- 1Luật Bảo vệ môi trường 2005
- 2Nghị quyết số 08/2007/NQ-CP về việc xét duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006 - 2010) của tỉnh Long An do Chính phủ ban hành
- 3Công văn số 1214/TTg-NN về việc bổ sung quy hoạch sử dụng đất tỉnh Long An đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM | |
Số: 26/2007/CT-UBND | Tân An, ngày 13 tháng 12 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC THU HÚT ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Thời gian qua, hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư đã được UBND các cấp, các ngành quan tâm, thực hiện đúng định hướng và mục tiêu của tỉnh, chủ động cải tiến thủ tục hành chính, nỗ lực giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư mới, thông thoáng, hấp dẫn hơn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ đó thúc đẩy quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, thu ngân sách ngày càng tăng và tập trung cho đầu tư phát triển, xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, năm 2007 GDP tăng 13,5%, cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về thu hút đầu tư còn bất cập, tồn tại, hạn chế như: quy hoạch chưa phù hợp và đồng bộ; tình trạng ghim đất, đầu cơ đất, sang nhượng dự án, chậm triển khai dự án, diện tích lấp đầy thấp; tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát chặt chẽ; việc bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư; việc chuyển đổi cơ cấu lao động, nhà ở công nhân, các vấn đề xã hội khác đang nảy sinh khá phức tạp.
Tồn tại trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan như: công tác quy hoạch, thực hiện kế hoạch còn yếu kém, chất lượng cải cách hành chính chậm chuyển đổi để theo kịp yêu cầu và nhiệm vụ mới; một số ngành và địa phương thiếu tính chủ động phối hợp, không có cơ chế quản lý, kiểm tra, cập nhật thông tin trong quá trình thực hiện chủ trương đầu tư để phát sinh tình trạng đầu cơ, ghim đất, chuyển nhượng trái phép, chậm thực hiện dự án nhưng chưa kiên quyết thu hồi...; một số vấn đề xã hội phát sinh phức tạp chưa tập trung giải quyết như: ô nhiễm môi trường, chưa tạo sự đồng thuận trong nhân dân về giá đất, tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp, vấn đề an ninh trật tự ở các khu, cụm công nghiệp...
Để chấn chỉnh tình trạng trên, thực hiện kết luận Hội nghị lần thứ 12 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An - khóa VIII (công văn số 144-KL/TU ngày 14/11/2007), UBND tỉnh chỉ thị như sau:
1. Về công tác quy hoạch, kế hoạch
a) Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2010: thực hiện theo chỉ tiêu sử dụng đất phát triển công nghiệp được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 08/2007/NQ-CP ngày 07/02/2007 và công văn số 1214/TTg-CN ngày 29/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Để sử dụng có hiệu quả chỉ tiêu sử dụng đất trên, yêu cầu Trung tâm Xúc tiến và Tư vấn đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp chủ trì cùng các ngành, UBND các huyện, thị xã thực hiện ngay công tác kiểm tra, rà soát, đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư, kịp thời đề nghị thu hồi các dự án chậm triển khai, không triển khai, chỉ triển khai một phần hoặc diện tích đã giao lớn so với năng lực tài chính của nhà đầu tư.
Trên cơ sở thu hồi, giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với UBND huyện, thị xã để điều chỉnh, phân bổ lại chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp phù hợp giữa các địa bàn để tiếp nhận các nhà đầu tư triển khai ngay dự án.
Việc điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất công nghiệp, dân cư trong địa phương phải được sự chấp thuận của HĐND cùng cấp và phải bảo đảm trong chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt. Trong điều chỉnh quy hoạch, cố gắng giữ nguyên quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định, hạn chế tối đa việc chuyển sang diện tích đất công nghiệp, đất du lịch sinh thái.
Riêng đối với các dự án do các tập đoàn kinh tế đa quốc gia, các doanh nghiệp có năng lực tài chính, kinh nghiệm thực tiễn, đúng ngành nghề đăng ký,... đến xin đầu tư phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhưng chưa có chỉ tiêu sử dụng đất, giao cho Trung tâm Xúc tiến và Tư vấn đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp chủ trì phối hợp cùng các ngành và UBND các huyện, thị xã xem xét, đề xuất UBND tỉnh để báo cáo Ban thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương trước khi tiếp nhận. Khi có chủ trương tiếp nhận thì Sở Tài nguyên và Môi trường lập thủ tục đề nghị Chính phủ cho bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với từng dự án.
b) Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì rà soát, dự báo tình hình phát triển để triển khai lập quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011-2020 để UBND tỉnh trình Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Chính phủ trong năm 2008 theo đúng chủ trương của Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh.
c) Giao Giám đốc Sở Công nghiệp chủ trì phối hợp với các ngành và UBND các huyện, thị xã chậm nhất ngày 30/6/2008 thông qua UBND tỉnh quy hoạch các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp địa phương để tiếp nhận các dự án nhỏ lẻ và di dời các đơn vị nhỏ lẻ đang gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm kết nối, liên thông giữa các khu, cụm công nghiệp, tránh cục bộ khép kín.
Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, Sở Công nghiệp đề xuất UBND tỉnh để quyết định phân cấp các huyện, thị xã quản lý, kêu gọi và tiếp nhận đầu tư theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
d) Khi lập quy hoạch các khu, cụm công nghiệp không bố trí vào các khu vực đông dân cư, có nhiều nhà ở kiên cố, các vùng quy hoạch nguyên liệu đã ổn định và các vùng lúa năng suất cao.
Việc sử dụng đất xây dựng khu, cụm công nghiệp phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất chi tiết, kế hoạch sử dụng đất chi tiết, quy hoạch chi tiết xây dựng công nghiệp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt. Khi lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu, cụm công nghiệp phải bảo đảm đồng bộ với quy hoạch nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp.
2. Về quản lý tiếp nhận, thu hồi dự án đầu tư
a) Giao Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Tư vấn đầu tư, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp hàng tháng phải kiểm tra, cập nhật, phân tích tiến độ triển khai từng dự án đầu tư, kiên quyết đề nghị UBND tỉnh thu hồi các dự án chậm triển khai, chỉ triển khai một phần hoặc diện tích đã giao lớn so với năng lực tài chính của nhà đầu tư.
Riêng các dự án đã được giao đất (cho thuê đất) mà không được sử dụng trong thời hạn mười hai tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn hai mươi bốn tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa, giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, đề xuất UBND tỉnh thu hồi đất đã giao (cho thuê đất).
Kiên quyết không gia hạn đối với các dự án đã hết thời gian cho chủ trương tiếp nhận đầu tư do nguyên nhân chủ quan của nhà đầu tư. Yêu cầu các ngành liên quan, UBND huyện, thị xã cần chấn chỉnh ngay tình trạng nể nang, gia hạn nhiều lần gây bức xúc trong nội bộ và nhân dân.
Trên cơ sở quyết định thu hồi, Trung tâm Xúc tiến và Tư vấn đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp chủ trì cùng các ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã xem xét đề xuất UBND tỉnh giao các nhà đầu tư khác có nhu cầu, có năng lực tài chính, kinh nghiệm thực tiễn và có ngành nghề đầu tư phù hợp để đảm bảo triển khai thực hiện; Đối với các dự án thu hồi chưa giao nhà đầu tư mới thì giao Trung tâm Xúc tiến và Tư vấn đầu tư quản lý, trong đó chọn những dự án có vị trí tốt, xét thấy có hiệu quả và phù hợp với khả năng đầu tư thì giao Trung tâm Phát triển quỹ đất để trực tiếp đầu tư, tạo quỹ đất đối trọng, tránh tình trạng ghim đất, đầu cơ đất.
b) Thủ trưởng các ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình trạng chuyển nhượng dự án bằng nhiều hình thức, bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật. Các trường hợp pháp luật chưa quy định cụ thể, rõ ràng việc chuyển nhượng thì đề nghị các cơ quan Trung ương hướng dẫn, bổ sung.
Ngoài ra, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, tuyên truyền giải thích để ngăn chặn ngay tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chia tách hộ trái pháp luật.
c) Giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp cùng Sở Công nghiệp và các ngành chức năng xây dựng quy chế quản lý cụm công nghiệp theo như mô hình khu công nghiệp chậm nhất ngày 31/3/2008, trình UBND tỉnh phê duyệt.
d) Giao Giám đốc Trung tâm xúc tiến và Tư vấn đầu tư phối hợp với các ngành liên quan, UBND huyện, thị xã thực hiện các nội dung sau đây khi thẩm tra các dự án xin chủ trương đầu tư:
- Phải có ý kiến của lãnh đạo các ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã; UBND các huyện, thị xã phải xin ý kiến Thường trực Cấp ủy, Thường trực HĐND huyện, thị xã để thống nhất chủ trương.
- Chủ động và cùng các chủ đầu tư hạ tầng tập trung xúc tiến đầu tư để lấp đầy các khu, cụm công nghiệp trọng điểm đã được xác định tránh tình trạng ghim giữ đất.
- Khi tổ chức tiếp nhận đầu tư phải chọn lọc ngành nghề, ưu tiên cho những dự án có công nghệ cao, sử dụng ít đất đai và lao động, đóng góp nhiều cho ngân sách;
- Kiên quyết tiếp nhận và đưa vào các khu, cụm công nghiệp hiện có, không tiếp nhận đầu tư đan xen trong dân cư và không bố trí các dự án nhỏ lẻ ngoài quy hoạch được phê duyệt;
- Việc tổ chức thẩm tra dự án đầu tư (mục tiêu đầu tư, địa điểm đầu tư, công nghệ, thiết bị, vốn đầu tư, tiến độ triển khai dự án, giải pháp môi trường…) và thẩm định nhu cầu sử dụng đất phải chặt chẽ dựa trên suất đầu tư quy định làm cơ sở xem xét về diện tích đất khi thỏa thuận địa điểm đầu tư, không chấp thuận chủ trương đầu tư cho những doanh nghiệp không có năng lực tài chính để kéo dài thời gian triển khai thực hiện, chuyển nhượng dự án, gây lãng phí đất đai.
- Không chấp nhận các dự án đầu tư trực tiếp xin chuyển thành đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp để được Nhà nước hỗ trợ kê biên, bồi thường giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư.
- Đối với các dự án đầu tư có vị trí tiếp giáp sông, rạch khi duyệt quy hoạch chi tiết, cấp phép xây dựng... phải đảm bảo khoảng cách ly theo quy định để trồng mới và duy trì hệ thống cây xanh hiện hữu nhằm giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường sinh thái bền vững khu vực ven sông và tránh những trường hợp nhà đầu tư xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra sông.
- Việc tiếp nhận đầu tư thứ cấp khi đã có đầy đủ kết cấu hạ tầng và đúng quy hoạch chi tiết được duyệt. Nghiêm cấm việc tiếp nhận các dự án đầu tư thứ cấp có ngành nghề không đúng quy hoạch chi tiết được duyệt.
- Đối với các dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, nhà đầu tư chỉ được phép mở rộng dự án hoặc xin chủ trương đầu tư dự án mới với điều kiện: Phải lấp đầy trên 60% diện tích được giao (hoặc cho thuê) và phải thực hiện đầy đủ các cam kết và giải pháp xử lý môi trường.
3. Bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư
UBND tỉnh giao Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã phải tập trung làm tốt công tác bồi thường, tái định cư cho người dân bị thu hồi đất, đảm bảo quyền lợi của nhân dân, Nhà nước và nhà đầu tư.
a) Giao Giám đốc Sở Tài chính chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thị xã và các ngành liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau đây để UBND tỉnh ban hành, áp dụng kể từ ngày 01/01/2008:
- Bảng giá đất và bảng giá tài sản, vật kiến trúc trên đất;
- Suất đầu tư tối thiểu trên một đơn vị diện tích, làm căn cứ cho việc thẩm định dự án, thẩm định nhu cầu sử dụng đất, xét giao đất, cho thuê đất, tránh tình trạng sử dụng đất lãng phí;
- Tổng kết, đề nghị điều chỉnh bổ sung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, bảo đảm quyền lợi cho các hộ bị giải toả theo hướng đảm bảo bù đắp đất cất nhà ở đã bị giải toả, đa dạng hóa các loại nền nhà tái định cư để người dân tự chọn...
b) Giao Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND huyện, thị xã tiến hành lập quy hoạch các khu dân cư tái định cư để sử dụng chung cho nhiều dự án, gắn kết với phát triển đô thị, đảm bảo điều kiện hạ tầng kinh tế-kỹ thuật, các cơ sở phục vụ nhu cầu an sinh xã hội… Đồng thời quy hoạch khu nghĩa trang nhân dân khu vực phục vụ cho việc di dời mồ mả theo hướng tập trung, quy mô lớn, tránh tình trạng manh mún, phải di dời nhiều lần ảnh hưởng đến tâm lý và ảnh hưởng vệ sinh môi trường.
Ngoài ra, khi thẩm định, phê duyệt quy hoạch, các ngành chức năng, UBND huyện, thị xã yêu cầu nhà đầu tư phải có phương án xây dựng nhà ở ổn định cho công nhân.
c) Giao Chủ tịch UBND huyện, thị xã chỉ đạo triển khai xây dựng khu tái định cư để di dời hộ dân trước khi triển khai thực hiện dự án. Về kinh phí xây dựng các khu dân cư tái định cư lấy từ nguồn vốn của các nhà đầu tư có chủ trương đầu tư dự án, nhà đầu tư hạ tầng khu dân cư hoặc ngân sách nhà nước ứng, sau đó thu hồi lại từ nhà đầu tư và người tái định cư.
d) Trước khi ban hành quyết định thu hồi đất tổng thể, yêu cầu nhà đầu tư phải chuyển tiền tối thiểu 30% tổng giá trị bồi thường vào tài khoản của Tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng để chủ động nguồn kinh phí chi trả cho dân, phần còn lại phải chuyển đúng theo tiến độ chi trả bồi thường. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo, nếu nhà đầu tư không thực hiện chuyển đủ tiền theo quy định trên thì Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo cho cơ quan đầu mối để lập thủ tục trình UBND tỉnh thu hồi chủ trương đầu tư. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra thực hiện chủ trương này trước khi trình UBND tỉnh ký quyết định thu hồi đất tổng thể từng dự án.
Sau khi có quyết định thu hồi đất tổng thể của UBND tỉnh thì UBND các huyện, thị xã phải kịp thời ban hành quyết định thu hồi từng thửa đất, đồng thời thực hiện ngay các thủ tục chi trả tiền bồi thường, đảm bảo trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi từng thửa đất phải thực hiện xong bồi thường, tránh kéo dài, gây khiếu kiện trong dân.
đ) Giao Giám đốc Sở Lao động – Thương binh xã hội xây dựng cơ chế hỗ trợ đào tạo chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất, xây dựng nhà ở cho công nhân. Xây dựng và triển khai thực hiện đề án điều tra xã hội học nhằm đánh giá toàn diện tình hình chuyển đổi lao động, ổn định đời sống nhân dân trong vùng đã thu hồi đất, đề xuất các giải pháp cụ thể. Chậm nhất ngày 31/3/2008 trình UBND tỉnh các nội dung trên.
4. Về công tác xúc tiến mời gọi đầu tư
Giao Trung tâm Xúc tiến và Tư vấn đầu tư xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư tổng thể trên cơ sở hiệu quả cao về kinh tế và bền vững về môi trường. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các công cụ, dữ liệu phục vụ cho quảng bá để phổ biến thông tin (đĩa VCD, sổ tay hướng dẫn đầu tư, trang thông tin điện tử, tờ rơi thông tin). Tăng cường năng lực cán bộ, đào tạo kỹ năng xúc tiến chuyên nghiệp.
Xúc tiến, xây dựng Tour “đầu tư” để mời gọi đầu tư, tập trung vào các nước phát triển có tiềm năng lớn về vốn và công nghệ, sản phẩm có giá trị gia tăng và tích lũy cao, phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phối hợp với các Công ty hạ tầng tổ chức diễn đàn xúc tiến đầu tư trong nước và ngoài nước. Tham gia các chương trình xúc tiến vùng. Vận động xúc tiến tại Đại sứ quán, Lãnh sự quán của Việt Nam ở nước ngoài và Đại sứ quán, Lãnh sự quán các nước tại Việt Nam, qua các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài. Tăng cường tiếp cận và mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng.
5. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng
Giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp các ngành và UBND các huyện, thị xã xây dựng danh mục dự án, lộ trình, phương thức đầu tư kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào phục vụ cho các khu, cụm công nghiệp hiện có, nhất là những khu, cụm công nghiệp trọng điểm. Đồng thời, chuẩn bị kế hoạch và triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng những địa bàn mới có tiềm năng thu hút đầu tư để phát triển quỹ đất đầu tư theo quy hoạch. Xây dựng cơ chế kêu gọi các nhà đầu tư hạ tầng góp vốn cùng với Nhà nước xây dựng hạ kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp; hệ thống đường gom và hệ thống đường của các doanh nghiệp kết nối với quốc lộ.
6. Phát triển nguồn nhân lực
Giao cho Sở Lao động – TBXH xây dựng kế hoạch đào tạo lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, chú ý ngành nghề quản lý phục vụ cho giai đoạn phát triển mới. Cụ thể là tiếp tục nâng cấp các trung tâm dạy nghề, đầu tư dứt điểm trường kinh tế kỹ thuật trong năm 2008. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các trường dạy nghề đã có chủ trương đầu tư của UBND tỉnh. Xây dựng cơ chế liên kết giữa người sử dụng lao động và cơ sở đào tạo ngay từ khi xin chủ trương đầu tư. Tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư phát triển nguồn nhân lực sớm triển khai thực hiện.
7. Cải cách thủ tục hành chính
a) Giao Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Tư vấn đầu tư phối hợp với Sở Tư pháp, các cơ quan chức năng chậm nhất đến 31/12/2007 trình UBND tỉnh ban hành: quy trình thỏa thuận địa điểm đầu tư; cơ chế một cửa liên thông trong tiếp nhận đầu tư; quy chế làm việc của Trung tâm Xúc tiến và Tư vấn đầu tư.
b) Các ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã phải thực hiện quyết liệt chủ trương cải cách hành chính trong tất cả các khâu: tiếp nhận đầu tư, xem xét khả năng đầu tư, cấp giấy phép đầu tư, thủ tục tục kê biên bồi thường, thủ tục tái định cư, thủ tục thu hồi đất, thủ tục xây dựng nhà máy, thủ tục hải quan, thủ tục thuế, thủ tục tuyển dụng lao động, đào tạo lao động,... theo hướng năng động, minh bạch, giảm chi phí, thời gian để nâng cao năng lực cạnh tranh.
8. Về vấn đề kiểm soát môi trường
Các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (theo điều 18 của Luật Bảo vệ môi trường) chỉ được phê duyệt, cấp phép đầu tư, xây dựng, khai thác sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được duyệt.
Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về môi trường.
a) Đối với các dự án chuẩn bị hoạt động, cần thẩm tra chặt chẽ báo cáo đánh giá tác động môi trường, giải pháp xử lý và yêu cầu doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện.
Kiên quyết không cho phép các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp đi vào hoạt động nếu không có hệ thống xử lý môi trường đạt yêu cầu. Việc tiếp nhận đầu tư thứ cấp khi đã có đầy đủ kết cấu hạ tầng và đúng quy hoạch chi tiết được duyệt.
b) Tăng cường công tác kiểm tra giám sát về môi trường nhất là nước thải nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, gây ô nhiễm môi trường thì kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
c) Không cho phép doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất nếu không thực hiện tốt về các giải pháp xử lý môi trường.
d) Giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra và có giải pháp bảo vệ hệ thống thoát nước, sông, kênh, rạch…đảm bảo dòng chảy luôn thông thoáng, không để ứ đọng nước thải, rác, lục bình,… gây ô nhiễm môi trường và phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện, thị xã khi để sông, kênh, rạch bị lấn chiếm, bị ô nhiễm.
9. Về tổ chức điều hành
Thủ trưởng các ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã phải đề cao thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Tư vấn đầu tư, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp có trách nhiệm củng cố tổ chức, hoạt động để nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan đầu mối, chủ trì thực hiện chức năng tư vấn, xúc tiến thu hút đầu tư. Lãnh đạo các cơ quan liên quan tỉnh, UBND các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn phải có trách nhiệm tham gia thẩm định việc tiếp nhận các dự án đầu tư trên địa bàn địa phương mình; chủ động phối hợp giữa ngành, địa phương kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư. UBND các huyện , thị xã kịp thời xin ý kiến của Thường trực cấp ủy, Thường trực HĐND cùng cấp về công tác thu hút đầu tư để cùng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ.
Căn cứ nội dung chỉ thị này, yêu cầu thủ trưởng các ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn nghiêm chỉnh chấp hành, hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện cần đề cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Giao Chánh Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chỉ thị này, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc của ngành, địa phương, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xử lý; hàng tháng tổng hợp, báo cáo công tác này đến Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1Quyết định 03/2014/QĐ-TTg về Quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2014 thực hiện Quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh Long An
- 3Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2015 về tăng cường quản lý nhà nước trong thu hút, quản lý đầu tư trên địa bàn tỉnh Long An
- 1Luật Bảo vệ môi trường 2005
- 2Nghị quyết số 08/2007/NQ-CP về việc xét duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006 - 2010) của tỉnh Long An do Chính phủ ban hành
- 3Công văn số 1214/TTg-NN về việc bổ sung quy hoạch sử dụng đất tỉnh Long An đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 03/2014/QĐ-TTg về Quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2014 thực hiện Quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh Long An
Chỉ thị 26/2007/CT-UBND tăng cường quản lý nhà nước trong công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Long An
- Số hiệu: 26/2007/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 13/12/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Long An
- Người ký: Dương Quốc Xuân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 23/12/2007
- Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực