sắc đến đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà và hoạt động của các hội, liên hiệp hội trong thời gian tới. Để chuẩn bị và tổ chức tốt đại hội, Ban Bí thư yêu cầu các hội, liên hiệp hội và các cơ quan liên quan cần chú trọng làm tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Đại hội các hội, liên hiệp hội phải thực sự là đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa và nghề nghiệp quan trọng của đội ngũ cán bộ, hội viên và đông đảo văn nghệ sĩ cả nước; tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của văn học, nghệ thuật trong việc xây dựng nền tảng đạo đức, văn hóa, tinh thần của xã hội, tạo động lực để đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà thể hiện tài năng, trí tuệ, trách nhiệm công dân đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quá trình chuẩn bị và tổ chức Đại hội phải gắn kết chặt chẽ với tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đại hội kiểm điểm, đánh giá sâu sắc việc quán triệt, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác văn hóa, văn nghệ; tập trung đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết đại hội, kết quả hoạt động chuyên môn, công tác tổ chức, nêu rõ hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý và hoạt động hội; đồng thời xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới; kiến nghị, đề xuất với Đảng và Nhà nước trong xây dựng, thực hiện chủ trương, chính sách, chế độ, tạo điều kiện chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho văn nghệ sĩ sáng tạo những tác phẩm có giá trị cao cả về nghệ thuật và tư tưởng; khắc phục hạn chế yếu kém trong hoạt động nghề nghiệp, công tác tổ chức hội, chất lượng hội viên; nêu cao trách nhiệm công dân, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp của hội viên; ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, lệch lạc, sai trái trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; tiếp tục cổ vũ, động viên, khích lệ văn nghệ sĩ sáng tác về đất nước, con người Việt Nam, về công cuộc đổi mới, về sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
2. Việc tổ chức đại hội phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chỉ đạo ban chấp hành các hội, liên hiệp hội chuẩn bị tốt các văn kiện trình đại hội theo đúng quy định, gồm: Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ vừa qua và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ mới; Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ; Báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành; Báo cáo của ban kiểm tra; Báo cáo tài chính nhiệm kỳ vừa qua và các vấn đề khác theo quy định của Điều lệ. Các báo cáo cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, sâu sắc, được thảo luận dân chủ, lấy ý kiến các hội và chi hội cơ sở.
3. Đại hội các hội, liên hiệp hội cần đặc biệt quan tâm làm tốt công tác nhân sự và tổ chức bầu cử theo đúng quy định. Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự tham gia ban chấp hành khóa mới phải trên cơ sở kế thừa và phát triển, theo hướng trẻ hoá cán bộ; bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, có đủ phẩm chất, năng lực, sức khỏe, uy tín, kinh nghiệm, có khả năng đoàn kết, tập hợp văn nghệ sĩ. Ban chấp hành có số lượng, cơ cấu hợp lý, thể hiện tính liên hiệp, đại diện vùng, miền, giới tính, dân tộc, các ngành chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của các hội, liên hiệp hội trong những năm tới.
4. Đại hội các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương nhiệm kỳ này được tiến hành theo phương thức: Đại hội cơ sở và đại hội toàn quốc. Đại hội cơ sở là đại hội toàn thể, đại hội toàn quốc là đại hội đại biểu hoặc đại hội toàn thể (do cấp có thẩm quyền phê duyệt). Các đại biểu được bầu dự đại hội toàn quốc phải là những văn nghệ sĩ tiêu biểu trên các lĩnh vực, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng nói chung, quan điểm văn hóa, văn nghệ nói riêng, gương mẫu trong hoạt động và chấp hành Điều lệ Hội.
5. Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam và ban chấp hành các hội cần chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương chỉ đạo chặt chẽ công tác chuẩn bị nội dung, chương trình đại hội và công tác nhân sự của các hội. Tổ chức đại hội theo tinh thần đổi mới, bảo đảm đúng quy định, trang trọng, thiết thực, hiệu quả và đúng tiến độ.
6. Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương phối hợp chỉ đạo trực tiếp đại hội các hội văn học, nghệ thuật địa phương, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các đại biểu địa phương được bầu tham dự đại hội toàn quốc các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
7. Về kinh phí tổ chức đại hội: Đại hội toàn quốc các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam do ngân sách trung ương hỗ trợ; đại hội các hội văn học, nghệ thuật các tỉnh, thành phố do ngân sách địa phương hỗ trợ. Các hội, liên hiệp hội lập dự toán kinh phí tổ chức đại hội trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, bảo đảm tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả.
8. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt Chỉ thị.
Nơi nhận: | T/M BAN BÍ THƯ |
- 1Quyết định 2240/QĐ-TTg phê duyệt tổng mức kinh phí thực hiện Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kinh phí thực hiện chương trình năm 2021 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 584/QĐ-TTg năm 2022 phê chuẩn Điều lệ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư 22/2023/TT-BTC bãi bỏ Thông tư 42/2017/TT-BTC hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở trung ương và các hội văn học nghệ thuật địa phương, hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các hội nhà báo địa phương giai đoạn 2016-2020 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Chỉ thị 36-CT/TW năm 2024 về đại hội các hội văn học, nghệ thuật và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2025-2030 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- Số hiệu: 36-CT/TW
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 14/06/2024
- Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
- Người ký: Lương Cường
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra