Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/CT-UBND | Hưng Yên, ngày 11 tháng 4 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống nên việc quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước vừa là yêu cầu và là nhiệm vụ trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
Những năm qua, công tác quản lý, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định; tỉnh đã quy hoạch tài nguyên nước mặt đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025; quy hoạch sử dụng nước dưới đất đến năm 2020; thực hiện điều tra đánh giá khoanh vùng cấm, vùng hạn chế khai thác sử dụng nước dưới đất; điều tra trám lấp giếng khoan không sử dụng, thực hiện quan trắc tài nguyên nước; yêu cầu các cơ sở sản xuất phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cột A trước khi thải ra môi trường; cấp Giấy phép khai thác nước ngầm, Giấy phép xả nước thải theo quy định… qua đó đã góp phần quan trọng vào việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước chưa thường xuyên, nhận thức và ý thức của một số tổ chức, cá nhân chưa đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của tài nguyên nước; chưa huy động được sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động bảo vệ tài nguyên nước. Tình trạng xả nước thải không qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn vào nguồn nước; việc quản lý, cấp giấy phép khai thác nước ngầm vẫn còn hạn chế; nguồn nước ngầm tụt giảm và ô nhiễm ngày càng cao do một số đơn vị, hộ gia đình tự ý khoan giếng, khai thác, sử dụng, xả thải vào nguồn nước không phép, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khỏe của con người.
Thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012 và nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước để phát triển bền vững, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố rà soát các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng, hành nghề khoan nước, quan trắc, phân tích chất lượng nước, xả thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước phải đăng ký; lập hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động theo quy định.
Hạn chế việc cấp phép khai thác nước đối với các khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục, có nguy cơ bị hạ thấp mực nước, gia tăng ô nhiễm; khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu cụm công nghiệp, làng nghề đã có hệ thống cấp nước tập trung và dịch vụ cấp nước đảm bảo đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng nguồn nước (trừ trường hợp đặc biệt phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh và yêu cầu về công nghệ…).
Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động gây ô nhiễm, xả nước thải vào nguồn nước. Không xem xét cấp phép xả nước thải cho những tổ chức, cá nhân trong khu cụm công nghiệp, làng nghề đã có hệ thống xử lý tập trung và có đường ống đấu nối đến công trình (trừ trường hợp đặc biệt theo yêu cầu của UBND tỉnh).
- Khẩn trương hoàn thành việc khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế, vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất; điều tra, thống kê và phân loại các giếng khoan không còn sử dụng, các lỗ khoan thăm dò cũ, các giếng khoan trong vùng cấm khai thác để có biện pháp xử lý, trám lấp; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước; đầu tư xây dựng hệ thống thiết bị, kết nối thông tin, tiếp nhận dữ liệu giám sát tự động từ hệ thống xử lý nước thải có lưu lượng lớn của các doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch quan trắc, giám sát định kỳ về số lượng, chất lượng nguồn nước; công bố danh mục hồ ao, đầm không được san lấp, danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng kế hoạch, đề xuất biện pháp ngăn chặn, hạn chế lan rộng các vùng ô nhiễm sông nội tỉnh; phối hợp với cơ quan chuyên ngành Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Thành phố Hà Nội ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước mặt trên sông Bắc Hưng Hải.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhất là đối với những cơ sở xả nước thải với lưu lượng lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, ngoài khu công nghiệp. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật về tài nguyên nước theo quy định, việc khắc phục hậu quả ô nhiễm, suy thoái nguồn nước và bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ quản lý tài nguyên và môi trường các cấp trong tỉnh; phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tài nguyên nước để các tổ chức, cá nhân trong tỉnh biết, chấp hành.
2. Trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan
2.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tăng cường mời gọi đầu tư thực hiện các dự án xây dựng nhà máy sản xuất nước sạch, ưu tiên cho các dự án cấp nước từ nguồn nước mặt; đồng thời đôn đốc và đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án cấp nước đang triển khai trên địa bàn tỉnh.
2.2. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp hàng năm đối với nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý tài nguyên nước; chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan tham mưu ban hành mức thu, điều chỉnh mức thu tiền cấp quyền sử dụng tài nguyên nước.
2.3. Cục Thuế tỉnh: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thu nộp thuế tài nguyên nước, tiền cấp quyền sử dụng tài nguyên nước theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
2.4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện tốt quy hoạch thủy lợi, quy hoạch cấp nước sinh hoạt nông thôn, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
- Chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác các công trình cấp nước sạch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn lập hồ sơ cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước theo đúng quy định của Luật Tài nguyên nước.
2.5. Sở Xây dựng:
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cấp, các ngành xác định địa điểm đảm bảo nguồn nước thực hiện các dự án cấp nước sinh hoạt, nước sạch và tiêu thoát nước cho khu đô thị; hướng dẫn thực hiện các quy định, quy chuẩn môi trường hiện hành trong việc lựa chọn địa điểm, thiết kế xây dựng và vận hành bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo không ảnh hưởng đến các tầng chứa nước, các nguồn nước mặt.
- Khi thẩm định hồ sơ quy hoạch chi tiết, cấp phép xây dựng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác nước, xả nước thải thì phải xác định rõ hạng mục công trình xử lý cấp nước sinh hoạt, xử lý nước thải.
2.6. Sở Y tế:
- Chỉ đạo các cơ sở y tế đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; có hệ thống tiêu thoát nước, thu gom nước thải tách riêng nước mưa; lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép về tài nguyên nước theo quy định.
- Thường xuyên kiểm tra chất lượng nguồn nước khai thác cho mục đích sinh hoạt đối với các đơn vị kinh doanh nước sạch, nước đóng chai trên địa bàn tỉnh và xử lý nghiêm những vi phạm; không cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho các đơn vị kinh doanh, sản xuất nước đóng chai khi chưa có Giấy phép khai thác nước dưới đất.
2.7. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh: Chủ động, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành liên quan để quản lý, giám sát chặt chẽ việc vận hành hệ thống xử lý nước thải các khu công nghiệp đảm bảo nước thải sản xuất phải được xử lý đạt quy chuẩn QCVN: 40/2011/BTNMT cột A trước khi xả ra môi trường; hệ thống xử lý nước thải trong các khu công nghiệp phải lắp đặt thiết bị giám sát tự động, được kết nối và truyền số liệu, hình ảnh trực tiếp về Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường; đôn đốc hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới cấp nước sạch, thu gom, xử lý nước thải tập trung trong các khu công nghiệp.
2.8. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên, Báo Hưng Yên đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước, đưa tin phản ảnh kịp thời biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chính sách pháp luật, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước.
2.9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật tài nguyên nước; vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tự giác thực hiện và tăng cường giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất trái với quy định của pháp luật.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tài nguyên nước; tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn; theo dõi, phát hiện và tham gia giải quyết sự cố ô nhiễm nguồn nước liên huyện.
- Tăng cường quản lý chặt chẽ việc thu gom, xử lý nước thải, chú trọng nước thải của các khu đô thị, khu dân cư tập trung, các cơ sở sản xuất kinh doanh; tổ chức tiếp nhận, đăng ký khai thác nước cho các tổ chức đối với trường hợp không phải xin phép; kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động khoan nước, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải.
- Điều tra, thống kê các giếng khoan không sử dụng của các hộ dân trên địa bàn và yêu cầu chủ thể phải trám lấp đúng quy trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường; hướng dẫn, chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức việc đăng ký khai thác nước cho hộ gia đình, cá nhân và thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại địa phương.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện. Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc triển khai thực hiện, định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Chỉ thị này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1Chỉ thị 13/2015/CT-UBND tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
- 2Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2015 về tăng cường quản lý hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 3Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác quản lý khai thác tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Long An
- 4Quyết định 47/2017/QĐ-UBND về quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản do tỉnh Nghệ An ban hành
- 5Quyết định 11/2017/QĐ-UBND về Quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 6Quyết định 26/2017/QĐ-UBND về quy định phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 7Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
- 8Quyết định 16/2023/QĐ-UBND sửa đổi Quy định nội dung quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn kèm theo Quyết định 38/2019/QĐ-UBND
- 1Luật tài nguyên nước 2012
- 2Chỉ thị 13/2015/CT-UBND tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
- 3Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2015 về tăng cường quản lý hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 4Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác quản lý khai thác tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Long An
- 5Quyết định 47/2017/QĐ-UBND về quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản do tỉnh Nghệ An ban hành
- 6Quyết định 11/2017/QĐ-UBND về Quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 7Quyết định 26/2017/QĐ-UBND về quy định phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 8Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
- 9Quyết định 16/2023/QĐ-UBND sửa đổi Quy định nội dung quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn kèm theo Quyết định 38/2019/QĐ-UBND
Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2017 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn do Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên ban hành
- Số hiệu: 04/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 11/04/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên
- Người ký: Nguyễn Văn Phóng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 11/04/2017
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra