Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15/2000/CT-BGD&ĐT

Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 2000

 

CHỈ THỊ

VỀ CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ DẠY THÊM, HỌC THÊM

Để quản lý việc dạy thêm ngoài giờ chính khoá của giáo viên các trường phổ thông công lập, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 242/TTg ngày 24 tháng 5 năm 1993. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên bộ số 16/TT-LB hướng dẫn thực hiện Quyết định này. Tiếp đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều biện pháp tăng cường chỉ đạo quản lý dạy thêm.

Trong thời gian qua, việc quản lý dạy thêm ở một số địa phương đã đạt được kết quả bước đầu. Song, nhìn chung việc quán triệt và thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm chưa đạt yêu cầu đề ra. Tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan mà Nghị quyết Trung ương 2 đã phê phán, vẫn chậm được khắc phục. Những biểu hiện lệch lạc, tiêu cực trong việc dạy thêm từ tiểu học đến trung học phổ thông và ôn luyện thi tuyển sinh không những chưa được ngăn chặn mà ngày càng phổ biến, gây bất bình trong nhân dân.

Học thêm là một nhu cầu của một bộ phận học sinh và gia đình nhằm mở rộng, nâng cao kiến thức. Tuy nhiên, việc học thêm tràn lan với cường độ cao gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu, giảm thời gian tự học, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học. Việc dạy thêm, học thêm tràn lan đang gây ra những hậu quả tiêu cực đáng lo ngại, làm giảm lòng tin của nhân dân vào đội ngũ nhà giáo và nhà trường, vi phạm quy định của Luật Giáo dục về yêu cầu sư phạm của hoạt động giảng dạy, học tập.

Thực trạng đó có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do sự yếu kém trong công tác quản lý của các cấp quản lý giáo dục. Việc chỉ đạo chấn chỉnh chưa kiên quyết, đồng bộ, chưa kết hợp với việc đổi mới nội dung chương trình, cải tiến thi cử.

Tình hình đó đòi hỏi phải có các biện pháp toàn diện để chấn chỉnh, lập lại trật tự, kỷ cương trên lĩnh vực này.

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ DẠY THÊM, HỌC THÊM

Hoạt động "dạy thêm" nêu trong bản Chỉ thị này là giảng dạy ngoài giờ chính khoá cho học sinh phổ thông; giảng dạy ôn luyện thi tuyển sinh các cấp bậc học; giảng dạy các môn tin học, ngoại ngữ ngoài các cơ sở có chức năng đào tạo chuyên ngành, bao gồm dạy thêm thuộc trách nhiệm phục vụ của các trường phổ thông và dạy thêm theo nhu cầu của người học có thu tiền. Trong thời gian tới, việc quản lý dạy thêm phải đạt mục đích, yêu cầu sau:

- Phải tập trung chỉ đạo trong thời gian ngắn nhất khắc phục biểu hiện tiêu cực trong việc dạy thêm của giáo viên các trường phổ thông công lập theo quy định của Quyết định 242/TTg. Xử lý kịp thời mọi sai phạm, nhất là việc bắt ép học sinh học thêm để thu tiền, người cố tình tái phạm phải được xử lý nghiêm khắc, kể cả buộc thôi việc. Đối với trường ngoài công lập (bán công, dân lập, tư thục), hiệu trưởng phải quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm theo nguyên tắc phục vụ học sinh.

- Quản lý thống nhất các lớp dạy thêm theo nhu cầu của người học có thu tiền do tổ chức hoặc cá nhân mở trong hoặc ngoài trường học và cơ sở giáo dục khác (sau đây gọi tắt là trường học), đảm bảo lợi ích của người học và trách nhiệm của người dạy.

II. CÁC BIỆN PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ.

Để đề cao trách nhiệm của nhà trường và giáo viên trong việc tổ chức dạy thêm phục vụ học sinh, đồng thời quản lý chặt chẽ việc dạy thêm theo nhu cầu của người học có thu tiền trên mọi địa bàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Uỷ ban nhân dân các địa phương, các cấp quản lý giáo dục và các trường học triển khai thực hiện tốt các biện pháp sau đây:

1. Quản lý việc dạy thêm thuộc trách nhiệm phục vụ của các trường phổ thông:

a) Đối với bậc tiểu học:

Tổ chức tốt để thu hút tối đa học sinh vào các lớp học 2 buổi/ngày theo nguyện vọng của gia đình học sinh. Ngoài các môn học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, việc đưa thêm các môn khác vào giảng dạy trong trường học (học chính khoá hoặc tự chọn) phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép. Đảm bảo học sinh được nghỉ 2 ngày mỗi tuần. Không tổ chức dạy thêm trong kỳ nghỉ hè. Các trường hợp giáo viên nhận trông nom học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình, không được biến thành lớp dạy thêm.

Việc phụ đạo học sinh kém là trách nhiệm của giáo viên dạy chính khoá. Các Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc bồi dưỡng học sinh giỏi. Không thu tiền của học sinh để chi cho việc phụ đạo học sinh kém và bồi dưỡng học sinh giỏi. Hiệu trưởng tổ chức, quản lý việc dạy thêm ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 5 trong một tháng trước kỳ thi, mỗi tuần không quá 2 buổi, mức thu tiền theo quy định tại Thông tư liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Tài chính số 16/TT-LB ngày 13 tháng 9 năm 1993.

Hiệu trưởng trường tiểu học chịu trách nhiệm quản lý việc dạy thêm của giáo viên theo đúng quy định, chấm dứt tình trạng bắt ép học thêm.

b) Đối với bậc trung học:

Việc phụ đạo học sinh kém là trách nhiệm của giáo viên dạy chính khoá môn đó. Các Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý chặt chẽ việc bồi dưỡng học sinh giỏi. Không thu tiền của học sinh để chi cho việc phụ đạo học sinh kém và bồi dưỡng học sinh giỏi. Hiệu trưởng tổ chức, quản lý việc dạy thêm ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp cuối cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông trong 2 tháng trước kỳ thi, mỗi tuần không quá 3 buổi, mức thu tiền theo quy định tại Thông tư liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Tài chính số 16/TT-LB nói trên.

Hiệu trưởng các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông chịu trách nhiệm quản lý việc dạy thêm của giáo viên theo đúng quy định, hạn chế việc cho phép giáo viên dạy thêm có thu tiền cho học sinh do giáo viên đó dạy chính khoá, kiên quyết chấn chỉnh tình trạng bắt ép học sinh học thêm để thu tiền.

2. Quản lý việc dạy thêm theo nhu cầu của người học trong và ngoài nhà trường:

Ngoài loại hình dạy thêm thuộc trách nhiệm phục vụ của trường phổ thông nêu trên, các lớp dạy thêm khác có thu tiền, do tổ chức hoặc cá nhân mở trong hay ngoài trường học, chỉ được hoạt động sau khi đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký dạy thêm. Việc cho phép dạy thêm phải quán triệt chủ trương kiên quyết chống dạy thêm tràn lan. Các Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quản lý việc dạy thêm các môn học thuộc chương trình trung học phổ thông, các Phòng Giáo dục và Đào tạo giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện quản lý việc dạy thêm các môn học thuộc chương trình trung học cơ sở và tiểu học trên địa bàn.

Trách nhiệm quản lý các lớp dạy thêm theo nhu cầu của người học:

a. Các lớp dạy thêm do giáo viên của trường phổ thông mở trong hoặc ngoài trường do hiệu trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, người dạy phải đăng ký và được sự cho phép, chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý giáo dục địa phương. Các Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép dạy thêm theo chương trình trung học phổ thông, các Phòng Giáo dục và Đào tạo cho phép dạy thêm theo chương trình trung học cơ sở và tiểu học.

b. Các lớp do giảng viên, giáo viên của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp mở trong hoặc ngoài cơ sở đó để luyện thi tuyển sinh hoặc nâng cao kiến thức các môn học thuộc chương trình giáo dục phổ thông phải đăng ký và được sự cho phép, chịu sự kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo theo chức năng quản lý nhà nước. Các cơ sở giáo dục có giảng viên, giáo viên dạy thêm chịu trách nhiệm phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc quản lý các lớp dạy thêm này.

c. Ngoài các lớp nói ở mục a và b, các lớp do tổ chức, cá nhân khác mở để củng cố, nâng cao kiến thức, luyện thi các môn học thuộc chương trình giáo dục phổ thông phải đăng ký và được sự cho phép, chịu sự kiểm tra của Sở hoặc Phòng Giáo dục và Đào tạo theo phân cấp quy định nói trên. Các lớp (trung tâm) dạy tin học, ngoại ngữ do cá nhân hoặc tổ chức (cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục) không có chức năng đào tạo chuyên ngành môn học đó lập ra phải đăng ký và được sự cho phép, chịu sự kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo. Những người dạy thêm không tổ chức nhiều người học thành lớp mà theo hình thức "gia sư", dạy kèm cặp từng học sinh theo yêu cầu của gia đình, không thuộc loại hình tổ chức dạy thêm phải đăng ký xin phép nhưng phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng và nội dung giảng dạy.

Để quản lý chặt chẽ các loại hình hoạt động giáo dục có thu tiền của người học trên địa bàn, các Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu để Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành quy định quản lý cho phù hợp với thực tế địa phương. Cần quy định cụ thể về điều kiện đảm bảo mở lớp (trình độ người dạy, cơ sở vật chất), quản lý thu chi học phí. Thực hiện các quy định tại Nghị định 73/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 8 năm 1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao đối với người mở lớp dạy thêm. Tổ chức hoặc cá nhân mở lớp được hưởng các chính sách ưu đãi và phải thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định tại Nghị định và các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định nói trên. Quy định cụ thể về quy mô tối thiểu của lớp dạy thêm bắt buộc phải đăng ký xin phép và thủ tục đăng ký, chế độ thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm. Các Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu để Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định khung mức học phí, mức thu của từng lớp theo nguyên tắc thoả thuận trong khung mức đã được quy định. Việc cho phép dạy thêm phải lựa chọn những người có trình độ chuyên môn tốt, ưu tiên những người có tay nghề giỏi đã hoàn thành tốt công tác được giao, không cho phép những người tay nghề yếu được dạy thêm. Đảm bảo việc học thêm là tự nguyện, xử lý thích đáng việc bắt ép học thêm để thu tiền. Xử lý các trường hợp mở lớp trái phép theo quy định tại Điều 108 của Luật Giáo dục.

III.TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

Để chấn chỉnh có hiệu quả tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các cấp khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương này. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào sẽ có các giải pháp đồng bộ nhằm góp phần khắc phục nguyên nhân của tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Kết hợp việc giáo dục động viên lương tâm trách nhiệm của nhà giáo với biện pháp quản lý công chức.

Các Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để triển khai thực hiện Chỉ thị này đến cơ sở. Việc tiếp nhận đăng ký và cho phép mở lớp phải được giải quyết nhanh gọn, tránh phiền hà. Phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra tình hình dạy thêm, học thêm trên địa bàn, xử lý những người hành nghề trái phép hoặc được phép mở lớp nhưng không đảm bảo chất lượng giảng dạy, trình độ người dạy và cơ sở vật chất theo đăng ký. Tiếp thu những ý kiến đóng góp của nhân dân, kịp thời xem xét, giải quyết và trả lời những khiếu nại, tố cáo về vấn đề dạy thêm, học thêm thuộc trách nhiệm quản lý trên địa bàn.

Thanh tra Giáo dục chủ trì phối hợp với các Vụ Tiểu học, Trung học phổ thông, Giáo dục thường xuyên, Đại học và các cơ quan liên quan đôn đốc việc triển khai, kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị này ở các địa phương, định kỳ báo cáo kết quả.

Chỉ thị này có hiệu lực thực hiện sau 15 ngày kể từ ngày ký, các quy định đã ban hành trước đây trái với Chỉ thị này đều bãi bỏ.

Chỉ thị này cần được phổ biến rộng rãi trong toàn ngành, các bậc cha mẹ học sinh, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của ngành, động viên sự hưởng ứng của nhân dân và giáo giới để thực hiện có hiệu quả từ cơ sở. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, cần báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo để kịp thời giải quyết.

 

 

Nguyễn Minh Hiển

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 15/2000/CT-BGD&ĐT về các biện pháp cấp bách tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 15/2000/CT-BGD&ĐT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 17/05/2000
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Minh Hiển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/06/2000
  • Ngày hết hiệu lực: 02/03/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản