Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2008/CT-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 19 tháng 11 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM

Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 38/CT-TW, ngày 30/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Chỉ thị số 55/CT-TW, ngày 28/6/2000 của Bộ Chính trị về sự tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng ở cơ sở đối với công tác Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (BVCS&GDTE); được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp đồng bộ của ban, ngành, đoàn thể công tác BVCS&GDTE đã đạt được những kết quả quan trọng: Tỷ lệ tử vong, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi giảm đáng kể, chất lượng giáo dục ở trẻ em được quan tâm tốt hơn, hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em đã đạt được nhiều hiệu quả thiết thực trong việc giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như phẫu thuật chỉnh hình, tặng quà, trao học bổng...

Tuy vậy, công tác BVCS&GDTE của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được tiếp tục quan tâm giải quyết như: Công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em chưa được tốt; tỷ lệ trẻ em vùng khó khăn đến trường chưa cao, nhất là lứa tuổi mẫu giáo, số trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em lang thang, vi phạm pháp luật giảm chậm, cơ sở vật chất trang thiết bị phúc lợi cho trẻ em còn thiếu. Tình hình trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có một số địa phương, một số ngành, đơn vị chưa có giải pháp thiết thực, còn lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động vì trẻ em nên công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em của tỉnh chưa đều, chưa liên tục, chưa sâu rộng. Vị trí của gia đình và khu dân cư trong sự nghiệp BVCS&GDTE chưa được xác định đúng. Bên cạnh đó do việc chuyển đổi chức năng quản lý và tổ chức thực hiện công tác BVCS&GDTE từ Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cũ (nay đã giải thể) sang Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nên một số hoạt động BVCS&GDTE của tỉnh bị gián đoạn, chậm triển khai thực hiện làm ảnh hưởng đến quyền lợi thiết thực của trẻ em.

Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác BVCS&GDTE trên toàn tỉnh trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể và địa phương quán triệt và nghiêm túc tổ chức thực hiện những nội dung sau:

1. Tiếp tục tổ chức quán triệt, phổ biến Chỉ thị 38/CT-TW, ngày 30 tháng 5 năm 1994 của Ban bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác BVCS&GDTE, Chỉ thị 55/CT-TW, ngày 28 tháng 6 năm 2000 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng ở cơ sở đối với công tác BVCS&GDTE, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, Nghị định số 36/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVCS&GDTE, nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của toàn xã hội về tính cấp bách cũng như tầm quan trọng của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong giai đoạn mới. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương cũng như vai trò, vị trí của gia đình, cụm dân cư trong việc thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em của tỉnh ĐắkLắk giai đoạn 2006-2010, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên được đề ra trong kế hoạch công tác hàng năm của các đơn vị, địa phương.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch BVCS&GDTE hàng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Tổ chức thực hiện “Tháng hành động vì trẻ em”, “Ngày Quốc tế Thiếu nhi” và “Tết Trung thu” hàng năm một cách chu đáo và có hiệu quả.

Kiện toàn hệ thống cán bộ làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về công tác BVCSGDTE. Thường xuyên kiểm tra đôn đốc thực hiện các mục tiêu vì trẻ em.

3. UBND các huyện, thành phố: Căn cứ chương trình công tác BVCS&GDTE và kế hoạch BVCS&GDTE hàng năm của Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cho các phòng chức năng và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn xây dựng chương trình công tác, kế hoạch Tháng hành động vì trẻ em gắn với việc tổ chức các hoạt động hè và chiến dịch thanh niên tình nguyện phù hợp với thực tế của mỗi địa phương.

Tiếp tục tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, trao học bổng cho trẻ em nghèo học giỏi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tổ chức các hoạt động vui chơi văn nghệ nhân ngày Quốc tế thiếu nhi, Ngày Tết Trung thu, Tết Nguyên đán hàng năm.

Tăng cường các hoạt động huy động các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ở trong và ngoài nước đóng góp kinh nghiệm, sáng kiến, kinh phí và vật chất nhằm thực hiện các mục tiêu vì trẻ em, phát động vận động toàn thể nhân dân đóng góp cho Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp quản lý, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, phấn đấu đạt 100% các huyện, thành phố và cơ sở thành lập Quỹ Bảo trợ trẻ em theo Điều 39 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Kết hợp lồng ghép các hoạt động thực hiện các đề án thuộc Quyết định 19/2004/QĐ-TTg ngày 12/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại nguy hiểm giai đoạn 2004-2010 với hoạt động chăm sóc, giúp đỡ trẻ em khuyết tật, tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tiếp tục mở rộng xây dựng mô hình “Xã, phường phù hợp với trẻ em”, chủ động phòng chống các loại tai nạn thương tích cho trẻ em đặc biệt trong dịp nghỉ hè.

Bố trí cán bộ làm công tác BVCS&GDTE, có năng lực nhiệt tình và có kỹ năng công tác xã hội để theo dõi chính xác số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị khuyết tật, tàn tật, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa để thực hiện tốt các chính sách đối với trẻ em.

4. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tùy theo chức năng của mình xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp thực hiện tốt các hoạt động Vì trẻ em hàng năm xem đây là nhiệm vụ của ngành để góp phần thực hiện thông điệp: “Hãy giành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em”; Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khám bệnh miễn phí cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, vận động các nguồn lực đóng góp cho Quỹ Bảo trợ trẻ em.

5. Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Báo Đắk Lắk, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các mục tiêu chương trình hành động vì trẻ em, phổ biến các kiến thức nuôi dưỡng giáo dục và bảo vệ trẻ em, nêu gương tốt, việc tốt, nâng cao trách nhiệm của gia đình đặc biệt là của cha mẹ đối với việc nuôi dưỡng con cái thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

6. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền người dân đề cao vai trò và trách nhiệm của gia đình, giúp đỡ và tạo điều kiện cần thiết để các gia đình thể hiện trách nhiệm đối với thế hệ trẻ, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển của trẻ em. Tôn trọng và bảo đảm cho trẻ được thực hiện các quyền và bổn phận của trẻ em trước gia đình và xã hội. Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình với các ngành đoàn thể để giáo dục trẻ em nhất là đối với các trường hợp cá biệt.

7. Giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra đánh giá việc thực hiện Chỉ thị này và báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh trước ngày 15 tháng 7 hàng năm.

8. Xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với những trường hợp xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, đặc biệt là bạo lực, xâm hại tình dục, buôn bán trẻ em...

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện và thành phố theo nhiệm vụ được giao nghiêm túc triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện với Ủy ban Nhân dân tỉnh (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) trước ngày 01 tháng 7 hàng năm để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Bộ LĐTBXH (B/cáo);
- Cục BVCSGDTE;
- Cục kiểm tra VBQPPL(Bộ Tư pháp);
- Thường trực tỉnh ủy; Báo cáo
- Thường trực HĐND tỉnh; Báo cáo
- Đoàn ĐBQH tỉnh; (để giám sát)
- UBMTTQVN tỉnh; (để giám sát)
- Chủ tịch và các Phó chủ tịch UBND tỉnh;
- Ban VHXH HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành của tỉnh;
- UBND các huyện, TPBMT;
- Công báo tỉnh;
- Báo ĐakLak, Đài PTTH tỉnh;
- Chánh VP UBND tỉnh, P.CVP UBND tỉnh;
- TTLT, TTTH, TM, TH, NC;
- Lưu: VX,VT(T.75).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lữ Ngọc Cư

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 15/2008/CT-UBND về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em do tỉnh Đắk Lắk ban hành

  • Số hiệu: 15/2008/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 19/11/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Lữ Ngọc Cư
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/11/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 09/08/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản