Hệ thống pháp luật

BỘ CHÍNH TRỊ
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 55-CT/TW

Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2000

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA CÁC CẤP UỶ ĐẢNG Ở CƠ SỞ ĐỐI VỚI CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM

Những năm gần đây, nhất là từ khi có Chỉ thị 38-CT/TW, ngày 30-5-1994, của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá VII), việc thực hiện Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Công ước quốc tế về quyền trẻ em và Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em 1991-2000 đã đạt được nhiều kết quả tốt. Tình hình sức khoẻ, học tập, đời sống văn hoá tinh thần của trẻ em đã có nhiều cải thiện.

Tuy vậy, số trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ em bị thất học, bỏ học vẫn còn nhiều, nhất là ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trẻ em lang thang kiếm sống, trẻ em làm trái pháp luật, trẻ em nghiện hút ma tuý không giảm, đặc biệt nghiêm trọng là tình trạng buôn bán trẻ em, hiếp dâm trẻ em, lừa gạt, dụ dỗ trẻ em tham gia buôn bán ma tuý, mại dâm ngày một tăng. Tình hình trên đang có tác động xấu đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em, đến thuần phong mỹ tục của nhân dân. Trong khi đó, nhiều cấp uỷ đảng, chính quyền, nhất là ở cơ sở, chưa thấy hết tính cấp bách của tình hình trẻ em; chưa nhận thức đầy đủ vị trí và tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì tương lai lâu dài của đất nước; còn lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phong trào toàn xã hội, đặc biệt là tạo điều kiện và phát huy vai trò của các gia đình, cộng đồng để giải quyết tốt những vấn đề về trẻ em.

Để đảm bảo cho thế hệ trẻ Việt Nam được phát triển toàn diện, giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tiếp thu được những tinh hoa của thế giới, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; chủ động phòng ngừa, khắc phục những tác động tiêu cực mới đối với trẻ em trong bối cảnh hiện nay, các cấp uỷ đảng ở cơ sở cần lãnh đạo thực hiện tốt những việc sau đây:

1. Tạo cho được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cấp uỷ đảng ở cơ sở về tính cấp bách cũng như tầm quan trọng của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục trong Đảng và trong nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, luật pháp của Nhà nước về trẻ em; bồi dưỡng, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cho cộng đồng và gia đình.

2. Lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch hành động vì trẻ em 5 năm và hàng năm của địa phương, chăm lo phát triển toàn diện cho trẻ em về sức khoẻ, trí tuệ, đạo đức, văn hoá tinh thần, để trở thành những công dân xã hội chủ nghĩa nhỏ tuổi, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất sự xâm hại đối với trẻ em. Có biện pháp giải quyết tốt một số mục tiêu quan trọng như: giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, giúp đỡ để mọi trẻ em được phổ cập giáo dục theo quy định, giảm trẻ em thất học, bỏ học, lưu ban, thu hút trẻ em quá độ tuổi vào các lớp học, tích cực phòng chống tình trạng dụ dỗ trẻ em tham gia buôn bán và nghiện hút ma tuý, trẻ em bị xâm hại, trẻ em làm trái pháp luật, trẻ em lang thang kiếm sống; đầu tư và huy động các nguồn lực để phát triển nhà trẻ, lớp mẫu giáo, điểm văn hoá, vui chơi cho trẻ em. Đưa các mục tiêu vì trẻ em, lồng ghép và ưu tiên giải quyết các vấn đề có liên quan đến trẻ em trong kế hoạch và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

Phân công đảng viên thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đi sâu đến từng hộ gia đình nắm chắc tình hình trẻ em. Định kỳ nghe báo cáo tình hình công tác trẻ em và tổ chức kiểm điểm trong chi bộ, đảng bộ cơ sở về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Coi kết quả công tác này là một nội dung để đánh giá hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể và của từng đảng viên, đoàn viên, hội viên.

3. Xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc là một mục tiêu quan trọng. Đề cao vai trò và trách nhiệm của gia đình, giúp đỡ và tạo điều kiện cần thiết để các gia đình thực hiện trách nhiệm đối với thế hệ trẻ, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển của trẻ em. Tôn trọng và bảo đảm cho trẻ em được thực hiện các quyền và bổn phận của mình trước gia đình và xã hội. Xây dựng tình làng, nghĩa xóm, khuyến khích các gia đình giúp đỡ lẫn nhau trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cháu, đỡ đầu trẻ em mồ côi không nơi nương tựa. Giúp đỡ tạo việc làm cho các gia đình có trẻ em khó khăn. Đảng viên phải gương mẫu xây dựng gia đình hoà thuận, nuôi dạy con tốt. Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và các ngành, đoàn thể để giáo dục trẻ em, nhất là đối với những trường hợp cá biệt; chú trọng giáo dục cho trẻ em tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, những giá trị văn hoá, đạo đức, truyền thống cách mạng của dân tộc và của mỗi địa phương.

Hàng năm, tổ chức "Ngày gia đình" trong tháng hành động vì trẻ em (từ 15-5 đến 30-6), nhằm thúc đẩy phong trào toàn xã hội xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc, nuôi dạy con tốt.

4. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các tổ chức kinh tế, xã hội v.v. các cấp và ở từng địa phương, cơ sở, từng khu dân cư cần tích cực tham gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tăng cường chỉ đạo Đội Thiếu niên tiền phong, Sao nhi đồng tổ chức thu hút tất cả thiếu niên, nhi đồng tham gia vào các hình thức sinh hoạt tập thể, hoạt động xã hội, văn hoá, thể thao v.v. cho trẻ em. Khuyến khích các hoạt động nhân đạo, từ thiện vì trẻ em. Đưa các nội dung về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vào các hương ước, quy ước, các tiêu chuẩn của "gia đình văn hoá", "làng văn hoá", gắn hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em với nội dung xây dựng khu dân cư. Khen thưởng, biểu dương kịp thời những tổ chức, gia đình, cá nhân có thành tích bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Xử lý thích đáng và tạo dư luận xã hội nghiêm khắc lên án những hành vi xâm hại trẻ em.

5. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở cơ sở. Bố trí cán bộ có năng lực, có tâm huyết, có điều kiện để phụ trách công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở xã, phường, có chế độ đào tạo, bồi dưỡng và phụ cấp thích hợp. Chăm lo xây dựng đội ngũ những người tình nguyện làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở từng thôn, bản, cụm dân cư.

Các tỉnh uỷ, thành uỷ có kế hoạch lãnh đạo tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở địa phương theo tinh thần Chỉ thị này.

Các bộ, ngành, đảng đoàn các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, trước hết là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Uỷ ban Thể dục thể thao, Tổng cục Thống kê..., Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên phối hợp xây dựng chương trình hành động quốc gia vì trẻ em thời kỳ 2001-2010 và chỉ đạo thực hiện cụ thể đến tận các cơ sở. Mỗi ngành, đoàn thể có chương trình và kế hoạch chỉ đạo và giúp ít nhất một địa phương xã, huyện hoặc tỉnh ở những vùng khó khăn để đạt được các mục tiêu của chương trình quốc gia vì trẻ em. Dành sự quan tâm đặc biệt cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, trẻ em các gia đình chính sách, gia đình nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Ban Khoa giáo Trung ương và Ban cán sự đảng Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị tình hình thực hiện Chỉ thị này.

Chỉ thị này được phổ biến và quán triệt đến chi bộ đảng và đảng viên để thực hiện.

 

 

T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Phạm Thế Duyệt

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 55-CT/TW năm 2000 tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em do Bộ Chính trị ban hành

  • Số hiệu: 55-CT/TW
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/06/2000
  • Nơi ban hành: Bộ Chính trị
  • Người ký: Phạm Thế Duyệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản