Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 129/TTg | Hà Nội, ngày 06 tháng 3 năm 1996 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC XỬ LÝ CÁC VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Sau khi xem xét kháng nghị số 1801/KSTTPL ngày 10 tháng 11 năm 1995 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về việc thi hành pháp luật về quản lý đất đai tại thành phố Hồ Chí Minh.
Để khắc phục và xử lý cụ thể các vi phạm về quản lý đất đai trong thời gian qua, từng bước đưa việc quản lý đất đai vào nề nếp, đúng pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, các Bộ, ngành có liên quan thực hiện ngay các công việc sau đây:
1. Giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng thành lập đoàn công tác của Chính phủ để giúp Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thẩm định việc xử lý cụ thể các vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai tại thành phố theo Chỉ thị số 77/CT ngày 9 tháng 3 năm 1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) và kháng nghị số 1801/KSTTPL ngày 10 tháng 11 năm 1995 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Nhà nước, Tổng cục Địa chính có trách nhiệm cử cán bộ tham gia đoàn công tác của Chính phủ.
Hướng xử lý cụ thể các vi phạm như sau:
a. Trên cơ sở Quyết định số 20/TTg ngày 16 tháng 1 năm 1993 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng thể quy hoạch mặt bằng xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010, Uỷ ban nhân dân thành phố trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm để làm cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật đất đai.
b. Việc Uỷ ban nhân dân thành phố phân cấp đất cho Uỷ ban nhân dân quận, huyện, các Sở duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật của một số dự án nhỏ, các dự án của các Công ty trách nhiệm hữu hạn để làm cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất trái với Nghị định số 385/HĐBT, ngày 07 tháng 11 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng được xử lý như sau:
- Rà soát lại toàn bộ hồ sơ giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức trong nước mà luận chứng kinh tế kỹ thuật do Chủ tịch Uỷ ban nhân các quận, huyện, giám đốc các sở chuyên ngành có liên quan phê duyệt, nếu các dự án phát triển khai thác với luận chứng kinh tế kỹ thuật đã được phê duyệt thì phải đình chỉ và làm lại luận chứng kinh tế kỹ thuật phê duyệt theo thẩm quyền, các dự án triển khai đúng với luận chứng kinh tế kỹ thuật thì được chấp nhận.
- Việc phân cấp trên phải được coi như sự uỷ quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố đáp ứng tình hình thực tế về phát triển kinh tế của thành phố. Chủ tịch các quận, huyện, giám đốc các Sở chuyên ngành phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố về nhiệm vụ được uỷ quyền.
c. Ngoài các trường hợp giao đất vượt thẩm quyền mà Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị, Uỷ ban nhân dân thành phố tổ chức rà soát, kiểm tra để phát hiện các trường hợp giao đất vượt thẩm quyền. Các trường hợp trên nếu xét thấy phù hợp với quy hoạch và chính sách hiện hành thì làm lại thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
d. Do yêu cầu bức xúc của thành phố trước đây, Uỷ ban nhân dân thành phố đã giao đất cho các Ban quản lý công trình của quận, huyện làm chủ đầu tư, nay Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét, chỉ đạo cụ thể từng Ban quản lý công trình thực hiện đúng chức năng được giao. Từ nay trở đi thống nhất giao cho các chủ dự án có chức năng thực hiện theo quy định hiện hành.
e. Trường hợp các tổ chức, doanh nghiệp chuyển nhượng cơ sở nhà và đất cho nhau mà Uỷ ban nhân dân thành phố đã có quyết định hợp thức hoá hoặc chấp thuận thì xử lý như sau:
Ngoài phần tài sản đã được định giá theo quy định hiện hành, phải xác định rõ nguồn gốc đất, xác định giá trị quyền sử dụng đất (sau khi đã trừ đi phần giá trị mà đơn vị đã đầu tư tôn tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng...) tiền sử dụng đất đó nếu được đầu tư vào sản xuất, kinh doanh thì được công nhận và ghi vào vốn tài sản của đơn vị, nếu đơn vị sử dụng không hợp lý và không hợp pháp, thì phải thu hồi nộp Ngân sách Nhà nước.
g. Đối với đất đầu tư liên doanh với nước ngoài:
Kiểm tra lại toàn bộ các dự án có vốn đầu tư của nước ngoài trên địa bàn thành phố (dự án 100% vốn nước ngoài, dự án liên doanh, dự án hợp tác kinh doanh) và giao cho các chủ dự án phải làm thủ tục thuê đất theo luật định, nộp đầy đủ tiền thuê đất vào ngân sách Nhà nước, hoặc ghi nợ theo quy định của Bộ Tài chính.
Phân công cụ thể quản lý giữa các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Địa chính, Cục thuế thành phố, theo dõi việc tính và thu tiền đất, ghi nợ tiền thuê đất của các dự án đầu tư, quy định sự phối hợp giữa các đơn vị trên trong việc quản lý và thu tiền thuê đất. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thực hiện nộp tiền thuê đất của các tổ chức này.
h. Về việc quản lý đất quốc phòng trên địa bàn thành phố, giao Uỷ ban nhân dân thành phố làm việc cụ thể với Bộ Quốc phòng thống kê lại đầy đủ, hồ sơ tài liệu, diện tích đất do các đơn vị quốc phòng đang quản lý và sử dụng trên địa bàn, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, bảo đảm chiến lược quốc phòng và an ninh quốc gia, đồng thời phù hợp với quy hoạch xây dựng phát triển thành phố hiện đại; Bộ Quốc phòng và Uỷ ban nhân dân thành phố sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đất quốc phòng trên địa bàn thành phố và phương án giải quyết đất làm nhà ở cho gia đình quân nhân và nhân viên quốc phòng theo quy hoạch.
- Bộ Quốc phòng cho kiểm tra toàn bộ đất quốc phòng đã chuyển mục đích sử dụng trên địa bàn thành phố, quyết toán số tiền thu được từ việc chuyển quyền sử dụng đất trên như kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Kiểm tra về tiêu chuẩn, diện tích đất đã giao cho cán bộ, chiến sĩ làm nhà ở bảo đảm đúng tiêu chuẩn quy định hiện hành và công bằng; từ nay chấm dứt tình trạng các đơn vị tự giao đất quốc phòng làm nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ.
i. Hiện nay đất kho tàng, bến bãi trên địa bàn thành phố do nhiều tổ chức, đơn vị quản lý từ nhiều nguồn gốc khác nhau, Uỷ ban nhân dân thành phố tổ chức kiểm tra, thống kê, nắm chắc diện tích đất kho tàng, bến bãi của các tổ chức, đơn vị hiện đang sử dụng (cả Trung ương và địa phương) và cần được quy hoạch hợp lý phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của thành phố. Diện tích kho tàng, bến bãi sử dụng lãng phí, cho thuê bất hợp pháp thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố phải ra quyết định thu hồi và bố trí lại hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
k. Uỷ ban nhân dân thành phố tổ chức kiểm tra các trường hợp do Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định miễn, giảm tiền đền bù thiệt hại đất mà không phù hợp với Quyết định 186/CT ngày 31 tháng 5 năm 1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Quyết định miễn, giảm, đền bù thiệt hại đất nào xuất phát từ tình hình thực tế, phù hợp với các quy định hiện nay trong Nghị định 89/CP ngày 17 tháng 8 năm 1994 của Chính phủ thì được chấp nhận, nếu quyết định miễn, giảm nào không đúng thì phải huỷ bỏ và truy thu tiền sử dụng đất nộp Ngân sách Nhà nước.
l. Việc thu chi các khoản lệ phí cấp đất, giao đất, cấp phép xây dựng được xử lý như sau:
- Uỷ ban nhân dân thành phố cần trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính để thống nhất quản lý thu chi, không trái với các quy định hiện hành nhằm hỗ trợ một phần kinh phí sự nghiệp của Nhà nước giúp cho việc xử lý nghiệp vụ cấp đất, cấp phép xây dựng được nhanh chóng, chặt chẽ.
- Kiểm tra việc sử dụng các lệ phí trên ở Sở Địa chính, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố, nếu sử dụng một phần khoản thu tiền để cải tạo cơ sở làm việc, mua sắm trang thiết bị cần thiết để làm việc thì được coi như nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư và được ghi vào vốn tài sản của đơn vị, nếu thấy sử dụng lãng phí, tiêu cực thì phải kiên quyết thu hồi nộp ngân sách Nhà nước. Mọi khoản chi tiêu ngân sách đều phải thực hiện đầy đủ thủ tục tài chính theo quy định hiện hành.
m. Kiểm tra và thực hiện nghiêm chỉnh việc nộp lệ phí trước bạ theo quy định hiện hành tại thời điểm thu.
n. Kiểm tra và thu đầy đủ tiền sử dụng đất nộp ngân sách Nhà nước trong các trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất, các trường hợp cụ thể được xem xét chậm nộp tiền sử dụng đất do Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định, các trường hợp đặc thù thì được Uỷ ban nhân dân thành phố báo cáo trình Thủ tướng quyết định.
o. Kiểm tra làm rõ việc thu, chi, ghi tăng vốn tài sản và quyết toán tiền thu về việc hoá giá nhà, việc bán tài sản vắng chủ, tiền bán nhà xưởng và tài sản cố định của Nhà nước của các Sở như kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
p. Việc thành lập quỹ ngoại tệ của thành phố từ năm 1982 là không đúng quy định của Nhà nước cần phải được huỷ bỏ. Uỷ ban nhân dân thành phố cần phải giải trình rõ mục đích thành lập, kết quả thu, chi từ quỹ ngoại tệ này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
q. Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh làm thủ tục huỷ bỏ các quyết định của Uỷ ban nhân dân thành phố và quận, huyện trái với Luật Đất đai năm 1993 và pháp luật hiện hành, ban hành đồng bộ và kịp thời các quy định để hướng dẫn cụ thể việc thi hành các Nghị định về đất đai của Chính phủ trên địa bàn thành phố theo thẩm quyền. Những vấn đề còn tồn tại vướng mắc thì Uỷ ban nhân dân thành phố làm việc cụ thể với các ngành có liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Trong quý 2 năm 1996, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phải kiểm điểm xong trách nhiệm cá nhân cán bộ lãnh đạo chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm pháp luật về đất đai, đề xuất hình thức và biện pháp xử lý để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Uỷ ban nhân dân thành phố phải chỉ đạo các Sở, Ban ngành chức năng và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện kiểm điểm và có biện pháp xử lý các cá nhân vi phạm theo thẩm quyền.
3. Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Nhà nước, Tổng cục địa chính và Đoàn công tác của Chính phủ thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7 năm 1996.
4. Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giao cho các cơ quan có trách nhiệm của thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Đất đai trên các địa bàn còn lại, có biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm nhằm khẩn trương lập lại trật tự, kỷ cương trong việc quản lý và sử dụng đất theo pháp luật và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
| Trần Đức Lương (Đã ký) |
- 1Nghị định 385-HĐBT năm 1990 sửa đổi thay thế Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản kèm theo Nghị định 232-CP năm 1981
- 2Luật Đất đai 1993
- 3Quyết định 20-TTg năm 1993 phê duyệt quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố Hồ Chí Minh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Nghị định 89-CP năm 1994 về việc thu tiền sử dụng đất và lệ phí địa chính
Chỉ thị 129/TTg năm 1996 về việc xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý đất đai tại thành phố Hồ Chí Minh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 129/TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 06/03/1996
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Trần Đức Lương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra