Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/CT-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 26 tháng 5 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐẢM BẢO TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước và công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông thủy nội địa đã được các cơ quan, đơn vị liên quan chú trọng thực hiện. Vì vậy, tình hình an toàn trật tự giao thông đường thủy ngày càng được cải thiện, nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân quản lý, tham gia giao thông đường thủy nội địa có sự chuyển biến tích cực; hoạt động giao thông đường thủy nội địa từng bước đi vào nề nếp. Tuy vậy, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa vẫn còn diễn biến phức tạp, thời gian gần đây tại một số địa phương khác đã xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người và thiệt hại nhiều tài sản. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa chưa được tập trung đúng mức và thường xuyên, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông nhìn chung vẫn còn thấp, các lực lượng tuần tra, kiểm soát chưa kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện.

Ở tỉnh ta, mặc dù chưa có vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng nào xảy ra, tuy nhiên để chủ động phòng tránh tai nạn giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt trong mùa du lịch hè có nhiều hoạt động vận tải khách đường thủy và chuẩn bị ứng phó trước mùa mưa bão đang có nhiều diễn biến bất thường của thời tiết; đồng thời tăng cường công tác quản lý phương tiện, bến bãi và người điều khiển phương tiện thủy nội địa nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm túc Luật Giao thông đường thủy nội địa, Chỉ thị số 31/2005/CT-TTg ngày 29/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng liên quan, UBND các huyện, thị xã và thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ sau:

1. Ban An toàn giao thông tỉnh

- Tổ chức tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định về điều kiện an toàn luồng lạch, cảng bến, phương tiện vận tải, trang bị cứu sinh theo quy định; vận động thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy hoạt động, mở bến khách ngang sông, tham gia bồi dưỡng chứng chỉ, bằng cấp chuyên môn của người điều khiển phương tiện thủy.

- Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, các lực lượng thanh tra giao thông, đoạn quản lý đường sông xây dựng kế hoạch và thành lập các Đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động của các bến, phương tiện thủy, xử lý các hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn đương thủy nội địa theo quy định; kịp thời chỉ đạo xử lý khắc phục các vi phạm.

- Đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị này của các cơ quan thành viên trong Ban và của các địa phương trên địa bàn tỉnh; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo xử lý kịp thời.

2. Sở Giao thông vận tải

- Tập huấn cho cán bộ cấp huyện, xã về các quy định liên quan đến hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến trực tiếp người dân, chủ phương tiện thủy.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Đăng kiểm số 13 tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện đến đăng ký, đăng kiểm kỹ thuật cho các phương tiện. Rà soát hiện trạng, hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép hoạt động bến khách thủy nội địa theo đúng quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa. Tăng cường tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn và giấy chứng nhận đào tạo bồi dưỡng pháp luật giao thông đường thủy nội địa cho người tham gia giao thông đường thủy nội địa theo quy định.

- Phối hợp với Công an tỉnh, UBND cấp huyện xử lý triệt để các phương tiện không thực hiện đăng ký, đăng kiểm kỹ thuật. Chỉ đạo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, các phòng, đơn vị chức năng phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra hoạt động vận tải khách, đặc biệt đối với các bến và phương tiện vận tải khách khách du lịch, khách ngang sông, xử lý vi phạm của các phương tiện, người lái phương tiện tại các cảng, bến. Kiên quyết xử lý những bến bãi không có giấy phép hoạt động, vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông đường thủy nội địa.

3. Công an tỉnh

Chỉ đạo các lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an cấp huyện tăng cường công tác kiểm tra hoạt động của các phương tiện thủy nội địa, nhất là các tuyến, các điểm có mật độ phương tiện lớn, các đò du lịch trên sông và các tuyến đò ngang, thiếu trang bị cứu sinh theo quy định; phối hợp có hiệu quả với các ngành, đặc biệt là ngành giao thông vận tải trong việc kiểm tra phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông. Kiên quyết xử lý nghiêm các phương tiện chở quá tải, chở quá số người quy định, phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa không có đăng ký hành chính, đăng kiểm kỹ thuật; thuyền viên, người lái phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông không có giấy phép hoạt động.

4. UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế

- Quản lý chặt chẽ và chịu trách nhiệm trực tiếp hoạt động các bến khách ngang sông, phương tiện chở khách trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn và các phòng, ban chức năng kiểm tra, rà soát lại công tác xây dựng, quản lý các bến đò dọc, bến khách ngang sông trên địa bàn mình quản lý, đặc biệt bến đò phát sinh trong mùa mưa lũ (nếu xét thấy cần thiết duy trì, mở bến thì chỉ đạo cho UBND cấp xã trực thuộc hoặc tổ chức, cá nhân liên quan lập thủ tục mở bến và quản lý hoạt động bến khách ngang sông theo đúng quy định). Kiên quyết chỉ cho phép phương tiện thủy khi hoạt động phải đảm bảo đầy đủ các thủ tục theo quy định hiện hành về đăng kiểm kỹ thuật, đăng ký hành chính, trang bị cứu sinh; người điều khiển phương tiện phải có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp; người đi đò phải mặc áo phao hoặc mang, đeo các vật dụng nổi.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa đối với các tầng lớp nhân dân tại địa phương mình, bằng nhiều hình thức sát thực, phù hợp với từng đối tượng. Có biện pháp vận động, yêu cầu người điều khiển phương tiện tham gia các lớp học bồi dưỡng pháp luật về giao thông đường thủy nội địa để được cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ chuyên môn hoặc các lớp đào tạo để được cấp bằng thuyền trưởng thủy nội địa.

- Tăng cường chỉ đạo các phòng ban, lực lượng chức năng, UBND cấp xã kiên quyết giải tỏa bến bãi và chấm dứt hoạt động khai thác cát sỏi vi phạm hành lang bảo vệ luồng, ảnh hưởng các công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông và các công trình thủy lợi; phối hợp giải tỏa các đăng đáy rớ làm lấn chiếm luồng chạy tàu, thuyền, nhất là luồng chạy tàu thuyền ra vào vùng nước Cảng biển, bến khách.

5. Các cơ quan truyền thông báo chí trên địa bàn tỉnh

Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thực hiện các chuyên mục, xây dựng phóng sự truyền hình, thông tin tuyên truyền sâu, rộng đến các tầng lớp nhân dân việc thực hiện quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa; cảnh báo các bến đò, đò chở khách không đảm bảo an toàn, hậu quả của những vụ tai nạn tàu thuyền do chấp hành không nghiêm pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa...

Yêu cầu Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân có liên quan khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- VP Chính phủ;
- UB ATGT Quốc gia;
- Cục Đường thủy nội địa VN;
- TVTU; TT HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Các Sở: GTVT, NNPTNT;
- Chi cục Đăng kiểm số 13;
- UBND các huyện, TX, TP Huế;
- Công an các huyện, TX, TP Huế;
- Cổng TTĐT, HTV, TRT, Báo TTH;
- VP: CVP và PCVP M.H.Tuân;
- Lưu: VT, TM.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Trường Lưu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 18/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý nhà nước đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh do Tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 18/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 26/05/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Lê Trường Lưu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/05/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản