Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2009/CT-UBND

Đồng Xoài, ngày 10 tháng 12 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRÍCH NỘP KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀ VĂN PHÒNG ĐIỀU HÀNH CỦA PHÍA NƯỚC NGOÀI TRONG HỢP ĐỒNG HỢP TÁC KINH DOANH.

Thực hiện Quyết đđịnh số 133/2008/QĐ-TTg ngày 01/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc trích nộp kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh và Thông tư số 17/2009/TT-BTC ngày 22/01/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích nộp kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh. Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp thực hiện tốt việc trích nộp kinh phí công đoàn theo quy định của pháp luật; tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện trích nộp kinh phí công đoàn ở nhiều doanh nghiệp và văn phòng điều hành vẫn còn đạt tỷ lệ thấp, chưa chủ động trích nộp theo quy định nên ảnh hướng đến nguồn kinh phí hoạt động của tổ chức công đoàn.

Để đẩy mạnh việc trích nộp kinh phí công đoàn, tạo điều kiện thuận lợi cho công đoàn doanh nghiệp hoạt động tốt, nhằm chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động theo quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:

1. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam, đóng trên địa bàn tỉnh Bình Phước có tổ chức công đoàn hoạt động theo Luật Công đoàn (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp và văn phòng điều hành) phải có trách nhiệm trích nộp kinh phí công đoàn bằng 1% qũy tiền lương, tiền công phải trả cho người lao động Việt Nam làm việc tại doanh nghiệp, văn phòng điều hành theo định kỳ một qúy, một lần vào tháng đầu tiên của qúy cho Công đoàn cấp trên trực tiếp quản lý hoặc Công đoàn cơ sở doanh nghiệp. Cuối kỳ kế toán, sau khi lập báo cáo tài chính doanh nghiệp và văn phòng điều hành trích nộp đủ kinh phí công đoàn còn thiếu cho Công đoàn cơ sở. Qũy tiền lương, tiền công trả cho người lao động Việt Nam. Khoản trích nộp kinh phí công đoàn được phép khấu trừ vào chi phí hợp lý, hợp lệ để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Các Công đoàn cơ sở có trách nhiệm thu đúng, thu đủ kinh phí công đoàn theo quy định; quản lý và sử dụng nguồn kinh phí này theo quy định của Liên đoàn Lao động tỉnh và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, cơ quan Thuế Nhà nước trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp với Công đoàn các cấp thực hiện kiểm tra, đôn đốc việc trích nộp kinh phí công đoàn tại các doanh nghiệp, văn phòng điều hành.

3. Liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì, phới hợp với Sở Tài chính, Cục thuế định kỳ kiểm tra, đôn đốc doanh nghiệp, văn phòng điều hành thực hiện nghĩa vụ trích nộp kinh phí công đoàn theo quy định; hướng dẫn các cấp Công đoàn đôn đốc Giám đốc các doanh nghiệp, văn phòng điều hành thực hiện nghiêm việc trích nộp kinh phí công đoàn, theo dõi quản lý và sử dụng kinh phí công đoàn theo đúng quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Định kỳ 6 tháng, Liên đoàn Lao động tỉnh thông báo danh sách các doanh nghiệp, văn phòng điều hành chưa thực hiện trích nộp và trích nộp kinh phí công đoàn chưa đúng, chưa đủ về Ủy ban nhân dân tỉnh để Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp, đôn đốc và xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, giải quyết.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Tấn Thiệu