Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 28/2003/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 12 năm 2003 

 

CHỈ THỊ

VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ ĐẦU TƯ

Công tác giám định đầu tư đã được Chính phủ quy định trong Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 về ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Thông tư 01/2000/TT-BKH ngày 10 tháng 01 năm 2000 về hướng dẫn về giám định đầu tư và ủy ban nhân dân thành phố cũng có Chỉ thị số 25/2000/CT-UB-DA ngày 16 tháng 10 năm 2000 về việc triển khai thực hiện công tác giám định đầu tư trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian qua công tác giám sát, đánh giá đầu tư chưa được thực hiện nghiêm túc, một phần do công tác giám sát, đánh giá đầu tư còn mới mẻ, một phần do các sở-ngành, ủy ban nhân dân quận-huyện và chủ đầu tư chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ, chưa thấy rõ những lợi ích và sự cần thiết khi thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư nên còn ít quan tâm, chưa chủ động thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư gởi các cơ quan liên quan theo định kỳ. Việc giám sát, đánh giá dự án đầu tư 6 tháng đầu năm 2003 chưa có chuyển biến mạnh, các dự án thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư còn rất thấp chỉ có 32 dự án, chiếm 2,05% trong tổng số 1559 dự án đang thực hiện đầu tư. Chỉ những dự án khi có phát sinh, điều chỉnh, do yêu cầu của cơ quan thẩm định mới làm báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư nhưng nội dung báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư không đạt yêu cầu, không theo biểu mẫu quy định.

Nhằm khắc phục những tồn tại trên và thực hiện Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đầu tư và xây dựng, Thông tư số 03/2003/TT-BKH ngày 19 tháng 5 năm 2003 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn công tác giám sát-đánh giá đầu tư, ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị cho Thủ trưởng các sở-ngành, Chủ tịch ủy ban nhân dân quận-huyện, các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, nội dung cụ thể dưới đây :

1. Các sở-ngành, ủy ban nhân dân quận-huyện, doanh nghiệp, chủ đầu tư thực hiện việc giám sát, đánh giá đầu tư theo phạm vi, đối tượng, mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ và nội dung được hướng dẫn tại phần I và phần II Thông tư số 03/2003/TT-BKH ngày 19 tháng 5 năm 2003 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn công tác giám sát, đánh giá đầu tư.

2. Nhiệm vụ của các sở-ngành, quận-huyện và chủ đầu tư trong công tác giám sát, đánh giá đầu tư :

2.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư :

- Hướng dẫn, theo dõi và tổng hợp báo cáo ủy ban nhân dân thành phố về công tác giám sát, đánh giá đầu tư trên địa bàn thành phố.

- Là cơ quan đầu mối tiếp nhận báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư của các sở-ngành, quận-huyện, chủ đầu tư.

- Tổ chức thực hiện đánh giá tổng thể đầu tư trên địa bàn theo từng thời kỳ kế hoạch hoặc theo yêu cầu của ủy ban nhân dân thành phố và tổng hợp báo cáo đánh giá tổng thể đầu tư hàng năm của các sở-ngành và quận-huyện để báo cáo ủy ban nhân dân thành phố.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở quản lý ngành và ủy ban nhân dân quận-huyện có liên quan thực hiện giám sát, đánh giá các dự án đầu tư do ủy ban nhân dân thành phố quyết định đầu tư và các dự án nhóm C do Sở Kế hoạch và Đầu tư được ủy quyền quyết định đầu tư tại khoản 1 Điều 1, Quyết định số 30/2003/QĐ-UB ngày 06 tháng 3 năm 2003 của ủy ban nhân dân thành phố.

Tùy theo yêu cầu từng dự án cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các sở-ngành và quận-huyện liên quan cử cán bộ, chuyên gia tham gia giám sát, đánh giá dự án dưới hình thức thành lập các tổ công tác liên ngành; hoặc có văn bản hỏi ý kiến các sở-ngành và quận-huyện; hoặc mời các tổ chức tư vấn, chuyên gia có đủ năng lực chuyên môn về các lĩnh vực liên quan tham gia.

- Tham gia giám sát, đánh giá dự án nhóm A với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi có yêu cầu.

- Tổng hợp, báo cáo ủy ban nhân dân thành phố về việc thực hiện giám sát, đánh giá các dự án nhóm B, C do Sở tổ chức hoặc chủ trì thực hiện.

- Kiến nghị với ủy ban nhân dân thành phố hoặc tham mưu cho ủy ban nhân dân thành phố những vấn đề cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hoặc các Bộ-Ngành về những vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư chung của thành phố về các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các sở-ngành, quận-huyện hoặc của chủ đầu tư để đảm bảo tiến độ và hiệu quả đầu tư.

- Tiếp nhận, xem xét, có ý kiến hoặc giải quyết các vấn đề thuộc chức năng nhiệm vụ của Sở khi có yêu cầu của sở-ngành khác, quận-huyện và chủ đầu tư; hoặc trình ủy ban nhân dân thành phố những vấn đề vượt thẩm quyền.

- Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư của các sở-ngành, quận-huyện được ủy ban nhân dân thành phố giao và báo cáo cho ủy ban nhân dân thành phố về kết quả kiểm tra, đánh giá và kiến nghị hình thức xử lý nếu phát hiện có vi phạm về Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng.

- Đề xuất việc cân đối và ghi vốn theo đúng tiến độ đã được phê duyệt và tiến độ thực hiện công trình của chủ đầu tư và không điều chỉnh dự án, không ghi kế hoạch vốn cho những dự án không thực hiện đầy đủ quy định về giám sát, đánh giá đầu tư.

- Lập và tổng hợp danh mục các cơ quan quản lý Nhà nước, chủ đầu tư, tư vấn đầu tư và xây dựng, đơn vị thi công, đơn vị cung cấp máy móc, thiết bị có vi phạm Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng, kiến nghị kịp thời hình thức xử lý vi phạm trình ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

2.2. Sở Giao thông Công chánh chủ trì và phối hợp với Sở Tài chính, sở-ngành và quận-huyện có liên quan thực hiện giám sát đánh giá các dự án nhóm C theo ủy quyền của ủy ban nhân dân thành phố tại mục 1 và mục 3 Điều 1, Quyết định số 30/2003/QĐ-UB ngày 06 tháng 3 năm 2003.

2.3. ủy ban nhân dân quận-huyện chủ trì và phối hợp với Sở quản lý ngành có liên quan thực hiện giám sát, đánh giá các dự án theo phân cấp của ủy ban nhân dân thành phố tại Điều 13.1, Quyết định số 155/2002/QĐ-UB ngày 19 tháng 12 năm 2002.

2.4. Sở Tài nguyên và Môi trường :

- Kiểm tra, đánh giá và báo cáo về quản lý sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố, phát hiện những vi phạm, vướng mắc, khó khăn, đề xuất những cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý và sử dụng, khai thác hợp lý và có hiệu quả đất đai các dự án đầu tư của thành phố và đảm bảo môi trường theo tiêu chuẩn quy định.

- Phối hợp với các sở-ngành liên quan giúp các chủ đầu tư đẩy nhanh việc đền bù, giải tỏa và cấp quyền sử dụng đất cho các dự án, có biện pháp cương quyết thu hồi đất được giao nhưng chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định để giải phóng quỹ đất của thành phố.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư giám sát, đánh giá đầu tư trong phạm vi quản lý của mình khi có yêu cầu.

2.5. Cơ quan cấp phát vốn (Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh, Quỹ Hỗ trợ phát triển, Quỹ Đầu tư Phát triển đô thị, Ngân hàng Thương mại, các tổ chức tài chính tín dụng):

- Báo cáo giám sát, đánh giá theo quy định quá trình giải ngân các dự án do mình cấp phát, phát hiện những phát sinh và đề xuất các kiến nghị, biện pháp giải quyết.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư giám sát, đánh giá dự án đầu tư trong phạm vi quản lý của mình khi có yêu cầu.

- Không phê duyệt quyết toán vốn cho những dự án không thực hiện đầy đủ quy định về giám sát, đánh giá đầu tư.

2.6. Sở Xây dựng:

- Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư về quản lý xây dựng và chất lượng công trình của tất cả các nguồn vốn trên địa bàn thành phố theo quy định, phát hiện những sai phạm, những vướng mắc để kịp thời chấn chỉnh và xử lý.

- Đề xuất các cơ chế, chính sách, biện pháp khả thi để thực hiện tốt việc quản lý xây dựng và chất lượng công trình của thành phố.

- Chủ trì và phối hợp với các sở-ngành, quận-huyện có liên quan thực hiện giám sát, đánh giá các dự án đầu tư được ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền quyết định.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư giám sát, đánh giá dự án đầu tư trong phạm vi quản lý của mình khi có yêu cầu.

2.7. Thủ trưởng các sở-ngành và Chủ tịch ủy ban nhân dân quận-huyện :

- Tổ chức thực hiện và báo cáo ủy ban nhân dân thành phố về giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư trong phạm vi ngành, lĩnh vực hoặc địa phương do mình quản lý theo chế độ quy định.

- Tổng hợp và báo cáo ủy ban nhân dân thành phố về giám sát, đánh giá dự án đầu tư do mình quản lý.

- Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá dự án đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của mình và báo cáo ủy ban nhân dân thành phố theo quy định. Trong quá trình giám sát, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng, những khó khăn, vướng mắc hoặc những vấn đề còn chưa rõ trong báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư có thể yêu cầu chủ đầu tư báo cáo hoặc tiến hành giám sát tại chỗ về vấn đề cần tìm hiểu. Việc giám sát tại chỗ phải có kế hoạch, chương trình làm việc cụ thể và thông báo trước ít nhất 05 ngày làm việc cho chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan biết.

- Khi thực hiện nhiệm vụ đánh giá đầu tư có thể mời các tổ chức tư vấn, chuyên gia có đủ năng lực chuyên môn về các lĩnh vực liên quan tham gia. Khi có nhu cầu thuê các tổ chức tư vấn và chuyên gia thực hiện đánh giá đầu tư, các đơn vị được giao thực hiện đánh giá đầu tư phải có kế hoạch trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Kiến nghị ủy ban nhân dân thành phố hoặc các sở-ngành, quận-huyện khác có liên quan đến dự án thuộc thẩm quyền quản lý của mình để cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc nhằm đảm bảo tiến độ và hiệu quả đầu tư.

- Có ý kiến hoặc giải quyết các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở-ngành, quận-huyện khi có yêu cầu của các sở-ngành, quận-huyện khác và chủ đầu tư.

- Báo cáo và cung cấp đầy đủ hồ sơ có liên quan đến giám sát, đánh giá đầu tư cho Sở Kế hoạch và Đầu tư khi được yêu cầu kiểm tra.

- Lập danh mục các chủ đầu tư, tổ chức tư vấn đầu tư và xây dựng, đơn vị thi công xây dựng, đơn vi cung ứng máy móc, thiết bị (đối với các dự án được ủy ban nhân dân thành phố phân cấp hoặc ủy quyền quyết định đầu tư) có vi phạm Quy chế đầu tư và xây dựng, đề xuất hình thức xử lý và gởi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình ủy ban nhân dân thành phố quyết định (theo mẫu số 8).

- Các báo cáo về giám sát, đánh giá đầu tư phải gởi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp chung.

2.8. Các chủ đầu tư phải :

- Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá các dự án nhóm A, B, C do mình quyết định đầu tư hoặc thuộc quyền quản lý của mình và báo cáo cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan (hoặc tổ chức) thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư theo đúng nội dung và tiến độ quy định.

- Thực hiện giám sát, đánh giá thường xuyên, liên tục các dự án do mình quản lý, phát hiện và xử lý những sai phạm của tổ chức tư vấn, đơn vị thi công về tiến độ, chất lượng và báo cáo về cơ quan cấp trên và cơ quan thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư.

- Phát hiện và báo cáo kịp thời với cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án và đề xuất các giải pháp khắc phục; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư điều chỉnh dự án trong trường hợp cần thiết.

- Kiến nghị cấp có thẩm quyền về những vấn đề cần giải quyết liên quan đến dự án do mình quản lý để đảm bảo tiến độ và hiệu quả đầu tư.

- Dự án đầu tư sau khi quyết định đầu tư, chủ đầu tư phải công bố công khai nội dung quyết định đầu tư, chương trình kế hoạch đầu tư (theo Quy định tại Quyết định 290/2003/QĐ-UB ngày 09 tháng 12 năm 2003 của ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Quy định công bố công khai các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh) tại địa điểm thực hiện đầu tư, trụ sở Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân phường-xã nơi dự án được thực hiện và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân tham gia giám sát.

3. Trách nhiệm của các sở-ngành, quận-huyện, chủ đầu tư:

- Thủ trưởng các sở-ngành, Chủ tịch ủy ban nhân dân quận-huyện, chủ đầu tư chịu trách nhiệm về hậu quả do không tổ chức thực hiện việc giám sát, đánh giá đầu tư hoặc không báo cáo theo quy định.

- Các sở-ngành, quận-huyện chỉ định đơn vị (Phòng hoặc Ban kế hoạch) chịu trách nhiệm thường xuyên về công tác giám sát, đánh giá đầu tư của sở-ngành, quận-huyện; hướng dẫn thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư đối với các cấp, đơn vị trực thuộc, các dự án được ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền hoặc phân cấp; tăng cường sử dụng mạng liên thông để thực hiện và báo cáo giám sát đầu tư kịp thời, có hiệu quả.

- Các cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư phải chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo của mình; phải báo cáo kịp thời các cấp có thẩm quyền những trường hợp vi phạm quy chế quản lý đầu tư và xây dựng trong các hoạt động đầu tư thuộc cấp mình quản lý để xử lý theo quy định.

- Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo của mình, phải báo cáo trung thực, kịp thời, đầy đủ theo thời gian và nội dung quy định và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về mọi hậu quả phát sinh do không thực hiện đầy đủ các quy định về giám sát đầu tư hoặc do báo cáo, cung cấp thông tin sai sự thật về tình hình thực hiện đầu tư trong phạm vi mình quản lý.

- Việc điều chỉnh dự án chỉ được thực hiện khi chủ đầu tư đã có báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư của quý trước, khối lượng phát sinh chỉ xảy ra trong quý và tại thời điểm có phát sinh chủ đầu tư cần tiến hành báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư để làm cơ sở xin chủ trương điều chỉnh dự án.

- Các sở-ngành, quận-huyện phải xem xét và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, các kiến nghị của cơ quan giám sát, đánh giá đầu tư, của chủ đầu tư về những vấn đề thuộc quyền hạn, trách nhiệm của mình trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ quan liên quan và chịu trách nhiệm về các quyết định xử lý đó hoặc báo cáo cấp trên các vấn đề vượt thẩm quyền giải quyết của mình.

- Các sở-ngành, quận-huyện có trách nhiệm trả lời bằng văn bản những yêu cầu của sở-ngành, quận-huyện khác trong thời gian 5 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, nếu quá thời hạn trên mà không có ý kiến thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi hậu quả phát sinh.

4. Xử lý vi phạm :

- Trong thời hạn quy định mà các sở-ngành, quận-huyện không gởi báo cáo giám sát đánh giá đầu tư thì Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo ủy ban nhân dân thành phố và kiến nghị hình thức xử lý thích hợp.

- Các chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ chế độ và nội dung báo cáo theo quy định thì cơ quan thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền và kiến nghị các hình thức xử lý về hành chính hoặc đề nghị ngừng thực hiện dự án, không điều chỉnh dự án, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn trong năm, không ghi vốn kế hoạch năm sau, không quyết toán vốn đầu tư.

Chủ đầu tư phải chịu mọi trách nhiệm về những vấn đề phát sinh hoặc hậu quả liên quan trong trường hợp phải ngừng thực hiện dự án, không điều chỉnh dự án, không ghi vốn kế hoạch năm sau, không quyết toán vốn do không báo cáo kịp thời và đầy đủ về giám sát, đánh giá dự án đầu tư.

- Cơ quan thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư cố tình che dấu các trường hợp vi phạm về quản lý đầu tư và xây dựng sẽ chịu trách nhiệm liên đới trước pháp luật về các sai phạm và hậu quả gây ra.

5. Thời hạn báo cáo :

5.1. Chủ đầu tư :

Định kỳ 3 tháng một lần chủ đầu tư phải gởi báo cáo giám sát đánh giá dự án đầu tư (theo biểu mẫu số 4, 5, 6, 7 tùy vào giai đoạn thực hiện của dự án) vào ngày 25 của tháng cuối quý, đối với :

- Dự án nhóm A : gởi cho cơ quan quản lý cấp trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư, sở chuyên ngành và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Dự án nhóm B : gởi cho cơ quan quản lý cấp trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư và sở chuyên ngành.

- Dự án nhóm C : gởi cho cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư theo ủy quyền của ủy ban nhân dân thành phố.

- Dự án dưới 5 tỷ (phần phân cấp cho ủy ban nhân dân quận-huyện) : gởi cho ủy ban nhân dân quận-huyện.

Ngoài báo cáo giám sát đầu tư định kỳ, chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án có phát sinh, vướng mắc, khó khăn… phải lập ngay báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư giải trình rõ những khó khăn, vướng mắc, phát sinh và đề xuất những giải pháp khả thi trình cơ quan giám sát, đánh giá đầu tư để làm cơ sở xem xét, xin chủ trương điều chỉnh dự án.

5.2. Các sở-ngành, quận-huyện :

- Định kỳ 3 tháng một lần gởi báo cáo tổng hợp về giám sát, đánh giá dự án đầu tư (theo mẫu số 3) về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30 của tháng cuối quý.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp và báo cáo ủy ban nhân dân thành phố trước ngày 10 của tháng đầu quý sau.

- Trước ngày 30 tháng 6 hàng năm, gởi Báo cáo thực hiện giám sát đầu tư (theo mẫu số 2) về Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp và báo cáo ủy ban nhân dân thành phố trước ngày 05 tháng 7 (báo cáo 6 tháng) để ủy ban nhân dân thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10 tháng 7.

- Trước ngày 30 tháng 12 hàng năm gởi báo cáo đánh giá tổng thể đầu tư (theo mẫu số 1) về Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp Báo cáo năm và báo cáo ủy ban nhân dân thành phố trước ngày 10 tháng 01 năm sau, để ủy ban nhân dân thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15 tháng 01.

5.3. Các cơ quan thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư có thể báo cáo bất thường khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

5.4. Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố khi thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư cho Bộ-Ngành chủ quản, phải đồng thời gửi báo cáo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố để tổng hợp.

6. Hiệu lực và tổ chức thực hiện :

6.1. Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 25/2000/CT-UB-DA ngày 16 tháng 10 năm 2000 của ủy ban nhân dân thành phố về triển khai thực hiện công tác giám định đầu tư trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

6.2. Các sở-ngành, quận-huyện tổ chức triển khai ngay công tác giám sát, đánh đầu tư thuộc phạm vi quản lý của mình theo quy định của Chỉ thị này.

- Các sở-ngành, quận-huyện tổ chức thực hiện ngay từ quý IV năm 2003 và có báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư .

- Các dự án đầu tư phê duyệt sau ngày Nghị định 07/2003/NĐ-CP có hiệu lực hoặc đã được phê duyệt trước ngày Nghị định 07/2003/NĐ-CP có hiệu lực nhưng chưa triển khai thực hiện thì thực hiện ngay công tác giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định của Chỉ thị này.

- Các dự án đầu tư phê duyệt trước ngày Nghị định 07/2003/NĐ-CP có hiệu lực và đang triển khai thực hiện dự án và công tác giám định đầu tư theo quy định của Nghị định 52/1999/NĐ-CP và Chỉ thị 25/2000/CT-UB-DA ngày 16 tháng 10 năm 2000 của ủy ban nhân dân thành phố trước đây, nay thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định của Chỉ thị này.

6.3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các sở-ngành, quận-huyện, chủ đầu tư gởi ý kiến về Sở Kế hoạch và Đầu tư để xem xét giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình ủy ban nhân dân thành phố quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên
- Văn phòng Chính phủ
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Thường trực Thành ủy
- Thường trực Hội đồng nhân dân TP
- TTUB : CT, các PCT
- Các Sở-ngành, quận-huyện
- Các cơ quan TW đóng trên địa bàn TP
- VPHĐ-UB: CPVP, Các Tổ NCTH
- Lưu (ĐT-Th)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC



 

Nguyễn Thiện Nhân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 28/2003/CT-UB về tổ chức thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 28/2003/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 23/12/2003
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/12/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản