Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/CT-UBND

Yên Bái, ngày 18 tháng 10 năm 2018

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRÍCH NỘP KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã thực hiện việc trích nộp kinh phí công đoàn theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước chưa thực hiện nghiêm việc trích nộp kinh phí công đoàn theo quy định; một số chủ sử dụng lao động chưa nhận thức đúng về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi cho người lao động khi thực hiện đóng kinh phí công đoàn. Vì vậy, kết quả thu kinh phí công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước bình quân trong nhiệm kỳ chưa cao (doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn thu đạt 70%, doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn thu đạt 5%), tỷ lệ thất thu kinh phí công đoàn bình quân hàng năm là 30% so với dự toán.

Để thực hiện nghiêm Luật Công đoàn năm 2012; Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết về tài chính công đoàn, thể hiện trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, đoàn viên công đoàn các cấp trong việc xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Đối tượng và thời điểm đóng kinh phí công đoàn:

- Các cơ quan nhà nước (kể cả Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn); Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập có trách nhiệm trích nộp kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động. Nguồn đóng kinh phí công đoàn được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật về phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước.

- Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã được thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã không phân biệt đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm trích nộp kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động. Khoản đóng kinh phí công đoàn được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong kỳ.

- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam và các tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đóng trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm trích nộp kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động. Khoản đóng kinh phí công đoàn được sử dụng từ nguồn kinh phí hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật.

- Riêng đối với các tổ chức, doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp trả tiền lương theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh đóng kinh phí công đoàn theo tháng hoặc quý một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.

2. Mức đóng và phương thức đóng kinh phí công đoàn:

- Mức đóng: các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc các loại hình trên thực hiện mức đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

- Phương thức đóng: các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc đối tượng đóng kinh phí công đoàn có trách nhiệm đóng kinh phí công đoàn vào tài khoản tiền gửi của tổ chức công đoàn tại Kho bạc nhà nước, Ngân hàng.

3. Tổ chức thực hiện:

- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện trích nộp kinh phí công đoàn đảm bảo theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

- Kho bạc nhà nước các cấp có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện trích nộp kinh phí công đoàn của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước.

- Liên đoàn Lao động tỉnh, công đoàn cấp trên cơ sở hướng dẫn các đơn vị thực hiện trích nộp, quản lý và sử dụng kinh phí công đoàn theo quy định; chủ trì, phối hợp với cơ quan Tài chính, Thuế cùng cấp kiểm tra, thanh tra việc thực hiện đóng kinh phí công đoàn của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý vi phạm pháp luật về đóng kinh phí công đoàn.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, đơn vị của tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc yêu cầu phản ánh về Liên đoàn Lao động tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- LĐLĐ tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố;
- Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh;
- Các DN, HTX trên địa bàn tỉnh;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- Chánh văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Đỗ Đức Duy

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2018 về trích nộp kinh phí công đoàn do tỉnh Yên Bái ban hành

  • Số hiệu: 14/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 18/10/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái
  • Người ký: Đỗ Đức Duy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/10/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản
File đang được cập nhật