Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/CT-UBND

Tiền Giang, ngày 12 tháng 10 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC HỖ TRỢ, KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

Trong những năm gần đây, kinh tế tập thể của tỉnh mà nòng cốt là Liên hiệp Hợp tác xã, Hợp tác xã (gọi chung là HTX) đã có sự phát triển nhất định, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hệ thống tổ chức chính trị và nhân dân đã nhận thức đúng hơn về yêu cầu và vai trò của kinh tế tập thể đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đã hình thành những Hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và phi nông nghiệp… trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đã phát triển được một số mô hình Hợp tác xã mới, đã chú trọng đến việc liên kết, hợp tác cả về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động theo chiều sâu, đảm bảo tính ổn định và bền vững hơn.

Các HTX đã phát huy tốt nội lực, khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kinh tế tập thể đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, tích cực tham gia các hoạt động xã hội như góp sức cùng Nhà nước thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, đóng góp quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, các quỹ từ thiện, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng tại địa phương… Tuy số lượng các loại hình kinh tế tập thể không tăng nhiều nhưng các HTX đã góp phần ổn định chính trị xã hội, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 20/CT-TW ngày 02/01/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường thực hiện lãnh đạo thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 của Ban chấp hành Trung ương Đảng lần 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị thực hiện các nội dung sau:

1. Các sở, ngành đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị tiếp tục quán triệt sâu sắc và đầy đủ về vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể mà nòng cốt là Hợp tác xã và Tổ hợp tác trong nền kinh tế quốc dân theo Chỉ thị số 20/CT-TW ngày 02/01/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường thực hiện lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX). Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể đối với cán bộ và quần chúng nhân dân trong tỉnh; phải làm cho nhân dân hiểu rõ kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng trong nhiều thành phần kinh tế, do xã viên, thành viên tự nguyện góp vốn, góp sức lập ra để tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và phân chia lợi nhuận; động viên nhân dân tự nguyện liên kết, thành lập các loại hình kinh tế tập thể từ thấp đến cao, từ đơn ngành đến đa ngành nghề, đa lĩnh vực, nhất là các mô hình sản xuất, kinh doanh có lợi thế, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả trong nền kinh tế thị trường; thực hiện nghiêm quy chế phối hợp hoạt động trong phát triển kinh tế tập thể được ban hành kèm theo Quyết định số 22/2008/QĐ-UBND ngày 04/6/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang.

2. Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh phối hợp với các Ban Đảng, đoàn thể, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động và khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, đa dạng, ổn định và hiệu quả; xây dựng các giải pháp, biện pháp củng cố, đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương.

3. Sở Nội vụ nghiên cứu, đề xuất giải pháp tăng cường cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, bảo đảm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

4. Các sở, ngành có liên quan: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tiền Giang, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, Cục Thuế, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh có trách nhiệm đưa nội dung hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể vào kế hoạch hàng năm của cơ quan đơn vị; đề xuất thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng, thuế, dạy nghề, đào tạo cán bộ quản lý Hợp tác xã, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật, xúc tiến đầu tư, thương mại, khuyến nông, khuyến công…

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị chủ động xây dựng kế hoạch và các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn; thực hiện lồng ghép có hiệu quả những nội dung, nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương; tuyên truyền, phổ biến các loại hình, mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả, giải thể bắt buộc đối với các Hợp tác xã, Tổ hợp tác theo quy định của Luật Hợp tác xã và pháp luật có liên quan. Đồng thời tiến hành sơ kết, tổng kết công tác phát triển kinh tế tập thể hằng năm và giai đoạn để rút kinh nghiệm, phổ biến và khuyến khích phát triển nhân rộng trên địa bàn.

6. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cấp tỉnh phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã xây dựng chương trình cụ thể cho công tác vận động nhân dân nâng cao nhận thức trong việc xây dựng phát triển mô hình kinh tế tập thể trong giai đoạn hiện nay và xu thế hội nhập quốc tế.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Liên minh Hợp tác xã, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 05 năm, hàng năm theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; kế hoạch hỗ trợ thành lập mới Hợp tác xã, Tổ hợp tác, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ Hợp tác xã, tổ hợp tác; hướng dẫn và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với Liên minh Hợp tác xã, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị; tuyên truyền, vận động thành lập mới các Hợp tác xã, Tổ hợp tác ở các lĩnh vực; phát động phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh trong khu vực kinh tế tập thể; hàng năm đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công, thủ trưởng các đơn vị tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn vị, địa phương có trách nhiệm tổng hợp ý kiến gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, giải quyết; trường hợp vượt thẩm quyền quyết định, Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chỉ đạo./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tư pháp;
- Liên minh HTX Việt Nam;
- TT. Tỉnh uỷ, TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban ngành tỉnh;
- Các cơ quan Đảng, Mặt trận , Đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu: NV, VT

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Minh Điều

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 26/CT-UBND năm 2012 về tăng cường công tác hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

  • Số hiệu: 26/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 12/10/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Dương Minh Điều
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/10/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản