Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 17/2010/CT-UBND

Vĩnh Yên, ngày 08 tháng 7 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 34/2010/NĐ-CP NGÀY 02/4/2010 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Trong những năm qua, thực hiện Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14/9/2007 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh ta có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông đã được kiểm chế và đẩy lùi. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm 2010, tình hình trật tự an toàn giao thông lại diễn biến phức tạp, số người chết do tai nạn giao thông tăng cao so với cùng kỳ ( tăng 30%). Nguyên nhân của tai nạn giao thông có nhiều, song chủ yếu vẫn do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém, mặt khác do chế tài cưỡng chế xử phạt chưa đủ sức răn đe, nên nhiều người tham gia giao thông tuy hiểu biết Luật Giao thông đường bộ nhưng vẫn cố tình vi phạm dẫn đến tai nạn giao thông.

Ngày 02/4/2010 Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 20/5/2010 thay thế Nghị định số 146/2007/NĐ-CP. Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả thi hành Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và chống ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. UBND các huyện, thành, thị có trách nhiệm:

a. Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên tuyên truyền Nghị định số 34/2010/NĐ-CP trên hệ thống loa truyền thanh để nhân dân biết thực hiện. Đồng thời xây dựng các cụm pa nô, áp phích, băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền về văn hóa giao thông.

b. Tích cực tham gia hưởng ứng Liên hoan phim về an toàn giao thông với chủ đề “Hiểm hoạ sau khi uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông”.

c. Phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường giải toả các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ, có biện pháp quản lý không để xẩy ra hiện tượng tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ.

d. Chỉ đạo lực lượng công an xã, phường, thị trấn phối hợp với công an huyện, thành, thị tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông theo Nghị định số 27/2010/NĐ-CP ngày 24/3/2010 của Chính phủ. Địa phương nào để gia tăng tình trạng tai nạn giao thông thì Chủ tịch UBND phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

2. Công an tỉnh có trách nhiệm:

a. Chỉ đạo các lực lượng chức năng, công an các huyện, thành, thị thường xuyên mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, tập trung vào các hành vi không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không cài quai khi đi mô tô, xe gắn máy, chở quá số người quy định; phải chú trọng công tác tuần lưu, phối hợp giữa các lực lượng cảnh sát, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để xử lý đúng và trúng đối tượng vi phạm, tập trung là thanh niên điều khiển xe mô tô, xe máy và vào các khoảng thời gian thường xẩy ra tai nạn gao thông.

b. Chỉ đạo phòng chức năng, phối hợp với các ngành, các cấp triển khai tốt công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông nói chung, Nghị định số 34/2010/NĐ-CP nói riêng. Tích cực tham gia Liên hoan phim về an toàn giao thông với chủ đề: “ Hiểm hoạ sau khi uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông”.

3. Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm:

a. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ; tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo vệ công trình giao thông và trật tự vận tải; thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng giải toả các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ.

b. Phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục quy hoạch, xây dựng mạng lưới giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh; xây dựng hạ tầng giao thông vận tải, như: bến bãi đỗ xe ô tô, xe tắc xi; rà soát, bổ sung hệ thống biển báo hiệu đường bộ và xử lý các điểm “đen” tai nạn giao thông.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:

Xây dựng kế hoạch phối hợp với Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh và Công an tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi học tập ngoại khoá về an toàn giao thông cho giáo viên, học sinh trong các trường học. Có biện pháp quản lý và hình thức xử lý kỷ luật đối với học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ theo quy định và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. Các Sở, ngành: Tư pháp; Thông tin và Tuyền thông; Văn hóa thể thao và Du lịch; Giám đốc Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Vĩnh Phúc:

a. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 34/2010/NĐ-CP đảm bảo thiết thực, hiệu quả; phản ánh đưa tin kịp thời về các hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, các vi phạm trật tự an toàn giao thông và tai nạn giao thông để giáo dục người tham gia giao thông xây dựng văn hoá giao thông.

b. Tích cực tham gia Liên hoan phim về an toàn giao thông với chủ đề: “ Hiểm hoạ sau khi uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông”.

c. Sở Văn hoá thể thao và Du lịch phối hợp với Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh xây dựng các cụm panô, áp phích tại các điểm công cộng và trục các tuyến đường lớn tuyên truyền về an toàn giao thông.

6. Thủ trưởng các ngành, các cấp, các tổ chức, đoàn thể có trách nhiệm: Quán triệt sâu sắc tới toàn thể cán bộ, chiến sỹ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên của đơn vị mình về nội dung Nghị định số 34/2010/NĐ-CP , đồng thời tích cực hưởng ứng cuộc vận động toàn dân xây dựng văn hoá giao thông, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

7. Ban An toàn giao thông tỉnh có trách nhiệm:

a. Chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ; xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra liên ngành về an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

b.Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện Chỉ thị này; tổng hợp báo cáo định kỳ với UBND tỉnh và Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia theo quy định.

Yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của UBND tỉnh./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Phi

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 17/2010/CT-UBND về tăng cường thực hiện Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ do Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

  • Số hiệu: 17/2010/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 08/07/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Phi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/07/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản