Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 404-CP

Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 1979

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC CỦA TỔNG CỤC QUẢN LÝ RUỘNG ĐẤT

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14-7-1960;
Căn cứ vào Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội số 548-NQ/QHK6 ngày 24-5-1979 phê chuẩn việc thành lập Tổng cục quản lý ruộng đất trực thuộc Hội đồng Chính phủ;
Căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp hội nghị Thường vụ Hội đồng Chính phủ này 21-12-1978.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Tổng cục quản lý ruộng đất là cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, có trách nhiệm giúp Hội đồng Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước đối với toàn bộ ruộng đất trên lãnh thổ cả nước, nhằm phát triển sản xuất, bảo vệ đất đai, bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả cao đối với các loại đất.

Tổng cục cùng với các ngành, các cấp hữu quan bảo đảm thực hiện những nội dung quản lý Nhà nước đối với ruộng đất, như :

- Điều tra, khảo sát và phân bố các loại đất.

- Quy hoạch sử dụng ruộng đất.

- Quy định các thể lệ về quản lý và sử dụng ruộng đất.

- Giao đất, thu hồi đất, trưng dụng đất.

- Thống kê, đăng ký đất.

- Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ruộng đất.

- Giải quyết tranh chấp về ruộng đất.

Điều 2. - Tổng cục quản lý ruộng đất có những nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu sau đây:

1. Điều tra, đo đạc, lập và giữ bản đồ địa chính;

2. Tham gia xếp loại ruộng đất, phân bố đất, xây dựng, xét duyệt các quy hoạch sử dụng ruộng đất;

3. Lập sổ địa chính, giữ sổ và chịu trách nhiệm đăng ký vào sổ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

4. Lưu trữ tài liệu về ruộng đất, cung cấp những tài liệu cần thiết và giúp việc giải quyết những tranh chấp về ruộng đất, giúp việc xử lý các vụ vi phạm pháp luật về ruộng đất;

5. Hướng dẫn thi hành pháp luật về quản lý ruộng đất;

6. Thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý ruộng đất;

7. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành quản lý ruộng đất;

8. Giúp Chính phủ nắm tình hình ruộng đất, kiến nghị các biện pháp cần thiết để bảo đảm việc quản lý ruộng đất theo đúng pháp luật;

9. Nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ ban hành Tổng cục ban hành trong phạm vi quyền hạn được giao các chính sách, chế độ, thể lệ về quản lý ruộng đất; tổ chức chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ, thể lệ ấy;

10. Để thi hành pháp luật và các nghị định, nghị quyết, quyết định, thông tư, chỉ thị của Hội đồng Chính phủ, trong phạm vi quyền hạn của mình, Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý ruộng đất ra những thông tư, quyết định và kiểm tra các ngành, các cấp thi hành những thông tư, quyết định ấy.

11. Quản lý tổ chức, cán bộ, biên chế, tài sản, tài chính của Tổng cục theo chế độ chung của Nhà nước.

Điều 3. – Cơ cấu tổ chức của Tổng cục quản lý ruộng đất:

Tổng cục quản lý ruộng đất có một tổng cục trưởng và hai phó tổng cục trưởng. Tổng cục trưởng chịu trách nhiệm trước Hội đồng Chính phủ lãnh đạo toàn bộ công tác của Tổng cục ghi ở điều 1 và điều 2 của nghị định. Các phó tổng cục trưởng giúp Tổng cục trưởng trong việc lãnh đạo chung và được tổng cục trưởng ủy nhiệm chỉ đạo một số công tác của tổng cục. Các phó tổng cục trưởng chịu trách nhiệm trước tổng cục trưởng về công tác được phân công.

Bộ máy của Tổng cục, trước mắt gồm có:

1. Văn phòng,

2. Vụ bản đồ đất,

3. Vụ đăng ký, thống kê đất,

4. Ban thanh tra,

5. Trường đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý ruộng đất (trên cơ sở trường trung học quản lý ruộng đất của Bộ Nông nghiệp chuyển sang).

Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý ruộng đất có trách nhiệm nghiên cứu, sắp xếp về tổ chức, quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Tổng cục theo hướng gọn, nhẹ có hiệu lực.

Tổ chức và biên chế của Tổng cục quản lý ruộng đất được sắp xết trên cơ sở của Vụ quản lý ruộng đất ở Bộ Nông nghiệp và tổ chức quản lý ruộng đất ở các ngành có liên quan chuyển sang.

Điều 4. - Tổ chức quản lý ruộng đất ở địa phương gồm có:

- Cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương có ban quản lý ruộng đất trực thuộc Ủy ban nhân dân.

- Cấp huyện và tương đương (gọi tắt là cấp huyện) có phòng quản lý ruộng đất đặt trong Văn phòng Ủy ban nhân dân .

- Cấp xã do Ủy ban nhân dân phụ trách, có phân công cán bộ chuyên trách giúp việc.

Điều 5. – Ban quản lý ruộng đất là cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chịu sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố; đồng thời chịu sự chỉ đạo thống nhất về chuyên môn nghiệp vụ của Tổng cục quản lý ruộng đất.

Ban quản lý ruộng đất có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố:

1. Chỉ đạo các huyện điều tra đo đạc, lập và quản lý bản đồ địa chính, xét duyệt các kết quả điều tra, đo đạc của các huyện, các đơn vị trong tỉnh; phối hợp với các ngành hữu quan xây dựng các loại bản đồ, tài liệu ruộng đất của tỉnh phục vụ cho công tác quản lý và sử dụng ruộng đất;

2. Tham gia vào việc xếp loại ruộng đất, vào việc xây dựng và xét duyệt các quy hoạch sử dụng ruộng đất;

3. Hướng dẫn các huyện lập và sử dụng sổ địa chính để quản lý các biến động về ruộng đất, đăng ký đất, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong việc xét để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất theo phân cấp;

4. Lưu trữ tài liệu về ruộng đất, cung cấp những tài liệu cần thiết và giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố giải quyết những tranh chấp về ruộng đất, giúp việc xử lý các vụ vi phạm pháp luật ruộng đất;

5. Hướng dẫn việc thi hành pháp luật về ruộng đất;

6. Thanh tra việc chấp hành pháp luật về ruộng đất;

7. Căn cứ vào sự phân công trách nhiệm mà tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý ruộng đất;

8. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nắm tình hình ruộng đất, kiến nghị các biện pháp cần thiết để quản lý ruộng đất theo đúng pháp luật.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào nhiệm vụ và đặc điểm của địa phương để nghiên cứu, sắp xếp và quyết định cụ thể cơ cấu tổ chức của ban quản lý ruộng đất nói trên theo quy chế chung của Nhà nước. Tổ chức biên chế phải gọn nhẹ, có hiệu lực và sắp xếp trong tổng số biên chế chung mà Nhà nước đã giao cho tỉnh.

Điều 6. – Phòng quản lý ruộng đất ở huyện chịu sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Ủy ban nhân dân huyện; đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của ban quản lý ruộng đất của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Phòng quản lý ruộng đất có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân huyện;

1. Tổ chức điều tra cơ bản về đất của huyện, như:

- Đo đạc lập bản đồ địa chính,

- Đo đạc lập bản đồ độ cao,

- Điều tra xây dựng bản đồ thổ nhưỡng nông hóa,

- Điều tra xây dựng sơ đồ đất đơn giản.

2. Cùng với các cơ quan hữu quan tổ chức việc phân loại ruộng đất, xây dựng quy hoạch, sử dụng đất đai, tham gia xây dựng quy hoạch nông nghiệp, lâm nghiệp, v.v… của huyện, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy hoạch đất đai.

3. Hướng dẫn các xã lập và sử dụng sổ địa chính để tiến hành đăng ký ruộng đất và quản lý thường xuyên trên các mặt:

- Hình thể, kích thước các thửa ruộng đất.

- Độ mầu mỡ của ruộng đất.

- Mục đích sử dụng.

- Quyền quản lý, sử dụng ruộng đất.

- Chỉnh lý bản đồ, vào sổ, chữa sổ về các biến động ruộng đất khi các biến động ấy đã được cấp có thẩm quyền xét duyệt.

4. Tổ chức việc lưu trữ tài liệu ruộng đất theo phân cấp; thẩm tra, đề xuất ý kiến để cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, khiếu nại về ruộng đất.

5. Thanh tra, kiểm việc quản lý và sử dụng ruộng đất của các đơn vị và cá nhân trên lãnh thổ của huyện.

6. Bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý ruộng đất xã.

7. Căn cứ vào những quy định của Nhà nước và tình hình cụ thể của địa phương để hướng dẫn việc thi hành pháp luật về quản lý ruộng đất trong huyện.

Điều 7. Công tác quản lý ruộng đất ở xã:

Mỗi xã phân công một cán bộ giúp Ủy ban nhân dân làm các việc sau đây:

1. Cùng với huyện hoặc tỉnh điều tra, đo đạc để nắm số lượng, chất lượng ruộng đất trong xã;

2. Cùng với huyện và hợp tác xã xây dựng các quy hoạch, kế hoạch về sử dụng, bảo vệ, cải tạo đất, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các quy hoạch, kế hoạch này;

3. Lập sổ địa chính, giữ sổ và chịu trách nhiệm đăng ký, vào sổ, làm các thủ tục chuyển dịch ruộng đất khi đã được phép của cơ quan có thẩm quyền, tổ chức việc đăng ký thống kê đất;

4. Lưu trữ và cung cấp các tài liệu, số liệu ruộng đất để các cấp, các ngành sử dụng;

5. Thường xuyên tuyên truyền phổ biến các chính sách và chế độ quản lý ruộng đất để mọi người thực hiện;

6. Kiểm tra việc sử dụng ruộng đất, phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật ruộng đất; đề xuất ý kiến giải quyết những vụ vi phạm pháp luật ruộng đất, những vụ tranh chấp, khiếu tố về ruộng đất;

7. Nắm tình hình ruộng đất, quản lý chặt chẽ các biến động ruộng đất (trên các mặt hình thể, kích thước, độ mầu mỡ, mục đích sử dụng, quyền quản lý v.v…) theo đúng pháp luật.

Điều 8. - Việc bổ sung, sửa đổi nghị định này do Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý ruộng đất đề nghị, Hội đồng Chính phủ quyết định.

Những điều quy định trước đây trái với những quy định trong nghị định này đều bãi bỏ. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 9. – Các đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý ruộng đất, thủ trưởng các ngành có liên quan và chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thi hành nghị định này.

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 404-CP năm 1979 quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Tổng cục quản lý ruộng đất do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 404-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 09/11/1979
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: 09/11/1979
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản