Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 36/2000/CT-BNN-KL | Hà Nội, ngày 06 tháng 4 năm 2000 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC QUY VÙNG SẢN XUẤT NƯƠNG RẪY
Từ khi có Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 1991, Luật đất đai năm 1993, quỹ đất lâm nghiệp của từng địa phương đã được xác định, từng bước quy hoạch, hình thành các khu rừng phòng hộ, khu rừng đặc dụng, khu rừng sản xuất. Một số địa phương đã xây dựng các dự án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện theo chương trình 327 (năm 1992), Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (năm 1998). Để thực hiện các chương trình, dự án nói trên, các địa phương đã xây dựng Tổng quan phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nội dung quan trọng là bảo vệ diện tích rừng hiện có và gây trồng rừng, phủ xanh đồi núi trọc bằng phương thức canh tác lâm - nông nghiệp kết hợp phù hợp với đặc điểm tự nhiên, tình hình kinh tế - Xã hội của từng vùng.
Theo kết quả kiểm tra tình hình quy hoạch và sử dụng đất lâm nghiệp của Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, báo cáo của các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, miền núi phía Bắc, thì nạn phá rừng để lấy đất trồng cây lương thực, cây công nghiệp vẫn xảy ra nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là trong quá trình quy hoạch phát triển sản xuất lâm - nông nghiệp ở các vùng, các tỉnh chưa thực sự quan tâm đến việc quy vùng sản xuất nương rẫy ổn định cho đồng bào còn tập quán canh tác nương rẫy.
Để hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng phá rừng là nương rẫy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi chung là tỉnh) thực hiện ngay các biện pháp cấp bách sau đây:
1- Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh rà soát quỹ đất lâm nghiệp và diện tích đất canh tác nương rẫy hiện có, trên cơ sở đó xác định diện tích đất để quy vùng sản xuất nương rẫy ổn định, lâu dài cho từng hộ gia đình sinh sống ở trong vùng để đồng bào sản xuất lương thực tại chỗ; rà soát tình hình du canh, du cư, định cư du canh đang phát rừng làm nương rẫy và di cư tự do, để hướng dẫn đồng bào định canh, định cư, làm quen với sản xuất hàng hoá, tạo điều kiện cho đồng bào có cuộc sống ổn định và tự biết cách canh tác thâm canh trên nương rẫy. Ở những vùng có tập quán làm nương rẫy du canh, cần lập phương án quy vùng làm nương rẫy cố định với diện tích đất từ 1 đến 2 héc ta cho hộ gia đình. Những diện tích đã được quy vùng đề làm nương rẫy phải có ranh giới cụ thể và được cắm mốc, đồng thời không làm thay đổi quy hoạch lâm nghiệp đã được phê duyệt.
2- Đối với những vùng có điều kiện chăn nuôi đại gia súc hoặc trồng cây công nghiệp, cần lập phương án quy vùng đồng cỏ để chăn thả gia súc, định hướng phát triển chăn nuôi và trồng cây công nghiệp cho từng vùng cụ thể. Giúp đỡ về kỹ thuật, cây giống và con giống... để xoá bỏ thế độc canh và tạo ra sản phẩm hàng hoá có giá trị kinh tế cao.
3- Ở vùng đất có điều kiện cải tạo nương rẫy thành ruộng bậc thang thì hướng dẫn cho đồng bào cải tạo thành ruộng bậc thang để thâm canh tăng vụ. Xoá bỏ tệ nạn xâm canh, du canh gây tranh chấp rừng và đất lâm nghiệp giữa các thôn, bản trong xã hoặc giữa các xã với nhau.
4- Những vùng chưa tiến hành giao đất, giao rừng, khoán đất lâm nghiệp để bảo vệ và phát triển rừng, khi tiến hành giao, khoán đất lâm nghiệp phải đồng thời thực hiện việc quy vùng sản xuất nương rẫy hoặc đồng cỏ cho hộ gia đình để tránh tình trạng làm thay đổi quy hoạch phát triển sản xuất lâm nghiệp.
5- Để thực hiện việc quy vùng sản xuất nương rẫy và đồng cỏ có hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động xây dựng kế hoạch, lập phương án cụ thể cho từng năm, từng huyện trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Về kinh phí, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập dự toán theo kế hoạch ngân sách hàng năm của địa phương.
6- Nghiêm cấm quy vùng sản xuất nương rẫy, đồng cỏ vào rừng tự nhiên và rừng trồng, đặc biệt là rừng đặc dụng, vùng rừng phòng hộ rất xung yếu và xung yếu, chỉ được quy vùng sản xuất nương rẫy ở những nơi có đất trống. Có các chính sách để khuyến khích, hỗ trợ nhân dân sử dụng nương rẫy ổn định lâu dài tránh mở rộng thêm diện tích.
7- Chi cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát, kiểm tra, thanh tra việc quy vùng sản xuất nương rẫy và đồng cỏ ở địa phương.
8- Trung tâm khuyến nông và khuyến lâm ở các địa phương hướng dẫn nhân dân ở các vùng có dự án qui vùng sản xuất nương rẫy được cấp có thẩm quyền phê duyệt về kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc đảm bảo sử dụng nương rẫy ổn định lâu dài.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm các tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện chỉ thị này và định kỳ hàng quý, hàng năm báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cục Kiểm lâm chịu trách nhiệm tổng hợp tình hình thực hiện chỉ thị này và định kỳ 6 tháng, 01 năm báo cáo lãnh đạo Bộ.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, giải quyết.
| Nguyễn Văn Đẳng (Đã ký) |
Chỉ thị 36/2000/CT-BNN-KL về quy vùng sản xuất nương rẫy do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 36/2000/CT-BNN-KL
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 06/04/2000
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Nguyễn Văn Đẳng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra