Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/CT-UBND

Bình Dương, ngày 10 tháng 12 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THĂM DÒ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG VÀ BẢO VỆ TÀI NGUYÊN NƯỚC DƯỚI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường. Nhận thức được vai trò của tài nguyên nước, trong thời gian qua công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, đã kịp thời cụ thể hóa các văn bản của Trung ương cho phù hợp tình hình thực tế của địa phương; công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường; nhận thức của người dân và doanh nghiệp ngày càng được nâng lên; do đó hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất từng bước đã đi vào nề nếp.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: năng lực quản lý nhà nước về tài nguyên nước còn hạn chế, nhất là cấp huyện và cấp xã; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước chưa đạt được kết quả cao; tỷ lệ phủ đường ống cấp nước tập trung chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng, nhất là đối với vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất; hệ thống thoát nước chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội; nhiều tổ chức, cá nhân nhận thức còn chưa đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của tài nguyên nước.

Để khắc phục tình hình trên và nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, góp phần khai thác, sử dụng nước dưới đất một cách bền vững để phục vụ tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:

1. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành để nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất; phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, các tổ chức, đoàn thể trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các cơ quan chức năng trong quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất có hiệu quả.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Hoàn chỉnh Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016- 2025, tầm nhìn đến năm 2035 thông qua Ủy ban nhân dân tỉnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt năm 2016;

- Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các thủ tục hành chính do địa phương ban hành để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật Tài nguyên nước và tình hình thực tế của địa phương;

- Chủ trì thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật về công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước cho cán bộ làm công tác quản lý tài nguyên và môi trường ở cấp huyện, cấp xã và các tổ chức, cá nhân đang hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh;

- Phối hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người dân trong việc trám lấp giếng hư hỏng, giếng không sử dụng theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm phòng tránh ô nhiễm nguồn nước dưới đất. Đối với các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng không xác định được chủ hoặc chủ giếng thuộc hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn thì tổng hợp, xây dựng kinh phí và sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường để thực hiện trám lấp giếng theo quy định;

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh, nhất là các hoạt động nằm trong vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước theo quy định tại Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tài nguyên nước và Khoáng sản;

- Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới quan trắc động thái nước dưới đất để có cơ sở khoa học nhằm kịp thời ban hành chính sách trong bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước dưới đất.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Hạn chế tối đa việc cấp phép đầu tư hoặc đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp tại những khu vực chưa có hệ thống thoát nước, để tránh tình trạng nước thải gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất;

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư cần ưu tiên cho dự án xây dựng hệ thống thoát nước chung tại các khu đô thị, khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp đầu tư hiện hữu.

4. Sở Y tế:

Chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan thường xuyên lấy mẫu giám sát chất lượng nguồn nước dưới đất tại các khu vực tập trung dân cư, hoạt động công nghiệp và dịch vụ, công bố kết quả kiểm tra giám sát trên các phương tiện truyền thông. Định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.

5. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn:

- Xây dựng kế hoạch khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn nước để phục vụ phát triển ngành, thực hiện tốt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn và các nguồn sinh thủy khác đã được phê duyệt nhằm bảo vệ và phát triển các nguồn nước, đặc biệt là nước dưới đất;

- Sử dụng hiệu quả các trạm cấp nước sạch nông thôn; nâng cấp, mở rộng trạm cấp nước nhằm nâng cao dần chất lượng nguồn nước phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt của nhân dân khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh;

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên nạo vét, khơi thông các sông, suối, kênh, rạch và những trục tiêu thoát nước nhằm tránh tình trạng nước thải ứ đọng ngấm xuống gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất.

6. Sở Xây dựng:

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch cấp, thoát nước các khu đô thị, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Khi thẩm định, trình phê duyệt xây dựng các công trình đường giao thông cần tính toán đến vấn đề thoát nước thải trong lưu vực thu nước;

- Khẩn trương hoàn chỉnh Quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

7. Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương, Ban quản lý khu công nghiệp Việt Nam - Singapore:

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác, sử dụng nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước của các cơ sở trong khu công nghiệp;

- Phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp vi phạm các quy định về quản lý tài nguyên nước theo quy định của pháp luật;

- Định kỳ trước ngày 15/12 hàng năm thống kê, tổng hợp tình hình khai thác, sử dụng nước dưới đất của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

8. Chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp:

- Có trách nhiệm yêu cầu các cơ sở hoạt động trong khu, cụm công nghiệp phải thực hiện đúng quy định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành;

- Phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị có chức năng thực hiện nâng cấp, mở rộng mạng lưới cấp nước tập trung trong khu, cụm công nghiệp.

9. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

- Tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác chuyên môn về tài nguyên nước tham gia các lớp tập huấn, lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn chuyên sâu về lĩnh vực tài nguyên nước; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tuyên truyền cho nhân dân trong việc sử dụng tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên nước, những nơi đã có hệ thống nước cấp tập trung thì khuyến cáo người dân sử dụng nguồn nước cấp tập trung, hạn chế việc khoan, khai thác, sử dụng nước dưới đất;

- Hướng dẫn, thẩm định, giám sát việc thực hiện trám lấp giếng khai thác nước dưới đất đối với doanh nghiệp thuộc vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, các giếng nằm trong vùng đất giải tỏa đền bù phục vụ thi công công trình khác theo quy định, các giếng khoan khảo sát địa chất công trình, các giếng khoan thăm dò khoáng sản;

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn. Xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về tài nguyên nước theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền phải báo cáo kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền quản lý tài nguyên nước ở cấp huyện và trường hợp doanh nghiệp đóng trên địa bàn có hành vi khoan thăm dò, khai thác nước dưới đất trái phép.

10. Ủy ban nhân dân cấp xã:

- Tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác chuyên môn về tài nguyên nước tham gia các lớp tập huấn, lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn chuyên sâu về lĩnh vực tài nguyên nước; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tuyên truyền cho nhân dân trong việc sử dụng tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên nước, những nơi đã có hệ thống nước cấp tập trung thì khuyến cáo người dân sử dụng nguồn nước cấp tập trung, hạn chế việc khoan, khai thác, sử dụng nước dưới đất, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng đúng quy trình kỹ thuật;

- Đối với các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng không xác định được chủ hoặc chủ giếng thuộc hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn thì trước 30/6 hàng năm tổng hợp báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường để Sở thực hiện trám lấp giếng theo quy định;

- Tăng cường điều tra, giám sát các tổ chức, cá nhân hoạt động hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn, xử lý nghiêm những trường hợp hành nghề khoan nước dưới đất không có giấy phép, không chấp hành thực hiện việc trám lấp giếng hư hỏng, giếng không sử dụng đúng quy trình kỹ thuật; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo kịp thời về Ủy ban nhân dân cấp huyện để xử lý theo quy định;

- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp trên đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền quản lý tài nguyên nước ở cấp xã và trường hợp doanh nghiệp đóng trên địa bàn có hành vi khoan thăm dò, khai thác nước dưới đất trái phép.

11. Báo Bình Dương, Đài phát thanh và Truyền hình Bình Dương, Đài phát thanh các huyện, thị xã, thành phố, hệ thống truyền thanh cơ sở:

- Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến những quy định pháp luật về tài nguyên nước và nội dung chỉ thị này để các tổ chức, cá nhân biết và thực hiện đúng theo quy định. Nêu gương những tổ chức, cá nhân chấp hành, thực hiện tốt; đồng thời phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước;

12. Công ty TNHH Một thành viên cấp thoát nước Môi trường Bình Dương:

- Đẩy nhanh tiến độ mở rộng mạng lưới cấp nước tập trung tại các vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất, đặc biệt phải phủ kín mạng lưới cấp nước trước tháng 12/2017 tại khu vực thị xã Dĩ An, Thuận An và trước tháng 12/2018 tại vùng ô nhiễm nước dưới đất thuộc khu vực xã An Tây, thị xã Bến Cát; chịu trách nhiệm đảm bảo việc cung cấp đủ lưu lượng và chất lượng nước cho các tổ chức, cá nhân tại những khu vực đã có mạng lưới cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh;

- Trước ngày 15/12 hằng năm, tổng hợp báo cáo gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường số liệu các đơn vị sử dụng nước cấp, bản đồ hiện trạng cấp nước và kế hoạch mở rộng mạng lưới cấp nước trong năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh.

13. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất:

- Thực hiện việc khoan điều tra, khảo sát, thăm dò và khoan khai thác nước dưới đất phải có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất theo quy định;

- Chỉ được hợp đồng với đơn vị thi công có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất và chỉ được khoan thăm dò, khai thác nước dưới đất khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định (trừ những trường hợp không phải xin cấp giấy phép theo quy định); chấp hành đúng quy định vùng cấm, vùng hạn chế, vùng đăng ký khai thác nước dưới đất do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành;

- Phải thực hiện đầy đủ nội dung yêu cầu theo giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất đã được cấp và các nghĩa vụ được quy định tại Khoản 2 Điều 43 của Luật Tài nguyên nước.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước thực hiện nghiêm Chỉ thị này, trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, kịp thời báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết.

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức triển khai, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện, tổng hợp tình hình hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ TN&MT;
- TT.TU, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- TT. HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Thành viên UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Website tỉnh;
- LĐVP, CV, TH, HCTC;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Nam

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2015 về tăng cường quản lý hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương

  • Số hiệu: 19/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 10/12/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Trần Văn Nam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/12/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản