Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 161-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 07 năm 1973 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC KÝ KẾT HỢP ĐỒNG KINH TẾ NĂM 1973

Từ khi hòa bình lập lại đến nay, chuyển sang thực hiện những nhiệm vụ kinh tế cấp bách sau chiến tranh (khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục giao thông vận tải, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân), các ngành, các cấp đã dựa theo những hướng lớn của dự thảo kế hoạch năm 1973, kết hợp với những nhiệm vụ và chỉ tiêu cụ thể trong kế họach quý I và quý II mà chỉ đạo việc ký kết hợp đồng kinh tế, nhằm bảo đảm thực hiện những yêu cầu cấp thiết về ổn định sản xuất và đời sống. Nhưng việc ký kết hợp đồng vừa qua có khó khăn do chưa có kế hoạch Nhà nước chính thức năm 1973 và những nhiệm vụ phải thực hiện đều có tính chất cấp thời.

Gần đây Hội đồng Chính phủ đã thông qua kế hoạch Nhà nước năm 1973, năm đầu của kế hoạch 3 năm (1973-1975), nhằm tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ kinh tế cấp bách sau chiến tranh, khôi phục và phát triển  kinh tế, tích cực chuẩn bị điều kiện cho việc phát triển kinh tế với quy mô lớn trong những năm sau.

Theo hướng trên, các hợp đồng kinh tế ngày càng có vai trò quan trọng cả trong xây dựng kế hoạch và trong chỉ đạo thực hiện kế hoạch. Cần theo sát đà chuyển biến trong tình hình kinh tế và trong công cuộc quản lý kinh tế để tăng cường và từng bước cải tiến công tác hợp đồng kinh tế, nhằm làm cho công tác này theo kịp yêu cầu của nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh.

Việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế cấp bách trong 6 tháng đầu năm đã được những kết quả đáng kể, nhưng do chiến tranh để lại hậu quả nặng nề, nên trong thời gian trước mắt chúng ta vẫn còn có những khó khăn, đặc biệt là trên các mặt giao thông vận tải, cung ứng vật tư, tổ chức và điều phối lao động… Chúng ta còn phải có những cố gắng lớn mới tạo được điều kiện để ổn định sản xuất, ổn định đời sống, đưa các hoạt động kinh tế trở lại bình thường.

Trong tình hình trên, công tác hợp đồng kinh tế năm 1973 một mặt vẫn phải được tăng cường và nâng cao lên một bước, để góp phần tích cực vào việc ổn định đời sống, thúc đẩy hoàn thành kế hoạch và tăng cường công tác quản lý, một mặt phải đảm bảo vận dụng linh hoạt phù hợp với điều kiện hoạt động thực tế của các ngành và các đơn vị trong lúc tình hình chung chưa thực sự ổn định.

Về phần công tác cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phải lưu ý các ngành, các cấp làm tốt mấy việc sau đây:

1. Tiến hành ký kết nhanh, gọn các hợp đồng kinh tế chính thức năm 1973

a) Căn cứ để ký hợp đồng chính thức là nhiệm vụ và chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước mà Hội đồng Chính phủ đã  thông qua và giao cho các ngành và địa phương cuối tháng 6 vừa qua. Các Bộ, Tổng cục, các Ủy ban hành chánh tỉnh, thành phố, các cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của các đơn vị cơ sở, giải quyết kịp thời các thủ tục cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị cơ sở  ký kết nhanh, gọn các hợp đồng chính thức của kế hoạch năm 1973.

Đối với những đơn vị trước đây đã ký hợp đồng kinh tế cả năm thì nay vẫn cần căn cứ chỉ tiêu kế hoạch chính thức mà điều chỉnh lại cho đúng. Đối với những đơn  vị trước đây vì lý do nào đó chưa ký kết hợp đồng cả năm hoặc chỉ ký hợp đồng quý thì nay cần ký hợp đồng chính thức cho cả năm, và phải thực hiện một cách nghiêm chỉnh, không được vin vào bất cứ lý do gì để từ chối hoặc trì hoãn việc ký kết.

Tuy là ký kết hợp đồng chính thức cho cả năm, nhưng tác dụng thực tế chỉ còn có nửa năm. Vì vậy trong đợt ký kết này cần phải thanh lý gọn phần nào đã thực hiện trong 6 tháng  đầu năm, rút kinh nghiệm công tác đã qua và bàn kỹ về những biện pháp cụ thể để đảm bảo hoàn thành hợp đồng trong 6 tháng cuối năm.

b) Vì tình hình chung còn có khó khăn, kế hoạch Nhà nước có những mặt cân đối chưa thật vững chắc nên các bên có liên quan trong việc ký kết hợp đồng cần bàn bạc kỹ về nội dung và các điều khoản thực hiện trong hợp đồng cho sát với thực tế. Đối với những nhiệm vụ và chỉ tiêu có điều kiện thực hiện tương đối rõ hoặc ổn định thì việc ký kết hợp đồng phải chặt chẽ, trách nhiệm thực hiện phải dứt khoát, rõ ràng. Đối với những nhiệm vụ và chỉ tiêu mà điều kiện thực hiện còn chưa chắc chắn thì phải căn cứ vào tình hình thực tế mà thỏa thuận với nhau về nội dung và các điều khoản trong hợp đồng một cách linh họat, thỏa đáng, không gò ép, máy móc nhưng cũng tránh lỏng lẻo tùy tiện, vô trách nhiệm. Mức độ nào đã rõ thì ký kết cụ thể, mức độ nào chưa rõ thì thỏa thuận về nguyên tắc, tiếp tục chuẩn bị và ký kết bổ sung sau. Đối với những nhiệm vụ quan trọng và những chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch thì tinh thần chung là phải vươn lên, khắc phục khó khăn, đảm bảo thực hiện bằng được.

c) Đối với các lĩnh vực hiện nay đang gặp khó khăn như giao thông vận tải, cung ứng vật tư, đặt hàng và điều hàng nhập khẩu về nước sản xuất, tiêu thụ và sửa chữa cơ khí cung cấp lao động, giao nhận thầu xây dựng cơ bản,v.v…các cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị cơ sở có trách nhiệm bàn bạc  kỹ với nhau tìm ra những biện pháp có hiệu lực tạo điều kiện cụ thể, hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị cơ sở khắc phục khó khăn ký kết hợp đồng nhanh, gọn góp phần vào việc ổn định tình hình, tránh tình trạng không thỏa thuận được với nhau rồi kéo dài thời gian ký kết hoặc không ký kết được làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chung.

Cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa việc ký kết hợp đồng kinh tế giữa các tổ chức quốc doanh với các đơn vị kinh tế tập thể (hợp tác xã nông nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp, vận tải …) mở rộng việc ký hợp đồng 2 chiều một cách bình đẳng tạo cơ sở để tăng cường bước quan hệ kinh tế giữa Nhà nước và các tổ chức kinh tế tập thể.

2. Thực hiện nghiêm túc các hợp đồng kinh tế đã ký kết

Ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế là vấn đề thuộc pháp chế kinh tế của Nhà nước, gắn liền với việc xây dựng và thực hiện kế hoạch Nhà nước. Trong thời gian chiến tranh, việc ký kết và thực hiện hợp đồng có nhiều mặt phải châm chước, do những biến động của chiến tranh mà ta không lường trước được. Nay tuy tình hình chưa thật ổn định, nhưng đã đến lúc cần đề cao kỷ luật trong việc thực hiện hợp đồng, coi đó là một biện pháp quan trọng để thực hiện kế hoạch Nhà nước, và cũng là để xây dựng một nếp làm ăn mới, có trách nhiệm giữa các ngành và các tổ chức kinh tế với nhau.

Các đơn vị đã ký kết hợp đồng với nhau phải phát huy đầy đủ tinh thần trách nhiệm, bảo đảm thực hiện đúng những điều đã ký kết. Nếu một bên gặp khó khăn trong việc thực hiện mà không giải quyết được thì hai bên phải kịp thời bàn bạc biện pháp khắc phục, đồng thời phải báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên để giải quyết, tuyệt đối không được buông trôi để lỡ việc hoặc hỏng việc. Cần xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện hợp đồng.

CácBộ, Tổng cục và các cơ quan quản lý cấp trên của cơ sở đó có trách nhiệm theo dõi và kiểm tra việc thực hiện hợp đồng (gắn với kiểm tra thực hiện kế hoạch) ở các đơn vị thuộc quyền mình phụ trách, kịp thời giải quyết khó khăn và tạo điều kiện để các đơn vị cơ sở hòan thành tốt kế hoạch Nhà nước đi đôi với thực hiện tốt các hợp đồng kinh tế đã ký kết.

3. Tích cực chuẩn bị cho công tác của năm 1974 và các năm sau

Trong thời gian sắp tới, việc nghiên cứu và xây dựng kế hoạch 3 năm (1973-1975) sẽ được triển khai. Trong quá trình nghiên cứu xây dựng kế hoạch, việc bàn bạc, thảo luận giữa các ngành đặc biệt và giữa các đơn vị kinh tế cơ sở có quan hệ trực tiếp với nhau để chuẩn bị cho việc ký kết những hợp đồng kinh tế dài hạn và thỏa thuận với nhau về nguyên tắc là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng. Đây cũng là  một nội dung lớn của việc cải tiến công tác kế hoạch làm cho kế họach được xây dựng có căn cứ và hiện thực hơn. Vì vậy công tác hợp đồng kinh tế cần được chỉ đạo chặt chẽ ngay trong quá trình nghiên cứu xây dựng kế hoạch 3 năm, để một khi có kế hoạch chính thức thì có thể tiến hành ký kết hợp đồng kinh tế cụ thể được ngay, không phải mất nhiều thời gian thương lượng như trước nay thường làm nữa. Các Bộ, tổng cục và Ủy ban hành chánh các tỉnh, thành phố cần dựa theo phương hướng và kiểm tra kế hoạch mà tiến hành việc trao đổi và hướng dẫn cho các đơn vị cơ sở bàn bạc cho đúng hướng và ăn khớp.

Mặt khác cần nghiên cứu gấp một số cải tiến để áp dụng trong năm 1974-1975, nhằm nâng cao tác dụng và hiệu lực của hợp đồng kinh tế, phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế. Về từng loại hợp đồng, các ngành có liên quan cần tiến hành kiểm điểm và rút kinh nghiệm một cách tòan diện (cả về yêu cầu nội dung,  và các điều khoản thực hiện của hợp đồng) qua đó mà đề xuất hướng nâng cao và cải tiến quan hệ hợp đồng trong thời gian sắp tới cho sát hợp.

4. Kiện toàn một bước Hội đồng trọng tài kinh tế các cấp

Để tăng cường chỉ đạo công tác hợp đồng kinh tế đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới, thủ trưởng các Bộ, Tổng cục, Chủ tịch Ủy ban hành chánh tỉnh, thành phố phải khẩn trương kiện toàn tổ chức Hội đồng trọng tài kinh tế, bổ nhiệm ủy  viên chuyên trách làm thường trực Hội đồng, bố trí đủ số cán bộ cần thiết giúp việc, hình thành một tổ chức chuyên trách rõ ràng. Trong Ủy ban hành chánh huyện, thị xã cần phân công  một phó Chủ tịch hoặc ủy viên phụ trách công tác hợp đồng kinh tế, và bố trí một cán bộ giúp việc.

Trên đây là mấy việc cần làm trong năm 1973, yêu cầu các Bộ, Tổng cục, Ủy ban hành chánh các tỉnh, thành phố nghiên cứu và thực hiện một cách nghiêm chỉnh.

Chỉ thị này cần phổ biến đến các đơn vị kinh tế cơ sở.

 

 

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG

 
 


Nguyễn Côn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 161-TTg năm 1973 về ký kết hợp đồng kinh tế năm 1973 do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành.

  • Số hiệu: 161-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 11/07/1973
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Côn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 11
  • Ngày hiệu lực: 26/07/1973
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản