Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-UBND

Cao Bằng, ngày 31 tháng 7 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE TRẺ EM NHẰM GIẢM TỬ VONG TRẺ EM DƯỚI 05 TUỔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG

Theo số liệu thống kê năm 2023 về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, tỉnh Cao Bằng đã đạt được một số thành quả nhất định[1]: tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi[2] là 12,6‰ (năm 2022: 15,5‰); tỷ suất tử vong trẻ em dưới 05 tuổi[3] là 15‰ (năm 2022: 19,5‰); tỷ suất tử vong sơ sinh[4] là 6,8‰ ((năm 2022: 6,1‰). Các tỷ suất tử vong có chiều hướng giảm, nhưng không ổn định qua các năm do còn nhiều tồn tại[5] tác động trực tiếp đến tình trạng tử vong trẻ em dưới 5 tuổi.

Để triển khai thực hiện đạt hiệu quả công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 05 tuổi; thực hiện Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 26/6/2024 của Bộ Y tế[6] (gửi kèm theo trên VNPT iOffice), Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh yêu cầu các Sở, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, ban hành[7] nhằm từng bước thực hiện thành công Chương trình can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030 theo Quyết định 1493/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tập trung thực hiện các nội dung sau:

1. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh và UBND các huyện, thành phố tăng cường triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe trẻ em nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc có chuyên ngành sản, nhi củng cố, nâng cao năng lực xử trí cấp cứu và hồi sức sơ sinh; thực hiện rộng rãi các can thiệp chuyên môn về Chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ thường/mổ đẻ, chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

- Triển khai hiệu quả các hoạt động chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời[8]; áp dụng rộng rãi Quyết định số 4976/QĐ-BYT ngày 30/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng đối với phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7 tháng đến 60 tháng tuổi.

- Phối hợp với các Sở, Ban ngành liên quan đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp giảm Tử vong trẻ em do dịch bệnh, đuối nước, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, thiên tai.

- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản.

- Tăng cường công tác truyền thông, đa dạng các hình thức và phương tiện truyền thông phù hợp, hiệu quả tại địa phương về chăm sóc sức khỏe trẻ em.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, kết nối các nền tảng cơ sở dữ liệu về sức khỏe để quản lý sức khỏe trẻ em.

- Kiểm tra, giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, ngoài công lập trên địa bàn trong việc thực hiện các giải pháp, các can thiệp chuyên môn về chăm sóc, cấp cứu sơ sinh, chăm sóc sức khỏe trẻ em.

- Là đầu mối tổ chức thực hiện, sơ kết, tổng kết, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị.

2. Sở Tài chính: phối hợp với Sở Y tế, tham mưu UBND tỉnh căn cứ khả năng ngân sách địa phương bố trí kinh phí để thực hiện Chương trình can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030, các hoạt động tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ em nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh cân đối và phân bổ nguồn lực cho Chương trình can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030, đồng thời đưa Chương trình vào danh mục các dự án ưu tiên để huy động các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác phù hợp với quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 và khả năng cân đối vốn của tỉnh.

4. Ban Dân tộc tỉnh: chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tổ chức triển khai truyền thông và các can thiệp cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong phạm vi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Phối hợp với Sở Y tế triển khai thực hiện Chỉ thị theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ quyền của trẻ em; rà soát các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đảm bảo thực hiện quyền của trẻ em.

- Hằng năm lồng ghép nội dung tuyên truyền giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi vào chương trình Tháng hành động vì trẻ em trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Thông tin và Truyền thông: phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ngành liên quan chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống truyền thông cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đa dạng hóa các loại hình truyền thông, xây dựng các phóng sự chuyên đề hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về phương pháp chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi, truyền tải các nội dung thông điệp truyền thông về giảm tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cao Bằng, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội: phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trong chăm sóc sức khỏe, chú trọng đối tượng bà mẹ mang thai, bà mẹ có con nhỏ, tập trung vào các nội dung như làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi.

8. UBND các huyện, thành phố: căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với ngành Y tế triển khai, thực hiện các nội dung Chương trình can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030; các hoạt động tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ em nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi.

Căn cứ nội dung của Chỉ thị, các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện; định kỳ hằng năm, trước ngày 10 tháng 12, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Y tế để tổng hợp); giao Sở Y tế theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, tổng hợp tình hình, báo cáo Bộ Y tế và UBND tỉnh theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ban Thường trực UBMTTQ VN tỉnh;
- Các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh;
- Các Sở, ngành: Y tế, Tài chính, KH&ĐT, LĐ-TB&XH, TTTT; Ban Dân tộc tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- VP UBND tỉnh: LĐVP; CVVX;
- Lưu: VT, VX(TT).

CHỦ TỊCH




Hoàng Xuân Ánh

 



[1] Chăm sóc trước - trong và sau sinh: 85,7 % phụ nữ đẻ được quản lý thai; 80,4% khám thai ≥ 4 lần, trong 3 thời kỳ; 85,5% phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của nhân viên y tế; 67,1% được chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh sau đẻ; 86,0% phụ nữ đẻ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tuần đầu sau sinh tại nhà.

[2] Số trẻ em dưới 1 tuổi tử vong/1.000 trẻ sinh ra sống.

[3] Số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1.000 trẻ sinh ra sống.

[4] Số trẻ sơ sinh tử vong/1.000 trẻ sinh ra sống.

[5] Tồn tại: Thiếu nhân lực chuyên ngành sản, nhi; Một số địa phương có tình trạng phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên tăng, khoảng cách sinh giữa 02 con dày; phụ nữ đẻ trong độ tuổi vị thành niên (Theo số liệu thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật, năm 2022: 9,9%, năm 2023: 10,2%); Chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan chưa triển khai đồng bộ; kinh phí huy động từ các tổ chức, dự án nước ngoài không ổn định và chưa thường xuyên.

[6] Về tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ em nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 05 tuổi.

[7] Kế hoạch UBND tỉnh: số 130/KH-UBND ngày 14/4/2022 thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2022-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; số 2162/KH-UBND ngày 19/8/2022 thực hiện nội dung “Cải thiện dinh dưỡng” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; số 2015/KH-UBND ngày 08/8/2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; số 614/KH-UBND ngày 17/3/2022 chăm sóc sức khỏe sinh sản, tập trung vào chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2022-2025.

[8] Các hoạt động chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời (từ khi mang thai cho đến trẻ tròn 24 tháng tuổi): quản lý thai sớm, khám thai ít nhất 4 lần/thai kỳ; tầm soát trước sinh; tầm soát sơ sinh; sinh con tại cơ sở y tế; làm mẹ an toàn; nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi trong đó có sử dụng rộng rãi, hiệu quả Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em phiên bản giấy và phiên bản điện tử - là công cụ theo dõi liên tục và quản lý sức khỏe trẻ em; tăng tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ trong độ tuổi.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2024 tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ em nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 05 tuổi trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

  • Số hiệu: 12/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 31/07/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cao Bằng
  • Người ký: Hoàng Xuân Ánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/07/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản