Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 20-CT/TW | Hà Nội, ngày 27 tháng 01 năm 2003 |
CHỈ THỊ
CỦA BAN BÍ THƯ
VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC XUẤT BẢN, PHÁT HÀNH SÁCH LÝ LUẬN, CHÍNH TRỊ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
1- Sách lý luận, chính trị có vai trò, vị trí quan trọng, trực tiếp truyền bá, bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; giới thiệu kiến thức, kinh nghiệm có giá trị của các nước; góp phần xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng, giáo dục, nâng cao trình độ và bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng con người mới, nếp sống mới; đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái.
Công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị ở nước ta sau mười năm thực hiện Chỉ thị số 08, ngày 31-3-1992 của Ban Bí thư (khoá VII) đã có bước phát triển mới về chất lượng và số lượng, nội dung và hình thức, cơ cấu và thể loại. Phương thức xuất bản, phát hành bước đầu được cải tiến và thích ứng dần với cơ chế thị trường. Đội ngũ làm công tác biên tập, xuất bản, phát hành sách có nhiều cố gắng, trình độ chính trị và nghiệp vụ chuyên môn được nâng cao. Một số bộ sách lớn, quan trọng về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, văn kiện Đảng được xuất bản và phát hành rộng rãi. Sách lý luận, chính trị đã góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới đất nước, ổn định chính trị - xã hội, tuyên truyền đối ngoại, xây dựng con người và văn hoá Việt Nam.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị được tăng cường và đổi mới; định hướng kịp thời, cụ thể cho các cơ quan chủ quản và các nhà xuất bản.
Tuy nhiên, công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị còn bộc lộ những khuyết điểm và yếu kém:
Chất lượng sách nhìn chung chưa cao. Tính chiến đấu, tính khoa học, tính thực tiễn, tính hấp dẫn còn hạn chế. Số sách hay, có giá trị lớn về lý luận, chính trị còn ít. Một số ấn phẩm có sai sót về chính trị. Số lượng sách tính bình quân theo đầu người còn thấp. Cơ cấu sách chưa hợp lý, còn ít sách chuyên đề, sách hướng dẫn thực hành, sách tra cứu, đi sâu tổng kết thực tiễn, giới thiệu các điển hình tiên tiến; hình thức, nội dung sách chưa phong phú, chưa phù hợp với các đối tượng và vùng khác nhau. Sách đấu tranh chống tiêu cực, bác bỏ các quan điểm sai trái chưa sắc bén và kịp thời.
Công tác phát hành sách lý luận, chính trị trong cơ chế thị trường còn nhiều khó khăn, lúng túng. Mạng lưới phát hành phát triển chậm, có nơi suy giảm; chưa có sự phối hợp chặt chẽ với hệ thống thư viện, tủ sách để giải quyết tốt đầu ra cho các nhà xuất bản. Giá sách còn cao so với thu nhập của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sách cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và người Việt Nam ở nước ngoài còn ít.
Sở dĩ có tình trạng nói trên chủ yếu là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng và công tác quản lý, quy hoạch của Nhà nước về sách lý luận, chính trị nhiều mặt còn yếu, định hướng chưa rõ. Một số chế độ, chính sách về đầu tư, thuế, nhuận bút, bản quyền tác giả, phí phát hành chậm được đổi mới. Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm chưa kịp thời.
Đội ngũ viết sách lý luận, chính trị còn mỏng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xuất bản, phát hành còn nhiều hạn chế, thiếu những cán bộ biên tập có trình độ chuyên môn cao.
2- Những nhiệm vụ to lớn của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về tư tưởng, lý luận trong tình hình mới, đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị. Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ đảng và các cơ quan xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị thực hiện tốt một số việc sau đây:
Một là, thực hiện chủ trương xây dựng nền xuất bản Việt Nam độc lập, tự chủ theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sách lý luận, chính trị thực sự là một công cụ sắc bén trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội, rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ngành xuất bản cần vạch kế hoạch dài hạn đến năm 2010; xây dựng chương trình đầu tư của Nhà nước về xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị theo kế hoạch 5 năm và hằng năm cho từng loại sách, từng loại đối tượng và từng vùng; có biện pháp cụ thể để thực hiện.
Hai là, nâng cao chất lượng chính trị, khoa học, tính thực tiễn, tính chiến đấu, tính thuyết phục và hẫp dẫn của sách lý luận, chính trị; đáp ứng nhu cầu tăng nhanh hàng năm cả về số đầu sách, số bản in; phấn đấu bảo đảm đủ sách lý luận, chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và công chức nhà nước với giá bán hợp lý, phù hợp với sức mua của đông đảo bạn đọc; cơ cấu sách phong phú, đa dạng đáp ứng được yêu cầu nhiều mặt của công tác chính trị, tư tưởng và những vấn đề cơ bản, bức xúc do thực tiễn đặt ra. Chú trọng mảng sách chính trị phổ thông viết sinh động, dễ hiểu, sách cho xã, phường, thị trấn, vùng dân tộc, miền núi, hải đảo, sách cho người Việt Nam ở nước ngoài và phục vụ thông tin đối ngoại; sách đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, chống âm mưu "diễn biến hoà bình"; lựa chọn giới thiệu những tác phẩm tiến bộ của thế giới. Từng bước đổi mới công nghệ xuất bản, sử dụng công nghệ xuất bản hiện đại, bảo đảm hình thức sách đẹp, hấp dẫn, sử dụng và lưu trữ được lâu dài.
Ba là, xây dựng và hoàn thiện quy hoạch tổ chức các nhà xuất bản sách lý luận, chính trị, trong đó Nhà xuất bản Chính trị quốc gia giữ vai trò nòng cốt; có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các nhà xuất bản và các cơ sở phát hành sách. Đẩy mạnh quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị. Coi trọng việc xây dựng mạng lưới tác giả và cộng tác viên, tạo điều kiện thuận lợi và có chế độ bồi dưỡng hợp lý đối với những người viết sách lý luận, chính trị có trình độ cao.
Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước về công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị. Cải tiến các cơ chế, chính sách về xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị, tạo hành lang pháp lý đưa hoạt động này đi vào nền nếp.
Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống phát hành sách lý luận, chính trị từ Trung ương đến cơ sở và phát hành ra nước ngoài cho phù hợp với đặc thù của loại sách này. Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu sách lý luận, chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet và thông qua đội ngũ cán bộ tuyên truyền các cấp. Mở rộng giao lưu ấn phẩm, tài liệu và trao đổi kinh nghiệm với các nhà xuất bản trên thế giới.
Ban cán sự đảng Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì cùng các cơ quan chức năng của Nhà nước quy định mức kinh phí mua sách lý luận, chính trị của hệ thống thư viện, tủ sách, mức tài trợ sách đối với một số vùng và đối tượng; có các chế độ, chính sách về đầu tư, thuế, nhuận bút, chiết khấu phát hành, hạ giá thành sách lý luận, chính trị; mở rộng tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn thành tủ sách lý luận, chính trị xã, phường, thị trấn; thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm pháp luật về xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị.
Các nhà xuất bản, đặc biệt là Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia căn cứ chỉ thị này và chương trình tuyên truyền, giáo dục lý luận, chính trị của Đảng xây dựng kế hoạch xuất bản và triển khai thực hiện chặt chẽ.
Các cấp uỷ đảng, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ và các cơ quan làm công tác lý luận, chính trị có trách nhiệm quán triệt và tổ chức thực hiện tốt chỉ thị này; cải tiến lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và tuyên truyền sách lý luận, chính trị.
Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương chủ trì cùng Bộ Văn hoá - Thông tin và các ban, bộ, ngành có liên quan hướng dẫn thi hành Chỉ thị này và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Ban Bí thư.
| T/M BAN BÍ THƯ |
- 1Công văn số 331TCTK/VP của Tổng cục Thống kê về việc công tác xuất bản trong ngành Thống kê
- 2Chỉ thị 08/CT-TW năm 1982 về việc tăng cường lãnh đạo và quản lý công tác xuất bản do Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành
- 3Quyết định 283-QĐ/TW năm 2010 về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông với các cơ quan đảng, cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản do Ban Bí thư Trung ương Đảng Ban hành
- 4Quyết định 566/QĐ-BTP phê duyệt Danh mục sách lý luận, chính trị năm 2021 của Bộ Tư pháp
- 1Công văn số 331TCTK/VP của Tổng cục Thống kê về việc công tác xuất bản trong ngành Thống kê
- 2Chỉ thị 08/CT-TW năm 1982 về việc tăng cường lãnh đạo và quản lý công tác xuất bản do Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành
- 3Chỉ thị 08-CT/TW năm 1992 về tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản do Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành
- 4Quyết định 283-QĐ/TW năm 2010 về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông với các cơ quan đảng, cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản do Ban Bí thư Trung ương Đảng Ban hành
- 5Quyết định 566/QĐ-BTP phê duyệt Danh mục sách lý luận, chính trị năm 2021 của Bộ Tư pháp
Chỉ thị 20-CT/TW năm 2003 về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- Số hiệu: 20-CT/TW
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 27/01/2003
- Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
- Người ký: Phan Diễn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra