Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/CT-UB

Bến Tre, ngày 13 tháng 10 năm 1998

 

CHỈ THỊ

“V/V TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ DỊCH VỤ VĂN HOÁ VÀ CHỐNG CÁC TỆ NẠN XÃ HỘI NGHIÊM TRỌNG”.

Từ đầu năm 1998 đến nay, qua kiểm điểm đánh giá công tác quản lý các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá có bước tiến bộ.

Đối với các tệ nạn xã hội nghiêm trọng các địa phương và các Ban ngành, đoàn thể cũng đã quan tâm chỉ đạo ngăn chặn. Đã có 118/158 xã, phường không có các tệ nạn nghiêm trọng.

Tuy nhiên, kết quả đạt được còn quá ít so với mục tiêu cần đạt. Thực tế, trên địa bàn thị xã và một số vùng nông thôn, thị tứ, thị trấn, phim ngoài luồng, phim có nội dung không lành mạnh vẫn lén lút lưu hành, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống tinh thần của nhân dân, nhất là giới thanh, thiếu niên, học sinh.

Về các tệ nạn xã hội, tuy có ngăn chặn được ở một số địa phương, nhưng còn nhiều tụ điểm thuộc thị xã, Châu Thành và rải rác một số huyện đã bộc lộ nhiều phức tạp: Như tổ chức nhà trọ bất hợp pháp, quán bia ôm, cà phê đèn mờ vẫn hoạt động; có lúc có nơi gái mại dâm hoạt động ngày càng gia tăng hơn; tệ nạn ma tuý có phát sinh mới, các chất ma tuý đã len lỏi về tỉnh bằng những đường dây buôn lậu rất tinh vi. Đặc biệt nguy hiểm là nó đã thâm nhập vào một bộ phận thanh thiếu niên thị xã, trong đó có học sinh.

Thực trạng đó làm cho dư luận xã hội rất bất bình và lo ngại.

Tồn tại nêu trên là do nhiều nguyên nhân, nhưng về chủ quan phải thừa nhận rằng: Nhiều địa phương chính quyền chưa tập trung chỉ đạo, chưa xem công việc phòng, chống các tệ nạn xã hội là nhiệm vụ của toàn Đảng, chính quyền, đoàn thể và các ngành chức năng địa phương, chưa tích cực vận động, phát huy sức mạnh của nhân dân tham gia phòng chống các tệ nạn xã hội ngay trên địa bàn mình; các đội kiểm tra liên ngành chưa quyết tâm cao, còn đùn đẩy, né tránh.

Trước tình hình trên, việc đẩy mạnh công tác quản lý các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá và phòng, chống các tệ nạn xã hội hiện nay là hết sức bức xúc. Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương, các ngành kết hợp với các đoàn thể, các hội quần chúng… quan tâm chỉ đạo và ra sức thực hiện các công việc sau đây :

Uỷ ban nhân dân các cấp phải khẩn trương tổ chức kiểm điểm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trách nhiệm thừa hành trong lãnh vực quản lý hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá và phòng, chống tệ nạn xã hội từ cấp xã, phường, huyện, thị tới tỉnh.

Trong kiểm điểm phải thật nghiêm túc, đánh giá cho đúng việc làm được, việc chưa làm được và nguyên nhân của nó, đồng thời đề ra các biện pháp tích cực và thực hiện có hiệu quả để khắc phục ngay những hạn chế hiện nay. Cần chú ý củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ nhân dân tự quản, đấu tranh phê phán các hành vi tiêu cực trong phòng chống các tệ nạn xã hội, củng cố ngay Đội kiểm tra liên ngành 814 ở mỗi cấp, thay đổi ngay những cán bộ không đủ chuẩn chất, hoạt động không tích cực.

Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã chỉ đạo Đội kiểm tra liên ngành 814 lập kế hoạch kiểm tra trên địa bàn mình. Kế hoạch phải phối hợp đồng bộ tập trung vào chương trình điểm nóng, hoạt động thường xuyên, liên tục; xử lý các vi phạm phải nghiêm khắc, kịp thời và đúng pháp luật.

Tổ chức quản lý băng hình thật chặt chẽ. Các điểm chiếu phim công cộng, các đại lý bán và cho thuê băng hình trong tỉnh chỉ được chiếu và lưu hành phim do Công ty Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh phát hành.

Công ty Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh phối hợp với các huyện, thị xã tổ chức kiểm tra khắp trên địa bàn tỉnh về chiếu phim và các dịch vụ về phim.

Các nhà hàng quán bia phải hoạt động theo khuôn khổ quy định… nếu vi phạm quy định thì phải xử phạt thật nghiêm; tiếp viên không đăng ký theo đúng quy định thì trục xuất và thông báo cho địa phương biết. (Giao Sở Thương mại- Du lịch, Sở Văn hoá Thông tin thể thao nghiên cứu đề xuất quy chế hoạt động ở các quán giải khát, quán bia và các nhà hàng).

Số nhà cất tạm bợ để cho thuê (nhà chứa trá hình) ở địa bàn thị xã, Châu Thành và các thị trấn phải kiên quyết tháo dỡ, trả lại cảnh quan cho bộ mặt văn hoá đô thị.

Số gái hoạt động mãi dâm, các băng nhóm lưu manh, côn đồ, các đường dây ma tuý phải nhanh chóng được tiến hành kiểm tra truy quét kiên quyết, liên tục, dồn dập, không để để bọn tội phạm có cơ hội phục hồi.

Cá loại xe đưa, rước khách, tàu thuyền phải đậu đúng bến, đúng bãi. Tại các bến xe, bến tàu phải sắp xếp trật tự, giữ gìn vệ sinh.

Trung tâm giáo dục dạy nghề thuộc Sở Lao động Thương binh xã hội cần nghiên cứu và có kế hoạch mở rộng tầm hoạt động. Song song với nhiệm vụ tại Trung tâm, phải chọn một số xã, phường làm điểm về ngăn ngừa, giáo dục, điều trị, dạy nghề gái lỡ lầm và người nghiện ma tuý ngoài cộng đồng

Đấu tranh phòng chống các hoạt động đồi trụy trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ và các tệ nạn xã hội là một yêu cầu bức xúc và là nhiệm vụ hết sức bức bách hiện nay, bởi vì nó tác động trực tiếp, làm ảnh hưởng xấu đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đặc biệt là của thanh thiếu niên tỉnh nhà. Đồng thời đây là công việc lâu dài, đòi hỏi phải thực hiện kiên trì, thường xuyên, liên tục. Trách nhiệm của toàn xã hội và của chính quyền các cấp là giải quyết triệt để các căn bệnh xã hội nguy hiểm, có ảnh hưởng đến nòi giống và sự hưng vong của đất nước.

Vì vậy yêu cầu Uỷ ban nhân dân huyện, thị, Thủ trưởng các ngành chức năng phải hết sức quan tâm và khẩn trương thực hiện những nội dung nêu trên./.

 

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Huỳnh Văn Cam

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 24/CT-UB năm 1998 về tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý các hoạt động văn hoá dịch vụ văn hoá và chống các tệ nạn xã hội nghiêm trọng do tỉnh Bến Tre ban hành

  • Số hiệu: 24/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 13/10/1998
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Huỳnh Văn Cam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản