Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/CT-UB

Đà Lạt, ngày 28 tháng 05 năm 1998

 

CHỈ THỊ

“VỀ VIỆC NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG CHUYỂN NHƯỢNG, CHUYỂN ĐỔI CHO THUÊ TRÁI PHÉP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT TRONG VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC”.

Trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân là do công tác quản lý Nhà nước về đất đai chưa chặt chẽ, một số hộ đồng bào dân tộc đã và đang chuyển nhượng chuyển đổi, cho thuê quyền sử dụng đất cho người kinh, cho đồng bào kinh tế mới cho dân di cư tự do, cho các tổ chức và người khác dẫn đến tình trạng thiếu đất sản xuất, phải vào rừng đốt than, làm rẫy kiếm sống... Một số khu vực đã định canh định cư, sản xuất đời sống ổn định hoặc một số khu vực hình thành khu dân cư, bà con dân tộc thấy lợi trước mắt do đất có giá nên đã chuyển nhượng, cho thuê đất sản xuất, đất thổ cư bất hợp pháp, bán non hoa màu, vườn cây để lấy tiền mua sắm, tiêu xài và bà con lại vào rừng chiếm đất mới sản xuất gây xáo trộn quy hoạch và tác động xấu đến chương trình phát triển kinh tế và xã hội ở nông thôn.

Để khắc phục tình trạng nói trên, UBND tỉnh chỉ thị:

1. UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Thị xã Bảo Lộc có trách nhiệm:

- Phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể và các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, giáo dục vận động các hộ đồng bào dân tộc hiểu và thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như của tỉnh về đầu tư xây dựng các xã vùng đồng bào dân tộc, thực hiện định canh định cư, tiến tới ổn định sản xuất và đời sống, nâng cao trình độ các mặt cho đồng bào dân tộc.

- Có biện pháp chỉ đạo, giáo dục cụ thể bà con dân tộc thực hiện đúng các quy định của Luật đất đai, Luật bảo vệ và phát triển rừng; Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu của Nhà nước đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc, như chương trình 327, chương trình đầu tư cho các xã điểm, trung tâm cụm xã, chương trình xóa đói giảm nghèo.

- Có biện pháp nghiêm cấm việc mua, bán, sang nhượng ruộng đất dưới bất cứ hình thức nào, trong bất kỳ điều kiện nào mà từ đó dẫn đến đồng bào dân tộc không còn đất hoặc không đủ đất sản xuất phải du canh, du cư vào rừng phát nương làm rẫy, cuộc sống lâm vào tình trạng đói khổ...

- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn quản lý chặt tất cả các trường hợp chuyển nhượng, cho thuê đất, các hành vi mua bán đất trái với pháp luật quy định, nhất là các hộ đồng bào dân tộc vì thấy lợi trước mắt mà chuyển nhượng, cho thuê, chuyển đổi quyền sử dụng đất cho người khác dẫn đến thiếu đất sản xuất (kể cả đất đang canh tác ổn định, đất thổ cư và đất đang tạm thời bỏ hoang, hóa). Kiên quyết ngăn chặn tình trạng các hộ đồng bào dân tộc về lại nương rẫy cũ, phá rừng sản xuất với bất cứ hình thức nào. Nếu hộ nào vì bán hoa màu, chuyển nhượng đất, cho thuê hết đất mà vào rừng phá rừng, thì đưa ra trước dân phê bình, kiểm điểm và nếu có hành vi vi phạm nghiêm trọng thì xử lý theo đúng pháp luật.

- Quản lý chặt số người đến làm ăn ở vùng dân tộc, bao gồm dân kinh tế mới, dân di cư tự do, dân tại chỗ nhưng vào vùng dân tộc mua đất và hướng dẫn họ, không mua đất của bà con dân tộc. Những trường hợp cố tình vi phạm, lợi dụng khó khăn của các hộ dân tộc gạ gẫm mua bán đất, hoặc mua đi bán lại để kiếm lời thì chính quyền địa phương cần có biện pháp xử lý từ việc nhắc nhở đến cảnh cáo và xử phạt hành chính theo đúng quy định, trường hợp cần thiết thì thu hồi đất để trả lại đất cho đồng bào dân tộc sản xuất.

- Đối với các hộ đồng bào dân tộc có khó khăn đột xuất (hỏa hoạn, ốm đau, tang gia...) thì vận động nhân dân, các hội, đoàn thể, hoặc dùng quỹ trợ cấp khó khăn để giúp đỡ họ, không vì lý do khó khăn đột xuất mà cho phép họ chuyển quyền sử dụng đất dẫn đến thiếu đất sản xuất hoặc để họ phải bán non hoa màu cho tư thương.

- Đối với các hộ không biết làm ăn, thiếu hiểu biết về kỹ thuật sản xuất hoặc có khó khăn dẫn đến sản xuất không có hiệu quả thì cơ quan khuyến nông và UBND cấp xã trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật về canh tác, tìm biện pháp giúp họ phát triển sản xuất có hiệu quả.

- Trường hợp các hộ đồng bào dân tộc thực sự không còn nhu cầu sử dụng đất do không còn lao động không có ai để trao quyền thừa kế, hoặc có nhiều đất (diện tích đất bình quân nhân khẩu trong hộ cao hơn nhiều so với mức bình quân tại địa phương) mà cần vốn để tập trung đầu tư thâm canh trên số diện tích còn lại thì phải xem xét kỹ từng trường hợp cụ thể để có thể cho chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng phải đảm bảo yêu cầu là: sau khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác, số diện tích còn lại của gia đình tối thiểu phải bằng mức bình quân tại địa phương, đồng thời phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo pháp luật quy định.

- Đối với những trường hợp đã chuyển nhượng, thuê đất trong vùng đồng bào dân tộc không đúng quy định thì xử lý như sau:

+ Động viên đồng bào trả lại tiền cho người mua, người thuê để lấy lại đất sản xuất.

+ Đối với hộ quá nghèo không có tiền trả lại thì chính quyền địa phương xem xét kỹ từng trường hợp để đề xuất biện pháp xử lý một cách thích hợp.

- Các trường hợp lợi dụng đồng bào dân tộc thiếu hiểu biết để chuyển nhượng đất, xúi giục đồng bào phá rừng để lấy đất bán, cho thuê hoặc mua vườn cây ở các vùng do Nhà nước đầu tư ổn định thì phải cương quyết xử lý thu hồi không điều kiện để phân phối lại cho đồng bào sản xuất. Tuy nhiên cần chú ý ngăn chặn trường hợp các vùng đất đã được Nhà nước giao cho các đơn vị sản xuất trong và ngoài nước trước đây, đã đền bù, giải tỏa nay bà con đòi lấy lại bán cho người khác gây sự phức tạp... thì giải thích, xử lý nếu thấy vi phạm.

2. UBND các xã, phường, thị trấn: không được xác nhận cho các hộ đồng bào dân tộc chuyển nhượng, cho thuê, chuyển đổi quyền sử dụng đất bất hợp pháp cho các hộ người kinh, đồng bào dân kinh tế mới và dân di cư tự do, cho các tổ chức và cá nhân. Nếu cán bộ nào vi phạm, cần phải được kiểm điểm và xử lý kỷ luật đúng mức. Đồng thời có trách nhiệm thực hiện đúng các nội dung có liên quan ở điều 1 chỉ thị này. Phải thường xuyên kiểm tra diễn biến tình hình sử dụng đất trên địa bàn, kịp thời phản ánh báo cáo về cấp huyện để chỉ đạo xử lý các trường hợp vi phạm.

3. Sở Địa chính có trách nhiệm phối hợp với sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Dân tộc miền núi cùng với UBND cấp huyện và cấp xã tổ chức điều tra, thống kê, lập biên bản tất cả các trường hợp chuyển nhượng, cho thuê, chuyển đổi quyền sử dụng đất trái pháp luật để xử lý theo các điều 5 (tự tiện chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất) điều 6 (tự tiện chuyển đổi, chuyển nhượng đất sử dụng không hợp pháp) điều 7 (cho thuê đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản trái quy định tại điều 78 Luật đất đai) của Nghị định 04/CP ngày 10/01/1997 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai. Tất cả các trường hợp vi phạm đều phải lập biên bản danh sách báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý: hủy bỏ các hợp đồng chuyển nhượng, cho thuê, chuyển đổi đất trái phép theo đúng quy định của pháp luật.

4. Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Địa chính, Ban Dân tộc và Miền núi... theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện tốt các quy định của pháp luật và các chương trình mục tiêu, các dự án phát triển vùng đồng bào dân tộc, công tác khuyến nông, khuyến lâm, xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho bà con dân tộc đi dần vào thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời ngành Địa chính cần đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong vùng đồng bào dân tộc, tạo điều kiện cho bà con có đủ điều kiện để thế chấp vay vốn phát triển sản xuất.

5. Yêu cầu các cơ quan thông tin đại chúng, các đoàn thể (phụ nữ, thanh niên, Mặt trận TQVN, Hội Nông dân Việt Nam...) đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích chủ trương, hạn chế, ngăn chặn việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong vùng đồng bào dân tộc để bà con chấp hành. Mặt khác cần vận động đồng bào tiết kiệm trong tiêu dùng và trong sản xuất để tập trung đầu tư thâm canh, phát triển sản xuất.

Việc ngăn chặn, hạn chế tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái phép trong vùng đồng bào dân tộc là vấn đề bức xúc hiện nay. Nhằm tạo điều kiện về lâu dài cho bà con phát triển sản xuất và ổn định đời sống. UBND tỉnh yêu cầu các sở ban ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các ngành, đơn vị có liên quan và nhân dân trong tỉnh nghiêm túc thực hiện chỉ thị này.

Chỉ thị này được phổ biến rộng rãi đến các cấp chính quyền cơ sở và trong toàn dân để thực hiện./-

 

 

TM. UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoài Bão

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 28/CT-UB năm 1998 ngăn chặn tình trạng chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê trái phép quyền sử dụng đất trong vùng đồng bào dân tộc do tỉnh Lâm Đồng ban hành

  • Số hiệu: 28/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/05/1998
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Nguyễn Hoài Bão
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/05/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 14/08/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản