Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2007/CT-UBND

Bến Tre, ngày 18 tháng 7 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC LỄ HỘI, LỄ KỶ NIỆM, LỄ ĐÓN NHẬN CÁC DANH HIỆU

Những năm qua, hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, lễ đón nhận các danh hiệu được các cấp, các ngành tổ chức khá chu đáo, với sự tham gia ngày một đông đảo của cán bộ, công chức, các tầng lớp nhân dân, trong đó các lễ hội bước đầu cũng được xã hội hoá và tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Các hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, lễ đón nhận các danh hiệu đã góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống, tôn vinh các giá trị văn hóa, đề cao những đóng góp của tổ chức, cá nhân vì sự phát triển chung của địa phương, đơn vị, tạo nên hoạt động văn hóa sôi nổi, đa dạng trong sinh hoạt tinh thần của người dân. Tuy nhiên, trong hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, lễ đón nhận các danh hiệu vẫn còn nhiều bất cập, nội dung chưa phong phú, hấp dẫn thu hút người dân tham gia; một số lễ hội còn nặng về phần lễ; hoạt động xã hội hoá lễ hội, một số lễ đón nhận các danh hiệu còn lãng phí; hình thức, nội dung có nơi còn đơn giản, lại có nơi rườm rà, kéo dài, thiếu tâm lý, không khoa học; tình trạng uống rượu kéo dài sau lễ hội vẫn còn.

Nhằm tiếp tục đưa hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, lễ đón nhận các danh hiệu vào nề nếp văn minh lịch sự, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị các sở, ban, ngành tỉnh; Uỷ ban nhân dân các huyện và thị xã; Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan:

1. Việc tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm các ngày lịch sử, danh nhân, lễ đón nhận các danh hiệu anh hùng, huân chương, huy chương, cờ thi đua, các danh hiệu văn hoá phải thực hiện theo đúng Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 11/2006/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ, Nghị định số 154/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ về nghi thức Nhà nước trong tổ chức mít tinh, lễ kỷ niệm; trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước, Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

2. Tiếp tục duy trì và phát huy các lễ hội dân gian trong đời sống cộng đồng dân cư, bảo đảm việc tổ chức được thực hiện đúng chủ trương, đúng pháp luật, từng bước thực hiện theo hướng xã hội hoá, nâng cao về mặt chất lượng, kiên quyết không để xảy ra tình trạng lợi dụng lễ hội tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan, đánh bạc gây mất trật tự, an toàn xã hội và trục lợi.

3. Việc phân cấp tổ chức các lễ hội, lễ kỷ niệm, lễ đón nhận các danh hiệu trên địa bàn tỉnh được thực hiện như sau:

a) Đối với lễ hội kỷ niệm ngày sinh của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, ngày 01 tháng 7:

- Giao cho Uỷ ban nhân dân huyện Ba Tri tổ chức và khuyến khích nhân dân đồng tổ chức lễ hội hàng năm.

- Đối với lễ hội tổ chức vào những năm theo chu kỳ 5 năm (ví dụ: kỷ niệm 190 năm, 205 năm …) sẽ do Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ trì việc tổ chức.

b) Đối với lễ hội kỷ niệm ngày Bến Tre Đồng Khởi, ngày 17 tháng 01:

- Giao cho Uỷ ban nhân dân huyện Mỏ Cày tổ chức lễ hàng năm.

- Đối với lễ hội tổ chức vào những năm theo chu kỳ 5 năm (ví dụ năm 2010, năm 2015…) sẽ do Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức.

c) Đối với ngày Giỗ tổ Hùng Vương, mùng 10 tháng 3 âm lịch: mỗi huỵên, thị chọn một ngôi đình điểm để tổ chức lễ hội hàng năm, lãnh đạo tỉnh và huyện, thị sẽ tham dự trong buổi lễ dâng hương.

d) Đối với lễ kỷ niệm ngày truyền thống ngành, đơn vị thuộc ngành, thì ngành, đơn vị đó tổ chức mang tính chất nội bộ nhằm ôn lại truyền thống và qua đó vận động cán bộ, công chức phát huy truyền thống tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

đ) Đối với lễ đón nhận các danh hiệu danh dự của Nhà nước, danh hiệu văn hóa (ấp, khu phố, xã, cơ quan văn hóa) thực hiện trang trọng, không phô trương hình thức, nội dung gọn và phù hợp, không dùng ngân sách tổ chức tiệc.

e) Đối với các lễ kỷ niệm ngày lịch sử, kỷ niệm ngày sinh, ngày mất danh nhân, những năm lẻ sẽ do huyện, thị tổ chức; những năm theo chu kỳ 05 năm sẽ do Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức với quy mô phù hợp theo nhiệm vụ chính trị của từng thời điểm.

4. Các hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm (ngày lịch sử, danh nhân, truyền thống ngành), lễ đón nhận các danh hiệu do Nhà nước các cấp, các ngành tổ chức muốn mời khách ngoài phạm vi quản lý của địa phương, đơn vị phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp, có kế hoạch và xin chủ trương trước ít nhất 15 ngày. Đối với các lễ hội, lễ kỷ niệm, mittinh do Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức sẽ thành lập Ban tổ chức và tùy theo tính chất của từng cuộc lễ sẽ quyết định số lượng và thành phần khách mời phù hợp.

5. Nguồn kinh phí dành cho hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, lễ đón nhận các danh hiệu nằm trong dự toán hàng năm của ngành, địa phương. Không sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước để mua quà tặng cho đại biểu. Chế độ tiếp khách phải thực hiện theo chế độ tài chính hiện hành. Các ngành, địa phương được vận động nguồn kinh phí ngoài ngân sách phục vụ cho lễ hội, lễ kỷ niệm, lễ đón nhận các danh hiệu nhưng phải công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật.

6. Giao cho Sở Văn hóa - Thông tin chủ trì và phối hợp Sở Thương mại và Du lịch nghiên cứu định hình các nội dung của lễ hội kỷ niệm ngày sinh của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu ngày 01 tháng 7 và lễ hội kỷ niệm ngày Bến Tre Đồng Khởi ngày 17 tháng 01, khai thác các hoạt động lễ hội để phục vụ nhu cầu phát triển du lịch, giao lưu văn hóa của người dân trong và ngoài tỉnh. Sở Văn hóa - Thông tin tiếp tục hướng dẫn trang trí, nghi thức lễ theo quy định của Nghị định số 154/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ.

7. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị có trách nhiệm quản lý, tổ chức các hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, lễ đón nhận các danh hiệu trên địa bàn quản lý theo đúng quy định của pháp luật và nội dung của Chỉ thị này.

8. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh trong phạm vi chức năng, có trách nhiệm thực hiện các hoạt động liên quan đến lễ hội, lễ kỷ niệm, lễ đón nhận các danh hiệu bảo đảm ý nghĩa, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm.

Chỉ thị này được phổ biến trong tất cả các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở để triển khai thực hiện.

Chỉ thị này có hiệu lực sau mười ngày kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Cao Tấn Khổng