Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 25-CT

Hà Nội, ngày 09 tháng 2 năm 1982

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC GIỐNG CÂY TRỒNG

Thực hiện Quyết định số 209-CP ngày 7 tháng 9 năm 1974 của Hội đồng Chính phủ về chủ trương, chính sách đối với công tác giống cây trồng, trong những năm qua ngành nông nghiệp đã nghiên cứu lai tạo, chọn lọc, thuần hoá được một số giống cây trồng tốt đưa vào sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi để sắp xếp mùa vụ, cơ cấu cây trồng nhằm tăng năng suất, sản lượng và khả năng chống chịu sâu bệnh của cây trồng.

Tuy nhiên, việc quản lý Nhà nước về công tác giống cây trồng chưa chặt chẽ, thiếu thống nhất; việc nhập giống ở các ngành, các địa phương còn tuỳ tiện; công tác giống chưa toàn diện, chưa chú ý đúng mức chọn lọc các giống màu lương thực, giống cây công nghiệp. Ngành nông nghiệp và các địa phương chưa chỉ đạo tốt việc khảo nghiệm các giống mới ở từng vùng, việc phục tráng các giống tốt đã bị thoái hoá, việc dự trữ giống phòng thiên tai, việc sản xuất giống rau để thay giống nhập khẩu, v.v... Tổ chức bộ máy quản lý công tác giống và các cơ sở vật chất kỹ thuật về giống còn thiếu và yếu.

Để khắc phục những thiếu sót, phát huy những thành tích đã đạt được, nhằm làm tốt công tác lai tạo và quản lý giống cây trồng phục vụ cho kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp trong những năm tới, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:

1. Bộ Nông nghiệp phải tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện Quyết định số 209-CP của Hội đồng Chính phủ về công tác giống, Bộ cần tăng cường bộ máy làm công tác giống và phân công, phân cấp việc quản lý công tác giống cây trồng từ khâu nghiên cứu, lai tạo giống, khảo nghiệm, khu vực hoá giống; sản xuất, phân phối giống, kiểm tra, kiểm nghiệm giống từ Trung ương đến địa phương để hình thành một hệ thống quản lý giống hoàn chỉnh, phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp trong cả nước cũng như ở từng địa phương.

2. Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm chỉ đạo chặt chẽ toàn bộ công tác giống cây trồng trong sản xuất nông nghiệp của cả nước từ việc nghiên cứu, khảo nghiệm, sản xuất và cung ứng giống cho sản xuất. Trước hết phải quản lý chặt chẽ việc xuất, nhập khẩu các loại giống. Các ngành, các địa phương muốn xuất, nhập khẩu giống phải được Bộ Nông nghiệp đồng ý. Các tổ chức và cá nhân đưa giống ở nước ngoài về trồng thử đều phải giao cho Bộ Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp phải tổ chức khảo nghiệm các loại giống nhập khẩu và báo kết quả cho người có giống. Việc phổ biến và đem áp dụng rộng rãi các loại giống cây trồng trong nông nghiệp đều do Bộ Nông nghiệp quản lý, từ việc nhập khẩu, lai tạo, xác nhận, giám định kết quả, đặt tên đến việc quyết định đưa ra sản xuất đại trà.

3. Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng quy hoạch và kế hoạch sản xuất các loại giống, kể cả giống dự phòng thiên tai, cũng phải bảo đảm đúng quy cách phẩm chất hạt giống để cung ứng cho sản xuất. Giống dự phòng thiên tai của Trung ương do Bộ Nông nghiệp quản lý, năm nào không có thiên tai và không dùng đến thì chuyển thành lương thực và nông sản Nhà nước; giống dự phòng thiên tai của địa phương thì chủ yếu là do địa phương tự cân đối và quản lý.

Đối với giống lúa, Bộ Nông nghiệp cần nhanh chóng xây dựng hệ thống giống lúa 4 cấp nhân: Trung ương sản xuất giống nguyên chủng, tỉnh sản xuất giống cấp I, huyện sản xuất giống cấp II, đơn vị cơ sở (nông trường, hợp tác xã nông nghiệp, tập đoàn sản xuất) giống cấp III để bảo đảm đủ giống cho cơ sở mình; ở những nơi có điều kiện, cơ sở giống Trung ương có thể giao thẳng giống cho các huyện ở gần hoặc cơ sở giống của tỉnh có thể giao thẳng giống cấp I cho cơ sở sản xuất để nhân giống. Về các loại giống màu lương thực, giống cây công nghiệp thì tuỳ theo đặc tính kỹ thuật của từng loại, Bộ Nông nghiệp quyết định hệ thống sản xuất giống cho thích hợp.

Riêng về giống rau, Bộ Nông nghiệp phải chỉ đạo sản xuất đủ giống để cung ứng cho cả nước, kể cả giống dự phòng, từ năm 1982 trở đi nhất thiết không được xin cấp ngoại tệ để nhập khẩu (trừ các loại giống để sản xuất rau xuất khẩu).

Tất cả các cơ sở sản xuất giống thuộc các cấp đều phải hoạt động theo nguyên tắc kinh doanh hạch toán.

4. Tất cả các cơ sở sản xuất nông nghiệp của Nhà nước và hợp tác xã đều phải tổ chức các đội, tổ chuyên sản xuất chọn lọc giống. Các đội, tổ sản xuất giống phải được quản lý riêng, có trang bị riêng để bảo đảm sản xuất và bảo vệ giống tốt; có chính sách giá cả, công điểm thích đáng đối với cơ sở và người sản xuất giống; có chế độ thưởng, phạt rõ ràng để đưa lại hiệu quả tốt trong việc cung ứng giống. Bộ Nông nghiệp cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về các vấn đề trên.

Bộ Nông nghiệp cần có quy hoạch cụ thể các trạm trại giống cây trồng từ Trung ương đến địa phương và phân công, phân cấp trong việc sản xuất và quản lý các loại giống cây trồng. Nhà nước sẽ khen thưởng tập thể và cá nhân có công chọn lọc, lai tạo được các giống tốt, thi hành kỷ luật với những người vì thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác giống đã gây tác hại đến sản xuất của cơ sở.

5. Bộ Nông nghiệp cùng với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ xây dựng bố trí, cân đối vốn đầu tư và vật tư để từ nay đến năm 1985 hoàn chỉnh xây dựng hệ thống giống lúa và kho giống của Trung ương và các tỉnh, xây dựng một số trại giống rau, màu, cây công nghiệp chủ yếu. Bộ Nông nghiệp và các tỉnh phải giúp các huyện củng cố các trạm giống cấp II và giúp các đơn vị cơ sở củng cố các đội, tổ sản xuất giống ở cơ sở. Để bảo đảm việc xây dựng hệ thống giống cây trồng theo quy hoạch thống nhất, Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm thống nhất quản lý chỉ đạo thực hiện vốn đầu tư hàng năm cho việc xây dựng cơ sở giống của Trung ương và địa phương.

6. Bộ Nông nghiệp có nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo các cán bộ làm giống, có văn bản hướng dẫn và chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thi hành Chỉ thị này.

 

 

Võ Chí Công

(Đã ký)