Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/CT-UBND | Thanh Hoá, ngày 22 tháng 8 năm 2011 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA.
Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh đã được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và có những chuyển biến tích cực; nhận thức về tầm quan trọng của công tác BVMT của các cấp, các ngành, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cộng đồng dân cư từng bước được nâng lên; nhiều công trình về BVMT đã được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, công tác BVMT ở tỉnh ta hiện chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới; một số cơ sở, doanh nghiệp và một bộ phận nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT chưa nghiêm; điểm nóng về môi trường xuất hiện ngày càng nhiều; chất lượng môi trường bị xuống cấp đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và sức khỏe của nhân dân.
Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, tạo một bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác BVMT, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
1. Rà soát, ban hành các văn bản pháp luật về BVMT.
a) Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh rà soát các văn bản pháp luật về BVMT của tỉnh đã ban hành, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh hoàn chỉnh các quy định về BVMT theo thẩm quyền; nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản pháp luật phù hợp với các quy định hiện hành và thực tiễn của tỉnh.
b) Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, các Quy định về BVMT nông thôn, đô thị, khu công nghiệp, làng nghề; cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực thu gom, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải rắn nguy hại trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, đôn đốc các ngành, địa phương thực hiện các quy định về BVMT.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về BVMT.
a) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hoá, Báo Văn hoá và Đời sống, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT, nâng cao nhận thức trong nhân dân, ý thức trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong việc thực hiện Luật BVMT; đồng thời phê phán lên án các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính về môi trường hoặc vi phạm pháp luật về môi trường; đưa tin, bài phản ánh trung thực về thực trạng công tác BVMT; nêu gương người tốt, việc tốt trong phong trào toàn dân tham gia BVMT.
b) Đề nghị Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Ủy ban MTTQ tỉnh, đoàn thể cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của tỉnh, các cấp chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia công tác BVMT trên địa bàn; thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường về công tác BVMT đã được ký kết.
3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT.
a) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về BVMT của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu và quản lý chất thải nguy hại;
- Nâng cao chất lượng công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường; hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố làm tốt công tác thẩm định và xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường cho các dự án đầu tư; giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt và xác nhận.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư: Yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc Luật BVMT trong quá trình thẩm định hồ sơ dự án; bảo đảm tỷ lệ vốn hợp lý để thực hiện các yêu cầu về BVMT; cấp phép đầu tư cho các dự án mới phải phù hợp với Quy hoạch BVMT tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 674/QĐ-UBND ngày 25/02/2010.
c) Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; nâng cao chất lượng công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận bản cam kết BVMT cho các dự án đầu tư được ủy quyền; chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Quy chế phối hợp giữa Ban với Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện trong việc quản lý và BVMT Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định; phối hợp với các ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và xử lý các vi phạm pháp luật về BVMT thuộc thẩm quyền.
d) Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện Luật BVMT và các quy định khác có liên quan đến hoạt động xây dựng; chỉ đạo các tổ chức được uỷ quyền về cấp phép xây dựng, chứng chỉ quy hoạch, phê duyệt tổng mặt bằng không cấp phép xây dựng đối với những dự án chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường.
đ) Sở Y tế: Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý chất thải y tế, công tác BVMT trong các cơ sở y tế và các tổ chức, cá nhân hành nghề y dược tư nhân; vệ sinh an toàn thực phẩm và hoạt động mai táng.
e) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, hướng dẫn chủ các trang trại chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thực hiện tốt công tác BVMT; quản lý tốt việc sản xuất, nhập khẩu hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón nông nghiệp, các chất kích thích sinh trưởng cây trồng, khai thác, chế biến thuỷ, hải sản.
f) Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính hướng dẫn các đơn vị sản xuất, kinh doanh triển khai Quyết định 130/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đối với các dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch.
g) Sở Khoa học và Công nghệ: Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, công nghệ tái chế, xử lý chất thải bệnh viện, chất thải nguy hại, chất thải các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề.
h) Công an tỉnh: Tăng cường công tác nghiệp vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về BVMT, giải quyết, khắc phục các sự cố môi trường (cháy, nổ); thực hiện việc giám định, kiểm định các vi phạm pháp luật về BVMT theo quy định của pháp luật.
i) Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT trên địa bàn theo luật định; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT theo thẩm quyền; giải quyết các đơn thư tố cáo, khiếu nại có liên quan đến môi trường tại địa phương; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật khi để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn. Sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, trong đó tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ phân tích môi trường.
- Khẩn trương lập dự án đầu tư các khu xử lý chất thải rắn của thị trấn, huyện lỵ và khu vực lân cận theo quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2020 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 485/QĐ-UBND ngày 18/02/2009.
- Giao nhiệm vụ cho các phòng chuyên môn hướng dẫn các chủ đầu tư, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lập bản cam kết BVMT, đề án BVMT theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng thời, yêu cầu các cơ sở có phương án xử lý chất thải, phòng chống ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường trước khi đi vào hoạt động.
- Giao Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát và xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn theo thẩm quyền; xây dựng quy hoạch, kế hoạch, bố trí mặt bằng, xây dựng khu xử lý chất thải rắn, hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt; tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch cụ thể về BVMT tại địa phương.
k) Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ:
- Người đứng đầu trong các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các chủ dự án có nhiệm vụ giáo dục nâng cao nhận thức về BVMT cho người lao động; thực hiện nghiêm việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết BVMT; xây dựng, lắp đặt đầy đủ, đồng bộ hệ thống công trình xử lý chất thải; vận hành nghiêm túc quy trình xử lý chất thải đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường xung quanh.
- Chấp hành đúng các quy định của Luật BVMT và bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật.
- Các tổ chức, cá nhân trong quá trình hoạt động có phát sinh chất thải nguy hại phải lập hồ sơ đăng ký với Sở Tài nguyên và Môi trường; tổ chức, cá nhân được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép và mã số hoạt động mới được tham gia thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại.
Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các nội dung, công việc nêu trong Chỉ thị này; định kỳ 06 tháng và hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị; định kỳ tổng hợp tình hình báo cáo và đề xuất kịp thời những khó khăn, vướng mắc trình Chủ tịch UBND tỉnh./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 01/2015/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
- 2Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2015 tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tỉnh Đắk Lắk
- 3Quyết định 1488/QĐ-UBND năm 2015 ủy quyền thực hiện nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 1Luật Bảo vệ môi trường 2005
- 2Quyết định 130/2007/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 674/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020
- 4Quyết định 485/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020
- 5Quyết định 01/2015/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
- 6Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2015 tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tỉnh Đắk Lắk
- 7Quyết định 1488/QĐ-UBND năm 2015 ủy quyền thực hiện nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2011 về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- Số hiệu: 19/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 22/08/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
- Người ký: Nguyễn Đức Quyền
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra