Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 299/TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 1980

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC ĐO ĐẠC, PHÂN HẠNG VÀ ĐĂNG KÝ RUỘNG ĐẤT TRONG CẢ NƯỚC

Ngày 24 tháng 6 năm 1977 Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 169-CP về công tác điều tra và thống kê tình hình cơ bản về ruộng đất trong cả nước. Thực hiện quyết định này, đến nay chúng ta đã có những số liệu cơ bản về đất với mức độ tương đối đầy đủ và tin cậy hơn so với những tài liệu điều tra trước, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý hiện nay của Nhà nước đối với đất đai vì chúng ta chưa xác định chính xác diện tích đất đai của từng chủ sử dụng và chưa tổ chức việc đăng ký phân hạng từng thửa ruộng đất.

Để quản lý chặt chẻ và thống nhất được đất đai trong cả nước theo Quyết định 201-CP ngày 01 tháng 7 năm 1980 của Hội đồng Chính phủ, đồng thời để xây dựng được những tài liệu cơ bản cho công tác quy hoạch của các ngành kinh tế, cũng như quyết định các chính sách quản lý cho công tác kế hoạch hóa, hoàn thiện quan hệ sản xuất ở miền Bắc  và đẩy mạnh công cuộc cải tạo quan hệ sản xuất trong nông nghiệp ở miền Nam. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp tiến hành công tác đo đạc, lập bản đồ phân loại đất, phân hạng đất canh tác và đăng ký, thống kê tình hình sử dụng ruộng đất trong cả nước.

Để các công việc nói trên tiến hành được thuận lợi, bảo đảm yêu cầu về chất lượng và thời gian, các ngành, các cấp cần thực hiện tốt những việc cụ thể sau đây:

1. Để phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ 3 (1981-1985) và kế hoạch dài hạn, đồng thời đế nắm chắc được diện tích và chất lượng ruộng đất, xác định phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của người sử dụng đât, phân loại, phân hạng đất canh tác trong từng đơn vị sử dụng, thực hiện thống nhất quản lý ruộng đất trong cả nước, cần tiến hành công tác đo đạc, xây dựng bản đồ phân loại đất, phân hạng đất canh tác và đăng ký thống kê sử dụng ruộng đất trên toàn lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo từng đơn vị hành chính (xã, huyện, tỉnh và cấp tương đương) trong từng cơ quan, tổ chức và cá nhân sử dụng đất. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân sử dụng đất có nhiệm vụ chấp hành đúng mọi thủ tục và đăng ký ruộng đất theo quy định của Tổng Cục Quản lý ruộng đất.

Thời gian hoàn thành công việc nói trên ở các vùng trong nước được quy định như sau:

- Vùng đồng bằng sông Cửu Long: cuối năm 1982;

- Vùng Đông Nam bộ, Tây nguyên, ven biển miền Trung: cuối năm 1983;

- Các vùng khác (phía Bắc): cuối năm 1984.

2. Căn cứ vào kết quả của công tác nói trên, cần lập hồ sơ ruộng đất và lập sổ địa chính của Nhà nước; hồ sơ và sổ này được lưu giữ ở các cấp, các cơ quan, tổ chức và cá nhân sử dụng đất. Ngành Quản lý ruộng đất từ Trung ương đến địa phương có trách nhiệm quản lý thống nhất sổ địa chính của Nhà nước để phục vụ mọi hoạt động phát triển nền kinh tế quốc dân trước mắt và lâu dài.

3. Về tổ chức chỉ đạo:

a) Tổng Cục Quản lý ruộng đất có trách nhiệm:

- Xây dựng các phương án kỹ thuật, kế hoạch tiến hành và tổ chức thực hiện công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký thống kê ruộng đất.

- Tổ chức huấn luyện cán bộ cho các tỉnh và chỉ đạo việc triển khai ở các địa phương.

- Quản lý, phân phối lực lượng cán bộ được các ngành tăng cường và quản lý kinh phí, vật tư được Nhà nước cấp riêng cho công tác này.

- Chủ trì phối hợp các ngành ở Trung ương để thực hiện kế hoạch đo đạc, phân hạng và đăng ký thống kê ruộng đất.

- Xây dựng các tài liệu tổng hợp và báo cáo các kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

b) Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm:

- Cử cán bộ chuyên môn của Viện Nông hoá thổ nhưỡng, Viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp, Tổng cục khai hoang và vùng kinh tế mới, các trường đại học nông nghiệp tham gia công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký thống kê ruộng đât từ tháng 01 năm 1981 đến tháng 12 năm 1982.

- Cung cấp cho Tổng Cục Quản lý ruộng đất số bản đồ từng thửa tỷ lệ lớn hiện có.

- Huy động các loại phim ảnh hiện có, phương tiện nắn, phóng ảnh hàng không và phương tiện ấn loát phục vụ cho việc xây dựng bản đồ từng thửa và chuẩn bị tài liệu, bảng biểu dùng trong công tác đăng ký, thống kê ruộng đất.

- Giúp đỡ Tổng Cục Quản lý ruộng đất, tạo mọi điều kiện thuận lợi (cơ sở vật chất kỹ thuật, kinh phí, vật tư, kế hoạch, biên chế…) để Tổng cục tiến hành được các công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký thống kê ruộng đất.

c) Cục đo đạc và bản đồ Nhà nước có trách nhiệm:

- Cử cán bộ chuyên môn tham gia công tác huấn luyện lực lượng đo đạc và xây dựng bản đồ ruộng đất của địa phương.

- Cung cấp bản đồ từng thửa tỷ lệ lớn cho Tổng cục quản lý ruộng đất, ở những vùng chưa cung cấp được bản đồ từng thửa thì cung cấp phim ảnh hàng không (âm bản) hiện có theo yêu cầu và kế hoạch của Tổng cục quản lý ruộng đất.

- Phối hợp với Cục bản đồ Bộ Tổng tham mưu nghiên cứu và tiến hành khai thác ảnh chụp bằng máy bay hiện có để xây dựng bản đồ từng thửa (trước mắt là xây dựng bản đồ từng thửa tỷ lệ lớn cho vùng đồng bằng Sông Cửu Long).

Trên đây chỉ nêu một số việc giao cho Cục đo đạc và bản đồ Nhà nước tham gia để trong một thời gian ngắn có tài liệu, bản đồ phục vụ cho quản lý ruộng đất. Còn nhiệm vụ xây dựng một bộ bản đồ chính quy tỷ lệ lớn phục vụ các ngành kinh tế quốc dân thì vẫn tiến hành theo kế hoạch của Nhà nước giao.

d) Bộ Quốc phòng (Cục Bản đồ Tổng tham mưu) có trách nhiệm:

- Có kế hoạch bay chụp ảnh bổ xung để hoàn thành kế hoạch bay chụp ảnh trên toàn lãnh thổ.

- Cung cấp bản đồ ảnh và bản đồ giấy có tỷ lệ lớn cho Tổng cục quản lý ruộng đât.

- Giúp Tổng cục quản lý ruộng đất đào tạo cán bộ cơ sở sử dụng ảnh chụp bằng máy bay.

- Huy động lực lượng quan đội tham gia triển khai công tác này tại các địa phương.

đ) Bộ Văn hóa và Thông tin có trách nhiệm:

- Cung cấp giấy vẽ và in bản đồ, bảng, biểu và tài liệu dùng trong công tác đăng ký, thông kê sử dụng ruộng đất.

- Huy động các phương tiện ấn loát để phục vụ công tác đăng ký thống kế ruộng đất.

e) Tổng cục thống kê có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục quản lý ruộng đất xây dựng và triển khai các quy trình kỹ thuật có liên quan đến công tác thống kê.

g) Các Bộ khác có máy móc về khai thác ảnh chụp bằng máy bay (Bộ Xây dựng, Bộ Thủy lợi, Tổng cục địa chất...) có trách nhiệm huy động máy móc của ngành để phục vụ công tác đo đặc lập bản đồ ruộng đất.

Các cơ quan tuyên truyền, báo chí, Ủy ban phát thanh và truyền hình có kế hoạch phối hợp với Tổng cục quản lý ruộng đất tuyên truyền, giải thích để cán bộ, quân đội và nhân dân hiểu và tích cực thực hiện công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký ruộng đất.

Ủy ban kế hoạch Nhà nước, các Bộ Vật tư, lương thực và thực phẩm, Nội thương, Tài chính, Công nghiệp nhẹ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... giải quyết kinh phí, vật tư, thiết bị kỹ thuật, lương thực, thực phẩm, phương tiện giao thông, nhiên liệu... cần thiết để công tác này triên khai được thuận lợi. Các yêu cầu về kinh phí, vật tư cần thiết cần được ghi vào kế hoạch và ngân sách từng năm của Trung ương và địa phương.

Công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký thống kê sử dụng ruộng đất này cần được hoàn thành tốt trong một thời gian tương đối ngắn, do đó cần sự chỉ đạo tập trung của Chính phủ và Ủy ban Nhân dân các địa phương.

Ở Trung ương do đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách Nông nghiệp trực tiếp chỉ đạo.

Ủy ban Nhân dân các cấp (tỉnh, huyện, xã và cấp tương đương) cử một đồng chí Phó Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo công tác này. Cơ quan giúp việc cho UBND tỉnh là ngành Quản lý ruộng đất. Những tỉnh đã thành lập Ban Quản lý ruộng đất nhưng còn thiếu cán bộ thì cần bổ sung cho đủ, tỉnh nào chưa thành lập Ban Quản lý ruộng đất thì cần chấn chỉnh và thành lập ngay theo tinh thần Nghị định 404-CP ngày 09/11/1979 của Hội đồng Chính phủ, đồng thời có kế hoạch bổ sung, tăng cường cán bộ cho cấp huyện và xã.

Ở cấp xã cần thành lập Hội đồng đăng ký ruộng đất để giúp Ủy ban nhân dân xã tổ chức thực hiện công tác này. Thành phần của Hội đồng gồm có: Chủ tịch UBND xã làm Chủ tịch Hội đồng; cán bộ quản lý ruộng đất làm ủy viên thư ký, đại diện Ban quản trị hợp tác xã nông nghiệp hoặc tập đoàn sản xuất, công an xã, giám đốc nông trường quốc doanh làm ủy viên.

Tổng Cục Quản lý ruộng đất có nhiệm vụ hướng dẫn cụ thể và giúp các địa phương đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để các Ban quản lý ruộng đất và các Hội đồng đăng ký ruộng đất thực hiện tốt nhiệm vụ công tác.

UBND các tỉnh, thành phố cần huy động và sử dụng mọi lực lượng cán bộ và khả năng vật tư, tài chính hiện có của địa phương để xây dựng kế hoạch thực hiện công tác này trong địa phương mình. Mỗi cấp cần chỉ đạo điển hình để rút kinh nghiệm và chuẩn bị lực lượng để triển khai rộng trên toàn bộ lãnh thổ.

Công tác đo đạc, xây dựng bản đồ, phân loại đất, phân hạng đất canh tác, đăng ký, thống kê sử dụng ruộng đất trong cả nước được xem là một trong những công tác quan trọng trong kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (1981 – 1985). Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp tập trung lực lượng để hoàn thành công tác này theo đúng thời gian quy định.

 

 

K/T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Tố Hữu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 299/TTg năm 1980 về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký ruộng đất trong cả nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 299/TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 10/11/1980
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Tố Hữu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/11/1980
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản