Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 238-TTg | Hà Nội, ngày 31 tháng 08 năm 1971 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ TÀI SẢN BỊ TỔN THẤT DO LŨ LỤT GÂY RA
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Vụ lũ lụt vừa qua đã gây tổn thất đến tài sản Nhà nước; hiện nay các ngành, các cấp đều chưa nắm vững được mức độ tổn thất do lũ lụt đã gây ra.
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ và các Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố phải làm gấp những việc sau:
1. Thu dọn và kiểm tra vật tư, hàng hoá Nhà nước.
Trước mắt, cơ quan, xí nghiệp chủ quản phải tích cực huy động phương tiện và nhân lực để cứu vớt, tập trung, thu dọn và gấp rút đưa vật tư, thiết bị, hàng hoá vào nơi an toàn, tổ chức coi giữ cẩn thận. Nếu không đủ phương tiện và nhân lực thì nhờ các Uỷ ban hành chính và đoàn thể quần chúng địa phương giúp đỡ.
Các ngành và Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố phải tiến hành kiểm tra chặt chẽ tài sản Nhà nước ngay sau khi nước rút và phải lập biên bản như thủ tục đã quy định trong Thông tư số 75-TTg/TN ngày 03 tháng 07 năm 1964 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn thi hành số 1864-UBTC ngày 12 tháng 12 năm 1964 của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Thông tư số 166-TC/VP ngày 20 tháng 09 năm 1968 của Bộ Tài chính về việc giải quyết hậu quả do thiên tai gây ra.
Cơ quan, xí nghiệp có tài sản bị tổn thất phải có Hội đồng thành lập theo đúng thành phần đã quy định[1], để:
- Kiểm kê số lượng và trị giá thiệt hại;
- Lập biên bản gửi cho Bộ chủ quản và Bộ Tài chính để làm căn cứ xử lý (đối với xí nghiệp địa phương thì gửi cho Uỷ ban hành chính địa phương).
Bộ chủ quản và Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố phải tổng hợp tình hình thiệt hại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 09 năm 1971.
2. Xử lý tài sản bị tổn thất.
Những thông tư nói trên của Thủ tướng Chính phủ, của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính đã nói rõ chế độ, thủ tục xử lý tài sản bị tổn thất do thiên tai gây ra. Các ngành, các cấp phải nghiên cứu kỹ những thông tư này và chấp hành nghiêm túc, trên tinh thần phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống, triệt để thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, tham ô.
Việc xử lý tài sản bị lũ lụt cần phải kịp thời, để tránh hư hỏng; phải tuỳ theo tính chất từng loại hàng hoá, vật tư mà giải quyết theo hướng: những thứ sử dụng được thì phải sử dụng ngay, không được để hư hỏng; những thứ có thể bảo quản thì phải bảo quản, không được lãng phí.
a) Đối với lương thực và thực phẩm: nếu còn ăn được thì cung cấp ngay cho bộ đội, công nhân, viên chức và nhân dân; nếu không còn ăn được thì cung cấp làm thức ăn cho gia súc (trâu, bò, lợn) của mậu dịch quốc doanh, của hợp tác xã và nông dân. Tóm lại, đối với lương thực và thực phẩm, phải tìm mọi cách sử dụng kịp thời, không dùng được vào việc này thì dùng cho việc khác không được lãng phí. Nếu có nhiều, thì đưa chế biến thành rượu hoặc tinh bột.
Đối với đường và muối ướt, vải và các thứ hàng hoá khác, đều giải quyết theo như hàng kém phẩm chất (Chỉ thị số 102-TTg ngày 05 tháng 06 năm 1970 của Thủ tướng Chính phủ).
Chú ý vận động cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân vui lòng tiêu thụ những hàng hoá này, đó cũng là biểu hiện của tinh thần yêu nước, tiết kiệm và chống lãng phí. Mặt khác, cần phải định giá cả phù hợp với phẩm chất hàng hoá cho người tiêu dùng.
b) Đối với nguyên liệu: phải tiến hành phân loại để có kế hoạch sử dụng trước các loại bị ngâm nước nhưng còn dùng được, thứ nào không dùng được thì chuyển cho nhu cầu khác.
Các nguyên liệu hoá chất nếu đã bị ngâm nước thì phải thận trọng khi sử dụng, nhất là các loại hoá chất để chế biến thuốc men cho người, phải bảo đảm tuyệt đối vệ sinh và nguyên chất của nó.
c) Đối với máy móc, thiết bị, vật tư kỹ thuật: phải lau chùi, cạo, rửa, phơi, xấy nhằm làm cho vật tư, thiết bị được khô sạch. Đối với vật tư, thiết bị kỹ thuật, phải thi hành những biện pháp xử lý kỹ thuật cần thiết đối với từng loại (lau dầu, bôi mỡ, xấy điện, chỉnh lý, lắp ráp lại v.v…) phải tiến hành phân loại máy móc, thiết bị, vật tư kỹ thuật.
Đối với những loại thiết bị, vật tư, hàng hoá, phẩm chất còn tốt, phải bảo quản cẩn thận và phân phối theo kế hoạch.
Đối với những loại thiết bị, vật tư, phẩm chất đã bị tổn hại, nhưng tổn hại không lớn, có thể gia công sửa chữa thì phải tiến hành gia công sửa chữa và kịp thời phân phối ngay cho vùng bị lũ lụt hoặc nơi khác nếu có yêu cầu. Những chi phí về việc này sẽ giải quyết theo như quy định trong những thông tư nói trên.
Đối với những loại thiết bị, vật tư kỹ thuật đã bị mất hoặc kém phẩm chất, nói chung đều xử lý theo như chế độ hiện hành.
3, Phải khẩn trương, kịp thời và nghiêm túc trong việc xử lý tài sản và hàng hoá bị tổn thất sau lũ lụt. Các ngành có nhiều vật tư, hàng hoá, thiết bị, phải tập trung cán bộ cùng địa phương để giải quyết ngay.
Phải đề phòng những tình hình không tốt xảy ra, đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên chức các ngành, các cấp, đề cao ý thức tôn trọng và bảo vệ của công, phải hết sức tránh lãng phí hàng hoá, của cải, thứ gì còn tìm cách giữ lại được thì phải hết sức giữ gìn. Đồng thời phải kịp thời nghiêm trị những kẻ xấu nhân cơ hội này ăn cắp, phá hoại. Phải kịp thời khen thưởng những đơn vị và cá nhân có công bảo vệ của công trong vụ lũ lụt.
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
|
(1) trong điểm 8 thông tư số 75-ttg/tn ngày 30 tháng 07 năm 1964
- 1Thông tư 29-TC/CNKT-1971 hướng dẫn việc xử lý về mặt tài chính những thiệt hại và thanh toán hậu quả lũ lụt ở các Xí nghiệp và Công trường do Bộ Tài chính ban hành
- 2Thông tư 75-TTg-TN-1964 giải thích và bổ sung về cách hạch toán đối với một số khoản chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh của Xí nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 238-TTg năm 1971 về kiểm tra và xử lý tài sản bị tổn thất do lũ lụt gây ra do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 238-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 31/08/1971
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Lê Thanh Nghị
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 15
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra