Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 21-CP

Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 1967 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU ĐÔNG Y VÀ KẾT HỢP ĐÔNG Y VÀ TÂY Y

Từ khi có chỉ thị số 101-TTg ngày 15 tháng 3 năm 1961 đến nay, công tác nghiên cứu đông y và kết hợp đông y và tây y đã phát triển lên một bước. Nhưng so với yêu cầu thì hãy còn chậm và có một số khuyết điểm sau đây:

- Nhiều cán bộ chưa thấy hết vị trí và giá trị của đông y, chưa thấy cần phải dựa trên cơ sở kết hợp với đông y và tây y mới xây dựng được một nền y học dân tộc và hiện đại; còn tư tưởng không tin đông y, coi thường kinh nghiệm phòng bệnh, chữa bệnh dân gian, coi thường thuốc nam, nói chung là chưa quán triệt quan điểm kết hợp đông y và tây y của Đảng và Chính phủ;

- Nhiều bài thuốc hay, nhiều kinh nghiệm gia truyền trong nhân dân chưa được sưu tầm và nghiên cứu áp dụng. Việc đúc kết, nâng cao và phổ biến kinh nghiệm đông y làm còn kém. Công trình nghiên cứu, cán bộ nghiên cứu, cơ sở nghiên cứu đông y còn quá ít. Việc giảng dạy đông y và kết hợp đông y và tây y làm còn chưa tốt, do đó cán bộ ra trường không vận dụng được những điều đã học;

- Trong hầu hết các hoạt động y tế còn chưa thực sự kết hợp được giữa đông y và tây y. Nhiều địa phương, nhiều cơ quan y tế không có cán bộ chuyên trách công tác đông y, thậm chí có nơi không giúp đỡ và quản lý các lương y. Quan hệ giữa cơ quan y tế và hội đông y các cấp chưa chặt chẽ.

Trước tình hình và nhiệm vụ mới, để tăng cường khả năng phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, phục vụ sản xuất và chiến đấu, dựa theo đường lối phương châm đã nêu trong nghị quyết Đại hội lần thứ III, tiếp theo chỉ thị số 101-TTg ngày 15 tháng 3 năm 1961, Hội đồng Chính phủ cần xác định thêm một số quan điểm và phương hướng cơ bản trong công tác nghiên cứu, thừa kế đông y và kết hợp đông y và tây y.

Trong quá trình đấu tranh với bệnh tật, hàng nghìn năm, dân tộc ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu và đã xây dựng được một nền y học có giá trị nhằm phòng bệnh và chữa bệnh to lớn. Với những dược liệu rẻ tiền trong nước, với những phương thuốc độc đáo, đông y đã chữa được nhiều bệnh thông thường của dân ta và một số bệnh khó mà tây y chưa tìm được phương thuốc có hiệu quả. Nếu biết thừa kế, phát huy vốn quý đó của dân tộc và kết hợp với nền y học hiện đại, thì chúng ta có thể xây dựng được một nền y học Việt Nam có đầy đủ tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng và góp phần vào kho tàng y học thế giới. Vì vậy việc nghiên cứu thừa kế đông y và kết hợp đông y và tây y là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của công tác y tế.

Phải nghiên cứu và kết hợp một cách toàn diện từ lý luận đến thực hành. Phải kết hợp trong toàn bộ công tác y tế, trong công tác tư tưởng, tổ chức, đào tạo cán bộ, phòng bệnh chữa bệnh, sản xuất và pha chế thuốc, nghiên cứu khoa học. Phải làm một cách có hệ thống từ thấp đến cao, từ trung ương đến xã.

Phải dựa trên kết quả phòng bệnh chữa bệnh của đông y, tham khảo lý luận đông y, lấy khoa học hiện đại để chứng minh, chỉnh lý và nâng cao lý luận đông y. Phải đặc biệt chú trọng những kinh nghiệm dân gian, thuốc gia truyền, thuốc của các dân tộc miền núi. Phải thận trọng, không phê phán và sửa đổi hấp tấp, không phủ nhận một cách giản đơn; cái gì chưa đủ cơ sở khoa học để kết luận thì cần tiếp tục nghiên cứu thêm. Qua quá trình nghiên cứu đông y và kết hợp đông y và tây y, cần tiến tới quy định những bệnh gì chữa bằng đông y, những bệnh gì chữa bằng tây y, những bệnh gì chữa bằng đông y và tây y kết hợp; chúng ta làm theo phương hướng đó trong việc xây dựng nền y học Việt Nam.

Phải đặt toàn bộ công tác nghiên cứu đông y và kết hợp đông y và tây y dưới sự thống nhất lãnh đạo của Bộ y tế. Phải coi trọng đông y như tây y trên các mặt chuyên môn, tổ chức và chính sách. Các cơ quan y tế cần phối hợp chặt chẽ với các cấp hội đông y.

Để thực hiện các phương hướng nói trên, cần làm mấy việc sau đây:

1. Phải làm cho mọi người thấy rõ vị trí và tác dụng của đông y và thông suốt quan  điểm thừa kế đông y và kết hợp đông y và tây y.

Trước hết phải làm cho cán bộ y tế thấy rõ giá trị phòng bệnh, chữa bệnh to lớn, tính chất dân tộc, đại chúng của đông y, thấy rõ muốn xây dựng một nền y học Việt Nam có đầy đủ tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng thì phải dựa trên cơ sở kết hợp đông y và tây y. Cần sơ kết, tổng kết những thành tựu trong công tác nghiên cứu đông y và kết hợp đông y và tây y để lấy thực tế đó giáo dục cán bộ toàn ngành y tế, khắc phục tư tưởng coi thường đông y, không tin đông y trong cán bộ tây y, khắc phục tư tưởng coi thường thuốc nam, thuốc dân gian trong cán bộ đông y.

2. Phải gấp rút sưu tầm, học tập các kinh nghiệm quý báu của công ty.

Trong một thời gian ngắn, cơ quan y tế các cấp có trách nhiệm phối hợp với các cấp hội đông y, sưu tầm cho hết những bài thuốc hay, những môn thuốc gia truyền, thuốc dân tộc có giá trị của ông lang, bà mế, đồng thời phải tổ chức học tập, thừa kế cho được toàn bộ kinh nghiệm hay của các lương y, không để mất đi một bài thuốc, một kinh nghiệm nào.

Cần mở một cuộc vận động học tập đông y trong toàn ngành y tế. Vận động cán bộ đông y truyền nghề, truyền kinh nghiệm. Tất cả cán bộ y tế đều có trách nhiệm sưu tầm, khai thác các bài thuốc hay, những kinh nghiệm dân gian tốt trong việc phòng bệnh và chữa bệnh.

Cần tiếp tục mở những cuộc hội nghị tổng kết đông y, hoặc hội nghị chuyên đề từng loại bệnh mà đông y chữa có kết quả để đúc kết kinh nghiệm, nghiên cứu nâng cao và áp dụng rộng rãi những kinh nghiệm đó trong công tác phòng bệnh và chữa bệnh.

3. Phải xúc tiến công tác nghiên cứu đông y.

Phải hết sức coi trọng công tác nghiên cứu đông y, mạnh dạn tăng cường cán bộ có trình độ nghiên cứu và tăng thêm phương tiện cho công tác nghiên cứu đông y. Màng lưới tổ chức nghiên cứu đông y cần được phát triển rộng rãi hơn nữa; ngoài Viện nghiên cứu đông y tất cả các bệnh viện, các viện nghiên cứu, các trường đại học và trung học y dược, các xí nghiệp dược phẩm đều có trách nhiệm nghiên cứu đông y; trước mắt cần tăng cường cho Viện nghiên cứu đông y những cán bộ có trình độ khoa học cơ bản cao, tăng thêm thiết bị hiện đại để Viện có thể làm tốt các chức năng nghiên cứu, chỉ đạo đầu ngành và đào tạo cán bộ. Dựa vào các bệnh viện Tây - bắc và bệnh viện Việt - bắc, cần thành lập ở mỗi khu một phân viện nghiên cứu thuốc dân tộc.

Hàng năm Bộ Y tế cần đề ra chương trình nghiên cứu đông y cho các bệnh viện, viện nghiên cứu, trường đại học và trung học y dược, xí nghiệp dược phẩm và sơ kết, tổng kết công tác này.

4. Phải đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ nghiên cứu và giảng dạy đông y, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ biết cả đông y và tây y.

Tất cả cán bộ tây y đều phải học đông y, thuốc nam và châm cứu. Cần dành một vị trí xứng đáng cho lý luận cơ bản đông y trong chương trình giảng dạy ở các trường đào tạo cán bộ y tế và phải thật sự kết hợp chặt chẽ đông và tây y trong các bài giảng, trong các môn học. Cần biên soạn tài liệu một cách dễ hiểu và có cán bộ giảng dạy tốt.

Cần chú ý bổ túc về đông y và một số kiến thức cần thiết về tây y cho cán bộ đông y và các lương y hành nghề; việc này phải do các cấp y tế đảm nhiệm, kết hợp chặt chẽ với các cấp hội đông y. Đồng thời, cần cử một số cán bộ đông y và tây y đi học thêm ở nước ngoài về đông y và kết hợp đông y và tây y hoặc mời chuyên gia nước ngoài đến giúp đỡ.

Cần gấp rút đào tạo cán bộ nghiên cứu và giảng dạy đông y; những cán bộ này phải được chọn trong cán bộ tây y và đông y giỏi và được bổ túc thêm cả về đông y và tây y.

5. Phải xây dựng, kiện toàn tổ chức chỉ đạo thực hiện nghiên cứu đông y và kết hợp đông y và tây y.

Ở Bộ Y tế cần có một thứ trưởng phụ trách công tác nghiên cứu đông y và kết hợp đông y và tây y; ở các cục, vụ trực thuộc Bộ, ở các sở, ty, phòng y tế, ở các bệnh viện, viện nghiên cứu, trường đại học và trung học y, dược, xí nghiệp dược phẩm, người thủ trưởng hoặc người phó của thủ trưởng phải phụ trách công tác nghiên cứu đông y và kết hợp đông y và tây y, đồng thời cần có một bộ phận hoặc một số cán bộ chuyên trách công tác nghiên cứu đông y và kết hợp đông y và tây y.

Cần tách bộ phận chữa bệnh của Viện nghiên cứu đông y thành bệnh viện đông y trung ương. Các bệnh viện trung ương, tỉnh, huyện đều phải có tổ chức y và dược chữa bệnh bằng đông y và kết hợp đông y và tây y. Ở các tỉnh, có thể thành lập bệnh viện đông y hoặc củng cố những bệnh viện, bệnh xá đông  y dân lập và trong điều kiện thuận lợi thì chuyển thành bệnh viện của Nhà nước để mở rộng việc chữa bệnh cho cán bộ và nhân dân.

Cần đưa cán bộ tây y vào các bệnh viện đông y để nghiên cứu thừa kế đông y và mời các lương y giỏi vào công tác ở các bệnh viện, viện nghiên cứu. Có thể tổ chức những bệnh xá nhỏ tại nhà hoặc tại địa phương cho những lương y giỏi không có điều kiện vào công tác ở các bệnh viện.

Ủy ban hành chính các cấp cần chú ý tăng cường lãnh đạo và giúp đỡ hội đông y.

6. Phải có chính sách thích hợp đối với lương y.

Những lương y làm việc ở các cơ quan y tế có thể được đưa vào biên chế hoặc làm việc theo hợp đồng. Lương bổng, thù lao cần định cho thích hợp với khả năng của lương y.

Tùy theo sự cần thiết, mỗi trạm y tế, hộ sinh xã có thể có một hoặc hai lương y, tùy sự cần thiết của công việc và khả năng đài thọ của xã hoặc hợp tác xã; những lương y làm việc ở trạm y tế xã được hưởng các chế độ và quyền lợi như các cán bộ y tế xã hoặc có thể đãi ngộ cao hơn y sĩ tùy theo khả năng của lương y.

Những lương y làm việc ở các tổ chức hành nghề tập thể ở huyện được hưởng quyền lợi như những người sản xuất phi nông nghiệp; số lương y được hưởng quyền lợi này do Ủy ban hành chính huyện quyết định.

Những người có cống hiến những phương thuốc tốt, những cây thuốc quý, những tài liệu có giá trị cần được khen thưởng xứng đáng. Những cống hiến quan trọng cần được thưởng như những công trình nghiên cứu khoa học.

Cơ quan  y tế các cấp phải coi các tổ chức đông y và các lương y được phép hành nghề là cơ sở của ngành y tế, phải quản lý và giúp đỡ về mọi mặt, nhất là về mặt phân phối thuốc để chữa bệnh cho nhân dân. Cần chú ý sử dụng các lương y vào việc khai thác, trồng trọt và chế biến các cây làm thuốc.

Việc nghiên cứu, thừa kế đông y và kết hợp đông y và tây y trong công tác phòng bệnh, chữa bệnh nhằm bảo đảm tăng cường sức khỏe cho nhân dân và tiến tới xây dựng một nền y học Việt Nam có đầy đủ tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của công tác y tế. Bộ Y tế, các Bộ có liên quan và Ủy ban hành chính các cấp có trách nhiệm nghiên cứu và thi hành chỉ thị này một cách nghiêm chỉnh và vững chắc.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
 


 
Phạm Văn Đồng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 21-CP năm 1967 về tăng cường công tác nghiên cứu đông y và kết hợp đông y và tây y do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 21-CP
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 19/02/1967
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: 28/02/1967
  • Số công báo: Số 2
  • Ngày hiệu lực: 19/02/1967
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản