Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16/2003/CT-TTg

Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2003

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, CHỈ ĐẠO, TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC MIỀN NÚI, BIÊN GIỚI VÀ VÙNG SÂU, VÙNG XA (CHƯƠNG TRÌNH 135)

Trong những năm qua, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình 135. Chương trình đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, tăng cường đoàn kết các dân tộc, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa của đất nước.

Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình vẫn còn bộc lộ một số thiếu sót: đầu tư thực hiện 5 nhiệm vụ của chương trình chưa đồng bộ, còn nặng về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các nhiệm vụ khác của chương trình chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; có nhiều nguồn lực đầu tư trên cùng địa bàn nhưng quản lý, điều hành lồng ghép còn hạn chế; không ít địa phương còn ỷ lại, trông chờ vào vốn đầu tư bằng ngân sách Trung ương. Những nguyên tắc chủ yếu quản lý chương trình chưa được thực hiện đầy đủ. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của các Bộ, ngành Trung ương, của Uỷ ban nhân dân các cấp đối với việc thực hiện chương trình tại các địa phương chưa thường xuyên, chưa sâu sát. Vì vậy, kết quả đạt được chưa toàn diện và vững chắc.

Để thực hiện Chương trình 135 đạt hiệu quả cao và hoàn thành được mục tiêu vào năm 2005, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Đối với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Uỷ ban nhân dân tỉnh):

a. Tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các dự án xây dựng công trình hạ tầng thuộc Chương trình 135, cụ thể là:

- Thực hiện đầy đủ các nguyên tắc quy định tại Thông tư liên tịch số 666/2001/TTLT/BKH-UBDTMN-TC-XD ngày 23 tháng 8 năm 2001 của Liên bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi, Tài chính, Xây dựng về hướng dẫn quản lý đầu tư và xây dựng công trình hạ tầng thuộc Chương trình 135.

- Trong năm 2003 và các năm tiếp theo cần ưu tiên đầu tư cho việc khai hoang để có đất bố trí cho những hộ thiếu đất sản xuất, đất ở và phục vụ qui hoạch bố trí dân cư; xây dựng công trình thủy lợi vừa và nhỏ cung cấp nước cho sản xuất; trường học, trạm xá phải xây dựng kiến cố, đồng bộ cả trang thiết bị, nhà ở công vụ cho giáo viên, cán bộ y tế, tuỳ theo đặc điểm, điều kiện của từng địa phương để thực hiện xây dựng theo thiết kế mẫu nhằm giảm chi phí.

- Đẩy mạnh việc phân cấp cho cấp huyện hoặc cấp xã quyết định quản lý đầu tư. Các cơ quan chức năng cấp tỉnh, cấp huyện chịu trách nhiệm giúp đỡ, hướng dẫn về quản lý đầu tư, quản lý tài chính, chuyên môn kỹ thuật cho cấp xã nhằm đảm bảo chất lượng công trình và hiệu quả đầu tư.

- Từ năm 2003 trở đi không để tình trạng sử dụng vốn xây dựng các công trình năm trước kéo dài sang năm sau (trừ các dự án được phê duyệt thực hiện trong hai năm); các địa phương phải chủ động trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án và quyết định đầu tư hoàn thành trong quí IV năm trước, tổ chức thực hiện đầu tư ngay từ tháng đầu quí I năm kế hoạch.

b. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xã, bản, làng, phum, sóc về các nội dung: quản lý kinh tế, xã hội; an ninh quốc phòng; công tác tổ chức, vận động nhân dân thực hiện xoá đói giảm nghèo; quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ để xã có đủ khả năng làm chủ đầu tư dự án; tập huấn nghiệp vụ cho Ban giám sát xã đủ khả năng giám sát công trình từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư đến thanh quyết toán, nghiệm thu, bàn giao công trình đưa vào sử dụng.

c. Tăng cường chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; có biện pháp giúp đỡ, tạo điều kiện cho kinh tế hộ và kinh tế tập thể phát triển; xây dựng một số mô hình mẫu với quy mô nhỏ (hộ hoặc nhóm hộ) về phát triển sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông lâm sản.

d. Tiến hành rà soát việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã và trung tâm cụm xã theo qui hoạch và kế hoạch. Những xã đã đủ công trình hạ tầng thì tập trung đầu tư trực tiếp cho phát triển sản xuất để những xã này có điều kiện chuyển sang giai đoạn phát triển mới với yêu cầu trình độ cao hơn.

Những xã thuộc chương trình đã vượt qua đói nghèo một cách cơ bản, vững chắc thì Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh đề xuất để công nhận xã đạt mục tiêu Chương trình 135.

đ. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh có biện pháp tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện việc huy động, bố trí các nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án khác trên địa bàn với Chương trình 135, đặc biệt là các tỉnh thuộc các vùng: Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh đặc biệt khó khăn miền núi phía Bắc đang thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2001 - 2005.

2. Đối với các Bộ, ngành Trung ương:

a. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các tỉnh đẩy mạnh sản xuất giống cây trồng, vật nuôi (kể cả nhập khẩu giống) có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện tự nhiên, phù hợp với chuyển đổi cơ cấu sản xuất của từng địa phương để cung cấp cho nông dân. Hỗ trợ, hướng dẫn nông dân về bảo quản và chế biến sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp theo qui mô hộ và nhóm hộ; phát triển đa dạng hoá các hình thức tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân; đẩy mạnh việc thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng.

b. Uỷ ban Dân tộc phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương thực hiện các nhiệm vụ:

- Xây dựng chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào quí IV năm 2003.

- Xây dựng Thông tư liên tịch về tiêu chí đánh giá các xã đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, hướng dẫn các địa phương thực hiện.

- Tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện kế hoạch năm 2002 và 6 tháng đầu năm 2003 của Chương trình 135 tại miền Bắc và miền Nam, đồng thời chuẩn bị các nội dung cần thiết để báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình vào đầu năm 2004.

3. Công tác kiểm tra thực hiện Chương trình 135:

- Công tác kiểm tra thực hiện chương trình phải được tiến hành thường xuyên cho đến khi kết thúc chương trình, thành viên Ban Chỉ đạo các cấp phải đi kiểm tra cơ sở ít nhất mỗi năm một lần. Kết thúc đợt kiểm tra các thành viên Ban Chỉ đạo phải báo cáo kết quả kiểm tra cho cơ quan thường trực chương trình cùng cấp để tổng hợp chung và báo cáo cấp trên (ở huyện báo cáo Chủ tịch huyện, ở tỉnh báo cáo Chủ tịch tỉnh, ở Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ).

- Uỷ ban Dân tộc có trách nhiệm xây dựng nội dung kiểm tra Chương trình 135 và hướng dẫn các địa phương thực hiện; đồng thời phân công các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình 135 Trung ương đi kiểm tra các tỉnh thực hiện Chương trình 135 năm 2003.

Các công việc nêu trên Uỷ ban Dân tộc hoàn thành trong tháng 7 năm 2003.

4. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

 

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 16/2003/CT-TTg về tăng cường quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135) do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 16/2003/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 18/06/2003
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 69 đến số 70
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản