Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1572/CT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 12 tháng 05 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH, ĐUỐI NƯỚC CHO TRẺ EM, HỌC SINH, SINH VIÊN

Trong thời gian vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch để chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trong học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, gần đây đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước nghiêm trọng, dẫn đến những cái chết thương tâm của nhiều trẻ em, học sinh, gây tổn thất đối với gia đình, nhà trường và xã hội.

Thực hiện Công điện số 641/CĐ-TTg ngày 15/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả vụ tai nạn học sinh đuối nước tại sông Trà Khúc thuộc thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc các đại học, học viện; Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo

- Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 05/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020, các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành Trung ương về công tác này đến các cấp quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục, ban đại diện cha mẹ học sinh và các em học sinh. Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh, gia đình và cộng đồng về các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh.

- Chỉ đạo các nhà trường phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc quản lý, giáo dục học sinh về ý thức phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước; đưa nội dung giáo dục kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước vào các hoạt động của trường, lớp, Đoàn, Đội; khuyến cáo học sinh không tắm, bơi ở những nơi có nguồn nước không đảm bảo vệ sinh; sông, suối, thác, ghềnh hiểm trở và những nơi nguy hiểm khác.

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các sở, ban ngành liên quan tổ chức các hoạt động hè vui tươi, lành mạnh và an toàn cho học sinh.

- Tham mưu bố trí nguồn kinh phí hợp lý, đồng thời tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực của xã hội để tổ chức dạy bơi cho học sinh nhằm nâng cao kỹ năng bơi, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho học sinh.

- Tham mưu, đề xuất địa phương lắp đặt hệ thống các biển cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao có thể xảy ra đuối nước, những khu vực vắng người qua lại trên địa bàn.

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về bơi cho đội ngũ giáo viên thể dục; khai thác, sử dụng có hiệu quả các công trình thể thao trên địa bàn, trong đó có các bể bơi, có chính sách khuyến khích, tạo Điều kiện thuận lợi cho các em học sinh được học bơi; đồng thời khuyến khích, vận động cha mẹ học sinh cho con em tham dự các lớp học bơi trong dịp hè.

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước trên địa bàn.

2. Đối với các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp

- Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh, sinh viên trong nhà trường; lồng ghép, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục phòng, chống đuối nước trong chương trình giáo dục chính trị đầu năm học cho học sinh, sinh viên.

- Giao cho khoa hoặc bộ môn giáo dục thể chất kiểm tra, rà soát những học sinh, sinh viên chưa biết bơi và có giải pháp phù hợp để hướng dẫn các em tham gia các lớp học bơi.

- Hướng dẫn học sinh, sinh viên đảm bảo an toàn khi tham gia các hoạt động thực tế, dã ngoại, tránh những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước.

- Giao cho phòng (ban, bộ phận) phụ trách công tác học sinh, sinh viên làm đầu mối theo dõi, tổng hợp, kiểm tra, đôn đốc, tiếp nhận, xử lý thông tin về công tác phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước.

3. Tổ chức thực hiện

- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và Thủ trưởng các cơ sở đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Công tác học sinh, sinh viên) trước ngày 15/6 hằng năm.

- Vụ Công tác học sinh, sinh viên chủ trì, phối hợp với các Vụ: Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Trung học, Giáo dục thường xuyên, Giáo dục Chuyên nghiệp, Giáo dục Đại học, Giáo dục dân tộc tham mưu chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc triển khai Chỉ thị của các địa phương và cơ sở đào tạo; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị tại hội nghị tổng kết năm học hằng năm.

Chỉ thị này được phổ biến tới cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên tại các nhà trường và cơ sở giáo dục để quán triệt và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- PTTgCP Vũ Đức Đam (để b/c);
- Ban Tuyên giáo TW (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Quốc hội (để b/c);
- UBVHGDTNTNNĐ của Quốc hội (để b/c);
- Bộ Y tế (để ph/h);
- Bộ LĐTBXH (để ph/h);
- Bộ VHTTDL (để ph/h);
- Trung ương Đoàn TNCSHCM (để ph/h);
- Các Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố (để ph/h);
- Công đoàn Giáo dục Việt Nam (để ph/h);
- Hội Khuyến học Việt Nam (để ph/h);
- Hội Cựu Giáo chức Việt Nam (để ph/h);
- Các Thứ trưởng (để ph/h);
- Các đơn vị thuộc Bộ GDĐT (để th/h);
- Các sở GDĐT (để th/h);
- Các ĐH, HV, trường ĐH, CĐ, TCCN (để th/h);
- Website Bộ;
- Lưu: VT, Vụ CTHSSV.

BỘ TRƯỞNG




Phùng Xuân Nhạ