Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 3/CT-UBND

Nam Định, ngày 06 tháng 3 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TẬP TRUNG THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN NĂM 2020

Năm 2019 bên cạnh những thuận lợi cơ bản, sản xuất nông nghiệp của tỉnh bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh tả lợn Châu Phi làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân. Tuy vậy, sản xuất nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn đạt được kết quả tích cực. Các nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tập trung thực hiện đồng bộ, đã xây dựng được nhiều mô hình, chuỗi liên kết nông sản hàng hóa an toàn thực phẩm. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả vượt bậc, là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba. Đạt được kết quả trên là do Tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra ngay từ đầu năm, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh.

Năm 2020 có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, là năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm (nhiệm kỳ 2015 - 2020), cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2020 phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản tăng từ 2,5% trở lên, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với đổi mới tổ chức sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung tham mưu, tổ chức chỉ đạo và thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 27- NQ/TU ngày 17/7/2014 của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014 - 2020; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20/4/2016 của Tỉnh ủy về xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 25/11/2019 của Tỉnh ủy về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 17/01/2020 của UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; đồng thời tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các giải pháp trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết. Tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao, hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh, chăm sóc và bảo vệ cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ, khuyến khích mở rộng cơ giới hóa trong sản xuất, tích cực chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; đảm bảo an toàn dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; hoàn thành các chỉ số tăng trưởng đối với từng lĩnh vực sản xuất và của toàn ngành.

2. Coi trọng và không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển bền vững. Khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đẩy mạnh thực hiện hợp tác trong nước và quốc tế, trong đó tập trung triển khai thành công các nội dung thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa tỉnh Nam Định với tỉnh Miyazaki và Trường đại học Minami Kyushu (Nhật Bản). Hoàn thành đại hội thành viên các HTXNN gắn với củng cố và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Coi trọng việc khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp thuê gom, tập trung ruộng đất và liên kết tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi. Rà soát nghiên cứu, lập kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa theo quy định tại Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ; Nghị định số 94/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác; Quyết định số 4712/QĐ-BNN-TT ngày 09/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc sửa đổi, bổ sung Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2019 - 2020.

3. Chủ động phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi, bệnh LMLM, bệnh Cúm gia cầm, bệnh Dại; hướng dẫn, tổ chức tái đàn lợn khi đảm bảo các điều kiện theo quy định về chăn nuôi an toàn sinh học, việc thực hiện nuôi tái đàn phải thận trọng, đảm bảo an toàn, có sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền địa phương, thú y và người chăn nuôi; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển chăn nuôi với đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch 101/KH-UBND ngày 01/11/2018 của UBND tỉnh về thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với lợn hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại Nam Định đến năm 2020. Khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn sinh học; phát triển cơ sở sản xuất con giống đảm bảo chất lượng và an toàn dịch bệnh. Thực hiện cơ cấu lại đàn vật nuôi theo đặc điểm và lợi thế của địa phương và nhu cầu thị trường.

4. Khuyến khích các hộ nuôi trồng thủy sản đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển đa dạng các đối tượng có giá trị kinh tế cao phù hợp với quy hoạch phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; tiếp tục hình thành và phát triển các chuỗi liên kết thủy sản; thực hiện tốt công tác quản lý sản xuất và cung ứng giống thủy sản, công tác quan trắc cảnh báo môi trường, phòng chống dịch bệnh. Thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tăng cường triển khai thực hiện Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt là các quy định liên quan chống khai thác IUU, khắc phục các khuyến nghị của EC, hướng tới phát triển thủy sản bền vững.

5. Tập trung đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Đề án xây dựng thí điểm mô hình huyện Hải Hậu NTM kiểu mẫu “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp để phát triển bền vững” giai đoạn 2019 - 2025; các mô hình xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu…; phấn đấu trong năm 2020 có trên 25% số xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao, xây dựng ít nhất 10 mô hình NTM kiểu mẫu (3 mô hình cấp xã, 6 mô hình thôn/xóm, 1 - 2 mô hình kiểu mẫu về môi trường) và 18 mô hình tuyến đê kiểu mẫu, huyện Hải Hậu cơ bản đạt tiêu chí huyện NTM nâng cao. Duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM của các xã, huyện, nhất là các tiêu chí về sản xuất, môi trường, văn hóa, an ninh trật tự để đảm bảo tính bền vững. Đẩy mạnh thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030; phấn đấu hết năm 2020 có ít nhất 100 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng công nhận đạt sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

6. Siết chặt quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; chú trọng việc phát động và khuyến khích người dân phát hiện, tố giác các hành vi kinh doanh vật tư nông nghiệp trái pháp luật, buôn bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng kết hợp với kiểm tra đột xuất; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.

Triển khai toàn diện các biện pháp quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng,…; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa kết hợp với tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.

7. Tổ chức ra quân triển khai trồng cây xanh, cây bóng mát kết hợp trồng hoa hai bên đường ở những tuyến đường trục xã, thôn, xóm. Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng phòng hộ và đất quy hoạch lâm nghiệp; rà soát lại diện tích đất bãi bồi để đăng ký tham gia chương trình phát triển rừng phòng hộ. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư và thực hiện hiệu quả các dự án trồng rừng ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai.

8. Tích cực triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, công trình thủy lợi và các phương án phòng chống, giảm nhẹ thiên tai ứng phó với biến đổi khí hậu; duy trì nghiêm chế độ thường trực theo quy định, kiểm tra phát hiện xử lý kịp thời các sự cố về đê điều; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm luật đê điều và các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai.

Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện. Định kỳ báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện và những vấn đề phát sinh về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT)./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND, UBND tỉnh;
- Mặt trận Tổ quốc tỉnh;
- Các Sở, ngành;
- Các Huyện ủy, Thành ủy;
- UBND các huyện, thành phố;
- Website tỉnh, VPUBND tỉnh;
- Lưu: VP1, VP3.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Phùng Hoan

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 3/CT-UBND về tập trung thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn năm 2020 do tỉnh Nam Định ban hành

  • Số hiệu: 3/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 06/03/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nam Định
  • Người ký: Nguyễn Phùng Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/03/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản