Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/2007/CT-UBND | TP. Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 06 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH BẢO ĐẢM VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Trong thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Y tế, của Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, và sự tham gia tích cực của toàn xã hội, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở thành phố Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến rõ nét; sự phối hợp liên ngành được tăng cường có hiệu quả, công tác giáo dục truyền thông được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và người tiêu dùng trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe của nhân dân thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố vẫn còn nhiều bức xúc:
- Những sơ hở yếu kém trong việc kiểm soát và chặn nguồn rau quả bị ô nhiễm các hóa chất độc hại, nhất là nguồn rau quả từ các tỉnh nhập vào thành phố, nguồn rau quả trồng trên vùng đất bị ô nhiễm chất thải công nghiệp; các nguồn gia súc, gia cầm, thủy hải sản lưu thông trên thị trường thành phố chưa được kiểm soát hoàn toàn.
- Việc sử dụng, kinh doanh các hóa chất, phụ gia không đúng quy định trong chế biến, bảo quản thực phẩm vẫn còn phố biến, nhất là với các cơ sở sản xuất thực phẩm quy mô nhỏ; Tình trạng hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, hàng thực phẩm nhập lậu qua biên giới chưa được kiểm soát chặt chẽ;
- Việc quản lý kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống tại các chợ, đường phố, khu du lịch, trường học, bệnh viện còn nhiều yếu kém, lỏng lẽo; tình trạng ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, các khu công nghiệp vẫn xảy ra không chỉ làm ảnh hưởng tới sức khỏe của nhân dân mà còn tác động xấu tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
- Các quy định điều chỉnh của pháp luật chưa được đủ sức răn đe.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố và các quận - huyện, người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng chưa cao; các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và chế biến thực phẩm nhỏ lẻ vẫn chưa bảo đảm được các quy chuẩn quy định; hệ thống tổ chức, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế, đặc biệt là Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn chưa quan tâm chỉ đạo đúng mức công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở địa phương.
Để khắc phục tình trạng trên, nhằm thiết lập trật tự kỷ cương trong việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06/2007/CT-TTg ngày 28 tháng 3 năm 2007 và của Bộ Y tế tại Công văn số 3659/BYT-ATTP ngày 31 tháng 5 năm 2007; Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn tập trung thực hiện một số nội dung cấp bách sau:
1. Tăng cường công tác thông tin - giáo dục - truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng có đủ kiến thức và kỹ năng chọn lựa, sử dụng và bảo quản thực phẩm đảm bảo VSAT; cung ứng đầy đủ thông tin cần thiết về các cơ sở thực phẩm đủ điều kiện và không đủ điều kiện, các sản phẩm thực phẩm đạt tiêu chuẩn và không đạt tiêu chuẩn về VSATTP.
2. Tăng cường công tác huấn luyện đào tạo về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cán bộ, công chức thực hiện công tác quản lý Nhà nước. Nhanh chóng phát triển và kiện toàn hệ thống quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là hệ thống Thanh tra chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm, thường xuyên huấn luyện về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt đối với các cơ sở thực phẩm quy mô nhỏ, do quận huyện, phường xã quản lý. Chú ý giáo dục ý thức chấp hành đúng các quy định pháp luật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
3. Giao Sở Y tế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ khẩn trương xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Phân tích chất lượng cao của thành phố và phát huy vai trò của Trung tâm Kiểm chuẩn xét nghiệm y khoa thành phố; khuyến khích phát triển các Phòng xét nghiệm, kiểm nghiệm thực phẩm tư nhân hiện đại và đạt chuẩn; hình thành hệ thống xét nghiệm, kiểm nghiệm thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm.
4. Thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế trong việc sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất rau quả, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, thủy hải sản; quản lý chặt chẽ việc kinh doanh hóa chất phụ gia thực phẩm trên nguyên tắc hóa chất phụ gia thực phẩm chỉ được bán trong các cửa hàng thực phẩm; sắp xếp lại các khu vực kinh doanh thực phẩm trong các chợ; thường xuyên thanh, kiểm tra, xử lý việc chế biến thực phẩm ăn ngay tại khu công nghiệp và khu chế xuất, các trường học, các chợ, siêu thị, các khu du lịch, các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể và dịch vụ thức ăn đường phố.
5. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, thanh tra, xử lý thật nghiêm các vi phạm pháp luật; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị khi để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong đơn vị mình, trường hợp để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, tái diễn do buông lỏng quản lý, không tuân thủ pháp luật, thì phải xử lý kỷ luật nghiêm khắc hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định của pháp luật.
6. Tăng đầu tư về ngân sách, nhân lực và trang thiết bị để đáp ứng được yêu cầu cơ bản kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố giao nhiệm vụ cụ thể như sau:
1. Ủy ban nhân dân quận - huyện
- Kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm quận - huyện và phường - xã, thị trấn; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động 6 tháng, năm; tổ chức phân công thực hiện và kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện của các cấp;
- Tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, lễ hội, thức ăn đường phố, chợ, cảng, trường học, khu công nghiệp theo phân cấp; kiểm tra xử lý triệt để, xóa các điểm nóng trên địa bàn có giết mổ gia súc, gia cầm trái phép. Kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện tiếp tục sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cung ứng dịch vụ ăn uống;
- Khẩn trương tổ chức cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất - chế biến - kinh doanh thực phẩm thuộc 10 nhóm nguy cơ cao thuộc diện quản lý của quận - huyện, phường - xã, thị trấn. Đảm bảo hoàn tất trước ngày 01 tháng 01 năm 2008;
- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm theo quy định của pháp luật;
- Tăng cường công tác thông tin - giáo dục - truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các đối tượng liên quan. Lồng ghép nội dung bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vào tiêu chuẩn công nhận khu phố văn hóa, gia đình văn hóa, công sở văn minh, sạch đẹp, an toàn;
- Khẩn trương sắp xếp lại cơ cấu tổ chức y tế quận - huyện, đảm bảo nguồn nhân lực cho Trung tâm Y tế Dự phòng quận huyện, Trạm Y tế phường - xã, thị trấn và lực lượng thanh, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm;
- Tăng cường đầu tư ngân sách và trang thiết bị cho các hoạt động vệ sinh an toàn thực phẩm ở địa phương.
2. Sở Y tế
- Chủ trì cùng các Sở - ngành, cơ quan liên quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố. Tăng cường hoạt động của Đoàn Kiểm tra liên ngành để thực hiện kiểm tra, đôn đốc các Sở -ngành, cơ quan liên quan, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm quận - huyện thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thông tin, Đài Truyền hình thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, các cơ quan thông tấn báo chí và các sở - ngành liên quan xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tổ chức triển khai công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với từng đối tượng. Đặc biệt cần phối hợp với các Hội ngành nghề, vận động sự tham gia của các nhà khoa học để tổ chức các hội thảo nhằm cung ứng kiến thức chính xác và đầy đủ theo từng chuyên đề về vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Chỉ đạo và thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định pháp luật cho tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc 10 nhóm thực phẩm có nguy cơ cao. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở thực phẩm thực hiện đủ thủ tục và đạt đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận. Hoàn tất việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện (đối với các cơ sở đang hoạt động) trước ngày 01 tháng 01 năm 2008. Sau ngày 01 tháng 01 năm 2008, tổ chức thanh tra, xử lý nghiêm mọi cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong năm 2007, tổ chức thanh, kiểm tra công tác huấn luyện vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác khám sức khỏe, công tác thẩm định cơ sở đủ điều kiện; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận;
- Chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành liên quan tổ chức tốt công tác hướng dẫn triển khai việc áp dụng hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm: thực hành sản xuất tốt (GMP), thực hành vệ sinh tốt (GHP) và hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP). Ưu tiên thực hiện trước các cơ sở sản xuất - chế biến -kinh doanh thực phẩm thuộc 10 nhóm nguy cơ cao;
- Chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành liên quan xây dựng các chuỗi thực phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn như rau, thịt, trứng gia cầm, thịt gia súc, thủy hải sản, các loại nước chấm...;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Thương mại và các ngành liên quan thực hiện các biện pháp quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh và sử dụng hóa chất phụ gia thực phẩm;
- Phối hợp với các Sở - ngành liên quan và Ủy ban nhân dân quận - huyện thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư hóa chất trong thực phẩm lưu thông trên thị trường. Đặc biệt trong 6 tháng cuối năm 2007 tập trung giám sát chất lượng và các hóa chất gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng trong nước chấm trên thị trường. Khẩn trương xây dựng lực lượng Thanh tra chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm, phấn đấu từ năm 2008 triển khai được việc thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm thường xuyên, kết hợp với các đợt thanh tra chiến dịch, thanh tra chuyên đề;
- Chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành liên quan tổ chức tốt công tác phân tích, dự báo nguy cơ, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Thực hiện tốt việc xử trí kịp thời và hiệu quả các vụ ngộ độc thực phẩm; tổ chức điều tra xác định được nguyên nhân ngộ độc thực phẩm để có cơ sở xử lý các đối tượng sai phạm và đề ra các biện pháp phòng ngừa hiệu quả;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các Sở - ngành liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về vệ sinh an toàn thực phẩm, đề xuất những văn bản cần sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới đáp ứng yêu cầu quản lý thực tiễn tại thành phố trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành hoặc kiến nghị Bộ Y tế, Chính phủ ban hành.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; thực hiện tốt kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, tồn dư kháng sinh, thuốc kích thích tăng trưởng trong nuôi trồng; kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ và kinh doanh gia cầm, trứng gia cầm, thịt gia súc đưa vào thành phố;
- Thường xuyên giám sát, kiểm tra tồn dư hóa chất độc hại trong rau, củ, quả, thủy hải sản, trong các khâu sơ chế, bảo quản, lưu thông trên thị trường, nhất là đối với trái cây nhập khẩu; kiểm soát chặt chẽ về vệ sinh thú y, vệ sinh thủy hải sản đối với hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh thịt động vật và thủy hải sản trên thị trường kết hợp với việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm;
- Kiểm tra giám sát việc kinh doanh sản phẩm gia cầm trong tủ bảo ôn, tiến tới quy định các sản phẩm động vật đã qua giết mổ phải được bày bán trong tủ bảo ôn;
- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Thương mại và các ngành liên quan củng cố kiện toàn các chuỗi rau, thịt, thủy hải sản. Vận động các cơ sở sản xuất - chế biến - kinh doanh rau, thịt, thủy hải sản tham gia và thực hiện tốt các quy định của chuỗi;
- Nghiên cứu, kiến nghị các cấp có thẩm quyền ban hành các quy định, quy chuẩn kỹ thuật vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, kể cả đối với trái cây nhập ngoại.
4. Sở Công nghiệp và Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp
- Phối hợp với Sở Y tế tổ chức thông tin, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất thuộc phạm vi quản lý. Xây dựng và chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến và bếp ăn tập thể trong các nhà máy, xí nghiệp. Chỉ đạo và tạo điều kiện cho các bếp ăn tập thể tại các cơ sở sản xuất thực hiện các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trước ngày 01 tháng 01 năm 2008. Vận động các doanh nghiệp tăng mức giá suất ăn nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn suất ăn cho người lao động;
- Phối hợp với Sở Y tế thường xuyên thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất thuộc phạm vi quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuyệt đối không để các cơ sở cung ứng dịch vụ ăn uống chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cung ứng các dịch vụ ăn uống cho các cơ sở sản xuất thuộc phạm vi quản lý;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm soát chặt chẽ nguồn chất thải của các nhà máy, xí nghiệp do Sở Công nghiệp quản lý. Xây dựng lộ trình và triển khai áp dụng GMP, GHP và HACCP cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm thuộc phạm vi quản lý.
5. Sở Thương mại
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, có nguồn gốc nhập lậu và gian lận thương mại, hàng thực phẩm vi phạm pháp luật vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực Sở quản lý. Phối hợp với các cơ quan liên quan truy nguyên nguồn gốc, xử lý nghiêm, triệt để các vi phạm;
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận - huyện chỉ đạo triển khai và kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Chủ trì phối hợp với Sở Y tế và Ủy ban nhân dân quận - huyện đẩy nhanh tiến độ tổ chức, sắp xếp việc kinh doanh thực phẩm tại các chợ, kể cả đối với các chợ tự phát chưa dẹp bỏ được;
- Chỉ đạo quản lý thị trường, các cơ sở kinh doanh thực phẩm tổ chức thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm thực phẩm không đạt tiêu chuẩn;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở - ngành liên quan tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng các sản phẩm thực phẩm nhập lậu qua biên giới.
6. Sở Khoa học và Công nghệ
- Phối hợp với các Sở - ngành chức năng tăng cường triển khai tuyên truyền phổ biến pháp luật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, công bố quy định về tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế buộc phải áp dụng, hướng dẫn thực hiện và có biện pháp đảm bảo thực thi trong các đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh...;
- Hướng dẫn các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội hoạt động khoa học công nghệ, các đơn vị, cá nhân đăng ký hoạt động khoa học công nghệ trên địa bàn thành phố thực hiện quy định quản lý Nhà nước về các hoạt động đánh giá, thẩm định, đăng ký sở hữu trí tuệ, mua bán, chuyển giao công nghệ, quy trình giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất thực phẩm nhằm nâng cao giá trị của các sản phẩm, công trình khi tham gia thị trường khoa học công nghệ, đáp ứng hiệu quả đổi mới công nghệ trong sản xuất. Trước mắt triển khai ngay việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong sản xuất nước tương, đảm bảo hàm lượng 3-MCPD không vượt quá mức quy định;
- Triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học nhằm tăng cường sự hiểu biết về chuyên môn, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm. Thường xuyên phối hợp với Sở Y tế và các Sở - ngành liên quan, các Hội ngành nghề tổ chức các hội thảo khoa học về vệ sinh an toàn thực phẩm;
- Phối hợp với các Sở - ngành liên quan, rà soát các quy định quản lý liên quan đến chất lượng, tiêu chuẩn và nhãn mác sản phẩm thực phẩm theo nguyên tắc bảo đảm sự thống nhất, chặt chẽ và không chồng chéo.
7. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chỉ đạo bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong hệ thống các trường học. Tuyệt đối không để các cơ sở cung ứng dịch vụ ăn uống chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cung ứng các dịch vụ ăn uống trong các trường học. Các bếp ăn tập thể tại các trường phải đảm bảo các tiêu chuẩn quy định để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trước ngày 01 tháng 01 năm 2008;
- Hoàn chỉnh việc xây dựng mô hình điểm về việc cung ứng suất ăn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ở các trường học trên địa bàn quận Bình Thạnh, tổ chức tổng kết đánh giá để nhân rộng cho các quận - huyện khác; Phối hợp với chính quyền địa phương giám sát các quầy, gánh hàng rong thực phẩm đang kinh doanh xung quanh trường;
- Phối hợp với Sở Y tế tổ chức tuyên truyền, giáo dục vệ sinh an toàn thực phẩm trong các trường học, đồng thời huy động giáo viên và học sinh tham gia tích cực công tác về vệ sinh an toàn thực phẩm.
8. Công an thành phố
- Chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành liên quan kiểm tra phát hiện, xử lý và hỗ trợ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ liên quan, phối hợp với lực lượng Hải quan và địa phương kiểm soát, ngăn chặn việc nhập lậu thực phẩm vào thành phố;
- Phối hợp với các Sở - ngành liên quan tham gia tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức và thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
9. Sở Văn hóa và Thông tin
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các Sở - ngành liên quan chỉ đạo tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm;
- Chỉ đạo hệ thống báo chí, Đài Phát thanh, Truyền hình, các Đội thông tin lưu động, hệ thống truyền thanh ở phường - xã, thị trấn dành thời lượng thích đáng, thời gian phát sóng phù hợp để phổ biến kiến thức, quy định pháp luật và các hoạt động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân dân;
- Quản lý chặt chẽ việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm.
10. Sở Nội vụ
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Thanh tra thành phố và các Sở - ngành liên quan hoàn chỉnh các đề án về tổ chức, nhân sự hệ thống quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các Sở - ngành liên quan hoàn chỉnh quy chế phối hợp liên ngành trong các hoạt động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
11. Sở Tài chính
- Cân đối bảo đảm tài chính cho các hoạt động của chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm;
- Hướng dẫn sử dụng tiền phạt về vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm phục vụ tốt cho các hoạt động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy định.
12. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Xây dựng kế hoạch đầu tư và huy động các nguồn lực từ xã hội và các tổ chức quốc tế để xây dựng hệ thống cơ sở vật chất và kỹ thuật cho công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp tích cực tham gia giáo dục, hướng dẫn người dân, đoàn viên, hội viên hiểu biết đầy đủ và ý thức chấp hành các quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện tốt quyền tự chọn lựa sản phẩm thực phẩm cho tiêu dùng, tố giác các hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm; Liên đoàn Lao động thành phố phát động cuộc vận động tăng cường chất lượng bữa ăn của người lao động trong các cơ sở sản xuất, đưa nội dung cuộc vận động vào hợp đồng lao động tập thể với chủ doanh nghiệp.
14. Yêu cầu Thủ trưởng các Sở - ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận -huyện chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này; định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo kết quả thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo cho Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Y tế.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
Nguyễn Thành Tài |
- 1Quyết định 2596/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Kế hoạch hành động bảo đảm Vệ sinh an toàn thực phẩm của Thành phố giai đoạn 2006 - 2010 do Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành.
- 2Chỉ thị 03/2010/CT-UBND tăng cường biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Cần Thơ
- 3Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2011 về tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 4Quyết định 2028/QĐ-UBND năm 2016 bãi bỏ văn bản do Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 5Quyết định 855/QĐ-UBND năm 2017 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2016
- 6Quyết định 701/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2014-2018 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 1Quyết định 2028/QĐ-UBND năm 2016 bãi bỏ văn bản do Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Quyết định 855/QĐ-UBND năm 2017 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2016
- 3Quyết định 701/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2014-2018 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 1Chỉ thị 06/2007/CT-TTg triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 2596/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Kế hoạch hành động bảo đảm Vệ sinh an toàn thực phẩm của Thành phố giai đoạn 2006 - 2010 do Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành.
- 3Chỉ thị 03/2010/CT-UBND tăng cường biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Cần Thơ
- 4Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2011 về tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể do tỉnh Thanh Hóa ban hành
Chỉ thị 16/2007/CT-UBND về việc triển khai biện pháp cấp bách bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành.
- Số hiệu: 16/2007/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 29/06/2007
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Thành Tài
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 43
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra