Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/CT-UBND

Đồng Nai, ngày 11 tháng 9 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CHẤN CHỈNH TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CÁC CẢNG, BẾN THỦY NỘI ĐỊA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Trong những năm qua, thực hiện Quyết định số 70/2007/QĐ-UBND ngày 28/12/2007 của UBND tỉnh Đồng Nai về lộ trình sắp xếp và cấp phép hoạt động bến thủy nội địa để thực hiện quy hoạch chi tiết giao thông vận tải đường sông đến năm 2020, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm quản lý, bảo đảm an toàn hoạt động vận tải thủy nội địa như đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm các chủ bến, chủ phương tiện; chống lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường thủy nội địa...

Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa đang diễn biến hết sức phức tạp, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật chưa thường xuyên, tình trạng phương tiện chở quá trọng tải cho phép, các bến thủy nội địa hoạt động không phép, hoạt động quá thời hạn theo quy định, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn hạn chế; công tác quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương, cơ sở chưa được chú trọng đúng mức, công tác xử phạt vi phạm của Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông chưa đủ sức răn đe phòng ngừa, vì vậy mất an toàn giao thông đường thủy nội địa luôn xảy ra.

Để kịp thời có các giải pháp chấn chỉnh công tác quản lý đối với hoạt động vận tải thủy nội địa, nhằm chấn chỉnh và khắc phục những yếu kém, bất cập nêu trên, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ thị:

1. Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Biên Hòa, các xã, phường liên quan tiếp tục tổ chức quán triệt trong cơ quan và Nhân dân thực hiện tốt Luật Giao thông đường thủy nội địa được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2004, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2014, Nghị định số 93/2013/NĐ-CP ngày 20/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 24/2015/NĐ-CP ngày 27/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT ngày 17/10/2014 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa và các văn bản khác có liên quan.

2. Ban An toàn giao thông tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp soạn thảo tài liệu, tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến giao thông đường thủy nội địa; tài liệu đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu. Trong đó chú trọng tuyên truyền đến Nhân dân trên địa bàn tỉnh ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa, các địa bàn, khu dân cư có hoạt động kinh doanh vận tải thủy chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách của Nhà nước.

3. Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thành phố Biên Hòa chỉ đạo UBND các xã, phường tiếp tục tuyên truyền công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa đúng theo quy định của pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý cương quyết, đình chỉ hoạt động các bến thủy không có giấy phép hoạt động; chủ động phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố Biên Hòa tổ chức tháo dỡ biển báo neo đậu tại các bến thủy hoạt động không phép; phối hợp Ban An toàn giao thông tỉnh, các ngành liên quan tổ chức cắm biển báo cấm neo đậu tại các bến thủy hoạt động trái quy định pháp luật.

Phối hợp Công an tỉnh và UBND cấp huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa; kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; kiên quyết xử lý và đình chỉ hoạt động các bến thủy không có giấy phép hoạt động; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật.

4. Công an tỉnh chỉ đạo phòng Cảnh sát đường thủy và Công an các huyện, thành phố Biên Hòa tăng cường thời gian tuần tra, kiểm soát, xử lý cương quyết và nghiêm túc đối với các bến thủy nội địa kinh doanh không có giấy phép hoạt động, hàng hóa không có nguồn gốc rõ ràng, các đối tượng bơm hút cát lậu trên sông, rạch, các hành vi vi phạm về điều khiển phương tiện không bằng, chứng chỉ chuyên môn, phương tiện không an toàn, chở quá tải trọng; xây dựng các công trình cảng, bến trái phép trên sông.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, phường, xã yêu cầu các chủ mỏ ký cam kết không chở vật liệu ra các bến thủy nội địa không phép; tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các cơ sở khai thác khoáng sản trên sông, hồ ảnh hưởng đến dòng chảy, sạt lở đất.

6. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan rà soát, loại khỏi quy hoạch vật liệu xây dựng đối với những bến hoạt động không phép, tham mưu UBND tỉnh lập đề án quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn 2030, trong đó sẽ tiến hành rà soát, loại khỏi quy hoạch vật liệu xây dựng đối với những bến thủy nội địa hoạt động không phép hoặc đã hết hạn hoạt động theo quy định.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp địa phương, các sở, ban, ngành có liên quan thực hiện giảm ngành nghề kinh doanh bến thủy nội địa hoạt động không đủ điều kiện theo quy định (chỉ cấp khi cơ quan có thẩm quyền chấp thuận về địa điểm và có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật).

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Biên Hòa chỉ đạo các phòng, ban chức năng và Ủy ban nhân dân các xã, phường tăng cường kiểm tra, chống lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường thủy nội địa, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, bảo vệ luồng lạch các tuyến theo quy định trên địa bàn phân cấp quản lý.

Kiên quyết xử lý nghiêm các bến thủy nội địa hoạt động không có giấy phép hoạt động hoặc giấy phép đã hết hạn theo quy định của pháp luật, tăng cường và đề cao trách nhiệm của UBND các xã, phường trong quản lý Nhà nước về hoạt động bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, trong đó đặc biệt quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, xử lý nghiêm các bến thủy hoạt động trái quy định pháp luật.

9. Đề nghị Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III, Cảng vụ Đường thủy nội địa Đồng Nai thường xuyên kiểm tra và tuyệt đối không cho phương tiện ra, vào, neo đậu nhận hàng tại vùng nước trước bến thủy không có giấy phép hoạt động theo đúng quy định.

Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, Giám đốc Công an tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này. Giao Sở Giao thông Vận tải - Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp các cơ quan liên quan đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện Chỉ thị này. Các sở, ban, ngành, Công an tỉnh, UBND các huyện và thành phố Biên Hòa báo cáo kết quả thực hiện về Sở Giao thông Vận tải tổng hợp trình UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Vĩnh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2015 về tăng cường biện pháp chấn chỉnh tình hình hoạt động các cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

  • Số hiệu: 20/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 11/09/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Trần Văn Vĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản