Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/1986-VKSND/CT | Hà Nội, ngày 10 tháng 06 năm 1986 |
VỀ VIỆC XỬ LÝ KỊP THỜI VÀ NGHIÊM CHỈNH NHỮNG VỤ PHẠM PHÁP
Vừa qua Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có chỉ thị số 133/CT ngày 23-5-1986, và Ban Bí thư có chỉ thị số 84/CT/TW ngày 29 tháng 5 năm 1986 về việc xử lý kịp thời và nghiêm minh những vụ phạm pháp.
Các chỉ thị trên đã biểu thị thái độ kiên quyết, ngăn chặn những tội phạm về kinh tế - xã hội đang phát triển nghiêm trọng và yêu cầu các ngành, các cấp không được can thiệp hoặc cản trở các cơ quan pháp luật khi xử lý các việc phạm pháp. Đồng thời cũng chỉ rõ những sai sót của các ngành pháp luật, và đòi hỏi các ngành này phải thực hiện đúng chức năng, chấp hành đúng pháp luật trong việc xử lý các vụ phạm pháp, nhằm tích cực góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, lập lại trật tự pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Các chỉ thị trên là một đòi hỏi của tình hình mới, và cũng là một thuận lợi mới đối với sự hoạt động của các ngành pháp luật. Vì vậy, Viện kiểm sát các cấp cần bám chắc vào các Chỉ thị trên, thực hiện ngay các việc sau đây:
1- Tổ chức nghiên cứu, quán triệt nội dung cơ bản của 2 chỉ thị này ở đơn vị mình, cấp mình, nhất là cần liên hệ với tình hình thực tế ở địa phương, rút ra những nguyên nhân về các mặt sai sót, tồn tại trong việc xử lý các việc phạm pháp.
Qua đó báo cáo và đề nghị cấp ủy chỉ đạo cho các ngành, các cấp trong địa phương kiểm điểm và thảo luận việc thực hiện tốt 2 chỉ thị của Trung ương, và tạo điều kiện cho các ngành pháp luật hoạt động đúng theo chức năng và pháp luật.
2- Khi thực hiện chỉ thị này cần kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện thông báo số 01-LN ngày 17-5-1986 của liên ngành Nội vụ, Kiểm sát, Tòa án, Tư pháp, Thanh tra Trung ương về việc thực hiện các Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Hội đồng Bộ trưởng về những biện pháp cấp bách nhằm thực hiện đúng đắn Nghị quyết 8 và Nghị quyết 9 của Trung ương.
3- Những vụ phạm pháp cần được xử lý là cả tội phạm và vi phạm pháp luật; trước hết là những vi phạm có tính phổ biến, kéo dài, gây tác hại sâu rộng trên nhiều lĩnh vực và tập trung vào những vụ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, chế độ quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa và những xâm phạm đến quyền dân chủ cơ bản của nhân dân (tính mạng, tài sản, danh dự và nhân phẩm).
4- Cần nắm vững nguyên tắc mọi hành vi phạm pháp xảy ra đều phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh đúng pháp luật, bất cứ kẻ đó là ai. Việc xử lý phải tuỳ theo tính chất mức độ phạm pháp mà vận dụng các hình thức hình sự, kỷ luật hành chính, phạt kinh tế, bắt bồi thường, bồi hoàn về dân sự, kiên quyết chống việc xử lý thiên vị, nhẹ trên, nặng dưới, hoặc chỉ xử lý những vụ nhỏ, nhưng bỏ qua các việc phạm pháp nghiêm trọng.
Đối với các vụ phạm pháp hình sự mà có sự can thiệp sai trái hoặc cản trở vào việc xử lý thì Viện kiểm sát phải làm hết trách nhiệm của mình, nếu không đạt kết quả thì phải kịp thời báo cáo lên Viện kiểm sát cấp trên để có sự chỉ đạo cần thiết. Vấn đề hết sức chú ý ở đây là khi kết luận việc phạm pháp, nhất thiết phải chính xác và đủ căn cứ nhằm bảo đảm cho việc xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
5- Vừa chú ý những vụ việc vừa bị tố giác qua đợt phát động quần chúng, đảng viên tham gia đợt phê bình theo chỉ thị 79 của Ban Bí thư, vừa rà soát lại tất cả những vụ phạm tội đã để lâu ngày chưa được xử lý ở các ngành - cấp, trước hết là những vụ nghiêm trọng, bị nhiều dư luận lên án; nắm rõ lý do bị ách tắc, rồi phân loại, lên danh sách, đưa ra bàn với các ngành hữu quan, có kế hoạch giải quyết cụ thể.
Viện kiểm sát cấp dưới phải gửi ngay lên Viện kiểm sát cấp trên danh sách án điểm đã được 3 ngành ở địa phương nhất trí vào giải quyết trong đợt này, và sau đó tiếp tục bổ sung. Chú ý nắm chắc nội dung và tiến trình các vụ án định đưa ra xét xử để bảo đảm thực hiện đúng kế hoạch.
Viện kiểm sát cấp trên phải quản lý chặt chẽ và thường xuyên, có sự tiếp tay, giúp đỡ cấp dưới giải quyết tốt số án này.
6- Trước mắt, cần phối hợp với Công an - Tòa án chọn ra một số vụ án nghiêm trọng, đang bị dư luận quần chúng lên án để sớm kết thúc điều tra, đưa ra truy tố, xét xử nhanh, xử công khai.
Cần phối hợp với cơ quan tuyên huấn để huy động lực lượng thông tin, tuyên truyền đại chúng (đài, báo…) để phục vụ cho việc xét xử các vụ án, kịp thời thông báo rộng rãi cho nhân dân, gây lòng tin của nhân dân đối với chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước và phát huy ý thức đấu tranh phòng ngừa tội phạm trong quần chúng. Trong những vụ xử lý hành chính, cũng cần chọn lọc một số để thông báo giáo dục chung.
7- Khi phát hiện việc phạm pháp phải truy tìm tận gốc, xử lý phải triệt để và nghiêm minh; nhưng nếu có những vụ việc thực sự bế tắc trong điều tra, không còn cách nào để khai thác thêm, thì không nên cầu toàn một cách máy móc, mà việc nào kết luận rõ đến đâu thì xử lý ngay đến đó, không để kéo dài hoặc “tạm tha” rồi bỏ lửng.
8- Để việc giữ gìn pháp chế được nghiêm minh phải phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi phạm pháp của cán bộ, các cơ quan pháp luật, trước hết là đối với cán bộ Công an, Kiểm sát, Tòa án phạm tội chức vụ trong hoạt động tư pháp như nhận hối lộ, tham ô, ăn cắp tang tài vật, cố ý xâm phạm thô bạo đến quyền dân chủ của công dân… Viện kiểm sát cần phối hợp với các ngành pháp luật để giải quyết tốt vấn đề này và về phần mình phải hết sức giữ nghiêm kỷ luật trong ngành.
* *
*
Các đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát tối cao cần có biện pháp chỉ đạo thực hiện chỉ thị này một cách cụ thể, sát hợp nhất là phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời phát hiện uốn nắn những sai sót, bê trễ trong việc thực hiện; giúp cấp dưới tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, để tạo được một chuyển biến mới trong việc thực hành quyền công tố, góp phần thực hiện tốt chỉ thị của Ban Bí thư và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
- 1Sắc lệnh số 257B/SL về việc ấn định thể lệ truy tố những vụ phạm pháp về thể lệ mậu dịch giữa vùng tự do và vùng bị địch tạm chiếm do Chủ tịch Chính phủ ban hành, để sửa đổi bổ sung điều 2 Sắc lệnh số 222-SL của chủ tịch Chính phủ ngày 20-8-1948
- 2Sắc lệnh số 109/SL về việc truy tố những vụ phạm pháp về thể lệ mậu dịch do Chủ tịch nước Việt nam Dân chủ cộng hoà ban hành, để sửa đổi điều 1 Sắc lệnh số 26/SL về việc truy tố những vụ phạm pháp về thể lệ mậu dịch
- 3Sắc lệnh số 122/SL về việc bổ khuyết Sắc lệnh số 26-4-1949 về việc truy tố những vụ phạm pháp về thể lệ mậu dịch do Chủ tịch nước Việt nam Dân chủ cộng hoà ban hành
- 4Bộ luật Hình sự 1985
- 5Chỉ thị 254-CT năm 1985 thi hành bộ luật hình sự do Hội đồng bộ trưởng ban hành
- 1Sắc lệnh số 257B/SL về việc ấn định thể lệ truy tố những vụ phạm pháp về thể lệ mậu dịch giữa vùng tự do và vùng bị địch tạm chiếm do Chủ tịch Chính phủ ban hành, để sửa đổi bổ sung điều 2 Sắc lệnh số 222-SL của chủ tịch Chính phủ ngày 20-8-1948
- 2Sắc lệnh số 109/SL về việc truy tố những vụ phạm pháp về thể lệ mậu dịch do Chủ tịch nước Việt nam Dân chủ cộng hoà ban hành, để sửa đổi điều 1 Sắc lệnh số 26/SL về việc truy tố những vụ phạm pháp về thể lệ mậu dịch
- 3Sắc lệnh số 122/SL về việc bổ khuyết Sắc lệnh số 26-4-1949 về việc truy tố những vụ phạm pháp về thể lệ mậu dịch do Chủ tịch nước Việt nam Dân chủ cộng hoà ban hành
- 4Bộ luật Hình sự 1985
- 5Chỉ thị 254-CT năm 1985 thi hành bộ luật hình sự do Hội đồng bộ trưởng ban hành
Chỉ thị 15/1986-VKSND/CT về xử lý kịp thời và nghiêm chỉnh những vụ phạm pháp do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- Số hiệu: 15-VKSND/CT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 10/06/1986
- Nơi ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Người ký: ***
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra