Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 20/1999/CT-UB-KT

TP. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 7 năm 1999

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY CHẾ THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 07/1999/NĐ-CP NGÀY 13 THÁNG 2 NĂM 1999 CỦA CHÍNH PHỦ

Thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp Nhà nước nhằm động viên khuyến khích mọi người lao động tích cực tham gia quản lý doanh nghiệp, phát huy sáng tạo của tập thể và cá nhân trong việc đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước, cải thiện đời sống người lao động.

Bên cạnh đó, thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp Nhà nước còn nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, thực hiện phân công, phân cấp cụ thể trong doanh nghiệp, khuyến khích và tạo điều kiện cho Giám đốc doanh nghiệp chủ động sáng tạo phù hợp với yêu cầu của cơ chế thị trường, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở doanh nghiệp Nhà nước, đảm bảo doanh nghiệp phát triển và xây dựng Đảng vững mạnh.

Để thực hiện các mục đích của việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp Nhà nước theo đúng tinh thần Nghị định số 07/1999/NĐ-CP ngày 13/2/1999 của Chính phủ và ý kiến của Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc trong công văn số 1971/VPCP-CN ngày 11/5/1999 của Văn phòng Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị như sau :

1. Giám đốc Sở Ban Ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và Chủ tịch Hội đồng quản trị các Tổng Công ty 90 phải căn cứ các quy định tại Nghị định 07 để chỉ đạo các doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc tiến hành ngay việc triển khai xây dựng các quy chế, nội quy phù hợp với tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhằm thực hiện dân chủ, phát huy nội lực để phát triển doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện chủ trương tiết kiệm chống lãng phí, chống tham nhũng, phát huy vai trò của kinh tế Nhà nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

2. Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước độc lập và Giám đốc doanh nghiệp thành viên Tổng Công ty 90 của thành phố phải căn cứ quy chế thực hiện dân chủ kèm theo Nghị định số 07/1999/NĐ-CP ngày 13/2/1999 của Chính phủ để xây dựng ngay các nội quy, quy chế của doanh nghiệp cụ thể đến từng phòng ban, phân xưởng, tổ đội sản xuất.

3. Trong việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp Nhà nước, phải tập trung vào các mặt về tổ chức Đại hội công nhân viên chức, xác định rõ các loại việc doanh nghiệp phải công khai, các loại việc người lao động tham gia ý kiến, loại việc người lao động quyết định và thực hiện quyền giám sát, kiểm tra của người lao động.

4. Lãnh đạo các ngành, các cấp và Hội đồng quản trị Tổng Công ty 90 khi nhận được Chỉ thị này phải khẩn trương triển khai thực hiện đến từng doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc và gởi báo cáo định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm cho Ban Tổ chức Chính quyền thành phố về kết quả thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp Nhà nước.

5. Giao trách nhiệm cho Ban Tổ chức Chính quyền thành phố hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp, các doanh nghiệp Nhà nước thành phố triển khai thực hiện tốt quy chế về thực hiện dân chủ theo tinh thần Nghị định số 07 của Chính phủ và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân thành phố.

Trong quá trình thực hiện Chỉ thị này, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp Nhà nước thành phố có những vấn đề gì vướng mắc, cần phản ảnh bằng văn bản về Ban Tổ chức Chính quyền thành phố để kịp thời tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét giải quyết./.

 

 

Nơi nhận :
- Văn phòng Chính phủ
- Ban ĐMQLDN/TW
- TT/TU - TT/HĐND
- TT/UBND.TP
- VPTU và các Ban Đảng
- UBMTTQTP và các Đoàn thể TP
- Các Sở ngành TP
- UBND quận, huyện
- Các Tổng Công ty 90/TP
- Ban TCCQ/TP
- Ban ĐMQLDN/TP
- VPUB : CPVP, các tổ NCTH
- Lưu

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Côn