Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/CT-UBND

Bình Thuận, ngày 30 tháng 6 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 01-KL/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ VIỆC TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 48-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT ĐẾN NĂM 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

Để triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nội dung chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Công văn số 218-CV/TU ngày 13/5/2016 về việc triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. Bằng hình thức phù hợp tiếp tục quán triệt, phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị, địa phương về chủ trương, đường lối của Đảng trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị về tham mưu xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; gắn công tác tổ chức thi hành pháp luật với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cơ quan, đơn vị.

2. Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp. Đảm bảo việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; đề xuất xây dựng văn bản phải theo sự phân công của cấp trên và tình hình thực tế địa phương, tránh việc xây dựng, ban hành văn bản theo thành tích; cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ soạn thảo, thẩm định văn bản; bố trí cán bộ, công chức có năng lực, chuyên môn làm công tác xây dựng, thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND; phát huy sự tham gia của nhân dân, các chuyên gia, tổ chức phản biện xã hội trong công tác xây dựng văn bản...

Đồng thời, tăng cường công tác tự kiểm tra, thường xuyên rà soát văn bản quy phạm pháp luật và văn bản có nội dung chứa quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan, đơn vị. Kịp thời kiến nghị, tham mưu xử lý các văn bản có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật của cấp trên và tình hình kinh tế - xã hội địa phương.

Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBNDcác huyện, thị xã, thành phố phải bố trí biên chế, kinh phí và các điều kiện bảo đảm khác phục vụ tốt công tác soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định của pháp luật.

3. Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành pháp luật, đây là nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn, lĩnh vực quản lý. Kịp thời tham mưu UBND cùng cấp ban hành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật của cấp trên để kịp thời tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương. Tổ chức hội nghị tập huấn để quán triệt, phổ biến nội dung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm trang bị tốt kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ về thi hành pháp luật.

4. Đề cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động thanh tra công chức, công vụ. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 15/8/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Thông báo số 15-TB/TU ngày 14/01/2016 của Tỉnh ủy tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015; Kế hoạch số 06-KH/TU ngày 17/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

5. Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh theo Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025; các chương trình, kế hoạch về trọng tâm công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.

6. Thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Kết luận số 92-LK/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kế hoạch số 38-KH/CCTP ngày 15/8/2014 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương về đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp, Kế hoạch số 07-KH/TU ngày 07/4/2016 về trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2016, trong đó cần chú trọng công tác tuyên truyền để người dân hiểu đúng và nhận thức rõ lợi ích của việc xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp.

Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tốt chỉ thị này. Quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hai

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2016 thực hiện Kết luận 01-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành

  • Số hiệu: 13/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 30/06/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Hai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/06/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản