Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/CT-UBND

Vĩnh Long, ngày 13 tháng 10 năm 2021

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA VÀ KINH DOANH DỊCH VỤ VĂN HÓA GÂY TIẾNG ỒN, MẤT AN NINH TRẬT TỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG

Trong những năm qua, các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long phát triển nhanh và khá đa dạng, phong phú, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; từ đó một số địa phương đã từng bước chấn chỉnh thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước.

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm quy định pháp luật, làm mất an ninh trật tự trên địa bàn như: dịch vụ kinh doanh nhạc sống, karaoke di động trong các đám tiệc, liên hoan, sinh nhật tại nhà riêng, nhà hàng, quán cà phê, câu lạc bộ hát với nhau; hoạt động quảng cáo của các tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị âm thanh công suất lớn, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư.

Để chấn chỉnh tình trạng trên và tăng cường thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về quản lý âm thanh, tiếng ồn trong hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa, đưa hoạt động này trở lại nề nếp, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa lành mạnh trong nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cấp, các ngành tập trung tổ chức thực hiện các nội dung sau:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trên địa bàn

a) Tăng cường tuyên truyền, quán triệt trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên gương mẫu chấp hành và vận động nhân dân cùng tuân thủ các quy định pháp luật về tiếng ồn, về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa; thực hiện tốt nếp sống văn minh khi tổ chức hoặc tham gia các hoạt động văn hóa trong cơ quan, đơn vị, nơi công cộng hoặc tại gia đình.

b) Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, nhắc nhở cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về hoạt động văn hóa, về tiếng ồn, không để xảy ra vi phạm.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về tiếng ồn; hướng dẫn thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn và quy định xử lý vi phạm về tiếng ồn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan;

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về tiếng ồn thuộc thẩm quyền theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ;

c) Chủ trì tham mưu công tác quản lý môi trường về tiếng ồn trên địa bàn tỉnh; chủ động tổ chức lực lượng kiểm tra và trang bị phương tiện máy đo độ ồn để hỗ trợ các cơ quan, đơn vị và xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm về tiếng ồn.

3. Công an tỉnh

a) Chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiệp vụ, Công an địa phương tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa không gây ách tắc giao thông, lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè có sử dụng thiết bị âm thanh gây tiếng ồn, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật có liên quan;

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa vi phạm quy định, làm mất an ninh trật tự tại khu dân cư, ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi của người dân; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ; Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa cho các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh;

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa theo quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa theo Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo;

c) Hướng dẫn xây dựng hương ước, quy ước có bổ sung tiêu chí về tổ chức hoạt động văn hóa trong các đám tiệc, trong sinh hoạt văn hóa gia đình để các địa phương thực hiện;

d) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND cấp huyện đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; từ đó nâng cao ý thức và tính tự giác của Nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa và nếp sống văn minh trên địa bàn.

đ) Hướng dẫn Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố

- Phối hợp với các ban, ngành huyện có liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa theo quy định pháp luật;

- Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa theo quy định pháp luật, quy ước, hương ước ở cơ sở;

- Chỉ đạo, hướng dẫn các ấp (khóm, khu phố) đưa các nội dung về quản lý tiếng ồn vào các quy ước, hương ước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội để vận động nhân dân thực hiện, lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

e) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này.

5. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định pháp luật trong kinh doanh dịch vụ văn hóa thuộc thẩm quyền.

6. Sở Giao thông vận tải

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND cấp huyện có liên quan tuyên truyền các quy định pháp luật về đường bộ đến các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa gây ách tắc giao thông, lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè.

b) Thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh, tuyên truyền các quy định pháp luật về tiếng ồn trong hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, dịch vụ cho thuê thiết bị âm thanh hoặc các dịch vụ khác có liên quan.

8. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí trong tỉnh thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc thực hiện các quy định pháp luật về tiếng ồn; phản ánh các hành vi vi phạm, nêu gương tổ chức, cá nhân chấp hành tốt các quy định về tiếng ồn, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, khu dân cư.

9. Báo Vĩnh Long, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện nếp sống văn minh, hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, không gây ách tắc giao thông, lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè; phản ánh, đưa tin, nêu gương những tổ chức, cá nhân chấp hành tốt các quy định pháp luật trong tham gia các hoạt động văn hóa;

b) Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định về tiếng ồn, về hoạt động văn hóa và kinh doanh hoạt động văn hóa và các quy định xử phạt nếu vi phạm để cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân nắm rõ, từ đó nghiêm chỉnh chấp hành quy định.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội

a) Tổ chức tuyên truyền và vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tự giác thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về tiếng ồn; các quy định hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng và quy ước, hương ước ở cơ sở;

b) Đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phối hợp thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn;

c) Phát huy vai trò nêu gương, đi đầu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong việc chấp hành nghiêm việc tổ chức các đám tiệc, liên hoan tại gia đình, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội,... không gây tiếng ồn vượt mức quy định, làm mất an ninh trật tự, gây ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi của người dân.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Chủ động xem xét, bổ sung những vấn đề phát sinh trong thực tiễn đời sống xã hội liên quan đến các hoạt động văn hóa nhưng chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật hiện hành vào nội dung hương ước, quy ước tại địa phương quản lý và tuyên truyền, phổ biến trong các buổi sinh hoạt tại ấp, khóm, khu phố.

b) Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể huyện tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về tiếng ồn; các quy định về hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa;

c) Thiết lập đường dây nóng của địa phương để nhân dân biết và kịp thời phản ánh những trường hợp vi phạm pháp luật về tiếng ồn, an ninh trật tự để xử lý;

d) Chỉ đạo các phòng, ban có liên quan tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013; Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 và Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ; Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019; Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021;

đ) Thường xuyên rà soát, thống kê, nắm tình hình các tổ chức, cá nhân hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn.

e) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn quản lý đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, không gây ách tắc giao thông, lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè;

- Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng sử dụng thiết bị âm thanh gây tiếng ồn làm mất an ninh trật tự trong hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa ở khu dân cư, nơi công cộng, đám tiệc; biểu dương kịp thời các cá nhân, hộ gia đình, khu dân cư thực hiện tốt Chỉ thị này;

- Khi nhận được thông tin phản ánh của người dân, phải có biện pháp xử lý kịp thời, không làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân;

- Triển khai thực hiện quy ước, hương ước ở ấp, khóm, khu phố. Đồng thời, giao Trưởng ấp, khóm, khu phố theo dõi và giám sát; nếu đơn vị nào buông lỏng quản lý, để xảy ra các hoạt động văn hóa gây tiếng ồn, dẫn đến bức xúc trong cộng đồng dân cư, trưởng ấp, khóm, khu phố đó sẽ bị kiểm điểm trách nhiệm.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản quy phạm pháp luật nêu tại Chỉ thị này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện theo văn bản mới ban hành.

Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị về UBND tỉnh; kịp thời tiếp nhận các phản ánh của các ngành, các cấp và tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung các nội dung của Chỉ thị cho phù hợp trong trường hợp cần thiết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- TT.TU; TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT.UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ VN và các đoàn thể tỉnh;
- Các cơ quan Đảng thuộc Tỉnh ủy;
- Cơ quan TW tại tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Báo VL, Đài PTTHVL;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các đơn vị thuộc UBND tỉnh;
- Các trường ĐH, CĐ;
- Các phòng, ban, TT thuộc VPUBNDT;
- Lưu: VT, 3.01.02.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Quyên Thanh

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2021 về tăng cường công tác quản lý hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa gây tiếng ồn, mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

  • Số hiệu: 16/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 13/10/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
  • Người ký: Nguyễn Thị Quyên Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/10/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản