Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/2005/CT-UBND | TP. Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 08 năm 2005 |
CHỈ THỊ
VỀ THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP BÌNH ỔN GIÁ TRONG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2005.
Diễn biến giá cả 7 tháng đầu năm 2005 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng thành phố đã có mức tăng 5,6% so tháng với tháng 12 năm 2004. Tuy tốc độ tăng có chậm hơn so với cùng kỳ năm 2004 (7,18%) và tương đương với mức tăng của cả nước (5,6%) nhưng là mức cao so với chỉ tiêu của Quốc hội đề ra là dưới 6,5%/năm. Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế và ổn định đời sống nhân dân, ngày 03 tháng 8 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 28/2005/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp bình ổn giá trong những tháng cuối năm 2005.
Để kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện mục tiêu về chỉ số giá tiêu dùng theo Nghị quyết Quốc hội đề ra ; Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị :
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư :
Chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện đánh giá tình hình thực tế đầu tư, sản xuất kinh doanh ở tất cả các khâu, các công đoạn để có biện pháp thiết thực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trên địa bàn thành phố, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội trong năm 2005. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 29/2003/CT-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước, đảm bảo sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả.
2. Sở Tài chính :
Quản lý mọi hoạt động thu chi ngân sách một cách chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là tiết kiệm trong tiêu dùng (đặc biệt là tiết kiệm xăng dầu, điện năng), tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, tiết kiệm trong xây dựng cơ bản.
Đối với tài chính doanh nghiệp phải minh bạch và lành mạnh, đề xuất các giải pháp tài chính thích hợp để thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất lưu thông, giảm giá thành sản phẩm, chấm dứt việc bao cấp đối với doanh nghiệp Nhà nước sản xuất kinh doanh kém hiệu quả.
Kiểm soát các yếu tố hình thành giá của các vật tư hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá được quy định tại điều 2, 3, 4, 5, 6 Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh giá và Mục I Phần B Thông tư số 15/2004/TT-BTC ngày 09 tháng 3 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ, để có biện pháp nhằm đảm bảo cân đối cung cầu hàng hoá, vật tư, đồng thời có biện pháp ngăn chặn các hành vi tăng giá tuỳ tiện làm thiệt hại lợi ích người tiêu dùng theo đúng quy định của pháp luật về giá.
Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành, quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân các quận - huyện tổ chức thanh tra, kiểm tra đảm bảo tuân thủ đúng các quy định Nhà nước về giá như niêm yết giá, đảm bảo văn minh thương mại, minh bạch thị trường, tạo cơ hội cho người tiêu dùng có điều kiện tham gia kiểm soát giá cả thị trường.
3. Ngân hàng :
Ngân hàng thương mại cần kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng, chỉ cho vay đối với các dự án đầu tư xây dựng, dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả và phù hợp với các nguồn vốn huy động, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả để góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế năm 2005 của thành phố.
4. Sở Thương mại :
Phối hợp với các Sở, Ngành để dự báo tình hình thị trường, có biện pháp điều hoà quan hệ cung cầu hàng hoá, không để xảy ra mất cân đối, kiểm soát và ngăn chặn độc quyền trong kinh doanh, lưu thông hàng hoá những tháng cuối năm 2005, là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội, tết dương lịch và chuẩn bị Tết Nguyên đán, như :
- Các doanh nghiệp nhà nước, các tổng công ty trên địa bàn thành phố giữ vai trò quan trọng để điều hoà cung cầu, ổn định giá bán một số mặt hàng thiết yếu đối với sản xuất và đời sống nhân dân.
- Mở rộng và hoàn thiện mạng lưới kinh doanh của các ngành hàng chủ lực như xi măng, sắt, thép, phân bón, xăng, dầu…khắc phục tình trạng mua bán lòng vòng để góp phần giảm bớt chi phí lưu thông, hạ giá thành sản phẩm, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ tăng giá, gian lận thương mại…
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn :
Phối hợp với các Sở, Ngành và Ủy ban nhân dân các quận - huyện có biện pháp khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh, không để dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu phát triển nông nghiệp năm 2005.
6. Sở Công nghiệp và Sở Xây dựng :
Chỉ đạo các doanh nghiệp trong Ngành đang quản lý có biện pháp loại bỏ các chi phí không cần thiết, khai thác nguồn nguyên vật liệu trong nước để giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, ổn định giá bán nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân.
7. Sở Giao thông công chính :
Phối hợp với các Hiệp hội vận tải, chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải trong Ngành đang quản lý có biện pháp hạ giá thành vận tải tích cực, để đảm bảo giá cước, giá dịch vụ vận tải ổn định, góp phần ổn định giá thị trường
8. Sở Y tế :
Phối hợp với các Sở, Ngành và Ủy ban nhân dân các quận - huyện triển khai và thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giá thuốc chữa bệnh tại Thông báo số 34/TB-VPCP ngày 01 tháng 3 năm 2005 của Văn phòng Chính phủ.
9. Sở Văn hoá và Thông tin :
Chủ trì phối hợp với Đài Truyền hình, Đài Phát thanh, các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng thực hiện tốt việc tuyên truyền để các doanh nghiệp và người tiêu dùng hiểu rõ việc điều hành giá cả của Nhà nước, quan hệ giữa giá trong nước và giá thế giới để từ đó ngăn ngừa tác động tâm lý đẩy giá lên cao.
10. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm bình ổn giá trên địa bàn.
Các Giám đốc Sở, Ngành, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc các doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, các tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này ./.
Nơi nhận | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Chỉ thị 28/2005/CT-TTg thực hiện các biện pháp bình ổn giá trong những tháng cuối năm 2005 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Pháp lệnh Giá năm 2002
- 3Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 4Nghị định 170/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Giá
- 5Thông tư 15/2004/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 170/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Giá do Bộ Tài chính ban hành
Chỉ thị 23/2005/ CT-UBND về việc thực hiện các biện pháp bình ổn giá trong những tháng cuối năm 2005 do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 23/2005/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 31/08/2005
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Hữu Tín
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra