HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 209-CP | Hà Nội, ngày 07 tháng 09 năm 1974 |
VỀ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÔNG TÁC GIỐNG CÂY TRỒNG.
Giống cây trồng là một vật tư kỹ thuật rất quan trọng của sản xuất nông nghiệp. Giống tốt là tiền đề để tăng năng suất tăng vụ, nâng cao phẩm chất của nông sản. Những cố gắng và tiến bộ vừa qua trong việc nghiên cứu chọn lọc, bồi dục, thuần hóa, lai tạo giống cây trồng đã góp phần làm tăng năng suất và sản lượng nông nghiệp và đang mở ra nhiều khả năng bố trí lại cơ cấu cây trồng và cải tiến chế độ canh tác ở các vùng.
Tuy nhiên trước yêu cầu phát triển nông nghiệp toàn diện, đi đôi với thâm canh, chuyên canh và từng bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, công tác giống cây trồng, từ khâu nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo, tổ chức sản xuất, bảo quản, phân phối, sử dụng giống cây trồng còn nhiều nhược điểm và khuyết điểm như:
- Chậm nghiên cứu và xác định các loại giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, có khả năng chống sâu bệnh; đối với lúa, đến nay vẫn chưa xác định được cơ cấu giống thích hợp cho các vùng; đối với ngô, đỗ tương và nhiều cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp, cây xuất khẩu khác phẩn lớn còn phải dựa vào giống cũ hoặc một số giống nhập khẩu;
- Thiếu tổ chức chuyên về giống, thiếu cơ sở vật chất và kỹ thuật để chọn, nhân, bảo quản và phân phối đủ khối lượng giống cây trồng có đủ tiêu chuẩn về độ thuần, sức nảy mầm của hạt giống…Nhiều loại giống bị lai tạp, thoái hóa làm giảm năng suất cây trồng;
- Chế độ quản lý giống của Nhà nước thiếu chặt chẽ, chưa đảm bảo yêu cầu quản lý có hiệu lực và thông suốt từ trung ương đến cơ sở.
Những nhược điểm và khuyết điểm trên đây dẫn đến tình trạng phổ biến là thiếu giống, giống pha tạp, thoái hóa, tỷ lệ nảy mầm và sức nảy mầm thấp, làm giảm năng suất và sản lượng cây trồng, làm tăng chi phí sản xuất, giảm hiệu quả kinh tế.
Nghị quyết hội nghị lần thứ 22 của Ban chấp hành trung ương Đảng đã đề ra nhiệm vụ trong hai năm 1974 – 1975 là phải xây dựng hệ thống giống của Nhà nước từ trung ương đến cơ sở. Đó là một nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách phải tập trung sức để làm. Để thực hiện nhiệm vụ nói trên, xác định trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước ở trung ương và các cấp về công tác giống. Hội đồng Chính phủ quyết định chủ trương và chính sách về công tác giống như sau.
I. NHIỆM VỤ CỦA CÔNG TÁC GIỐNG CÂY TRỒNG
Để đảm bảo những nhu cầu ngày càng lớn và cấp bách về lương thực, thực phẩm cho đời sống của nhân dân, nguyên liệu cho công nghiệp, nông sản để xuất khẩu, nhiệm vụ của công tác giống cây trồng là phải tập trung nghiên cứu, thí nghiệm, chọn lọc, lai tạo, để xác định và nhân những loại giống tốt; có năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, có khả năng chống sâu bệnh khỏe và những đặc tính khác thích hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng miền Bắc nước ta, phát huy tác dụng của công tác giống cây trồng trong việc thâm canh tăng vụ góp phần sử dụng một cách hợp lý các khả năng về đất đai, thời tiết, khí hậu và sức lao động dồi dào trên miền Bắc nước ta.
Sau đây là những nhiệm vụ chủ yếu của công tác giống cây trồng:
1. Phải tăng cường tổ chức và giao trách nhiệm cho các Viện và cơ sở nghiên cứu về giống: nghiên cứu, thí nghiệm, chọn lọc, lai tạo nhằm đưa vào sản xuất những giống gốc có những đặc tính tốt và ổn định như: có năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, có khả năng chống sâu bệnh khỏe và thích nghi với điều kiện đất đai, thời tiết của từng vùng, nhất là giống cây lương thực, thực phẩm, cây xuất khẩu, cây nguyên liệu cho công nghiệp.
Phải xác định giống tốt đồng thời phải xác định chế độ nhân, bảo quản giống và quy trình kỹ thuật sử dụng giống vào sản xuất, nhằm phát huy những ưu điểm và khắc phục những mặt còn yếu của giống. Việc nghiên cứu, thí nghiệm, lai tạo để đưa vào sản xuất những giống mới do trung ương phụ trách (các tỉnh và thành phố không làm).
2. Phải nhanh chóng xây dựng những cơ sở sản xuất giống, bảo quản, phân phối giống để từ giống gốc nhân ra đủ khối lượng giống theo đúng quy trình kỹ thuạt, bảo đảm đủ giống tốt cho yêu cầu sản xuất đại trà, bao gồm giống cho sản xuất bình thường và giống dự trù phòng thiên tai.
Phải không ngừng tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật cần thiết cho các cơ sở sản xuất bảo quản và phân phối giống…bảo đảm năng suất giống cao và ổn định, bảo đảm độ thuần và sức nảy mầm của giống, phòng và chống sâu bệnh.
3. Tăng cường công tác quản lý của Nhà nước và công tác giống cây trồng từ trung ương đến cơ sở. Do tính chất quan trọng về kỹ thuật của công tác giống. Nhà nước quản lý công tác giống bằng biện pháp:
- Nhà nước trực tiếp tổ chức sản xuất từ giống gốc đến giống đại trà, quản lý việc phân phối và chỉ đạo việc đưa giống vào sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, đúng chế độ;
- Nhà nước xác định giống gốc và đề ra những nguyên tắc và chế độ nhân giống, bảo quản giống và đòi hỏi các cơ sở sản xuất phải làm đúng những quy định đó;
- Trách nhiệm của ngành nông nghiệp và Ủy ban hành chính các cấp là phải căn cứ vào mỗi loại giống mà áp dụng các biện pháp quản lý nói trên, từng bước đưa công tác giống vào nền nếp, chế độ.
II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ CỦA CÔNG TÁC GIỐNG CÂY TRỒNG TRONG VÀI BA NĂM TỚI
Để thực hiện những nhiệm vụ nói trên và căn cứ vào đặc điểm của các loại giống cây trồng chủ yếu trên miền Bắc, việc phân công sản xuất và quản lý giống cây trồng được quy định như sau:
1. Đối với giống lúa là loại giống có khối lượng lớn, kỹ thuật phức tạp:
Lúa là một cây trồng phổ biến ở tất cả các địa phương, gieo trồng trên hơn 2 triệu hécta mỗi năm. Do tính chất phức tạp về kỹ thuật và vị trí quan trọng của giống lúa. Nhà nước phải phụ trách từ việc nghiên cứu, xác định giống gốc đến việc phân ra cho sản xuất đại trà, đồng thời phải quản lý chặt chẽ việc bảo quản, phân phối và sử dụng giống vào sản xuất…
Để đảm bảo đủ khối lượng và chất lượng giống lúa cho yêu cầu sản xuất, đồng thời bảo đảm giống thích nghi với điều kiện thiên nhiên ở các vùng khác nhau, giảm bớt chi phí về vận chuyển…việc sản xuất và cung cấp giống lúa được phân công như sau:
1. Các viện nghiên cứu và cơ sở nghiên cứu về giống của Nhà nước phải tập trung vào sức nghiên cứu, thí nghiệm, chọn lọc, lai tạo…nhằm đưa vào sản xuất những giống lúa có năng suất và hàm lượng đạm cao, khả năng chống sâu bệnh khỏe và thích nghi với điều kiện sản xuất ở các vùng, chú trọng cơ cấu giống lúa cho vụ mùa.
2. Ủy ban Nông nghiệp trung ương cùng với cơ quan có trách nhiệm ở địa phương, tổ chức việc sản xuất giống gốc và nhân ra đủ giống để nhân thành giống cho sản xuất đại trà theo đúng quy trình kỹ thuật và đủ khối lượng để phân phối cho các vùng (vụ chiêm xuân phải nhân được khoảng 4500 tấn và vụ mùa 5500 tấn giống).
3. Các địa phương theo sự hướng đãn và chi đạp của Ủy ban Nông nghiệp trung ương, căn cứ vào yêu cầu về các loại giống lúa trong tỉnh, thành phố, cơ quan có trách nhiệm của tỉnh cùng cơ quan có trách nhiệm của huyện phải tổ chức những cơ sở để nhân đủ giống tốt cho sản xuất đại trà, quản lý chặt chẽ việc bảo quản, phân phối và sử dụng giống cho sản xuất. Về lâu dài,việc sản xuất và phân phối giống lúa, nhất là những giống lúa mới có năng suất cao, kỹ thuật phức tạp. Nhà nước phải trực tiếp phụ trách. Nhưng trước mắt, để đảm bảo khối lượng to lớn về giống lúa cho sản xuất, cần làm từng bước như quy định trên đây; đồng thời phải có kế hoạch xây dựng cơ sở giống của Nhà nước một cách tích cực và vững chắc.
4. Đối với các loại giống lúa để gieo cấy trên những chân ruộng chưa được cải tạo, chưa gieo trồng được những giống mới có năng suất cao, các tỉnh phải căn cứ vào điều kiện cụ thể ở từng vùng để hướng dẫn giúp các huyện chỉ đạo việc chọn lọc và nhân đủ giống cho sản xuất. Mặt khác, phải có kế hoạch và biện pháp cải tạo đất, bảo đảm nước, để tiến tới gieo trồng giống mới có năng suất cao…
2. Đối với giống ngô và các loại giống đòi hỏi kỹ thuật phức tạp:
1. Về giống ngô.
Sau cây lúa, cây ngô là một cây lương thực rất quan trọng, có thể gieo trồng trên diện tích lớn, nhiều vụ trong năm, có hàm lượng dinh dưỡng cao và có nhiều khả năng tăng năng suất. Nhiệm vụ của các Viện nghiên cứu kỹ thuật trồng trọt là phải tập trung sức nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo để xác định những giống ngô tốt, bảo đảm yêu cầu sản xuất ở các vùng. Đối với giống ngô lai, phải sớm xác định giống và tổ chức việc lai tạo những giống ngô có năng suất và hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất của chúng ta.
Việc nhân giống bố mẹ thuần chủng, tổ chức lai và sản xuất giông ngô lai cho sản xuất đại trà, đều do Nhà nước tổ chức sản xuất và phân phối cho các cơ sở sản xuất. Ủy ban Nông nghiệp trung ương phối hợp với các địa phương, bố trí đất đai thích hợp, tổ chức những cơ sở sản xuất của Nhà nước để sản xuất đủ giống tốt, đúng tiều chuẩn kỹ thuật, để cung cấp cho các cơ sở sản xuất ngô. Đến hết năm 1976, phải cố gắng sản xuất đủ giống ngô lai cho các vùng sản xuất chính.
2. Giống lai tạo là loại giống khó bảo quản. Để đảm bảo đủ giống tốt cho sản xuất và giảm bớt khó khăn về bảo quản, vận chuyển, việc nghiên cứu, chọn lọc, sản xuất và cung cấp giống cho sản xuất được phân công như sau:
- Các viện và cơ sở nghiên cứu có trách nhiệm nghiên cứu, thí nghiệm, chọn lọc những giống lạc gốc có năng suất cao, phẩm chất tốt và những đặc tính khác phù hợp với điều kiện sản xuất ở các vùng.
- Dựa trên những kết quả đã nghiên cứu, chọn lọc và tìm ra những giống tốt, Ủy ban Nông nghiệp trung ương phối hợp với các địa phương, tổ chức những cơ sở sản xuất để nhân ra đủ giống cung cấp cho các vùng sản xuất.
- Các hợp tác xã, nông trưởng, trại Nhà nước có kế hoạch sản xuất lạc phải nhân giống và giữ giống để sản xuất, theo quy trình kỹ thuật và chế độ của Nhà nước.
3. Giống đỗ tương, các loại hạt giống rau, đậu và cây công nghiệp ngắn ngày…
- Giống đỗ tương, cây đỗ tương là một cây giàu đạm, rất cần thiết cho đời sống của nhân dân và để làm thức ăn rất quan trọng cho gia súc, nhưng đến nay, năng suất đỗ tương của ta còn rất thấp. Sản lượng đỗ tương hàng năm còn quá ít so với nhu cầu. Các Viện và cơ sở nghiên cứu phải tập trung sức nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo…thu ra giống đỗ tương có năng suất cao và những đặc tính thích hợp với điều kiện sản xuất của ta.
Trên cơ sở nghiên cứu, chọn lọc và xác định những giống tốt. Ủy ban Nông nghiệp trung ương phối hợp với các địa phương tổ chức việc nhân giống dể cung cấp cho các cơ sở sản xuất, từ đó mà đưa nhanh năng suất và sản lượng của đỗ tương lên.
- Các loại hạt giống rau, đậu, một số cây công nghiệp ngắn ngày như: su hào, bắp cải, cà chua, đay, thuốc lá…là những loại giống khối lượng ít nhưng kỹ thuật phức tạp. Việc nghiên cứu, thí nghiệm, lai tạo giống mới và việc nhân, cung cấp giống cho sản xuất đại trà đều do Nhà nước phụ trách và thống nhất quản lý. Ủy ban Nông nghiệp trung ương phối hợp với các địa phương, chọn những nông trường hoặc hợp tác xã có điều kiện thuận lợi để tổ chức sản xuất đủ giống tốt và cung cấp cho các cơ sở sản xuất.
4. Đối với những giống ngô, rau đậu, cây công nghiệp khác: Vì điều kiện đất đai, nước tưới, chưa thể trồng những giống có năng suất cao mà phải trồng giống ngô và các loại rau, đậu, đỗ ở địa phương, thì các tỉnh phải giúp các huyện hướng dẫn và kiểm tra các hợp tác xã chọn và nhân giống để cung cấp cho sản xuất; mặt khác phải giúp các hợp tác xã cải tạo đồng ruộng và ra sức xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết để có thể gieo trồng được những giống có năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn.
3. Đối với các loại cây trồng không dùng hạt giống mà dùng cành, dùng thân, dùng rễ để làm giống:
Những loại giống như giống mía, dứa, chuối, khoai lang, sắn, khoai tây, các loại khoai khác…khối lượng giống dùng cho sản xuất hàng năm rất lớn. Việc vận chuyển và bảo quản các loại giống tươi sống rất khó khăn. Vì vậy, việc nhân giống và giữ giống cho sản xuất phải làm ở cơ sở. Dưới sự chỉ đạo của tỉnh và của huyện, các nông trường, hợp tác xã, trại Nhà nước…phải có kế hoạch chọn giống, nhân giống theo đúng chế độ giống và quy trình kỹ thuật. Các tỉnh huyện phải kiểm tra chặt chẽ.
Các viện và cơ quan có trách nhiệm ở trung ương phải nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo nhằm tìm ra và xác định những giống tốt có năng suất và hiệu quả kinh tế cao; xác đinh quy trình kỹ thuật và tiêu chuẩn các loại giống, làm căn cứ cho công tác quản lý và kiểm tra.
4. Đối với những loại giống cây dài ngày:
Phần lớn các giống cây dài ngày đều phải qua vườn ươm, một số cây phải theo kỹ thuật chiết cành hoặc ghép. Vì vậy, công tác giống phải được thực hiện ở cơ sở sản xuất. Các nông trường, hợp tác xã, trại Nhà nước, có kế hoạch sản xuất phải có kế hoạch chọn, nhân giống, ươm giống, chiết hoặc ghép theo quy trình kỹ thuật để có đủ giống tốt cho sản xuất.
Các viện và cơ sở nghiên cứu của trung ương có trách nhiệm nghiên cứu tìm ra những giống tốt có năng suất và hiệu quả kinh tế cao để đưa vào sản xuất, và xác đinh quy trình kỹ thuật cụ thể đối với mỗi loại giống; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy rình, chế độ đã đề ra.
Đối với những cây dài ngày, đòi hỏi kỹ thuật phức tạp như giống cao su, cà phê…Ủy ban Nông nghiệp trung ương có trách nhiệm tổ chức việc nghiên cứu, chọn lọc, nhân giống để cung cấp cho các cơ sở.
III. CHÍNH SÁCH CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC GIỐNG CÂY TRỒNG:
Để tạo điều kiện thuận lợi và giúp càc cơ sở sản xuất làm tốt công tác giống. Hội đồng Chính phủ quy định một số chính sách cụ thể như sau:
1. Chính sách dành ruộng đất tốt, có điều kiện thuận lợi nhất để sản xuất giống cây trồng:
Mỗi loại cây trồng đều đòi hỏi điều kiện đất đai, thủy lợi, khí hậu, thời tiết và yêu cầu về kỹ thuật khác nhau. Việc dành đất tốt có điều kiện thuận lợi để sãn xuất giống, bảo đảm năng suất cao và ổn định, bảo đảm độ thuần và phẩm chất của giống là một yêu cầu rất cấp bách và cũng là một việc làm tiết kiệm nhất, có lợi cho người sản xuất và có lợi cho nền kinh tế quốc dân. Các hợp tác xã nông nghiệp, các nông trường quốc doanh và trại Nhà nước có ruộng đất tốt và điều kiện thuận lợi cho sản xuất giống, phải ưu tiên daành để sản xuất giống. Nhà nước bảo đảm lợi ích và có chính sách khuyến khích các hợp tác xã, các cơ sở quốc doanh chuyên làm giống.
Ủy ban nông nghiệp trung ương phải căn cứ vào tình hình đất đai, điều kiện thiên nhiên ở các vùng, yêu cầu về khối lượng giống và kỹ thuật giống đã cùng với các địa phương quy hoạch và có kế hoạch dành diện tích cần thiết để sản xuất đủ giống và giống tốt cho sản xuất.
2. Chính sách Nhà nước đầu tư vốn xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật cho công tác giống cây trồng:
Giống cây trồng do các cơ sở quốc doanh hay hợp tác xã sản xuất để cung cấp cho sản xuất, đều phải đúng quy trình kỹ thuật và phải được quản lý chặt chẽ. Đối với những loại giống cây trồng thuộc hệ thống giống Nhà nước phụ trách như đã nói ở phần I, các cơ quan nông nghiệp ở trung ương và các cấp phải tổ chức các trại giống Nhà nước hoặc giao nhiệm vụ cho các nông trường quốc doanh, các hợp tác xã để sản xuất đủ khối lượng, bảo đảm phẩm chất, độ thuần của giống. Các hợp tác xã hoặc cơ sở quốc doanh ký hợp đồng dài hạn và hợp đồng hàng năm để sản xuất giống cho Nhà nước; bảo đảm làm đúng quy trình kỹ thuật dưới sự kiểm tra chặt chẽ của cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước. Để đảm bảo được năng suất và phẩm chất của giống, các hợp tác xã, các cơ sở quốc doanh phải ra sức xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật nhằm tăng năng suất và nâng cao phẩm chất của sản phẩm. Về phần Nhà nước, đi đôi với chính sách dành đất tốt, có điều kiện thuận lợi, phải tập trung sức làm tốt những khâu chủ yếu như sau:
a) Bảo đảm tưới tiêu chủ động cho cơ sở giống, kế hoạch và kinh phí hoàn chỉnh thủy nông hoặc xây dựng công trình thủy lợi mới phải dành ưu tiên cho cơ sở giống.
b) Trong kế hoạch bỏ vốn đầu tư vào khai hoang mở rộng diện tích thì ưu tiên dành vốn cho cơ sở sản xuất giống (nhất là đối với cây dài ngày trên đất dốc).
c) Nhà nước trực tiếp đầu tư vốn để xây dựng kho bảo quản từng loại giống, sân phơi hoặc máy sẩy hạt, phương tiện đóng gói, vận chuyển giống. Các xí nghiệp giống hoặc công ty giống của Nhà nước trực tiếp quản lý những cơ sở này.
Ủy ban Nông nghiệp trung ương phối hợp với Bộ Tài Chính hướng dẫn và kiểm tra việc tính toán yêu cầu về vốn và mức Nhà nước phải đầu tư nhằm thực hiện kế hoạch nghiên cứu, thí nghiệm, chọn lọc, lai tạo, nhân giống, quản lý giống…một cách tích cực và tiết kiệm.
3. Chính sách đảm bảo lợi ích và khuyến khích các cơ sở sản xuất giống cho Nhà nước:
Để đảm bảo sản xuất đủ khối lượng giống tốt, bảo đảm độ thuần và sức nảy mầm của giống, bảo đảm lợi ích và khuyến khích các hợp tác xã và các cơ sở quốc doanh hăng hái sản xuất giống cho Nhà nước. Hội đồng chính phủ quyết định thực hiện một số chính sách như sau:
a) Những hợp tác xã sản xuất giống lương thực như: thóc, ngô, hạt cốc…bán giống cho Nhà nước được tính để trừ mức nghĩa vụ lương thực theo tỷ lệ 100 kilôgam hạt giống được tính bằng 110 kilôgam hạt sản phẩm thông thường.
b) Về chính sách giá Nhà nước thu mua giống cây trồng.
Trong khi chờ đợi nghiên cứu một cách toàn diện giá thành và giá thu mua nốngản và giá giống cây trồng cho từng khu vực khác nhau, trong những năm trước mắt, đối với giống cây trồng cho sản xuất đại trà và sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, đúng kế hoạch. Nhà nước căn cứ vào phẩm chất của giống sẽ mua với giá cao hơn nông sản thông thường từ 20 đến 50%. Ủy ban Nông nghiệp trung ương phải phối hợp với Ủy ban Vật giá Nhà nước và Bộ Tài chính hướng dẫn việc tính giá cho các loại giống theo phẩm chất.
c) Về chính sách giá giống Nhà nước cung cấp cho các cơ sở sản xuất.
Về lâu dài, việc sản xuất và kinh doanh giống là một ngành có lãi, có khả năng thu hồi vốn đau tư nhanh và góp phần tăng tích lũy cho Nhà nước; giá Nhà nước cung cấp phải bù lại giá mua, kinh phí kinh doanh, bù hao hụt và có lãi. Nhưng trước mắt, để góp phần làm thay đổi tập quán lâu đời, chưa quen dùng giống mới vào sản xuất, trong vài ba năm đầu, Nhà nước bán giống cho các hợp tác xã ngang với giá mua hoặc chỉ cao hơn một ít. Nhà nước còn chịu lỗ về chi phí bảo quản, lưu thông và hao hụt. Sau hai ba vụ sản xuất, trên cơ sở làm tốt việc sản xuất, phân phối, quản lý giống cây trồng sẽ đưa giá cung cấp giống lên một cách hợp lý.
Đối với những giống mới, khối lượng không nhiều, các hợp tác xã chưa quen dùng, Nhà nước có thể cho không trong một hai vụ đầu, sau đó sẽ bán theo giá của Nhà nước.
IV. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH VÀ CÁC CẤP TRONG VIỆC SẢN XUẤT VÀ QUẢN LÝ GIỐNG CÂY TRỒNG
Dựa trên những kết quả nghiên cứu, thí nghiệm, chọn lọc, lai tạo giống đã thu được những kinh nghiệm về sản xuất của nhân dân ta, kết hợp với những thành tựu mới về công việc giống trên thế giới, chúng ta sẽ có điều kiện và khả năng đưa nhanh trình độ sản xuất và quản lý giống cây trồng tiến lên, góp phần đẩy mạnh nông nghiệp phát triển theo hướng toàn diện đi đôi với thâm canh, chuyên canh. Các ngành và các cấp phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ của mình, ra sức làm tốt những biện pháp và chính sách đã đề ra ở phần I, phần II và phần III của quyết định này:
1. Ủy ban Nông nghiệp trưng ương phải ra sức tăng cường và đề cao trách nhiệm của các Viện và cơ sở nghiên cứu khoa học kỹ thuật về nông nghiệp, trong việc nghiên cứu và xác định giống gốc, cùng với các tính, nhân từ giống gốc ra đủ giống để nhân cho sản xuất đại trà; quy định các nguyên tắc các quy trình kỹ thuật nhân giống; hướng dẫn và kiểm tra việc sản xuất, phân phối và sử dụng giống theo đúng chính sách và chế độ của Nhà nước.
2. Ủy ban Nông nghiệp các tỉnh dưới sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương và theo sự hướng dẫn của Ủy ban Nông nghiệp trung ương, cùng với các huyện, chọn những hợp tác xã hoặc cơ sở sản xuất của Nhà nước có điều kiện thuận lợi và tốt nhất để nhân những loại giống mà huyện phải nhân (cấp trên không cung cấp) cho sản xuất đại trà, kiểm tra việc sử dụng giống trong huyện.
3. Các ngành thủy lợi, giao thông, xây dựng, các Bộ tổng hợp và các ngành có trách nhiệm khác phải làm đầy đủ nhiệm vụ của mình góp phần đưa trình độ sản xuất, sử dụng và quản lý giống cây trồng từng bước tiến lên; từng bước xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết cho việc sản xuất và quán lý giống.
4. Các hợp tác xã nông nghiệp, các trại Nhà nước, các nông trường quốc doanh được Nhà nước giao nhiệm vụ sản xuất giống, phải thấy hết trách nhiệm của mình, tập trung sức thực hiện kế hoạch giống, và làm đúng quy trình kỹ thuật giống. Các cơ sở sản xuất khác phải có kế hoạch làm tốt phần của mình về công tác giống, nghiêm chỉnh chấp hành nguyên tắc và chế độ giống của Nhà nước.
5. Các công ty và xí nghiệp chuyên trách về giống cây trồng của trung ương và các cấp phải ra sức cải tiến quản lý sản xuất và kinh doanh bảo đảm kế hoạch sản xuất và cung cấp đủ giống tốt cho sản xuất, hạ giá thành sản xuất và giảm chi phí lưu thông và hao hụt giống theo chế độ hạch toán của Nhà nước.
6. Để đảm bảo yêu cầu quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với công tác giống, đồng thời đề cao trách nhiệm của các cấp, các cơ sở sản xuất làm tốt công tác giống cây trồng, Ủy ban Nông nghiệp trung ương phải dựa trên những kết quả nghiên cứu, thí nghiệm và thực tế sản xuất ở các vùng khác nhau, để nghiên cứu trình Chính phủ ban hành những quy định chính thức về: tiêu chuẩn các loại hạt giống và giống cây trồng; chế độ quản lý giống bao gồm: chế độ kiểm tra và giám định giống, chế độ thay giống, chế độ quản lý xuất nhập khẩu giống…làm căn cứ cho việc chỉ đạo quản lý và kiểm tra.
Công tác giống cây trồng bao gồm việc nghiên cứu, thí nghiệm chọn lọc, lai tạo giống, nhân và sản xuất giống, bảo quản, phân phối giống, quản lý sản xuất và sử dụng giống nhằm không ngừng phát huy tác dụng của giống cây trồng trong việc thâm canh, tăng vụ, nâng cao phẩm chất nông sản…là một công tác rất mới và rất lớn. Hội đồng Chính phủ yêu cầu các ngành và các cấp có trách nhiệm có kế hoạch và biện pháp thực hiện quyết định của Hội đồng Chính phủ về công tác giống, từng bước đưa trình độ sản xuất và quản lý giống cây trồng tiến lên một cách tích cực và vững chắc.
| T.M.HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
Quyết định 209-CP năm 1974 về chủ trương, chính sách đối với công tác giống cây trồng do Hội đồng chính phủ ban hành
- Số hiệu: 209-CP
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 07/09/1974
- Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
- Người ký: Phạm Văn Đồng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 15
- Ngày hiệu lực: 22/09/1974
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định