Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/CT-UBND

Ninh Thuận, ngày 20 tháng 10 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ THỰC HIỆN MỘT SỐ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU NĂM HỌC 2016-2017 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Năm học 2016-2017, sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo của tỉnh đứng trước những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đòi hỏi các ngành, các cấp, các địa phương phải quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu hơn nữa để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và Chương trình hành động của Tỉnh ủy triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; thực hiện Chỉ thị số 3031/CT-BGDĐT ngày 26/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2016-2017 của ngành Giáo dục và Đào tạo và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị ngành Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các sở, ban ngành có liên quan quán triệt, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2016-2017, cụ thể như sau:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chủ động phối hợp với các đơn vị, trường học thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1888/QĐ-UBND ngày 28/7/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2016-2017 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đoàn thể và các sở, ngành có liên quan triển khai kịp thời và chu đáo các nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2016-2017 theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cụ thể:

a) Rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường, lớp học trong toàn tỉnh:

- Thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên phù hợp với điều kiện của từng vùng, địa phương; tăng cường công tác dự báo về phát triển trường lớp, đội ngũ để nâng cao chất lượng quy hoạch.

- Hoàn thiện việc sắp xếp hệ thống quản lý đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt, phù hợp chức năng, nhiệm vụ. Xác định rõ vị trí việc làm trong các cơ quan quản lý giáo dục các cấp và các cơ sở giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.

b) Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp:

- Rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp theo tiêu chuẩn ban hành, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hoặc tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ và đáp ứng yêu cầu đổi mới.

- Đẩy mạnh việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cho phù hợp với yêu cầu đổi mới.

- Đổi mới công tác thi đua khen thưởng đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục và Đào tạo theo hướng thiết thực, hiệu quả. Tăng cường công tác truyền thông những tấm gương nhà giáo tiêu biểu, các điển hình tiên tiến xuất sắc nhằm khơi dậy nhiệt huyết và ý thức tự hào nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo.

c) Đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông:

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh ở trong và ngoài nhà trường. Cung cấp rộng rãi thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà, nhu cầu của thị trường lao động của xã hội, nhằm hướng các hoạt động giáo dục hướng nghiệp đáp ứng thị trường lao động, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

- Thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; tiếp tục thực hiện hợp tác, liên kết giữa trường phổ thông và trường chuyên nghiệp trên địa bàn để đào tạo và công nhận kỹ năng nghề cho học sinh; bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên hướng nghiệp; quản lý giáo dục hướng nghiệp.

- Tăng cường huy động các nguồn lực tài chính và các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo cho việc tổ chức các hoạt động dạy học/giáo dục trong nhà trường theo hướng thực học, lý thuyết gắn với thực hành và thực tiễn, phục vụ giáo dục hướng nghiệp và phân luồng đạt hiệu quả.

d) Nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo:

- Chỉ đạo giáo viên tiếp tục tự bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm đối với giáo dục phổ thông. Hỗ trợ Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận triển khai đào tạo giáo viên ngoại ngữ theo chương trình ngoại ngữ mới.

- Triển khai đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên theo chuẩn đầu ra ngay trong quá trình và kết quả từng giai đoạn giáo dục, đào tạo. Triển khai đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên theo Khung năng lực ngôn ngữ 6 bậc. Thực hiện nghiêm túc các quy định về kiểm tra, đánh giá, cấp văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ.

- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thiết yếu; ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới học liệu dạy học ngoại ngữ. Triển khai bồi dưỡng thường xuyên, định kỳ về công tác sử dụng thiết bị dạy học ngoại ngữ, đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả.

- Đánh giá sơ kết 5 năm triển khai thực hiện “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2012-2020.

e) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục:

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành ở Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục theo hướng đồng bộ, kết nối liên thông; hình thành cơ sở dữ liệu toàn ngành phục vụ thông tin cho công tác quản lý ở tất cả các cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá thiết thực và hiệu quả.

- Bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin-toàn ngành theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.

g) Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo:

- Tăng cường xã hội hóa giáo dục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho giáo dục đào tạo.

- Tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm đầu tư cho giáo dục đào tạo về cơ sở vật chất trường, lớp học, nhà công vụ giáo viên theo Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014-2015 và lộ trình đến năm 2020.

- Tạo mối quan hệ với Bộ, Ngành Trung ương tranh thủ các đề án, nguồn vốn ODA đầu tư giáo dục đào tạo Ninh Thuận.

h) Tiếp tục thực hiện Kế hoạch hành động số 492/KH-UBND ngày 18/02/2016; của Ủy ban nhân dân tỉnh về đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo tạo sự đột phá về phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm 2016 và giai đoạn 2016-2020:

- Đảm bảo sự phát triển giáo dục, đào tạo một cách ổn định, bền vững, toàn diện cả về quy mô, chất lượng, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đẩy mạnh phân cấp, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở, tạo sự năng động, sáng tạo cho cơ sở;

- Tạo sự chuyển biến về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Giáo dục cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và học sinh sinh viên phát triển toàn diện; dạy tốt, học tốt và làm việc có hiệu quả;

- Phấn đấu đến cuối năm 2016 có 32-34% số trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia, 55% số học sinh Tiểu học được học 2 buổi/ngày;

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận; phối hợp với Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh báo cáo, xin chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy và Bộ Giáo dục và Đào tạo về mô hình phát triển Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận để chuẩn bị các điều kiện tiến đến thành Trường Đại học Ninh Thuận trong tương lai.

3. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ có trách nhiệm phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giao kế hoạch phát triển giáo dục, phân bổ ngân sách, giao định mức biên chế và các điều kiện cần thiết đảm bảo ngành Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm học 2016-2017.

4. Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình cùng các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh kịp thời theo dõi đưa tin tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách giáo dục và đào tạo và các hoạt động của ngành Giáo dục và Đào tạo; tăng cường nêu gương người tốt, việc tốt trong phong trào toàn dân chăm lo sự nghiệp giáo dục trên cơ sở việc thực hiện ký kết chương trình phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo.

Chỉ thị này được phổ biến tới tất cả cán bộ quản lý, công chức, viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo và các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan trong toàn tỉnh quán triệt và thực hiện. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm theo dõi tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh định kỳ quý, năm./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (b/c);
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- Hội LHPN tỉnh, Tỉnh Đoàn;
- UBND các huyện, thành phố;
- Phòng GDĐT các huyện, thành phố;
- Báo Ninh Thuận, Đài PTTH;
- VPUB: LĐ, TH, QHXD;
- Lưu: VT, KGVX. NAM.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 23/CT-UBND năm 2016 thực hiện nhiệm vụ chủ yếu năm học 2016-2017 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

  • Số hiệu: 23/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 20/10/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Lê Văn Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/10/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản