Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BAN BÍ THƯ | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 20-CT/TW | Hà Nội, ngày 02 tháng 01 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 5 (KHÓA IX) VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH TẾ TẬP THỂ.
Trong hơn 5 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18-3-2002 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trunng ương Đảng (khoá IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể quần chúng đã đạt được một số kết quả, thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển: số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác mới thành lập tăng đáng kể; các hợp tác xã cũ cơ bản đã được chuyển đổi; hợp tác xã phát triển đa dạng hơn cả về ngành nghề, quy mô và trình độ; khu vực kinh tế tập thể đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém trước đây, củng cố một bước về tổ chức quản lý, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy vậy, so với mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết thì việc khắc phục những hạn chế, yếu kém của khu vực kinh tế tập thể còn chậm, kinh tế tập thể vẫn chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém: quy mô của các tổ hợp tác, hợp tác xã nhỏ; trình độ công nghệ lạc hậu, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý yếu, chất lượng, hiện quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác còn thấp; nhiều hợp tác xã chưa đảm bảo các nguyên tắc của Luật Hợp tác xã, hợp tác xã chưa mở rộng được nhiều hoạt động tái đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống ngày càng tăng của hộ xã viên, cộng đồng, chưa đem lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội cho xã viên, thành viên; số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả cao còn ít. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tập thể chậm, thiếu ổn định, tỉ lệ đóng góp vào GDP giảm xuống.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém của kinh tế tập thể là do các cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên chưa quan triệt đầy đủ những chủ trương, quan điểm phát triển kinh tế tập thể đã xác định trong Nghị quyết; nhận thức về bản chất, các nguyên tắc và giá trị của hợp tác xã chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, thậm chí có nơi, có lúc sai lệch; chưa thật sự quan tâm và lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể; một bộ phận lớn người dân chưa hiểu đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với phát triển hợp tác xã, về Luật Hợp tác xã, còn mặc cảm về mô hình hợp tác xã kiểu cũ; hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể ban hành thậm, chưa đồng bộ, một số nội dung chính sách còn hạn chế, tác dụng thấp, việc thực hiện chính sách chưa nghiêm; nhiều hợp tác xã chưa tự nỗ lực phấn đấu vươn lên...
Phát triển kinh tế tập thể là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời, đây cũng là sự nghiệp hết sức khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải kiên trì. Để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khoá IX) và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã đề ra về phát triển kinh tế tập thể, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1- Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khoá IX), Nghị quyết Đại hội X về phát triển kinh tế tập thể, luật Hợp tác xã và các chính sách phát triển kinh tế tập thể đến các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế và đông đảo nhân dân trước hết là những cơ quan, đơn vị và cán bộ đảng viên có trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tập thể và xã viên, người lao động trong các tổ hợp tác, hợp tác xã. Các cấp uỷ và tổ chức đảng, các cấp chính quyền cần xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập tự và nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết mạnh mẽ hơn, định kỳ kiểm tra, sơ kết để tập trung tháo gỡ khó khăn, phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến; tăng cường công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng trong các hợp tác xã.
Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí có các chuyên mục tuyên truyền một cách sâu rộng, thiết thực và hiệu quả về kinh tế tập thể. Các cơ quan nghiên cứu lý luận có chương trình nghiên cứu khoa học thiết thực, phục vụ cho thực hiện nhiệm vụ đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
2- Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo xây dựng và thực hiện chương trình giám sát thi hành Luật Hợp tác xã của Quốc hội; hội đồng nhân dân các cấp có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thi hành Luật Hợp tác xã ở các địa phương.
3- Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương là soát các chính sách đã ban hành; đánh giá kết quả thực hiện chính sách; sửa đổi, bổ sung các chính sách phát triển kinh tế tập thể đồng bộ, phù hợp và thiết thực, bảo đảm chính sách đến được với các tổ hợp tác, hợp tác xã, nhất là chính sách đất đai, tín dụng, thuế, đào tạo nghề, đào tạo cán bộ quản lý hợp tác xã.
Các cấp, các ngành, các địa phương trong hoạch định chính sách, xây dựng và triển khai các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển vùng, ngành, địa phương phải lồng ghép nội dung, nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể và cân đối, bố trí các nguồn lực triển khai. Kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế của các cấp, ngành, địa phương.
4- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể làm tốt hơn nữa công tác vận động hội viên, thành viên tự nguyện tham gia phát triển kinh tế tập thể. Tiếp tục tăng cường vai trò, trách nhiệm, tạo điều kiện để Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển.
Văn phòng Trung ương Đảng giúp Ban Bí thư đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Chỉ thị.
Chỉ thỉ này phổ biến đến chi bộ đảng.
| TM. BAN BÍ THƯ |
Chỉ thị 20-CT/TW năm 2008 về tăng cường lãnh đạo thực hiện nghị quyết hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể do Ban Bí thư ban hành
- Số hiệu: 20-CT/TW
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 02/01/2008
- Nơi ban hành: Ban Bí thư
- Người ký: Trương Tấn Sang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 02/01/2008
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra