Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/CT-UBND | Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 13 tháng 11 năm 2019 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ KIỂM SOÁT TIỀN CHẤT CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; sau thời gian thực hiện Luật phòng, chống ma túy, Luật hóa chất, công tác quản lý, kiểm soát tiền chất công nghiệp đã đạt được một số kết quả nhất định. Các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng tiền chất công nghiệp đã nâng cao ý thức pháp luật trong việc chấp hành các quy định về quản lý tiền chất. Công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất là tiền chất công nghiệp đã được thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Hóa chất và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Nhiều giải pháp về quản lý tiền chất đã được triển khai đồng bộ như: định kỳ phối hợp kiểm tra liên ngành hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng tiền chất công nghiệp; hoạt động truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, phong phú…
Tiền chất công nghiệp được xếp vào loại hóa chất lưỡng dụng. Tính lưỡng dụng của các loại tiền chất đang đặt ra những khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước. Mục đích của việc kiểm soát tiền chất theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy là theo dõi đường đi của tiền chất, quản lý đến người sử dụng cuối cùng nhăm đảm bảo tiền chất được sử dụng đúng mục đích, không làm thất thoát vào mục đích bất hợp pháp. Yêu cầu đặt ra đối với công tác quản lý, kiểm soát tiền chất là vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng ngừa thất thoát tiền chất vào sản xuất ma túy. Thời gian qua, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến hết sức phức tạp, xuất hiện tình trạng lợi dụng tiền chất công nghiệp để sản xuất ma túy có chiều hướng gia tăng. Nhận thức của một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và sử dụng tiền chất công nghiệp, của một bộ phận các cơ quan, đơn vị còn chưa đầy đủ, thống nhất. Việc mua đi, bán lại, đường đi của tiền chất công nghiệp khiến cho công tác quản lý, kiểm soát tiền chất đến người sử dụng cuối cùng còn gặp nhiều khó khăn. Các quy định về quản lý, kiểm soát tiền chất công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, kiểm soát tiền chất công nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng tiền chất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:
1. Sở Công thương
a) Quản lý chặt chẽ việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp (bao gồm các tiền chất công nghiệp).
b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng và tồn trữ tiền chất công nghiệp trên địa bàn để phát hiện những sai sót, kẽ hở trong công tác quản lý, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
c) Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tiền chất công nghiệp trên địa bàn, nâng cao kỹ năng quản lý tiền chất công nghiệp tránh thất thoát vào sản xuất ma túy.
d) Tổng hợp, thống kê tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh tiền chất công nghiệp trên địa bàn tỉnh; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công thương.
2. Cục Quản lý Thị trường:
Tiến hành rà soát, giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán tiền chất công nghiệp trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tiền chất công nghiệp lưu thông trên thị trường và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
3. Cục Hải quan
a) Tăng cường giám sát quản lý hải quan trong quá trình xuất nhập khẩu tiền chất công nghiệp.
b) Thông báo tình hình nhập khẩu tiền chất ma túy cho các cơ quan quản lý khi có yêu cầu.
c) Phối hợp với các cơ quan có liên quan trong thanh tra, kiểm tra chấp hành quy định pháp luật về hóa chất của các tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu tiền chất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
4. Công an tỉnh
a) Kịp thời thông tin, trao đổi với Sở Công thương để có biện pháp phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm khi nhận được nguồn tin, tài liệu hoặc phát hiện những sai phạm trong công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
b) Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm các hoạt động liên quan đến ma túy theo quy định của pháp luật.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
a) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về hóa chất nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về việc chấp hành các quy định của pháp luật về hóa chất; đặc biệt là việc quản lý an toàn trong hoạt động hóa chất, phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
b) Rà soát, thống kê và cập nhật đầy đủ danh sách các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trên địa bàn quản lý, đặc biệt đối với tiền chất công nghiệp (gửi Sở Công thương tổng hợp trước ngày 30 tháng 12 hàng năm).
c) Tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động hóa chất và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
6. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Báo Bà Rịa-Vũng Tàu: Tích cực tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức truyền thông để truyền tải thông điệp về phòng, chống ma túy, phòng chống thất thoát tiền chất công nghiệp vào sản xuất, kinh doanh ma túy.
7. Các đơn vị SXKD có hoạt động liên quan đến tiền chất công nghiệp
a) Chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về hóa chất; tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt việc thực hiện các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động hóa chất nhất là các hóa chất nguy hiểm, độc hại; đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, cất giữ và sử dụng hóa chất.
b) Trong quá trình sản xuất, kinh doanh tổ chức, cá nhân phải có biện pháp quản lý, kiểm soát tiền chất công nghiệp và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm thất thoát tiền chất công nghiệp.
c) Lập sổ riêng theo dõi tình hình sản xuất tiền chất công nghiệp. Sổ theo dõi bao gồm: Số lượng tiền chất đã sản xuất, số lượng tồn kho, số lượng đã bán, địa chỉ trụ sở chính, số điện thoại, số fax, mục đích sử dụng của tổ chức, cá nhân mua tiền chất công nghiệp.
d) Thực hiện ký cam kết không để thất thoát tiền chất công nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, sử dụng và tồn trữ gửi về Sở Công thương.
đ) Tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất hoặc cử các đối tượng làm việc liên quan đến hóa chất nguy hiểm tham gia các khóa huấn luyện an toàn hóa chất theo quy định.
e) Thực hiện báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng và tồn trữ tiền chất công nghiệp trên hệ thống cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia tại địa chỉ http://chemicaldata.gov.vn/cms.xs theo quy định tại Thông tư số 32/2017/TT-BCT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.
8. Tổ chức thực hiện:
a) Giao Sở Công thương là cơ quan đầu mối theo dõi đôn đốc, định kỳ hành năm tổng hợp báo cáo tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị này.
b) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức triển khai Chỉ thị này theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc và để xuất giải pháp khắc phục (nếu có) về Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Công thương để tổng hợp, báo cáo./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 16/2019/QĐ-UBND về Quy chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái
- 2Quyết định 35/2019/QĐ-UBND về Quy chế quản lý hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 3Quyết định 46/2019/QĐ-UBND về Quy chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
- 1Luật Phòng, chống ma túy 2000
- 2Luật Hóa chất 2007
- 3Thông tư 32/2017/TT-BCT về hướng dẫn Luật hóa chất và Nghị định 113/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật hóa chất do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành
- 4Chỉ thị 36-CT/TW năm 2019 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 5Quyết định 16/2019/QĐ-UBND về Quy chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái
- 6Quyết định 35/2019/QĐ-UBND về Quy chế quản lý hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 7Quyết định 46/2019/QĐ-UBND về Quy chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2019 về nâng cao hiệu quản công tác quản lý kiểm soát tiền chất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- Số hiệu: 15/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 13/11/2019
- Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- Người ký: Lê Tuấn Quốc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/11/2019
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra