Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 236/TTg | Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 1997 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG TẠI CÁC THÀNH PHỐ LỚN
Hiện nay số lượng phương tiện vận tải ở các thành phố lớn đã và đang tăng lên quá nhanh, nhất là phương tiện đi lại của cá nhân (kể cả thô sơ và cơ giới), đặc biệt là ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Dù Nhà nước có tăng cường đầu tư để mở rộng và nâng cấp, đường phố và cơ sở hạ tầng giao thông đô thị cũng không đáp ứng được nhu cầu của các loại phương tiện giao thông này. Tình trạng trên đã và sẽ tiếp tục gây ra tắc nghẽn giao thông ngày càng nặng ở một số điểm, một số tuyến trên địa bàn thành phố Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trước tình hình đó cần thay đổi cơ bản sự phát triển giao thông đô thị theo hướng coi trọng và khuyến khích vận tải công cộng, làm cho lực lượng này ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn; tạo điều kiện đáp ứng đủ, kịp thời, tiện lợi với giá hợp lý cho nhu cầu đi lại của nhân dân; từng bước hình thành thói quen sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng thay cho xe đạp, xe máy, xích lô... Chính phủ đã ban hành một số chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, trước mắt là ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng cho đến nay, việc tổ chức vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở hai thành phố này còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Để sớm khắc phục tình trạng ách tắc giao thông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương tổ chức thực hiện tốt những việc sau đây :
1. Ủy ban nhân dân hai thành phố sớm hoàn chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển nhanh chóng mạng lưới các tuyến vận tải bằng xe buýt, taxi đến năm 2000 và lập đề án thực hiện trong năm 1997, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất là tháng 6 năm 1997. Đề án này bao gồm cả xe buýt và taxi. Đối với xe buýt cần xây dựng cụ thể mạng lưới các tuyến, điểm đỗ hợp lý, thời gian biểu hoạt động trên từng tuyến cụ thể ... Đối với taxi cần quy hoạch các cụm bãi đỗ, có kế hoạch điều hành phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, tránh tình trạng hoạt động như hiện nay.
2. Ở hai thành phố lớn cần đầu tư tập trung đồng thời 3 loại phương tiện : xe buýt loại lớn, loại trung và loại nhỏ trên các tuyến phố, các loại này hỗ trợ nhau để giảm số phương tiện đi lại của cá nhân hoạt động trong thành phố. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong nước tham gia kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, chủ yếu là khuyến khích các tổ chức tập thể và quốc doanh. Cho phép liên doanh với nước ngoài tham gia vận tải hành khách công cộng nhưng cần được cân nhắc kỹ thông qua tuyển chọn đối tác trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích của phía Việt Nam và chấp hành đầy đủ pháp luật Việt Nam.
3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân hai thành phố xây dựng, đề xuất các chính sách tài chính nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe buýt giảm lỗ xuống mức thấp nhất, hạn chế bù lỗ từ ngân sách Nhà nước.
Đồng ý cho Ủy ban nhân dân hai thành phố thực hiện một số khoản phụ thu đối với xe gắn máy, xe ô tô du lịch tư nhân, áp dụng một số biện pháp điều tiết từ kinh doanh taxi trên địa bàn để có thêm nguồn kinh phí bù lỗ cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố để quyết định mức phụ thu và hình thức thu cụ thể. Trong quá trình thực hiện phải có các biện pháp tích cực nhằm thu đúng, thu đủ, thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh những hiện tượng tiêu cực.
4. Bộ Tài chính hoàn chỉnh hệ thống các chính sách ưu đãi tối đa về các sắc thuế nhằm khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở đô thị trình Thủ tướng ban hành trong tháng 5 năm 1997; những vấn đề vượt thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét quyết định.
Những chính sách ưu đãi này cần công bố rộng rãi và áp dụng dài hạn đảm bảo cho các thành phần kinh tế tham gia vận tải hành khách công cộng kinh doanh ổn định.
5. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo và hướng dẫn Ủy ban nhân dân hai thành phố thành lập Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng trên địa bàn. Trung tâm này là đơn vị sự nghiệp có thu.
6. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các thành phố nghiên cứu thành lập Công ty Tài chính trực thuộc Tru ng tâm điều hành để tạo nguồn vốn mua các loại phương tiện vận tải công cộng. Trước mắt giao Bộ Tài chính bảo lãnh cho các doanh nghiệp do hai thành phố chỉ định để mua các loại xe buýt, kể cả bảo lãnh mua trả chậm.
Việc đặt mua xe buýt nên hướng vào các đơn đặt hàng dài hạn cho các liên doanh ô tô đang đầu tư tại Việt Nam thông qua đấu thầu, đảm bảo chất lượng, giá hạ trả chậm lãi xuất hợp lý, theo kiểu dáng xe thống nhất, tránh mua quá nhiều kiểu xe sẽ gây phức tạp cho việc bảo hành, sửa chữa và cung cấp phụ tùng thay thế.
7. Bộ Giao thông vận tải sớm ban hành các cơ chế quản lý vận tải hành khách công cộng cho phù hợp với yêu cầu phát triển nhanh của hoạt động này. Sau khi rút kinh nghiệm ở hai thành phố lớn, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn và chỉ đạo các thành phố khác (chủ yếu là các thành phố loại 1 và loại 2) xây dựng và phát triển mạng lưới vận tải công cộng bằng xe buýt.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải cần hoàn thiện tổ chức quản lý vận tải hành khách công cộng liên tỉnh bằng ô tô nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo và kém hiệu quả như hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này, phải tạo bằng được sự chuyển biến mạnh mẽ về vận tải hành khách công cộng ngay trong năm 1997 ./.
Nơi nhận : | K/T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Chỉ thị 236/TTg năm 1997 tổ chức vận tải hành khách công cộng tại thành phố lớn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 236/TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 11/04/1997
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Trần Đức Lương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra