ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/CT-UBND | Hải Dương, ngày 19 tháng 10 năm 2020 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM CỦA THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG TRONG CÔNG TÁC THANH TRA VÀ THỰC HIỆN KẾT LUẬN THANH TRA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trong thời gian qua, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và đã đạt được những kết quả tích cực. Các cuộc thanh tra nhìn chung đã bám sát sự chỉ đạo, định hướng của Thanh tra Chính phủ và của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp; tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra cơ bản đã được khắc phục; chất lượng các cuộc thanh tra được chú trọng và ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công tác quản lý nhà nước. Qua công tác thanh tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý, chấn chỉnh, khắc phục nhiều hạn chế, thiếu sót của các cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra hàng năm còn có nội dung chưa đạt yêu cầu, có đơn vị còn thanh tra ngoài kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc tiếp nhận, đánh giá thông tin về các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật để tiến hành thanh tra đột xuất còn hạn chế. Thời gian thanh tra ở một số cuộc còn kéo dài so với quy định, chất lượng thanh tra chưa cao. Các kết luận thanh tra mới chỉ tập trung vào các vi phạm về kinh tế, chưa chú trọng kiến nghị sửa đổi những bất cập của cơ chế, chính sách và kiến nghị xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức vi phạm. Việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện một số kết luận thanh tra còn chưa kịp thời; một số đối tượng thanh tra không thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời hoặc trì hoãn thực hiện kết luận thanh tra; việc thu hồi tiền, tài sản sai phạm qua thanh tra chưa triệt để; việc xử lý đối với các tập thể, cá nhân có vi phạm chưa nghiêm, gây khó khăn cho công tác quản lý, điều hành của các cấp, các ngành.
Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, trước hết là sự quan tâm, phối hợp, chỉ đạo của thủ trưởng các cấp, các ngành đối với công tác thanh tra còn chưa tương xứng với vị trí, vai trò và yêu cầu của công tác này trong quản lý nhà nước; một số đơn vị thanh tra chưa chủ động nghiên cứu để đề xuất và xây dựng được chương trình, kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu của hoạt động quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra ở một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, còn bị xem nhẹ; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra còn có những hạn chế nhất định, trong khi phạm vi, nội dung thanh tra ngày càng đa dạng và phức tạp.
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nghiêm túc quán triệt và chỉ đạo chặt chẽ công tác thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao theo đúng quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra, Nghị định số 33/2015/NĐ- CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung sau đây:
1. Việc xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm phải có trọng tâm, trọng điểm và theo đúng quy định của pháp luật; tập trung thanh tra vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các lĩnh vực mà dư luận xã hội quan tâm; tăng cường thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn đối với cơ quan hành chính cấp dưới và cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý.
2. Việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra hàng năm phải được theo dõi, rà soát nhằm tránh trùng lắp, chồng chéo, nhất là hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm hoặc lợi dụng, lạm dụng việc thanh tra, kiểm tra để sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.
3. Chỉ đạo tiến hành các cuộc thanh tra theo đúng định hướng, kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt, nội dung thanh tra phải giới hạn trong phạm vi quản lý nhà nước được giao, không thanh tra ngoài kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trừ các cuộc thanh tra đột xuất và thanh tra lại theo quy định của pháp luật. Riêng đối với các doanh nghiệp, việc thanh tra, kiểm tra đột xuất chỉ được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng, khi cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền yêu cầu, hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
4. Tuân thủ nghiêm túc quy trình, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra và thời hạn của cuộc thanh tra; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong công tác thanh tra và kết luận thanh tra. Kết luận thanh tra phải nêu rõ sai phạm, cơ sở pháp lý, trách nhiệm cụ thể của tập thể và cá nhân, trách nhiệm của người đứng đầu, kiến nghị biện pháp xử lý; đồng thời, cần đi sâu đánh giá những sơ hở, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kịp thời kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục.
5. Kết luận thanh tra phải được đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chấp hành và thực hiện nghiêm túc; các sai phạm được xác định cụ thể, rõ ràng trong kết luận thanh tra phải được xử lý nhanh chóng, nghiêm minh; kiến nghị, yêu cầu trong kết luận thanh tra phải được xem xét, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật. Việc chậm trễ thực hiện hoặc không thực hiện kết luận thanh tra phải bị xem xét, xử lý theo quy định.
6. Thủ trưởng cơ quan ban hành kết luận thanh tra có trách nhiệm tổ chức việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện kết luận thanh tra; báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về kết quả đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra với thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp và thủ trưởng cơ quan thanh tra cấp trên theo quy định của pháp luật.
7. Tổ chức thực hiện:
a) Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện Chỉ thị này; tổ chức kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra của đơn vị mình trong năm, báo cáo kết quả thực hiện về Thanh tra tỉnh trước ngày 15/11 hàng năm để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
b) Các cấp, các ngành đưa nội dung kết quả thực hiện kế hoạch thanh tra, kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra vào tiêu chí thi đua hàng năm để đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý.
c) Giao Thanh tra tỉnh:
- Tăng cường kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm và việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra của các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; kịp thời tham mưu với Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh.
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Công văn 6295/UBND-NC năm 2015 về tăng cường công tác thanh tra và thực hiện kết luận thanh tra do thành phố Hà Nội ban hành
- 2Quyết định 2349/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Kế hoạch công tác thanh tra của Thanh tra tỉnh Hà Nam năm 2019
- 3Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2018 về tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác thanh tra và thực hiện kết luận thanh tra trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 4Quyết định 06/2021/QĐ-UBND quy định về theo dõi, kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thuộc tỉnh Kon Tum
- 1Luật thanh tra 2010
- 2Nghị định 86/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thanh tra
- 3Nghị định 33/2015/NĐ-CP Quy định việc thực hiện kết luận thanh tra
- 4Công văn 6295/UBND-NC năm 2015 về tăng cường công tác thanh tra và thực hiện kết luận thanh tra do thành phố Hà Nội ban hành
- 5Quyết định 2349/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Kế hoạch công tác thanh tra của Thanh tra tỉnh Hà Nam năm 2019
- 6Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2018 về tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác thanh tra và thực hiện kết luận thanh tra trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 7Quyết định 06/2021/QĐ-UBND quy định về theo dõi, kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thuộc tỉnh Kon Tum
Chỉ thị 21/CT-UBND năm 2020 về tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác thanh tra và thực hiện kết luận thanh tra trên địa bàn tỉnh Hải Dương
- Số hiệu: 21/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 19/10/2020
- Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
- Người ký: Nguyễn Dương Thái
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 19/10/2020
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực