Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/1998/CT-UB

Huế, ngày 03 tháng 8 năm1998

 

CHỈ THỊ

V/V TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT.

Trong những năm qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở tỉnh ta đã có những tiến bộ nhất định nhiều văn bản pháp luật được tổ chức tuyên truyền, phổ biến kịp thời có nề nếp, sâu rộng hơn trước, đáp ứng được một phần yêu cầu tăng cường quản lý Nhà nước bằng pháp luật ở địa phương.

Tuy nhiên công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, đồng bộ, rộng khắp, chưa chú ý đúng mức các đối tượng cán bộ công chức, thanh niên, học sinh, sinh viên. Lãnh đạo các ngành các cấp chưa có kế hoạch tổ chức, chỉ đạo thực hiện cụ thể, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức, giữa các cấp, các ngành để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn xã hội.

Để khắc phục tình hình trên và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg và Quyết định số 03/1998/QĐ-TTG ngày 07/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay, UBND tỉnh yêu cầu:

1. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh thành lập Hội đồng hoặc Ban chỉ đạo nhằm tập trung chỉ đạo việc tổ chức quán triệt thực hiện chỉ thị 02, Quyết định 03 của Chính phủ và các văn bản của UBND tỉnh về đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ nay đến năm 2002 ở địa phương, đơn vị.

2. Kiện toàn tổ chức thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, lấy cơ quan Tư pháp ở các cấp và cán bộ pháp chế ở các ngành, đoàn thể làm nòng cốt. Bố trí đủ biên chế cán bộ có trình độ chuyên môn về pháp luật theo dõi, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở các ngành và các địa phương.

3. Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bằng các hình thức thích hợp, chú trọng hình thức tuyên truyền miệng, nhất là trong cán bộ viên chức Nhà nước, cán bộ chính quyền cơ sở và các tầng lớp nhân dân, chú ý ở các xã vùng núi, vùng sâu, vùng xa.

4. Tổ chức tốt sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước các cấp, các ngành với ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Huy động đông đảo cán bộ công chức Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể nhân dân tham gia công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

5. Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu của UBND tỉnh chủ trì tổ chức triển khai phổ biến các văn bản pháp luật có tính chất liên ngành hoặc có phạm vi điều chỉnh cho tất cả đối tượng trong xã hội. Còn các văn bản pháp luật có tính chất chuyên ngành như: Đất đai, bảo vệ rừng, luật bảo vệ môi trường, thuế, ngân sách, nghĩa vụ quân sự .. . thuộc ngành nào thì giao Sở, cơ quan chuyên ngành đó chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp chuẩn bị tài liệu, tổ chức hội nghị phổ biến với chương trình, nội dung cụ thể, thiết thực, hiệu quả.

6. Sở Giáo dục đào tạo, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp thống nhất chỉ đạo nội dung, biện pháp tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật trong tất cả trường học, trong các lực lượng vũ trang và công an nhân dân.

7. Ban tổ chức chính quyền tỉnh chủ trì phối hợp với Trường Nguyễn Chí Thanh và Sở Tư pháp thống nhất chương trình giảng dạy pháp luật ở các lớp đào tạo cán bộ.

8. Sở Tài chính-vật giá phối hợp với Sở Tư pháp có văn bản hướng dẫn việc lập dự trù, kinh phí của các cấp, các ngành, đơn vị phục vụ triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật từ nay đến năm 2002 theo quy định tại điều 4 của quyết định và điểm 3 phần I của kế hoạch kèm theo quyết định 675/1998 của UBND tỉnh, kể cả việc xây dựng tủ sách pháp luật ở cơ sở.

9. Các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn trước hết là Đài truyền hình, Phát thanh, Truyền thanh, Báo Thừa Thiên Huế cần có chuyên mục giới thiệu đăng tải từng phần nội dung các văn bản pháp luật vào các thời điểm thích hợp, chú trọng các văn bản mới ban hành, và các văn bản pháp luật có phạm vi điều chỉnh rộng lớn, biên soạn nội dung hỏi, đáp, tạo điều kiện cho CBCNVC, cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang và công an nhân dân thuận lợi trong việc tìm hiểu pháp luật; biểu dương người tốt việc tốt, phê phán những biểu hiện vi phạm pháp luật ..góp phần nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân.

10. Giao trách nhiệm cho Chủ tịch Hội Đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh thường xuyên hướng dẫn theo dõi, tổ chức kiểm tra các ngành, địa phương về triển khai thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh; chủ trì phối hợp, tổ chức, thực hiện các cuộc tìm hiểu pháp luật do UBND tỉnh phát động hàng năm; có kế hoạch xây dựng, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ báo cáo viên pháp luật đảm bảo hoạt động thường xuyên có chất lượng và hiệu quả ở địa phương.

Nhận được Chỉ thị này, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các đoàn thể có kế hoạch tổ chức thực hiện nghiêm túc và báo cáo tiến độ triển khai về UBND tỉnh (qua sở Tư pháp)./

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp.
- Thường vụ Tỉnh ủy.
- TT.HĐND .
- Chủ Tịch , các PCT UBND tỉnh.
- Các cơ quan ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh.
- Cơ quan TW đóng tại địa phương.
- UBND các huyện, TP.Huế.
- Lãnh đạo văn phòng và CV.
- Lưu Văn thư.

TM. UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
CHỦ TỊCH





Nguyễn Văn Mễ