Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 14/CT-UBND

Phú Yên, ngày 23 tháng 8 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ SẢN XUẤT, TIÊU THỤ RAU ĐỂ ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thời gian qua, việc phát triển diện tích sản xuất rau, quả trên địa bàn Tỉnh đã góp phần cung cấp nguồn dinh dưỡng, thực phẩm xanh cần thiết cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, tình trạng ngộ độc thực phẩm do nhiễm các vi sinh vật, kim loại nặng, dư lượng nitrat (NO3), thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp, gây bức xúc, lo ngại cho người tiêu dùng.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do người sản xuất chưa thực hiện tốt quy định trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức và kiến thức của người dân về sản xuất rau an toàn còn hạn chế; công tác tổ chức sản xuất, tiêu thụ rau an toàn còn nhiều mặt yếu kém…

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 2415/CT-BNN-BVTV, ngày 22/7/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường quản lý sản xuất, tiêu thụ rau để đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn Tỉnh, nhằm khắc phục những tồn tại nêu trên và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn trong sản xuất rau an toàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Tổ chức thực hiện rà soát, duy trì, phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tăng cường thực hiện các biện pháp sản xuất rau an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP); hướng dẫn tổ chức sản xuất rau an toàn theo hướng tập trung, gắn kết giữa doanh nghiệp với người nông dân và người tiêu thụ sản phẩm, trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.

b) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn: Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Trung tâm Giống và Kỹ thuật Cây trồng: Tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương trong Tỉnh về quy trình sản xuất rau an toàn, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về các quy định của pháp luật an toàn thực phẩm, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, tiêu thụ rau…, đảm bảo an toàn thực phẩm; tiếp tục hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất ra an toàn theo VietGAP, rau hữu cơ…

c) Chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh: Hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các vùng sản xuất rau tập trung, nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên các loại rau; phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây rau; xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định hiện hành.

d) Chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản - thủy sản chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan và các địa phương tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật an toàn thực phẩm; nêu cao ý thức tự giác và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm. Trong đó, ưu tiên kiểm tra, giám sát điều kiện sản xuất và an toàn thực phẩm đối với nhóm rau đậu thực phẩm; phối hợp kiểm tra giám sát điều kiện sản xuất, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn Tỉnh.

2. Các sở, ban, ngành liên quan:

a) Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng của địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về sản xuất, tiêu thụ rau bảo đảm an toàn thực phẩm.

b) Các sở, ban, ngành liên quan, theo chức năng nhiệm vụ được giao: Tham gia, phối hợp thực hiện các nội dung nhằm tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, thực hiện liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau an toàn; gắn kết lợi ích giữa các doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, tiêu thụ rau an toàn.

c) Khuyến khích Siêu thị CoopMart Tuy Hòa, các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất đông người tham gia hưởng ứng và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn đã được chứng nhận; nâng cao mức sản xuất, tiêu thụ rau tại xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa, đã được công nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn.

3. UBND các huyện, thị xã và thành phố:

a) Tạo điều kiện và phối hợp với các ban, ngành chức năng trong việc nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật an toàn thực phẩm, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm; trong việc kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm về buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại địa bàn quản lý.

b) Nghiên cứu, vận dụng và triển khai thực hiện các nội dung nêu tại Quyết định số 1935/QĐ-UBND, ngày 22/11/2011 của UBND tỉnh Phú Yên về việc phê duyệt Quy hoạch các vùng sản xuất rau an toàn tập trung trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2009-2015, định hướng đến năm 2020, như xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn; gắn với các quy hoạch, kế hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương.

c) Tiếp tục xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất rau an toàn đạt hiệu quả; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để sơ chế, tiêu thụ rau bảo đảm an toàn thực phẩm.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố thực hiện tốt các nội dung của Chỉ thị này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Đình Cự

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2013 về tăng cường quản lý sản xuất, tiêu thụ rau đảm bảo an toàn thực phẩm tỉnh Phú Yên

  • Số hiệu: 14/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 23/08/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Phạm Đình Cự
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản